Vừa được thành lập và đi vào hoạt động theo Quyết định 6012 ngày 30/7/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, năm học 2020 - 2021 là năm học đầu tiên mà các em học sinh cấp III ở 2 xã vùng sâu Đạ Chais và Đạ Nhim không phải đi hàng chục cây số để đến trường học như trước đây.
Trong chuyến hành trình đến với Trường THCS và THPT Đạ Nhim trong những ngày đầu năm học mới, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, phấn khởi hiện hữu trên từng khuôn mặt của mỗi thầy cô giáo, các em học sinh khi được giảng dạy, học tập trong ngôi trường mới khang trang, rộng rãi và sạch đẹp.
Một góc điểm Trường THCS và THPT Đạ Nhim
Là huyện miền núi của tỉnh Lâm Đồng, Lạc Dương có 6 xã, thị trấn nằm chia cách, rải rác cách trung tâm huyện từ 30 đến 60 km với số lượng hộ nghèo, cận nghèo còn chiếm tỷ lệ khá cao. Địa bàn sinh sống của người dân phân tán, cách xa nhau, lại bị núi đồi, khe suối chia cắt, phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số, có đời sống kinh tế gia đình hết sức khó khăn, việc học hành cũng không được cha mẹ quan tâm thấu đáo; những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy học, công tác nâng cao chất lượng giáo dục. Trước đây, huyện có 2 trường THPT, trong đó 1 trường đặt tại trung tâm huyện đáp ứng nhu cầu học tập cho con em 3 xã Lát, Đưng K’Nớ và thị trấn Lạc Dương; 1 trường đặt tại xã Đạ Sar, dành cho học sinh 3 xã vùng xa Đạ Sar, Đạ Nhim và Đạ Chais. Tuy nhiên tuyến đường từ Đạ Chais đến Đạ Sar dài hơn 35km, để đến trường học, các em phải đi hết gần 1 giờ đồng hồ, vào mùa mưa hay mùa đông, trời sương mù lạnh giá, việc đi lại rất khó khăn, vất vả. Trước thực trạng đó, Nhân dân trên địa bàn 3 xã vùng xa có nhu cầu xây dựng thêm 1 cụm trường cấp II, III đặt tại xã Đạ Nhim để rút ngắn khoảng cách cho học sinh đi lại và các phụ huynh cũng đỡ vất vả hơn trong việc đưa con em đến trường. Sau nhiều năm đề đạt nguyện vọng với chính quyền các cấp và kiến nghị trong các hội nghị tiếp xúc cử tri, niềm mong ước về một ngôi trường cấp III có đầy đủ điều kiện cơ sở vật chất của thầy trò và người dân nơi đây giờ đã thành hiện thực. Sau gần 3 năm khởi công xây dựng, điểm trường cấp III tại xã Đạ Nhim đã hoàn thiện đưa vào sử dụng. Trường THCS và THPT Đạ Nhim đi vào hoạt động không chỉ tiếp thêm niềm tin phấn đấu học tập cho con em học sinh vùng miền núi, đồng bào dân tộc trên hành trình kiếm tìm con chữ, mà còn tiếp thêm động lực cho những thầy cô giáo thêm yêu nghề, cố gắng vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.
Tập thể cán bộ, giáo viên Trường THCS và THPT Đạ Nhim
Điểm trường Trường THCS và THPT Đạ Nhim được xây dựng trên tổng diện tích hơn 17.000 m2 với tổng vốn đầu tư trên 29 tỷ đồng từ vốn ngân sách tỉnh. Công trình được khởi công từ năm 2017 và hoàn thành vào giữa năm 2020, khuôn viên nằm ngay khu dân cư mới xã Đạ Nhim, cách Quốc lộ 27C gần 01 km, rất an toàn cho học sinh. Trường có 2 dãy nhà 3 tầng nối liền gồm 12 phòng học chính, 3 phòng học bộ môn, phòng thư viện, phòng chờ dành cho giáo viên và các công trình phụ; ngoài ra, trường có sân chơi, sân thể dục phía trước phục vụ cho học sinh vui chơi, thể dục - thể thao, ngoại khóa…, dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng khu nhà ăn bán trú, nhà công vụ cho giáo viên. Đối với điểm trường chính là Trường THCS Đạ Nhim trước đây nằm ngay cạnh đường Quốc lộ 27C, hiện có 12 phòng học, 6 phòng bộ môn, 4 phòng chức năng, 5 phòng làm việc, 6 phòng công vụ, tọa lạc trên quả đồi rộng hơn 12.000 m2. Tại cả 2 điểm trường đều được đầu tư trang thiết bị đầy đủ, cơ sở vật chất đảm bảo cho học sinh học 2 buổi/ngày; lớp học được trang bị bàn ghế đúng quy cách, mỗi lớp đều có màn hình Led để phục vụ công tác giảng dạy, học tập của giáo viên và học sinh, không gian lớp học thoáng mát, đủ ánh sáng và được trang trí phù hợp, tạo hứng thú cho học sinh đến trường. Năm học đầu tiên đi vào hoạt động, Trường THCS và THPT Đạ Nhim có 451 học sinh/18 lớp; trong đó khối THCS có 311 học sinh/ 12 lớp, khối THPT có 140 học sinh/6 lớp. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên có 40 người, gồm 3 cán bộ quản lý, 5 nhân viên và 32 giáo viên đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Những ngày đầu thành lập đi vào hoạt động, mặc dù còn có nhiều bộn bề, khó khăn nhưng Ban Giám hiệu nhà trường đã nỗ lực, triển khai sắp xếp ổn định về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ để đi vào hoạt động ổn định, nền nếp.
Toàn cảnh điểm trường THCS và THPT Đạ Nhim
Dẫu phía trước còn rất nhiều khó khăn, thử thách, nhưng mỗi thầy cô giáo nơi đây vẫn luôn tràn ngập niềm tin. Ngôi trường mới, lớp học mới sẽ góp phần tạo dựng nên một diện mạo mới cho giáo dục vùng khó, tiếp thêm động lực để thầy cô giáo, học sinh bám lớp, bám trường, nỗ lực thi đua nâng cao chất lượng giáo dục; còn về phía người dân địa phương thì không khỏi tự hào khi ngôi trường sẽ là mái ấm nuôi dưỡng ý chí, khát vọng vươn lên của lớp lớp thế hệ con em học sinh.
Nguyễn Hiền