Nhằm giảm áp lực tiêu cực lên tài nguyên rừng, một giải pháp có hiệu quả, cần nhân rộng, đó là tạo an sinh xã hội đối với các hộ dân thông qua nâng cao sinh kế bằng cải thiện kỹ thuật chăn nuôi bò. Mô hình đã triển khai 1 năm nay tại các hộ đồng bào dân tộc thiểu số huyện Lạc Dương - thuộc Dự án (DA) Quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM), Hợp phần 3 (Ða dạng sinh học) do Tổ chức JICA (Nhật Bản) và các bên liên quan hỗ trợ.
Mô hình nuôi bò hiệu quả cao tại hộ anh Păng Ting Bram. Ảnh: M.Đạo
Hợp tác chặt chẽ các bên
Cần nhận thức đầy đủ, triển khai đồng bộ, nghiêm túc đó là sự phối hợp giữa nhiều bên, gọi là quản lý hợp tác (CMA). Đây là mấu chốt nhằm nâng cao năng lực của các bên liên quan để quản lý thích ứng các hệ sinh thái rừng. Các bên gồm: các chuyên gia, cán bộ của DA SNRM - Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) - Trung tâm và Phòng Nông nghiệp (NN) của huyện - UBND xã - các hộ tham gia. Trách nhiệm và các bước thực hiện được chia sẻ như sau: DA SNRM tổ chức tham quan mô hình cải tiến chuồng bò; kiểm tra các hộ tiềm năng để tham gia; hỗ trợ vật liệu xây dựng và đệm lót sinh học cho mô hình. Sở TN&MT hỗ trợ một phần trấu và men để làm đệm lót sinh học. Trung tâm NN hỗ trợ người dân xây dựng chuồng bò và chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò; tiêm chủng, cung cấp thuốc khử trùng. Phòng NN cung cấp giống cỏ cho các hộ tham gia mô hình; tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò. UBND các xã hợp tác với DA kiểm tra các điều kiện của các hộ tham gia mô hình; hợp tác với Trung tâm NN theo dõi việc xây dựng chuồng bò. Các hộ tham gia đóng góp thêm vật liệu xây dựng ngoài vật liệu do DA cung cấp; công lao động để xây dựng chuồng bò; tuân thủ kỹ thuật được chuyển giao. Mục tiêu đặt ra rất rõ, đó là thay đổi tập quán thả rông, tạo cơ hội cho người dân có bò tham gia tiếp cận kỹ thuật bán nuôi nhốt và cải thiện chuồng nuôi, làm lớp đệm sinh học, giảm ô nhiễm môi trường và cải thiện sinh kế nông hộ.
Đầu tháng 4/2018, đợt 1 triển khai thử nghiệm tại 17 hộ dân, gồm 9 hộ xã Đạ Nhim, 4 hộ xã Đạ Chais và 4 hộ thị trấn Lạc Dương. Phía DA hỗ trợ trực tiếp 150 triệu đồng, phối hợp các bên tổ chức tham quan học tập, giao lưu chia sẻ kinh nghiệm tại huyện Đơn Dương và giám sát quá trình thực hiện. Phòng NN Lạc Dương tập huấn, hỗ trợ 15 triệu đồng để cung cấp 5 tấn giống cỏ (thông qua chương trình của xã Đạ Nhim); Trung tâm NN Lạc Dương hướng dẫn kỹ thuật xây dựng chuồng và làm lớp đệm sinh học...; Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) hỗ trợ 11 triệu đồng làm lớp đệm sinh học... Các hộ dân cam kết thực hiện đúng 7 tiêu chí của DA và xây dựng chuồng, đối ứng kinh phí và nhân công, trồng cỏ, chăm sóc bò đúng yêu cầu kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm cho các nông hộ khác. Trong đó, yêu cầu thiết kế diện tích chuồng nuôi bò là: 20 m2 để nuôi 3-5 con; 30 m2 nuôi 6-10 con; 42 m2 nuôi 11-17 con.
