Công tác tư tưởng có vai trò quan trọng hàng đầu trong việc khơi dậy cội nguồn sức mạnh của dân tộc, biến nhận thức thành hành động cách mạng, chuyển hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn, xây dựng và phát triển đất nước.
Không phải ngẫu nhiên mà sau khi được bầu làm người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Tô Lâm -Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã có cuộc làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương (ngày 29/10/2024) được dư luận đảng viên và Nhân dân đánh giá cao và đặc biệt quan tâm. Trong đó, người đứng đầu của Đảng nhấn mạnh những yêu cầu cấp bách và nhiệm vụ trọng tâm của công tác tuyên giáo trong thời gian tới, đặc biệt là từ nay đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm là dịp để các cấp ủy Đảng cũng như cán bộ, đảng viên nhìn lại, nhận thức sâu sắc thêm tầm quan trọng công tác tuyên giáo của Đảng - Yếu tố hàng đầu quyết định thành bại mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Lễ trao Huy hiệu Đảng tại Đảng bộ Thành phố Bảo Lộc đợt 19/5/2022
• MỤC TIÊU CAO NHẤT LÀ THU PHỤC NHÂN TÂM
Tuyên giáo là lĩnh vực công tác có chiều sâu và phạm vi rộng đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Có thể hiểu tuyên giáo chính là công tác tư tưởng, trọng tâm là giáo dục lý luận chính trị, giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng, hun đúc lòng tin lòng yêu nước; giáo dục chuẩn mực đạo đức cách mạng, làm cho Đảng ta xứng đáng là đạo đức, là văn minh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Công tác tuyên giáo bao gồm cả tuyên truyền cổ động; văn hóa - văn nghệ; khoa giáo (khoa học và giáo dục, y tế, thể thao, dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc bà mẹ, trẻ em, phòng chống tệ nạn xã hội, an sinh xã hội…); đấu tranh phản bác, phê phán các luận điệu sai trái, thù địch và các thông tin xấu, độc... để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ giá trị cốt lõi của nền dân chủ cộng hòa cũng như những giá trị văn hóa của dân tộc và thể chế chính trị.
Công tác tuyên giáo được thể hiện thông qua nhiều nội dung, phương thức khác nhau, với các hình thức thực tiễn sinh động, phong phú, lan tỏa liên tục, sâu rộng nhằm mục tiêu cao nhất là thu phục nhân tâm, biến nhận thức thành hành động cách mạng. Vai trò tiên phong của công tác tuyên giáo bắt đầu từ những đóng góp quan trọng hình thành nên cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng cầm quyền - đến việc cụ thể hóa bằng các nghị quyết của Đảng - thể chế hóa cương lĩnh, nghị quyết thành chính sách, pháp luật - và cuối cùng là biến thành nhận thức đúng, hành động đúng trong toàn Đảng, toàn dân, chuyển hóa toàn bộ quá trình nói trên vào cuộc sống, đạt được những thành tựu mới, mang lại lợi ích cho Nhân dân.
Tổng Bí thư Tô Lâm đánh giá cao những đóng góp của Ngành Tuyên giáo đối với thành tựu vĩ đại đất nước ta đã đạt được kể từ khi có Đảng, đặc biệt là sau 40 năm đổi mới. Thực tế, nhiều cấp ủy Đảng địa phương đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng đặc biệt công tác tư tưởng của Đảng, ra sức kiện toàn các cơ quan tuyên giáo với đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, có đạo đức tốt, đáp ứng yêu cầu trình độ lý luận và chuyên môn, hoạt động có kế hoạch, mục tiêu, thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mình.
Nhiều cơ quan tuyên giáo địa phương, như Ban Tuyên giáo Thành ủy Bảo Lộc đã chủ động xây dựng chuẩn mực học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; trong đó, nhấn mạnh yêu cầu đối với cán bộ, đảng viên, công chức phải tuyệt đối trung thành, tận tụy, gương mẫu, đoàn kết, đọc kỹ, nghĩ sâu, viết sắc, tuyên truyền thuyết phục, tham mưu hiệu quả.
