NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Bên Cổng Trời, nơi yên nghỉ của những thiên thần áo trắng In trang
27/07/2023 07:13 SA

(LĐ online) - Hàng năm, Sở Y tế Lâm Đồng đều tổ chức viếng Nhà bia tưởng niệm và dâng hương các liệt sĩ ngành Y tế Lâm Đồng tại Cổng Trời (xã Lát, huyện Lạc Dương).

Sở Y tế Lâm Đồng tổ chức dâng hương các liệt sĩ ngành Y tế Lâm Đồng tại Nhà bia tưởng niệm
Sở Y tế Lâm Đồng tổ chức dâng hương các liệt sĩ ngành Y tế Lâm Đồng tại Nhà bia tưởng niệm

THẦY THUỐC ĐỌC THƠ BÊN NHÀ BIA TƯỞNG NIỆM

Hàng năm, đoàn tham dự lễ viếng có Ban Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo các phòng, ban thuộc Sở Y tế, Đoàn Thanh niên, Công đoàn ngành, các đơn vị thuộc ngành Y tế đóng trên địa bàn TP Đà Lạt; cán bộ lãnh đạo ngành Y tế Lâm Đồng qua các thời kỳ và lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Lạc Dương; nhân chứng sống lịch sử liên quan sự kiện Cổng Trời và thân nhân của các liệt sĩ đã hy sinh tại nơi này.

Đó là sự kiện một số cán bộ ngành Y tế đã hi sinh tại Cổng Trời (thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương) vào ngày 21/8/1980 khi đang trên đường đi làm nhiệm vụ chống dịch bệnh tại 3 xã vùng Đầm Ròn bị Fulro tập kích. Bia tưởng niệm khắc ghi tên 11 liệt sĩ ngành Y tế tỉnh đã dũng cảm, hy sinh vì nhiệm vụ: bác sĩ Nguyễn Phú Cường, bác sĩ Nga Ra Đôn, bác sĩ Vũ Công Thìn, y sĩ Nguyễn Đình Giao, y sĩ Trần Mạnh Canh, y tá K' Téo, y sĩ Nguyễn Văn Quang, y sĩ Phan Văn Hoàn, lái xe Phạm Duy Hải và 2 đồng chí du kích huyện Lạc Dương.

Đến nay, 43 năm đã trôi qua, phần mộ của các liệt sĩ đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ trong và ngoài tỉnh. Nhà bia tưởng niệm đã được ngành Y tế xây dựng tại Cổng Trời vào năm 2011 theo ước nguyện của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế Lâm Đồng và cán bộ, Nhân dân huyện Lạc Dương.

Ông Nguyễn Đức Thuận - Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng cho biết: “Theo truyền thống của ngành Y tế Lâm Đồng, một năm ít nhất có 3 lần vào dịp tết đến xuân về, kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) và Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7), Sở Y tế tổ chức lễ viếng, dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ thầy thuốc đã hy sinh. Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ ngành Y tế tại Cổng Trời là địa chỉ về nguồn của đội ngũ thầy thuốc Lâm Đồng và dấu son lịch sử, bài học về truyền thống yêu nước hy sinh vì sự nghiệp phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân”.

Tại nơi này, trong một lần viếng nhà bia tưởng niệm, xúc động nghẹn ngào, Bác sĩ chuyên khoa II, Thầy thuốc ưu tú Lê Thái - nguyên Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng đọc bài thơ Tri ân liệt sĩ do ông cảm tác:

“Ơi anh Canh, anh Cường,

anh Đôn

Ơi anh Giao, anh Hải,

anh Hoàn

Ơi anh Quang, anh Thìn,

anh K’Téo

Ơi hai anh giao bưu Ha Phương, K’Giang ơi!

Có nghe chúng tôi gọi

Vang vọng giữa Cổng Trời

Trước nhà bia tưởng niệm

Các liệt sĩ ngành Y

Các anh đã hy sinh

Vì sức khỏe Nhân dân

Khi đất nước hòa bình

Để lại niềm thương tiếc…”

Bác sĩ Lê Thái chia sẻ: “Lúc các anh hy sinh, tôi mới làm Trưởng Phòng Nghiệp vụ của Sở Y tế tỉnh, tôi chứng kiến và tham gia Ban tổ chức tang lễ cho các anh. Từ đó đến giờ, tôi luôn luôn nhớ, nghĩ tới các anh. Những liệt sĩ ngành Y tế hy sinh trên đường chống dịch tại Cổng Trời là những tấm gương sáng ngời cho các thế hệ ngành Y tế nói chung và những thế hệ sau làm sao xứng danh là người thầy thuốc được xã hội tôn vinh, xứng danh là người mẹ hiền của bệnh nhân như Bác Hồ đã căn dặn”.

