Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Lơ Mu Ha Hang, 55 tuổi, người dân tộc thiểu số K'ho, thôn 1 xã Đạ Sar thu về từ 300 đến 500 triệu đồng/năm. 10 năm liền (2014-2024), ông luôn đạt danh hiệu nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu, được chọn báo cáo điển hình và khen thưởng tại nhiều hội nghị của huyện Lạc Dương.
Mô hình trồng hoa cúc theo hướng nông nghiệp công nghệ cao của gia đình ông Lơ Mu Ha Hang tại thôn 1 xã Đạ Sar
Trước kia, gia đình ông Lơ Mu Ha Hang rất khó khăn. Mặc dù có diện tích đất đai rộng lớn và trù phú với hơn 4 ha trồng cà phê và bắp, nhưng do thiếu hiểu biết về kiến thức khoa học kỹ thuật, sản xuất mang tính chất truyền thống, lạc hậu, phó mặc cho tự nhiên, ít can thiệp, chăm sóc nên hiệu quả kinh tế thu được trên diện tích này rất thấp, không đủ nuôi cả gia đình 8 miệng ăn. Không cam chịu cảnh nghèo, năm 2014, được sự quan tâm của tổ chức Hội nông dân xã, gia đình ông Lơ Mu Ha Hang đã được tiếp cận các kiến thức khoa học kỹ thuật và các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Từ đó, gia đình đã mạnh dạn thay đổi trong sản xuất, chuyển đổi một phần diện tích bạc màu kém năng suất sang trồng rau, hoa các loại, ban đầu là trồng các loại hoa ưa khí hậu ngoài trời và dễ chăm sóc: như mắt ngọc, cẩm tú cầu. Sau này tích lũy được vốn và kiến thức ông chuyển sang làm nhà kính và trồng các loại hoa đòi hỏi kỹ thuật khắt khe hơn như: cúc, cẩm chướng.
Ông Lơ Mu Ha Hang ( bên phải) cùng bà Liêng Jrang K’ Sáu Chủ tịch hội nông dân xã Đạ Sar tham quan vườn hoa của gia đình
Với sự kiên trì, không nản chí trước những thất bại, cộng với tinh thần cần cù chịu khó, nỗ lực của bản thân và gia đình đồng thời biết tiết kiệm chi tiêu, tích lũy để phát triển kinh tế đến nay, gia đình ông đã gây dựng gia trại chăn nuôi và sản xuất khá quy mô, với 2.000m2 nhà kính chuyên canh trồng hoa cúc các loại; 500m2 thử nghiệm trồng dâu tây giá thể; gần 2 ha canh tác ngoài trời luân phiên trồng cây dược liệu Atiso và rau các loại; 2 ha đất trồng cà phê còn lại, gia đình tích cực đầu tư, thâm canh, cải tạo nâng cao năng suất, sản lượng. Từ một nông dân lạc hậu, thiếu kiến thức, trải qua thực tế sản xuất nhiều năm, giờ đây ông Ha Hang đã trở thành một lão nông giàu kinh nghiệm, giỏi nghề. Điều đó được chứng minh trên những vườn rau, vườn hoa và cây dược liệu của gia đình luôn cho năng suất, chất lượng cao. Đặc biệt là với hoa cúc, không phải nông dân nào cũng nắm giữ được bí quyết trồng hoa đẹp, không bị nấm bệnh và có thể canh tác liên tục năm này qua năm khác, nhất là với người dân tộc thiểu số, ít được học hỏi như ông. Ngoài ra, ông cũng rất nhanh nhạy trong việc tìm đầu mối tiêu thụ sản phẩm. Hầu hết các sản phẩm nông nghiệp làm ra đều được gia đình ông tự thu hoạch, đóng gói cho các công ty hoặc thương lái. Riêng mặt hàng dâu tây được tương tác bán qua facebook, zalo...nên hầu như các sản phẩm làm ra của gia đình đều bán được với giá cao và ổn định.
Ông Lơ Mu Ha Hang, học hỏi thử nghiệm Mô hình trồng dâu tây giá thể trên diện tích 500m2
Cũng từ việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm, ông mạnh dạn xóa bỏ tập quán chăn nuôi thả rông trước đây, đầu tư chuồng trại, xây dựng hố ủ phân chuồng để nuôi 22 con bò và 10 con heo thịt theo hình thức bán thâm canh, chăn thả kết hợp nuôi nhốt. Việc chăn nuôi khoa học, có chuồng trại giúp đàn vật nuôi luôn khỏe mạnh và giúp gia đình tận dụng nguồn phân từ chăn nuôi. Trung bình cứ 3 tháng, gia đình ông thu được lượng phân chuồng khoảng 40m3 phục vụ cho sản xuất, giảm chi phí đầu tư mua phân hóa học, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất.
Qua gần 10 năm chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, dù có vụ thắng lợi, vụ thất bại nhưng gia đình ông Lơ Mu Ha Hang luôn có nguồn thu nhập ổn định nhờ đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi. Bình quân, mỗi năm, gia đình ông đạt thu nhập ổn định khoảng 300 đến 500 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Trong đó, từ sản xuất Atiso và cây rau, mỗi năm đen lại cho gia đình nguồn thu từ 220 đến 300 triệu trên/1 Ha. Mỗi vụ thu hoạch hoa cúc, đạt từ 200 triệu đến 300 triệu đồng/2 sào. Thu từ cà phê, đạt khoảng 300 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ chăn nuôi. Nhờ đó, ông có điều kiện nuôi 4 đứa con ăn học đầy đủ, mua sắm được các phương tiện sản xuất và tiện nghi phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Đặc biệt, ông còn tích 5 tỷ đồng mua thêm 5 sào đất sản xuất vào năm 2023 vừa qua và hiện nay đang đầu tư xây dựng một căn nhà mới trị giá gần 3 tỷ đồng.
Căn nhà trị giá gần 3 tỷ đồng thành quả từ lao động sản xuất, được gia đình ông Hang đầu tư xây dựng trong năm 2024
Với việc mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Lơ Mu Ha Hang đã khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế của địa phương để làm giàu cho gia đình. Ông trở thành điển hình trong thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”. Bản thân ông, 10 năm qua, luôn giữ vững danh hiệu nông dân sản xuất giỏi tiêu biểu, được chọn báo cáo điển hình và khen thưởng tại nhiều hội nghị của huyện Lạc Dương.
NGUYỄN HIỀN