(LĐ online) - Giữa vùng sâu Lán Tranh, xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương, một nông dân K’Ho đã chuyển đổi cây trồng. Từ vườn cà phê năng suất thấp, một vườn hoa hồng Pháp đã nở rộ.
Ông Kơ Dơng Ha Biêng
Ông Kơ Dơng Ha Biêng, nông dân thôn Lán Tranh, xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương vừa tranh thủ cắt hồng, vừa chia sẻ về quá trình thay đổi trong sản xuất của gia đình. Ông Ha Biêng cho biết, mảnh vườn của gia đình vốn được trồng cà phê. Vườn cạnh suối, thỉnh thoảng trời mưa lớn, nước dâng cao, cây cà phê ngấm nước, rễ yếu, năng suất thấp. Suy nghĩ mãi, học hỏi nhiều nông hộ người Kinh trong vùng, ông Ha Biêng quyết định chuyển đổi cây trồng, làm nhà kính trồng hoa hồng.
Ông Ha Biêng chia sẻ: “Bà con thôn Lán Tranh chỉ có một số hộ người Kinh làm nhà kính trồng hoa hồng. Bản thân tôi cũng phải tìm tòi, có đầu ra ổn định mới dám mạnh dạn phá bỏ cà phê, làm nhà kính để trồng hoa hồng”. Được biết, trước khi xuống giống những cành hồng đầu tiên, ông Ha Biêng đã ký kết với một vựa hoa lớn về thu mua cành hoa hồng. Ông bảo, hoa hồng trồng nhà kính đầu tư rất lớn, nếu không có đầu ra ổn định, người nông dân sẽ thiệt hại.
Mạnh dạn thay đổi cơ cấu cây trồng, ông Ha Biêng đã đào từng gốc cà phê, dựng một sào nhà kính cao, đúng chuẩn trồng hoa. Và, học hỏi kinh nghiệm trồng hồng từ các nông hộ trong xã, ông Ha Biêng quyết định trồng các giống hồng ngoại, chủ yếu là hồng Pháp. Nếu các nhà vườn khác thường mua cây hồng đã được ghép sẵn về trồng thì ông Ha Biêng quyết định giảm chi phí bằng việc trồng gốc hồng dại. Ông chặt một số hom cây hồng dại - tầm xuân bản địa để làm cây mẹ. Sau 6 tháng, những gốc tầm xuân đã mạnh mẽ ra rễ, bám chặt vào đất, lên những mầm xanh mướt. Trên những góc tầm xuân mạnh khỏe ấy, ông Ha Biêng ghép những chồi hồng ngoại có màu sắc đẹp, được thị trường ưa chuộng, vựa liên kết tư vấn. Những cây hồng mang những cái tên ấn tượng như: đỏ Pháp, Nữ thần, Ánh trăng… được người nông dân chăm sóc từng ngày. Và, cây không phụ người, sau 4 tháng ghép, những bông hồng ra hoa, giúp gia đình ông Ha Biêng có thu nhập đều đặn.
“Kĩ thuật chăm hoa hồng rất khó, người mới trồng lần đầu như tôi phải học hỏi rất nhiều. Tôi đã học tại rất nhiều nhà vườn xung quanh, được bà con hướng dẫn nhiệt tình, tôi mới đủ kỹ thuật để chăm sóc vườn hồng”, ông Ha Biêng nhận xét. Ông cho biết, những cây hồng cao rất nhanh. Mỗi tháng, ông cắt được 15 lần, thu hoạch ngày cách ngày. Theo ông, cây bông hồng dễ bị các bệnh như: nấm, vàng lá, phấn trắng…, người nông dân phải quan sát và theo dõi rất kỹ. Hồng ra hoa thường xuyên nên cần một lượng phân hữu cơ lớn cũng như các loại phân bổ sung theo đúng chu kỳ.
Đặc biệt, người nông dân cần chăm sóc cây hồng đúng kĩ thuật để cây cao, lá xanh, cành cứng và hoa to, màu đẹp. Khi nhận thấy cây hồng già, ông Ha Biêng trẻ hóa vườn hồng bằng việc hạ cây, cắt sát vết ghép. Sau khi cắt, bón phân, tưới nước, chỉ sau hai tháng, vườn hồng tiếp tục nảy chồi ra hoa. Ông Ha Biêng nhận xét: “Trồng hồng theo hợp đồng, nông dân phải giữ chữ tín với vựa. Như vườn hoa hồng của gia đình tôi, tôi luôn đảm bảo cắt hoa đúng quy cách, cành cao 45 cm trở lên, bông nở vừa, đảm bảo nở khi tới tay người tiêu dùng. Nếu cắt cành non, bông không nở, khi tới tay người tiêu dùng, uy tín thương hiệu của hoa hồng Đà Lạt sẽ bị giảm. Còn nếu để bông nở quá, khi tới tay người tiêu dùng, bông cũng sẽ nhanh tàn”.
Ông Ha Biêng luôn cắt hồng vào sáng sớm, vựa tới tận nhà thu hoa của gia đình ông. Hiện tại, ông Ha Biêng đang thu hoạch được 400-500 bông/lứa cắt. Trung bình mỗi tháng, ông thu được 7.000 bông hồng ngoại đẹp, đạt chuẩn. Ông Ha Biêng khẳng định: “Đầu tư cho hoa hồng khá cao và mức thu nhập không phải lúc nào cũng thật sự tốt. Hoa có giai đoạn giá lên, xuống, như nhà tôi bình thường giá không cao, chủ yếu bù vào giá cao các dịp lễ. Như dịp 20/11 vừa qua, hoa hồng của nông dân được thu với giá rất tốt, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng hoa. Ông Ha Biêng cũng khẳng định, bà con nông dân muốn thay đổi cơ cấu cây trồng, chuyển từ các cây khác sang trồng hoa, cần tìm đơn vị thu mua, thương thảo hợp đồng chặt chẽ rồi mới xuống giống. Trồng hoa theo liên kết sẽ mang lại thu nhập ổn định cho nhà nông.
Ông Liêng Hót Ha Chú - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đưng K'nớ cho biết, hộ ông Kơ Dơng Ha Biêng là hộ nông dân bản địa đầu tiên của địa phương trồng hồng trong nhà kính. Ông Ha Biêng đã thoả thuận, ký hợp đồng thu mua với vựa hoa nên đảm bảo đầu ra ổn định cho bông hồng, giúp cư dân Lán Tranh biết thêm một cách làm ăn an toàn cho người nông dân, góp phần thúc đẩy bà con mạnh dạn thay đổi.
DIỆP QUỲNH