NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Lạc Dương trải chiếu hoa mời gọi các Nhà Đầu tư! In trang
09/07/2020 11:15 SA

Lạc Dương nằm trên cao nguyên Lâm Viên, là một huyện miền núi thuộc tỉnh Lâm Đồng có thổ nhưỡng và khí hậu thuận lợi cho việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao như trồng rau thủy canh, dâu, hoa, cây dược liệu, chăn nuôi đại gia súc, nuôi cá nước lạnh…

Đỉnh Lang Biang phủ sương mù
Đỉnh Lang Biang phủ sương mù

Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, với nhiều địa danh nổi tiếng như núi Lang Biang huyền thoại; Vườn Quốc gia Bi doup - Núi Bà, nơi có đỉnh Bi doup được mệnh danh “Nóc nhà Tây Nguyên” với độ cao 2.287m; Khu dự trữ sinh quyển LangBian- Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam được công nhận năm 2015; Khu du lịch quốc gia Đan Kia - Suối Vàng được Chính phủ phê duyệt đầu tư, khai thác… Đặc biệt, với độ che phủ rừng 85%, hệ thống sông, hồ, thác nước đa dạng, huyện Lạc Dương có rất nhiều lợi thế về phát triển du lịch từ những khu rừng đầu nguồn, vườn quốc gia, rừng bảo tồn thiên nhiên bởi cảnh quan đẹp, môi trường thiên nhiên trong lành và nguồn động thực vật đa dạng, nhiều cá thể quý hiếm, sinh vật cảnh dồi dào. Những tiềm năng về du lịch của Lạc Dương là điều kiện lý tưởng, rất thích hợp để phát triển Du lịch Sinh thái - Giáo dục môi trường rừng, nghỉ dưỡng và canh nông.

Đường đi đến thác Thiên Thai rợp bóng cây trong vườn quốc gia
Đường đi đến thác Thiên Thai rợp bóng cây trong vườn quốc gia

Lạc Dương còn là vùng đất đa văn hóa, giàu bản sắc với nhiều sản vật, sản phẩm văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa được lưu giữ và tiếp biến qua rất nhiều thế hệ trong cộng đồng người Kơ Ho - Cil, Lạch, thông qua hệ thống các lễ hội dân gian, các ngành nghề thủ công truyền thống như văn hóa cồng chiêng, làm rượu cần, đan lát, dệt thổ cẩm…

Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương (thứ 2 từ phải sang) và các Doanh nhân đến thăm Làng Cù Lần
Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương (thứ 2 từ phải sang) và các Doanh nhân đến thăm Làng Cù Lần

Làng Cù Lần huyền bí và thơ mộng như trong truyện cổ tích
Làng Cù Lần huyền bí và thơ mộng như trong truyện cổ tích

Ngoài lợi thế và tiềm năng sẵn có, cùng với việc mở rộng kết nối, giao thương với nhiều địa phương khác, Lạc Dương đã được các doanh nghiệp trong và ngoài nước hợp tác đầu tư trên nhiều lĩnh vực: Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là khai thác phát triển du lịch. Trong tổng số 69 dự án đăng ký đầu tư vào Lạc Dương với 38 dự án được cấp giấy phép thì có trên 10 dự án phát triển du lịch, dịch vụ đang được triển khai với số vốn đăng ký 1.305,153 tỷ đồng; Riêng dự án KDL quốc gia Đan Kia - Suối Vàng có tổng số vốn lên tới 1,5 tỷ USD đang hoàn tất thủ tục để triển khai.

Làng Cù Lần
Làng Cù Lần

Trên địa bàn huyện hiện có nhiều loại hình du lịch được khai thác hiệu quả như: Du lịch sinh thái dưới tán rừng, du lịch dã ngoại, nghỉ dưỡng, du lịch canh nông gắn với tham quan, trải nghiệm các làng nghề truyền thống, khám phá văn hóa các tộc người DTTS bản địa; gần đây, xuất hiện thêm một số “thương hiệu” mới như cà phê Arabia LangBiang, Coffee K’Ho, Làng hoa hồng…đã hấp dẫn đông đảo khách du lịch.