Hiệu quả về nhiều mặt
Sau thời gian triển khai tại 17 hộ, đại diện DA SNRM, nhà tư vấn, ThS Tôn Thất Minh đánh giá: Về kỹ thuật, người dân hiểu về lợi ích cải tiến chuồng bò và bán nuôi nhốt; đàn bò sinh trưởng nhanh, ít bệnh; dễ tiêm phòng và kiểm soát dịch bệnh; thay đổi tập quán thả rông; tăng số lượng bò thêm 21 con; sử dụng nguồn phân làm nông nghiệp hữu cơ; người dân tận dụng bờ ta luy, ranh giới đất để trồng cỏ lấy thức ăn cho bò (diện tích từ 100 m2 tăng lên 15.500 m2). Về kinh tế, chi phí đầu tư chuồng trại, lớp đệm sinh học bình quân 13,798 triệu đồng/hộ; sau 2,5 tháng, người dân thu được 118 m3 phân để bán hoặc bón cây trồng (giá bán phân 800 ngàn đồng/m3). Lượng phân bò bình quân 0,44 m3/con/tháng; số bò bình quân/hộ 6,35 con. Thu nhập bình quân hàng tháng/hộ từ phân 2,22 triệu đồng... Về môi trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường từ phân bò; chuồng trại không có mùi hôi; giảm sự phá hoại rau màu; chống sạt lở taluy; giảm tác động tiêu cực lên môi trường rừng.
Bà Nguyễn Khánh Ngân, cán bộ Chi cục BVMT cũng khẳng định với chúng tôi, kỹ thuật làm đệm sinh học đúng quy trình của DA đã khẳng định bảo đảm yêu cầu về BVMT rất hiệu quả.
Ngày 4/4, chúng tôi trực tiếp đến hộ Păng Ting Bram tại thôn Bon Đưng 1, thị trấn Lạc Dương, một hộ nuôi bò từ lâu nhưng thả rông vào rừng. Khi tiếp cận DA, Bram mạnh dạn đầu tư theo phương pháp nuôi nhốt với chuồng - kho gần 400 m2 rất bài bản, gồm 4 ngăn chuồng thông nhau nuôi 8 con bò lớn, kho thức ăn, phân bò. Bram mua giống bò ở Đức Trọng 160 triệu đồng, xin giống cỏ VA06 từ bạn bè ở Di Linh (hiện 0,5 ha dọc các taluy rất tốt). Anh cho biết: Đàn bò phát triển nhanh; khi thả rông, mỗi năm gia đình phải bỏ khoảng 300 triệu đồng mua phân để canh tác 1 ha rau và hoa/3 vụ, nay chỉ mua khoảng 30 triệu đồng phân màu. Số phân dư khoảng 20 m3 bán cho các hộ sản xuất được thêm 16 triệu đồng. Số rau và hoa bán ra khoảng 420 triệu đồng (nếu như không thuê công ngoài). Nguồn thức ăn là cỏ tươi cho bò ngon và chủ động. Anh Bram nói: “Nuôi bò bây giờ vừa không mất nhiều thời gian đi lên rừng, vừa kinh tế rất ổn định. Mô hình này dễ làm, mọi người đều làm được”.
Với nhiều hiệu quả như trên, anh Lê Khắc Đạo - cán bộ DA SNRM cho biết, mô hình chăn nuôi bò nhốt từ đợt 1 hiện đã nhân rộng thêm 10 hộ do chính người dân nhận thấy lợi ích nên tự đầu tư. Trong đó, Chủ tịch UBND xã Đạ Nhim Kon Sa Ha Vương là người đi đầu. DA cũng đã triển khai đợt 2 với 28 hộ nghèo tại thôn Klong Klanh, xã Đạ Chais như: Đơng Gur Tha Ly, Cil K’Nhương, Da Du Ha Pri, Hà Cường, Cil K’Den, Kon Sa Ha Ngôl... Mỗi hộ mua 1 con bò giống 12 triệu đồng (vốn hỗ trợ hộ nghèo của xã 10 triệu đồng, hộ đối ứng 2 triệu đồng); DA hỗ trợ một phần vật liệu xây dựng làm chuồng, vật tư làm lớp đệm sinh học. UBND huyện Lạc Dương cũng quyết định nhân rộng đến 14 hộ nghèo khác tại các thôn xã Đạ Chais (nằm ngoài mục tiêu DA), hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ từ ngân sách để mua giống bò.
Bí thư Huyện ủy Lạc Dương Phạm Triều rất tâm đắc các mô hình thu nhập của người dân, trong đó mô hình nuôi bò rất phù hợp với tình hình địa phương huyện, từ hiệu quả đến năng lực và giảm suy thoái rừng... Nếu phối hợp tốt giữa các bên thì hiệu quả ngày càng rõ rệt hơn nữa. Đó là đánh giá từ các nhà quản lý, chuyên gia như Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S, Phó Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang Lê Văn Hương, Trưởng đại diện DA SNRM - hợp phần 3 Oda Kensei, Điều phối viên DA SNRM Takuya Nomura...
MINH ÐẠO - baolamdong.vn