Những ngày gần đây, nhiều hành vi ứng xử cùng mục đích thiếu trong sáng của một số người tham gia làm từ thiện, ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão, lũ đã vấp phải phản ứng của dư luận.
Ảnh minh họa. Vietcombank cập nhật tính năng chuyển tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 và mưa lũ trên VCB Digibank
Sau khi Ban Vận động cứu trợ Trung ương (thuộc Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) công bố mười mấy nghìn trang sao kê tiền ủng hộ các trường hợp chịu ảnh hưởng do bão, lụt, hành vi “làm màu” trên nỗi đau của đồng bào mình, cũng như sự gian dối của không ít cá nhân bị phơi bày và bị lên án mạnh mẽ.
Từ bản sao kê, phát hiện không ít cá nhân tuyên bố đã chuyển khoản ủng hộ số tiền lớn nhưng con số thật lại quá chênh lệch. Không ít người, thậm chí khá nổi tiếng trên mạng xã hội, đã sử dụng chiêu trò chỉnh sửa ảnh, khoe ủng hộ hàng chục, hàng trăm triệu đồng... để “làm màu”, “đánh bóng” bản thân... Lại có cả hiện tượng một số cá nhân giả danh cơ quan, tổ chức để chuyển tiền (với số rất nhỏ) làm ảnh hưởng uy tín của cơ quan, tổ chức... Và không ít cá nhân, kể cả người nổi tiếng đã phải lên tiếng xin lỗi.
Hỗ trợ đồng bào gặp hoạn nạn do thiên tai là truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Tùy điều kiện cá nhân mà mức đóng góp có thể khác nhau, dù nhiều hay ít cũng rất đáng trân quý. Thông qua các trang sao kê vừa qua cũng cho thấy không ít câu chuyện xúc động.
Những dòng tin nhắn đi kèm số tiền ít ỏi 10-20-50 nghìn đồng của các cháu học sinh chia sẻ với người dân vùng thiên tai thật ấm áp và đầy tình yêu thương, cho thấy giá trị ở sự cho đi và tấm lòng muốn được sẻ chia, giúp đỡ người gặp hoạn nạn. Vì thế, dư luận rất hoan nghênh việc công khai sao kê số tiền ủng hộ, giúp người dân, tổ chức theo dõi, giám sát toàn bộ việc ủng hộ đồng bào bị thiên tai, bão lũ.
.
Xét ở cả góc độ pháp lý lẫn văn hóa, đạo đức, việc lợi dụng ủng hộ để khoe khoang, “đánh bóng” tên tuổi hay chỉnh sửa biên lai, trục lợi đều đáng bị lên án. Trục lợi - dù chỉ là để “đánh bóng” cá nhân thông qua việc làm từ thiện là xâm phạm đạo đức xã hội. Việc sửa hình ảnh biên lai để “thổi phồng” số tiền đã ủng hộ không chỉ là hành vi lừa dối mà còn làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của hoạt động từ thiện.
Theo quy định pháp luật về hoạt động thiện nguyện, mà trực tiếp là Nghị định số 93 (năm 2021) của Chính phủ, các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động từ thiện và tham gia đóng góp thiện nguyện đều phải tuân thủ pháp luật và đạo đức xã hội. Việc chỉnh sửa biên lai gửi tiền ủng hộ để “làm màu” của một số cá nhân gây ra những nghi ngờ giữa những người đóng góp và người tiếp nhận quản lý tiền, gây ra dư luận xấu. Nếu xác minh của cơ quan chức năng cho thấy hành vi sửa biên lai chuyển tiền từ thiện đăng lên mạng xã hội gây khó khăn cho đơn vị tiếp nhận, ảnh hưởng đến hoạt động thống kê, phân phát tiền từ thiện, gây dư luận xấu thì người thực hiện hành vi này có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trên thực tế, thời gian qua đã xuất hiện các loại hành vi làm từ thiện rất phản cảm như: Làm từ thiện kiểu “chém gió”; làm từ thiện kiểu “du lịch”; làm từ thiện kiểu “dàn dựng”; làm từ thiện theo kiểu “bố thí”; làm từ thiện kiểu “mê muội”... Và các cơ quan chức năng cũng đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp các đối tượng lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để kêu gọi quyên góp ủng hộ từ thiện rồi chiếm đoạt một phần hoặc toàn bộ số tiền đó. Xử lý nhiều đối tượng tội phạm sử dụng công nghệ cao có tổ chức đã lập các trang web giả mạo các cơ quan tổ chức để kêu gọi nhận tiền từ thiện rồi chiếm đoạt.
Bản chất của hoạt động từ thiện là hành vi nhân đạo, được tôn vinh, khích lệ. Với người Việt thì điều đó đã trở thành truyền thống “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”... Ý nghĩa đích thực của hoạt động thiện nguyện là sự thương yêu, chung tay sẻ chia “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Từ thiện không chỉ là giúp vật chất mà còn mang đến niềm tin và hy vọng cho những người cần được giúp đỡ.
.
Làm từ thiện không chỉ cần cái tâm mà cần sự chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch để tiền, hàng hóa cứu trợ đến được đúng nơi, đúng lúc và tạo giá trị bền vững cho cộng đồng. Làm từ thiện cần quảng bá để nhiều người biết và cùng chung tay sẻ chia, hỗ trợ, song sự quảng bá phải được thực hiện một cách tinh tế với sự trung thực, tự nguyện..., tránh khoa trương. Quảng bá để kêu gọi, cổ vũ những người khác tham gia làm từ thiện, chứ không phải để “đánh bóng” bản thân.
Hoạt động từ thiện tự thân đã là hành vi văn hóa cao và là thước đo văn minh của cá nhân, tổ chức. Làm từ thiện xuất phát từ tình yêu thương và trách nhiệm với cộng đồng chứ không phải bị thúc ép bởi dư luận hay “làm màu” cho cá nhân. Làm từ thiện cần phải có văn hóa - văn hóa từ thiện. Đừng mang danh từ thiện để đánh bóng tên tuổi, phô trương đạo đức. Vì vậy, xây dựng văn hóa từ thiện bền vững với việc làm từ thiện không chỉ nhất thời mà phải là một nét đẹp văn hóa, thấm sâu vào trái tim mỗi người. Xây dựng văn hóa từ thiện và công khai minh bạch cũng là phương thức hữu hiệu để ngăn chặn các hành vi trục lợi.
(Theo nhandan.com.vn)