Thác Ông K’long hoang sơ chảy róc rách ngay bên đường
Thác Ông K’long hoang sơ chảy róc rách ngay bên đường

Hiện tại, trên địa bàn huyện Lạc Dương có 5 khu du lịch lớn là khu du lịch Lang Biang, khu du lịch Thung Lũng Vàng, khu du lịch Làng Cù Lần và Trung tâm Du lịch sinh thái và giáo dục môi trường thuộc Vườn Quốc gia Bidoup -Núi Bà. Lượng khách du lịch đến Lạc Dương những năm gần đây liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước…

Người dân K’Ho gắn liền với truyền thuyết về vị Thần nước ngự tại thác Thiên Thai
Người dân K’Ho gắn liền với truyền thuyết về vị Thần nước ngự tại thác Thiên Thai

Với ưu thế về khí hậu, không gian kiến trúc độc đáo và hài hòa với cảnh quan đã tạo điều kiện cho hai chức năng nghỉ dưỡng và du lịch của Đà Lạt - Lạc Dương gắn bó mật thiết và hỗ trợ cho nhau. Sự phát triển về du lịch của Đà Lạt - Lạc Dương trong tương lai sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển du lịch của cả nước nói chung, của vùng du lịch Nam Trung Bộ nói riêng, xứng đáng với vai trò là một trong những trung tâm du lịch lớn của Việt Nam hiện nay.

Trước tiềm năng phát triển mạnh mẽ của Lạc Dương - Một Đà Lạt thu nhỏ, Môi trường Đô thị đã có cuộc trò chuyện cùng ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương để hiểu thêm về việc phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, văn hóa, nông nghiệp, con người và việc thu hút vốn đầu tư vào mảnh đất này:

Xin ông cho biết định hướng phát triển du lịch trong khoảng 5-10 năm của Lạc Dương?

Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương: Huyện Lạc Dương có vị trị địa lý thuận lợi, nằm ngay vùng phụ cận của thành phố Đà Lạt, nơi có độ cao 1500m-2200m so với mặt nước biển, khí hậu mát mẻ quanh năm. Đây là nơi có các sản phẩm được UNESCO công nhận, đó là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, là khu khai thác du lịch tốt nhất và được công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang, là khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của Việt Nam.

Những điệu múa sống động như được thổi hồn vào từng bước nhảy
Những điệu múa sống động như được thổi hồn vào từng bước nhảy

Lạc Dương là vùng phụ cận của 7 triệu khách du lịch một năm tại TP Đà Lạt. Năm 2019, huyện đã đón khoảng 3 triệu khách du lịch, trong đó có 1,7 triệu khách mua vé qua các khu du lịch tham quan như Lang Biang, làng Cù Lần, thung lũng Vàng, vườn thú Zoodoo, khu du lịch quốc gia … Bên cạnh đó, khách du lịch còn đến nhiều điểm du lịch canh nông, du lịch sinh thái như Ma rừng lữ quán, du lịch Vườn Dâu chào Đà Lạt …

Với 3 triệu khách du lịch một năm, Lạc Dương là địa phương tiềm năng, rất có lợi thế trong việc phát triển du lịch. Tuy nhiên, Lạc Dương đang tập trung về mảng tham quan, ít mảng nghỉ dưỡng bởi vì huyện rất gần thành phố Đà Lạt, vì vậy mà việc phát triển các dịch vụ khác để thu tiền từ hoạt động du lịch là chưa nhiều.

Ông Sử Thanh Hoài- Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương (ngồi từ phải sang)
Ông Sử Thanh Hoài- Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương (ngồi từ phải sang)

Trong dự thảo Nghị quyết văn kiện Đảng bộ lần thứ 11 tới đây, Đảng bộ huyện Lạc Dương chúng tôi xác định tập trung cho việc xây dựng du lịch chất lượng cao và gắn với các hoạt động du lịch điểm đến, đó cũng là chương trình trọng tâm của huyện Lạc Dương. Chính vì vậy chúng tôi xác định sẽ tập trung mạnh vào du lịch điểm đến với điều kiện thiên nhiên, văn hóa, con người của Lạc Dương, của núi rừng Lang Biang cùng với việc phát triển dịch vụ gắn với sản phẩm nông nghiệp đặc hữu của địa phương, vì hiện nay, giá trị sản xuất bình quân 1 ha của Lạc Dương là khoảng 300 triệu/1ha/năm, cao gấp 3 lần so với bình quân cả nước.