Chuẩn mực của cán bộ, đảng viên Ban Tuyên giáo Thành ủy Bảo Lộc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
• KHẮC PHỤC HẠN CHẾ, TẠO SỰ THÔNG SUỐT, ĐOÀN KẾT, NHẤT TRÍ
Tuy vậy, có nơi chưa quan tâm đúng mức, thậm chí, có cán bộ cấp ủy coi công tác tuyên giáo là việc của cơ quan tuyên giáo, của cán bộ làm công tác ở Ban Tuyên giáo. Biểu hiện cụ thể như ở cấp ủy thành phố (cấp huyện) nọ, có lần, khi một vài Đảng ủy trực thuộc thực hiện chưa nghiêm Chỉ thị 05 CT-TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” thì quy hết trách nhiệm cho Ban Tuyên giáo mà chưa thấy rõ trách nhiệm của cấp ủy, Ban Thường vụ cấp mình.
Tại hội nghị rút kinh nghiệm sau đó, khi phân tích, đánh giá, kiểm điểm làm rõ trách nhiệm thì mới “vỡ lẽ” ra rằng: Nguyên nhân chính là do Ban Chấp hành và Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện buông lỏng sự lãnh đạo. Bởi lẽ, đa số các đồng chí Bí thư Đảng ủy trực thuộc đều là huyện ủy viên nhưng chưa lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy của mình thực hiện đúng yêu cầu kế hoạch triển khai Chỉ thị 05; các ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy cũng đã được phân công phụ trách địa bàn và tổ chức cơ sở đảng nhưng thiếu sự kiểm tra, chỉ đạo.
Một ví dụ khác, Ngày Truyền thống Ngành Tuyên giáo 1/8 - mốc son lịch sử đánh dấu sự ra đời, trưởng thành ngày càng vững mạnh của lĩnh vực ra đời sớm nhất trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, khẳng định tầm quan trọng hàng đầu của công tác tư tưởng – nhưng cũng cấp ủy nọ không coi đó là dịp để mở cuộc sinh hoạt chính trị trong toàn đảng bộ, năm nào cũng vậy, họ “gộp” ngày 1/8 để tổ chức kỷ niệm chung với các ban Đảng khác và Văn phòng cấp ủy vào 1 ngày tháng 10 hàng năm (!?).
Hoặc về công tác cán bộ, có đồng chí công tác nhiều năm trong ngành tuyên giáo nhưng chưa được quan tâm đào tạo lý luận chính trị nên không đủ chuẩn làm báo cáo viên, nghĩa là làm tuyên giáo nhưng nghịch lý là chỉ viết mà “không được nói”. Đó là những hạn chế tồn tại cần sớm khắc phục.
Thời gian tới, đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: Trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là một kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng để xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh; sánh vai với các cường quốc năm châu.
Người đứng đầu Đảng nhấn mạnh: Cần thống nhất nhận thức công tác tuyên giáo là công tác của toàn Đảng, của các cấp ủy, tổ chức đảng, của mỗi chi bộ, đảng viên; không phải công việc của Ban Tuyên giáo, của Ngành Tuyên giáo, nếu mình làm đơn độc như thế sẽ không thể thành công được. Phải làm sao huy động được cả hệ thống chính trị, hệ thống tổ chức của Đảng, thấm đến từng đảng viên, còn nếu không thì chỉ trên giấy thôi, không vào cuộc sống được.
Đồng thời, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác tuyên giáo theo hướng chủ động, sát thực tiễn, nhạy bén, phát hiện và kịp thời tham mưu với Đảng giải quyết hiệu quả vấn đề thực tiễn nổi lên; phải tạo ra sự thông suốt, đoàn kết, nhất trí, tạo khí thế thi đua trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; phải làm cho quan điểm của Đảng, Nhà nước thấm sâu vào trái tim, khối óc của từng đảng viên, từng người dân, tạo ra phong trào hành động cách mạng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, 100 năm thành lập nước.
Tin tưởng, kỳ vọng rằng, quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, các cấp ủy Đảng và cả hệ thống chính trị sẽ làm tốt công tác tuyên giáo; mỗi đảng viên - cùng với đội ngũ cán bộ tuyên giáo làm nòng cốt – thật sự là những chiến sĩ kiên trung trên mặt trận tư tưởng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị ở địa phương, cơ sở.
(ThS. NGUYỄN VÂN HẬU/baolamdong.vn)