NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Đừng nhân danh tự do để vi phạm tự do một cách trắng trợn In trang
30/06/2022 08:29 SA

Từ lâu, một số cơ quan truyền thông phương Tây, nhất là các trang tiếng Việt của những “ông lớn” như VOA, RFA, RFI, BBC... luôn nhân danh tự do, bảo vệ tự do báo chí, tự do ngôn luận để vi phạm một cách trắng trợn hoặc tinh vi, bóp méo sự thật khiến thông tin bị sai lệch, gây phương hại đến sự phát triển của quốc gia khác, ảnh hưởng không tốt đến quan hệ quốc tế...

Sự sai lệch và chủ đích không xây dựng

Thử điểm qua một số tiêu đề trong thời gian gần đây của Đài châu Á Tự do (RFA), một đài phát thanh tư nhân của Hoa Kỳ, xem họ thông tin gì về tình hình Việt Nam. Ví như: “Nước cộng sản Lào khủng hoảng, báo chí Việt tránh đưa tin”, “Thuốc đặc trị chữa tham nhũng: Thay đổi thể chế!”...

Đây nữa, cũng là một số tiêu đề bài báo trên một cơ quan báo chí khác của Mỹ là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), ví như: “Đảng CS nhắm kỷ luật cựu Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong”, “Xây dựng chủ nghĩa xã hội, xã hội hóa và ơn... đảng”, “Báo chí cách mạng Việt Nam cần cởi mở hơn”, “Dân mong nhà nước mau giảm giá xăng, chớ “so sánh” nữa”...

Không riêng gì hai cơ quan báo chí kể trên, một số cơ quan báo chí ở châu Âu cũng xuất bản trang tiếng Việt với những chủ đích không hề dựa trên nguyên tắc cơ bản nhất của báo chí là sự thật, nhất là việc tôn trọng sự thật khách quan. Có thể kể đến BBC tiếng Việt (Anh), RFI tiếng Việt (Pháp). Có lẽ, cũng không cần phải dẫn thêm những ví dụ về các tiêu đề lệch lạc, không đúng bản chất kiểu này nữa. Bởi chưa cần đọc những bài báo đó viết về vấn đề gì, tính chính xác đến đâu, nhưng chỉ nhìn riêng các tiêu đề đã thấy sự quy kết, chụp mũ những vấn đề chính trị quan trọng, cũng như sự dễ dãi, tùy tiện, “chợ búa” trong cách dùng từ ngữ...

Có một điểm chung nữa hết sức nguy hiểm của các cơ quan báo chí phương Tây kể trên, đó là sự phiến diện, mất cân bằng, mất công bằng trong thông tin. Điều này thể hiện thông qua việc họ chỉ nhăm nhăm vào những thông tin tiêu cực, những hạn chế, khiếm khuyết trong các lĩnh vực mà đào bới, xoáy sâu vào phản ánh. Họ coi những hiện tượng cá biệt ấy là bản chất, là sự phổ biến. Họ cố tình quên những thành quả to lớn mà Việt Nam đạt được trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, nhất là từ khi đổi mới năm 1986 đến nay. Là một nhà báo, một cơ quan báo chí, lẽ nào họ không biết các tổ chức quốc tế đánh giá khách quan, chân xác về sự phát triển vượt bậc của Việt Nam, là mức sống của người dân được nâng lên đáng kể, là các quyền tự do về ngôn luận, báo chí, tôn giáo, tín ngưỡng, nhân quyền... đều được đề cao, bảo đảm.

Phóng viên tác nghiệp tại sự kiện. Ảnh minh họa: TTXVN
Phóng viên tác nghiệp tại sự kiện. Ảnh minh họa: TTXVN

Những thông tin quan trọng về thành tựu của Việt Nam thì họ không bao giờ đưa. Ví dụ, ngày 7-6-2022, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã đồng thuận bầu Việt Nam làm Phó chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện châu Á-Thái Bình Dương. Trước đó, Việt Nam đã hai lần được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (các nhiệm kỳ: 2008-2009, 2020-2021), 5 lần được bầu làm thành viên Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (các nhiệm kỳ: 1978-1983, 2001-2005, 2009-2013, 2015-2019 và 2021-2025), thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2014-2016), thành viên Hội đồng Kinh tế-Xã hội Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2016-2018)...

Trong hơn hai năm qua, khi đại dịch Covid-19 hoành hành khiến cả thế giới chao đảo, Việt Nam đã rất thành công trong phòng, chống đại dịch, sớm kiểm soát được dịch bệnh, đưa mọi hoạt động trở lại trạng thái bình thường mới. Việt Nam đã “mở cửa bầu trời” quốc nội và quốc tế, hoạt động kinh tế nói chung, du lịch nói riêng đã tấp nập trở lại với những mức tăng trưởng đầy khích lệ, hết sức lạc quan. Cuối tháng 6-2022, Ngân hàng UOB (Singapore) đã công bố Báo cáo tăng trưởng kinh tế và dự báo quý kế tiếp cho các thị trường, trong đó có Việt Nam. Báo cáo của UOB vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP năm 2022 của Việt Nam ở mức 6,5%, bởi đà tăng trưởng cơ bản của Việt Nam vẫn giữ nguyên trong quý II-2022...