Trong thời gian tới, Lạc Dương sẽ kết hợp cả du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa (Đặc biệt là về Cồng chiêng Tây Nguyên). Chúng tôi sẽ phục dựng lại lễ nghi của người Kơ Ho như lễ cưới, khai thác không gian văn hóa Cỏ Hồng Lang Biang, khai thác mảng du lịch môi trường và du lịch dược liệu. Như vậy, Lạc Dương đã có 5 chuỗi về Du lịch cộng với Khu du lịch đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch Du lịch quốc gia. Dự kiến tới đây, Lạc Dương sẽ thu hút khoảng 20 ngàn tỷ từ các nhà đầu tư, nhưng trong ngắn hạn có thể tạo ra động lực lớn cho sự phát triển du lịch của huyện trong tương lai.

Với những tiềm năng rất lớn như vậy, Lạc Dương có chủ trương xây dựng thương hiệu, tách biệt khỏi Đà Lạt không, thưa ông?

Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương: Bản thân Du lịch Đà Lạt đã là một thương hiệu quốc tế, là thương hiệu của Việt Nam rất tốt. Lạc Dương và Đà Lạt điều kiện địa lý và không gian gần như cùng là một, nên trong chiến lược phát triển du lịch của Lạc Dương sẽ dựa vào thương hiệu của Đà Lạt để xây dựng, mà thực tế thì trong quá trình xây dựng thương hiệu, huyện cũng đã chủ động tính toán.

Ví dụ Cỏ hồng Langbiang năm 2017 là Cỏ hồng Đà Lạt, vì lúc đấy Lạc Dương chưa được biết đến nhiều, nhưng năm sau đó chúng tôi đã xin tỉnh đổi tên thành Cỏ hồng LangBiang nhưng có gắn với Đà Lạt.

Xã Lát nằm dưới chân núi Lang Biang
Xã Lát nằm dưới chân núi Lang Biang

Đến nay, hàng năm vẫn tổ chức Mùa hội Cỏ hồng Lang Biang và Lang Biang chính là mảnh đất Lạc Dương, và tới đây trong quá trình phát triển sẽ làm mạnh hơn thương hiệu Lạc Dương, nhưng đồng thời vẫn gắn Lạc Dương với Đà Lạt. Trong quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ, vẫn xác định Lạc Dương là vùng phụ cận của Thành phố Đà Lạt. Vì Đà Lạt là một thương hiệu tốt, thương hiệu đẹp thì không có lý gì mà bỏ ra độc lập, nhưng song song đó thì sẽ gắn Lạc Dương vào thương hiệu để du khách biết rõ hơn.

Cụ thể, chúng tôi làm rõ cho du khách biết huyện Lạc Dương là một đơn vị hành chính độc lập, nhưng mình vẫn gắn thương hiệu với Đà Lạt, vì tỉnh vẫn có chủ trương xây dựng thương hiệu Đà Lạt là kết tinh nghỉ dưỡng từ đất lành với nòng cốt là Thành phố Đà Lạt và các huyện phụ cận, trong đó có Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng.

Thương hiệu tiếp tục gắn với Đà Lạt nhưng có điều kiện thương hiệu Lang Biang sẽ phát triển mạnh hơn, gắn với Lạc Dương rõ hơn để du khách biết.

Trong chiến lược xây dựng thương hiệu là từng bước, quan trọng nhất là giúp du khách lên Đà Lạt, lên Lạc Dương có được sản phẩm tốt nhất. Chúng tôi không tập trung để tách Lạc Dương với Đà Lạt, mà nó sẽ cùng gắn với nhau trong thương hiệu này.

Theo cảm nhận của ông, yếu tố nào của Lạc Dương có thể thu hút các nhà đầu tư không chỉ về Du lịch mà còn thu hút cả về Kinh tế?

Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương: Lạc Dương có 2 lợi thế cực kỳ lớn, đó là sản xuất Nông nghiệp theo hướng công nghệ cao và các sản phẩm đặc hữu.

