Hơn 94 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang lãnh đạo thực hiện thành công công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đi đôi với tăng cường xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức.
.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được thực hiện đồng bộ bằng nhiều giải pháp; trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, khóa XIII), Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25/10/2021 về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị...
Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay, trong nội bộ Đảng, ở một số chi bộ, đảng bộ vẫn còn số ít cán bộ, đảng viên, trong sinh hoạt, học tập, công tác vẫn có biểu hiện né tránh, sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm, tranh công, đổ lỗi.
Cụ thể, trong sinh hoạt chi bộ, đảng bộ các cấp, khi người chủ trì nêu những hạn chế, khuyết điểm để chi bộ, đảng bộ phân tích, làm rõ, tìm ra biện pháp khắc phục, thì không ít cá nhân tìm mọi cách tranh công, đổ lỗi. Từ chuyện tranh công, đổ lỗi, xuất hiện tình trạng đấu đá, nói xấu nhau, mất đoàn kết trong nội bộ, ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung của cơ quan, đơn vị.
Trong cuộc sống đời thường, những cá nhân hay tranh công, đổ lỗi lại chính là những thành phần thường xuyên đi “cửa sau”, lợi dụng mối quan hệ “thân thiết” với “sếp A”, “sếp B”, thông qua ly trà, chén rượu để có “câu chuyện làm quà”, đổ lỗi cho người khác, tranh công về phần mình. Trong khi đó, những “sếp A”, “sếp B” lại “vô tư quá mức”, hay “cố tình không nhìn thấy”, thậm chí là có tư tưởng “bảo thủ, gia trưởng” không tìm hiểu rõ nguyên nhân, thích lời “xu nịnh” mà nghe theo, dẫn đến hiểu sai bản chất, sự thật của vấn đề.
Cũng có cán bộ, đảng viên nhận sai, nhưng lại nhận sai kiểu “nửa vời”, hay có tình trạng cho rằng “tập thể sai, nhưng cá nhân vẫn đúng”.
Tình trạng trên đã làm giảm uy tín của Đảng, sói mòn lòng tin trong Nhân dân. Người làm đúng thì sợ sai, quan điểm cá nhân mang tính chất xây dựng, đóng góp cho cái chung thì không được tổ chức bảo vệ, nhân tài thì không được trọng dụng, dẫn đến hiện tượng cán bộ chán nản, thậm chí “chảy máu chất xám”. Kẻ thoái hóa, không làm nhưng giỏi “xu nịnh” thì tìm cơ hội “tranh công, đổ lỗi” để thăng tiến không ngừng. Tính phê bình và tự phê bình của Đảng đã vô tình bị hiểu sai, trở thành công cụ, vũ khí cho những kẻ cơ hội lợi dụng, trở thành “cái ung, cái nhọt” trong nội bộ Đảng.
.
Để khắc phục tình trạng né tránh, sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm, tranh công, đổ lỗi trong nội bộ Đảng, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước tiên, về nhận thức, cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải thường xuyên giáo dục cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc vị trí, ý nghĩa, nhiệm vụ, trách nhiệm của cá nhân, rèn luyện bản lĩnh vững vàng, “dám làm, dám chịu trách nhiệm”; của việc đấu tranh phòng, chống biểu hiện né tránh, sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm, tranh công đổ lỗi trong nội bộ đảng.
Mỗi người cần phải có thái độ, phương pháp đúng, mạnh dạn nhận trách nhiệm, khuyết điểm, sửa sai một cách triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm, bản lĩnh, dám làm dám nhận; hết sức tránh thái độ “giấu bệnh sợ thuốc”, không tìm cách sửa đổi mà còn tranh công, đổ lỗi cho người khác. Chủ tịch Hồ Chí Minh gọi đó là “thái độ không thật thà, không đúng đắn”, thái độ đó sẽ dẫn đến hậu quả hết sức nghiêm trọng, bệnh ngày càng nặng thêm, thậm chí “nguy hiểm đến tính mạng” .
Về hành động, một là, mỗi cán bộ, đảng viên phải phát huy tính chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức hoàn thành tốt nhiệm vụ. Trong thực hiện nhiệm vụ, phải tích cực, linh hoạt, chủ động để công việc chạy đều, có kết quả cao nhất; kể cả trong việc phối hợp thực hiện với đồng chí, đồng nghiệp hoặc cơ quan, đơn vị có liên quan, không để chậm trễ, tồn đọng, ách tắc; không để đồng chí, đồng nghiệp phải chờ đợi sự phối hợp, cộng tác; tuyệt đối tránh biểu hiện “công thần”, “ngôi sao”, xem mình là duy nhất, là “không thể thay thế”.
Trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, dù đơn giản, hay phức tạp, dù bình thường hay khẩn cấp, cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chế, quy định, quy trình, không làm tắt, làm trái quy định, trái lương tâm của người cán bộ, đảng viên; tuyệt đối không có động cơ cá nhân hay định kiến, trục lợi trong công việc. Tuy nhiên, cũng không được cứng nhắc, máy móc, phải linh hoạt, sáng tạo, không ngừng cải tiến, đổi mới để hoàn thành công việc.
Hai là, có tính tự trọng cao, chính là sự coi trọng danh dự, phẩm chất, tư cách của chính bản thân. Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất. Có tự trọng, có danh dự thì mới nêu cao ý thức trách nhiệm, làm việc với tinh thần, thái độ công tâm, khách quan, vì lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, tập thể và Nhân dân, vì uy tín, danh dự của dân tộc Việt Nam, của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, của cơ quan, đơn vị và của chính bản thân mình.