NHÂN CHỨNG KỂ CHUYỆN BÊN CỔNG TRỜI

Nhân chứng của sự kiện này là ông Lê Văn Đường, năm nay 68 tuổi chia sẻ: “Từ khi có Nhà bia tưởng niệm tại Cổng Trời năm 2011 đến nay, năm nào tôi cũng đi viếng thăm các anh. Tôi luôn luôn tưởng nhớ sự hy sinh của các anh, phần lớn các anh còn rất trẻ”.

Bên Nhà bia tưởng niệm Cổng Trời, chúng tôi xúc động nghe nhân chứng kể về chuyến xe chở đoàn cán bộ y tế đi chống dịch năm 1980 và sự hy sinh cùng lúc 10 người trên xe đã ngã xuống, 1 người bị thương nặng không qua khỏi, chỉ còn lại một mình ông Lê Văn Đường sống sót.

Ngày ấy, ông Đường là một kỹ thuật viên côn trùng của Trạm Sốt rét tỉnh. Khác với những đợt công tác trước, anh em đều lội rừng để vào Đầm Ròn, lần này có tin báo dịch phải vô khẩn cấp, sẵn chiếc xe Toyota do Unicef tài trợ mới tiếp nhận được nửa tháng, ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng huy động lực lượng chống dịch đông hơn. Nhận lệnh vào Đầm Ròn chống dịch, buổi sáng lúc 8 giờ ngày 21/8/1980, chuyến xe khởi hành từ Đà Lạt đưa 12 người thuộc đoàn y, bác sĩ chống dịch của Trạm Vệ sinh phòng dịch, Trạm Sốt rét, Y tế Lạc Dương và 2 giao liên dẫn đường. Trên xe có 3 bác sĩ, còn lại là y sĩ, y tá và chở theo 2 cơ số thuốc để dập dịch, chủ yếu thuốc nội do Việt Nam sản xuất và có cả thuốc ngoại được viện trợ rất quý báu để dập dịch.

Khoảng 10 giờ sáng đến khu vực đường Dốc Trời, những tiếng nổ rền vang trên xe, khi tỉnh dậy, ông Đường chống chọi đau đớn vì cơ thể bị bầm dập… Cảm giác đau đớn hơn khi nhìn những đồng nghiệp trên vũng máu, chỉ còn một người là y tá Nguyễn Đình Giao bị thương rất nặng do một viên M79 vào hông.

Nhớ lại lúc đi vào, đoàn đã vượt qua một chiếc xe của cán bộ lâm nghiệp cùng vào Đầm Ròn, y sĩ Đường đã bò lê người về phía ngược lại hành trình 2 cây số thì gặp một cán bộ lâm nghiệp báo tin. Người cán bộ lâm nghiệp ấy đã vào nơi xảy ra thảm nạn và cõng y tá Giao đưa ra xe lâm nghiệp chở về Bệnh viện tỉnh. Nhưng chưa đến Đà Lạt, y tá Giao đã qua đời vì thương tích quá nặng, còn y sĩ Đường được chữa trị 11 vết thương ở đầu, tai, chân, đùi cho đến khi lành vết thương. Sau này, ông Đường được công nhận là thương binh 4/4 và vẫn tiếp tục công tác 8 năm rồi ông nghỉ làm vì mất sức lao động.

Trở về với công việc làm vườn tại TP Đà Lạt nhưng lòng ông Đường vẫn không yên khi nghĩ đến những đồng nghiệp đã mất. Cứ vào ngày 21/8 hàng năm và dịp Quốc khánh 2/9, hay ngày tết, ông một mình lặng lẽ viếng Nghĩa trang liệt sĩ Đà Lạt để thắp hương cho các đồng nghiệp của mình đã là liệt sĩ và viếng Nhà bia tưởng niệm tại khu vực Cổng Trời nơi các đồng đội, đồng nghiệp đã hy sinh.

Giờ đây, bên Nhà bia tưởng niệm các liệt sĩ ngành Y tế Lâm Đồng ở Cổng Trời có thông xanh vi vu cùng gió đại ngàn và con đường Đông Trường Sơn ngang qua đây thảm nhựa rất đẹp. Giám đốc Sở Y tế Lâm Đồng Nguyễn Đức Thuận cho biết thêm: “Cứ hai năm một lần, ngành Y tế tu bổ, sửa sang Nhà bia tưởng niệm tại Cổng Trời và phân công Đoàn Thanh niên của Sở thường xuyên chăm sóc, vệ sinh, làm đẹp Nhà bia tưởng niệm nhằm tiếp tục phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cho thế hệ sau.

AN NHIÊN

Lượt xem: 340
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006352026
  •  Đang online: 160
  •  Trong tuần: 31.939
  •  Trong tháng: 31.939
  •  Trong năm: 31.939