Trước đó, vào đầu tháng 6-2022, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi ở mức 6,5% năm 2022 và đạt 6,7% năm 2023. Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống mức 3,6%, nhưng tin rằng tiến trình phục hồi kinh tế tại Việt Nam sẽ mạnh lên từ việc thực thi Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Ông Francois Painchaud-Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam-cho rằng, GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6% trong năm 2022 và 7,2% trong năm 2023...

Có lẽ, chỉ cần đưa những dẫn chứng hết sức cụ thể, khách quan kể trên, theo sự nhìn nhận, đánh giá của thế giới cũng đủ sức thuyết phục về sự tăng trưởng kinh tế, cũng như uy tín, vị thế của Việt Nam hiện nay! Xin được nhắc lại lời khẳng định nhiều lần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Sự thật cần phải được tôn trọng!

Xưa nay, ai làm báo chí-truyền thông, thậm chí bất kể người dân bình thường nào cũng có thể dễ dàng hiểu rằng, tiêu đề là phần quan trọng nhất của bài báo, đó chính là phần nội dung đáng chú ý nhất, nêu bật bản chất sự kiện, vấn đề, hiện tượng mà tác phẩm báo chí đề cập đến. Thế nên, chỉ cần nhìn vào các tiêu đề với nội dung gì được nêu ra, ngôn ngữ được sử dụng như thế nào, đã đủ để hình dung được dụng ý sâu xa, bản chất của nhà báo, cũng như cơ quan báo chí. Vậy thử một lần nữa quay lại nhìn một số tiêu đề mà các cơ quan báo chí có phiên bản tiếng Việt đặt, chúng ta sẽ thấy ngay đâu là sự thật ẩn giấu đằng sau những nội dung, ngôn từ giật gân, câu khách, gây sự chú ý bằng những thủ pháp ẩn chứa thông điệp kích động, chống phá, hằn học, gièm pha, giễu nhại... hết sức phi lý.

Thiết nghĩ, cũng như con người vậy, các cụ đã đúc kết “trông mặt mà bắt hình dong”, với hàm ý rằng, chỉ cần chú ý đến hình dáng khuôn mặt của người khác, bạn cũng có thể biết được phần nào, thậm chí rất rõ đặc trưng tính cách, bản chất của con người đó, đặc biệt là những người “lộ tướng”. Và với việc chỉ cần nhìn các tiêu đề bài báo, cũng có thể nhận ra ngay mục đích thực sự của các nhà báo, cơ quan báo chí kể trên đã nhắm đến sự lệch lạc, thiếu tôn trọng sự thật khách quan, quy chụp về đất nước, con người, quốc gia khác. Điều này càng rõ ràng hơn khi sự tiếp cận, những góc nhìn, cùng hệ thống luận điểm, luận cứ đưa ra đã trường diễn suốt bao năm qua.

Chúng ta đều biết rằng, trong "Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền" được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua và công bố theo Nghị quyết 217A (III) ngày 10-12-1948, có Điều 19 khẳng định rằng: “Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất cứ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới”. Rõ ràng, những gì mà các cơ quan báo chí phương Tây nói về Việt Nam, dù bằng bất cứ loại hình báo chí-truyền thông nào, từ báo in, phát thanh, truyền hình, báo mạng điện tử đến truyền thông xã hội (ví như YouTube, Facebook...) là không hề bị cấm, không hề bị can thiệp.

Nhưng tuyên ngôn có ý nghĩa nhân văn cao cả ấy đâu chỉ dừng lại ở Điều 19 mà các cơ quan báo chí phương Tây có thể hoàn toàn tự do phóng tác, thêu dệt, mượn một phần sự thật để hướng lái nhằm làm sai lệch bản chất thông tin. Họ quên mất rằng, chính Điều 29 và Điều 30 của "Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền" khẳng định một điểm chung bắt buộc, đó là các quyền tự do ấy phải trong khuôn khổ pháp luật! Mà pháp luật ấy, là của từng quốc gia độc lập, trên cơ sở thượng tôn luật pháp quốc tế, chứ không thể có một thứ gọi là tự do tùy tiện, bất chấp mà chà đạp lên tất cả chỉ để thỏa ý thích nói về cái gọi là “sự thật” theo quan niệm của họ mà thiếu đi sự thật.

Người phương Tây có câu ngạn ngữ rằng, “một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật thì chưa hẳn là sự thật”. Điều này không có gì phải bàn cãi. Đặc biệt, đối với báo chí-truyền thông, một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu trong hoạt động của mình là phản ánh sự thật khách quan, tôn trọng sự thật một cách tuyệt đối, toàn vẹn. Chính vì thế, những kiểu nhân danh tự do để vi phạm tự do ngôn luận, tự do báo chí một cách trắng trợn, tinh vi, có hệ thống, cần phải bị phê phán thích đáng, bất kể chúng ở đâu, nói về vấn đề gì đi chăng nữa. Chỉ một lẽ đơn giản, sự thật cần phải được đề cao, bảo đảm và tôn trọng một cách trọn vẹn!

TS NGUYỄN TRI THỨC

Nguồn: qdnd.vn

Lượt xem: 549
Liên quan
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006437472
  •  Đang online: 146
  •  Trong tuần: 8.329
  •  Trong tháng: 117.385
  •  Trong năm: 117.385