Về mảng Nông nghiệp: Từ độ cao 1500m so với mặt nước biển thì có nhiều sản phẩm trồng thành công như dược liệu là Atiso chỉ trồng được ở Đà Lạt và Lạc Dương, sâm Ngọc Linh đã được Lạc Dương trồng thí điểm thành công 6 năm nay, và rất nhiều sản phẩm rau xà lách chỉ có thể trồng được ở độ cao này.

Về Du lịch: Có 2 điều kiện chính, đó là Yếu tố thiên nhiên: Hội tụ đủ các điều kiện như khí hậu mát mẻ quanh năm, diện tích Lạc Dương lớn gấp 2 lần Singapore, rừng có 85% độ che phủ rừng, có khu dự trữ sinh quyển thế giới, nhiều thác nước, suối, có Đồi Cỏ hồng đẹp. Bên cạnh đó là Yếu tố văn hóa, con người, đặc biệt là dân tộc Cờ Ho- Bộ tộc mang lại nét văn hóa đặc sắc cho Lạc Dương.

Quang cảnh Lang Biang nhìn từ trên xuống
Quang cảnh Lang Biang nhìn từ trên xuống

Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ lãnh đạo và đội ngũ công chức của Lạc Dương đã xác định rất rõ trách nhiệm của mình trong việc thu hút nhà đầu tư. Khi tất cả các nhà đầu tư đến đây, Chính quyền không đặt điều kiện gì với họ, miễn là nhà đầu tư không làm hại đến môi trường của Lạc Dương. Chính vì vậy nhà đầu tư rất yên tâm. Trong những năm qua, Lạc Dương đã thu hút hơn 6000 tỷ của các nhà đầu tư ngoài ngân sách, và điều này đã đem lại sự phát triển lớn cho Lạc Dương về nông nghiệp, du lịch và dịch vụ.

Phía huyện đã đưa ra những chính sách nào để khuyến khích các nhà đầu tư về Lạc Dương, thưa ông?

Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương: Khi nhà đầu tư về với Lạc Dương, đương nhiên họ sẽ được hưởng một chính sách rất lớn, đó là vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Vì khó khăn nên các chính sách ưu đãi của Nhà nước đều dựa trên vùng đầu tư được ưu đãi đầu tư. Như thành phố Đà Lạt thì không có ưu đãi vì là vùng bình thường, ở tỉnh Lâm Đồng, thành phố Bảo Lộc là vùng khó khăn, huyện Lạc Dương là vùng đặc biệt khó khăn.

Đi cùng với vùng đặc biệt khó khăn thì Lạc Dương còn là vùng phụ cận ngay thành phố Đà Lạt, từ trung tâm huyện ra trung tâm thành phố Đà Lạt chỉ mất 10 km, đây là điều kiện cực kì thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Những sản phẩm được dệt bằng đôi tay tài hoa của người dân bản địa
Những sản phẩm được dệt bằng đôi tay tài hoa của người dân bản địa

Chủ trương của huyện là kêu gọi nhà đầu tư để đem kiến thức, đem kinh phí về hỗ trợ cho địa phương, vì vậy tất cả nhà đầu tư khi về Lạc Dương đều nhận được sự hỗ trợ từ lãnh đạo chính quyền. Tất nhiên các địa phương khác cũng làm được chuyện này chứ không riêng gì Lạc Dương, nhưng với sự cởi mở của lãnh đạo huyện thì ngày càng có nhiều nhà đầu tư tìm đến với Lạc Dương. Thêm vào đó là văn hóa của Lạc Dương, bà con đồng bào rất hiền lành, hiếu khách nên đem lại nhiều yếu tố làm cho nhà đầu tư thích thú. Tất cả những điều này đã thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn, kể cả các tập đoàn đa quốc gia đến với Lạc Dương. Hơn 6000 tỷ đầu tư vào Lạc Dương đã chứng minh được điều đó.

Thời gian gần đây có thông tin về việc DN đầu tư vào cơ sở hạ tầng như du lịch thì có những báo cáo tác động môi trường từ các cơ quan độc lập và các cơ quan Việt Nam. Huyện có những trở ngại hay phiền toái về những vấn đề đó hay không, thưa ông?

Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương: Về cơ bản thì có, kể cả việc chính sách của Chính phủ đóng cửa rừng tự nhiên, đây là một chính sách có tác động đến tâm lí của nhà đầu tư và có những khó khăn nhất định. Ví dụ như khi thu hút nhà đầu tư vào thì được chặt rừng để xây, nhưng sau này chính sách lại dừng lại, đây là việc ngoài mong muốn của địa phương. Nhưng về cơ bản, chủ trương của huyện là chúng tôi muốn kêu gọi nhà đầu tư đầu tư vào nông nghiệp, vào du lịch mà không tác động đến rừng. Cho nên các nhà đầu tư vào thì lãnh đạo huyện đặt vấn đề rõ là không hoan nghênh việc chặt rừng đi để làm các dự án, vì vậy mà ngay từ ban đầu các nhà đầu tư cũng đã rõ về việc này. Chúng tôi nói rõ từ ban đầu là rất hoan nghênh nhà đầu tư, nhưng phải chấp nhận các rào cản nhất định như chuyển mục đích từ rừng để làm các dự án là không được, làm dự án đầu tư mà tác động vào môi trường chúng tôi cũng không hoan nghênh.

Tất cả những việc làm trên của chúng tôi với mục đích để đảm bảo độ che phủ rừng của Lạc Dương luôn ở mức 85%; sàng lọc các nhà đầu tư có mong muốn đầu tư để môi trường, thiên nhiên tốt hơn với Lạc Dương. Nếu nhà đầu tư nào không đi theo mục đích, đi theo chủ trương đó thì họ sẽ không đầu tư.

Khi kêu gọi nhà đầu tư vào Lạc Dương, thì chính quyền có quy trình kiểm soát rất chặt chẽ: Khi nhà đầu tư vào thuê mảnh rừng này, thì đã được kiểm kê là có cây ở đâu, diện tích nào có và không có cây, được xác định bằng tọa độ rất rõ ràng. Nếu sau này hậu kiểm mà phát hiện ra nhà đầu tư nào đã tác động vào thì họ phải bồi thường rừng, trồng lại rừng và bồi thường môi trường rừng từ 3-5 lần giá trị của rừng đã thiệt hại. Tất cả quy định này của chúng tôi, về cơ bản thì các nhà đầu tư đều tuân thủ, nên chúng tôi kiểm soát được.

Ông có thể giới thiệu một số hội nghị với những chiến lược để thu hút đầu tư vào Lạc Dương, đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh?

Ông Sử Thanh Hoài - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương: Ở thành phố Hồ Chí Minh thì thực tế Lạc Dương đã có mở một số hội nghị để thu hút và tiếp xúc với các nhà đầu tư. Trong năm 2018, chúng tôi đã mời một đoàn doanh nghiệp ở Thái Lan (khoảng 30 doanh nghiệp) và 60 doanh nghiệp trong nước để dự hội nghị xúc tiến đầu tư, và từ hội nghị đó, chúng tôi đã dẫn các nhà đầu tư đi xem các khu du lịch ở Lạc Dương, góp phần vào việc tăng du khách Thái Lan đi sang Lạc Dương, Đà Lạt.

Trong năm vừa rồi, huyện đã xây dựng chương trình dịch Video clip giới thiệu sang tiếng Thái, dự kiến trong tháng Ba là xin đi sang Thái Lan để tiếp xúc với các nhà lữ hành của Thái Lan, để xúc tiến, đưa khách du lịch về Lạc Dương, Đà Lạt. Tuy nhiên, do dịch Covid 19 nên kế hoạch này bị hoãn lại. Trong tương lai gần, sau khi đẩy mạnh củng cố truyền thông, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư để các nhà lữ hành ở trong nước đến tham quan, sau đó chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị kết nối với doanh nghiệp ở Lạc Dương, ví dụ Làng Cù Lần, Lang Biang, thung lũng Vàng và các khu du lịch ở Lạc Dương sẽ cùng kết nối…

Xin cám ơn Ông về cuộc trò chuyện này!

Nguồn: moitruongvadothi.vn

Lượt xem: 3.959
Liên quan
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006198659
  •  Đang online: 182
  •  Trong tuần: 8.985
  •  Trong tháng: 224.533
  •  Trong năm: 2.802.572