(LĐ online) - Ngày 4/7, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KHKT) Lâm Đồng tổ chức chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê chè Moka có năng suất, chất lượng cao và hội thảo đầu bờ cho bà con dân tộc thiểu số tại xã Đạ Sar huyện Lạc Dương.
Tham dự chương trình, có đại diện Hội Nông dân, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Hội Nông dân huyện Lạc Dương, lãnh đạo xã Đạ Sar cùng 50 bà con nông dân trồng cà phê là người K’Ho đến từ 6/6 thôn trong xã.
Chuyên gia nông nghiệp tận tình phổ biến các kiến thức kỹ thuật canh tác cho đồng bào
Cây cà phê chè Moka ưa sống ở vùng núi cao, là giống có giá trị kinh tế nhất trong số các giống cà phê. Hiện nay, ở Lâm Đồng, giống cà phê chè Moka được trồng phổ biến nhất vì là dạng thấp cây (dễ thu hoạch), cành đốt ngắn, có thể trồng dày, xen canh, có khả năng kháng bệnh gỉ sắt.
Nghiên cứu tìm hiểu quy trình trồng và chăm sóc cây cà phê
Năm 2022, Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam đã giao cho Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Lâm Đồng thực hiện đề tài “Phục hồi, phát triển và chuyển giao cây cà phê chè Moka có năng suất, chất lượng cao cho bà con dân tộc thiểu số xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương”. Sau 2 năm thực hiện, nhiều kết quả đã đạt được.
Bà con nông dân bày tỏ mong muốn thay đổi thói quen canh tác cây cà phê
Tại hội nghị, đại diện các hộ nông dân đã được ThS. Hồ Tấn Mỹ - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Giống và Vật tư nông nghiệp tỉnh (Sở NN-PTNT) thành viên Ban chủ nhiệm đề tài đã giới thiệu, hướng dẫn quy trình ươm giống, trồng mới, cải tạo, phục hồi vườn cà phê cũ, thu hoạch cà phê đạt chất lượng; đồng thời tham quan mô hình thực tế, tiến hành hội thảo đầu bờ, hướng dẫn cách thức thực hiện từng quy trình.
Cùng lắng nghe các chuyên gia tại hội thảo đầu bờ
Cụ thể các quy trình, đó là, kỹ thuật ươm giống: xây dựng vườn ươm, thiết kế vườn ươm, chọn loại giống, xử lý hạt giống, đóng đất bầu và túi ươm cây, cho hạt nhú mầm rễ vào bầu, chăm sóc cây con tại vườn ươm, phòng trừ sâu bệnh, điều chỉnh ánh sáng, huấn luyện cây, phân loại, tuyển lựa cây giống để trồng… Quy trình kỹ thuật canh tác trồng mới cây cà phê Moka: chuẩn bị đất trồng, thiết kế vườn trồng, đào hố và ủ phân trong hố; trồng cà phê, thời vụ trồng, cách trồng, mật độ khoảng cách trồng, trồng xen cây che bóng; trồng dặm, xáo xới làm cỏ, bón phân, tưới nước, tạo tán.
Bà con cùng thăm quan thực tế tại vườn mẫu
Quy trình bón phân, tưới nước: theo nguyên tắc tưới đúng thời điểm, tưới đủ lượng và tiết kiệm đảm bảo cho nhu cầu ra hoa đậu quả. Căn cứ vào nhu cầu dinh dưỡng của cây cà phê Moka, đặc điểm đất đai, năng suất thu hoạch, thực hiện bón phân theo nguyên tắc: đúng loại phân, đúng liều lượng, đúng tỷ lệ, đúng thời điểm, đúng phương pháp; đảm bảo vừa cung cấp chất dinh dưỡng cho cây sinh trưởng phát triển tốt, vừa cải tạo đất.
ThS. Hồ Tấn Mỹ - chuyên gia nông nghiệp hướng dẫn cách tạo tán, phòng trừ sâu bệnh trên cây cà phê chè Moka cho đồng bào
Quy trình phòng trừ sâu bệnh, dịch hại bằng các nguyên tắc quản lý dịch hại tổng hợp như: chọn giống tốt, khỏe mạnh, sạch bệnh; thường xuyên theo dõi sự sinh trưởng và phát triển của cây để kịp thời phát hiện sâu bệnh; bảo vệ thiên địch, sinh vật có ích; sử dụng phân bón hợp lý; sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng chủng loại, đúng liều lượng và nồng độ, đúng lúc, đúng cách, sử dụng thuốc có chọn lọc.
Trồng và chăm sóc cà phê đúng quy trình sẽ cho năng suất chất lượng, nâng cao thu nhập
Ngoài ra, các chuyên gia còn hướng dẫn bà con một số biện pháp phòng trừ các loài sâu bệnh chính trên cây cà phê Moka như: rệp vảy xanh, rệp vảy nâu, rệp sáp hại quả, rệp sáp hại rễ, mọt đục cành, mọt đục quả, bệnh gỉ sắt, bệnh nấm hồng, bệnh khô cành khô quả, bệnh thối rễ gây vàng lá…
Cuộc chuyển giao đã giúp đồng bào dân tộc K’Ho tại Đạ Sar có thêm nhiều kiến thức vận dụng vào thực tiễn trồng và chăm sóc cà phê ở vườn nhà mình, thay đổi thói quen canh tác cây cà phê hoàn toàn dựa vào thiên nhiên. Từ đó, nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
QUỲNH UYỂN