Mỗi cán bộ, đảng viên ý thức được tính tự trọng thì làm công việc một cách trong sáng, cao thượng, không lồng động cơ cá nhân hoặc vì lợi ích của bản thân, của gia đình, hay “lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ”, bởi vì “tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu” .
Ba là, phải biết tự kiểm tra chính bản thân mình trong mọi việc; thấy sai phải sửa, phải nhận lỗi, gây hại phải đền, được phê bình phải tiếp thu. Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự kiểm tra, kiểm soát lại công việc đã thực hiện đến đâu, với mức độ, kết quả như thế nào, có kết quả, sáng kiến gì để phát huy, những gì chưa làm được hay làm với kết quả chưa như mong muốn cần điều chỉnh.
Khi chúng ta mắc phải thiếu sót, khuyết điểm phải tự giác nhận trách nhiệm cá nhân, xác định rõ nguyên nhân do đâu mà mắc phải để có biện pháp sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên; không tranh công, đổ lỗi cho khách quan, cho người khác, đề ra biện pháp khắc phục sửa chữa thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm; từ đó tham mưu, đề xuất những vấn đề còn vướng mắc với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, chi bộ, đảng bộ để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ, tháo gỡ hoặc tạo điều kiện để thực hiện tốt công việc, chức trách, nhiệm vụ được giao.
Người được phê bình phải cầu thị, nghiêm túc tiếp thu ý kiến phê bình của đồng chí mình, phải có ý chí quyết tâm khắc phục sai lầm, khuyết điểm, không nên vì bị phê bình mà nản chí hoặc oán ghét, không nên đùn đẩy trách nhiệm, trốn tránh khuyết điểm, sai lầm.
Bốn là, phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, cần, kiệm, kiêm, chính, không vụ lợi trong công việc; đồng thời giữ vững nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Cán bộ, đảng viên không nên suy bì xem công việc của mình có quan trọng hay không, có đem lại lợi lộc gì cho bản thân và gia đình hay không; phải thấy được rằng, công việc nào cũng cần thiết, quan trọng đối với cơ quan, đơn vị, mỗi cá nhân, mỗi người trong một tập thể đảm nhận một nhiệm vụ khác nhau và trách nhiệm của mỗi cá nhân là hoàn thành tốt công việc của mình, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị; phải luôn luôn khắc cốt ghi tâm, giữ vững ba đặc điểm có tính nguyên tắc của mô hình lãnh đạo chính trị nước ta hiện nay: “Tập thể lãnh đạo”, “lãnh đạo tập thể”, “lãnh tụ tập thể” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu trong phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị cho Đại hội XIV. Mỗi cá nhân khi đã được giao và làm bất kỳ việc gì, dù gặp khó khăn, trở ngại cũng phải quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, không được thoái thác, không được chùn bước.
Năm là, phải tự tin, bản lĩnh, thực hiện “7 dám”. Cán bộ trong Quân đội nói riêng, đội ngũ cán bộ, viên chức các cấp trong toàn Đảng nói chung phải giữ vững và phát huy tinh thần “7 dám” mà Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Bí thư Quân ủy Trung ương đã chỉ ra tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2020-2025: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”, phải “Biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế, nói đi đôi với làm”, bởi “không có ai mà không mắc sai lầm, khuyết điểm, chỉ những kẻ không làm thì mới không phạm sai lầm” và cũng cần tránh tình trạng “chậm trễ, tránh né, trì trệ, thiếu trách nhiệm, sợ sai không dám làm, cầu an thận trọng quá mức”.
Các cơ quan, đơn vị cũng phải có cơ chế bảo vệ, khuyến khích cán bộ “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, như Cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trong Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 09/12/2023: “Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải chủ động tấn công, xử lý nghiêm tiêu cực, đồng thời có cơ chế khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm”.
Quan trọng hơn hết, mỗi cá nhân phải thực sự khiêm tốn, thật sự cầu thị, không kiêu ngạo, thỏa mãn. Cán bộ, đảng viên, viên chức phải thể hiện thái độ khiêm tốn trong thực hiện nhiệm vụ, công việc; khiêm tốn khi đạt được thành tích, khiêm tốn về năng lực, trình độ bản thân, bởi vì “khiêm tốn là một điều không thể thiếu cho những ai muốn thành công trong cuộc sống”; có tinh thần cầu thị khi đồng chí, đồng nghiệp, lãnh đạo cơ quan, đơn vị góp ý giúp đỡ, như Bác dạy: “Cán bộ ta phải thực sự “cần, kiệm, liêm, chính”.
Đối với các đồng chí có vai trò lãnh đạo, Bác cũng đã dạy: “Cấp trên cũng nên thỉnh thoảng trưng cầu ý kiến phê bình của cấp dưới, có như thế có khác gì người có vết nhọ trên mặt, được người ta đem gương cho soi, lúc đó không cần ai khuyên bảo cũng tự vội vàng đi rửa mặt”; phải nắm bắt được năng lực, sở trường, sở đoản của từng cán bộ, đảng viên để phân công nhiệm vụ phù hợp với năng lực, vai trò, vị trí của từng cá nhân; phải trực tiếp làm việc, “làm để thấu hiểu việc cấp dưới làm, làm để theo dõi, chỉ đạo, kiểm tra”, phải thường xuyên kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn; phải hiểu tâm tư, nguyện vọng, đời sống, hoàn cảnh gia đình của đội ngũ cán bộ mình quản lý, “hiểu cán bộ” mà điều chỉnh công việc cho phù hợp, phát huy được trình độ, năng lực của cán bộ, đồng thời giải quyết hài hòa các mối quan hệ công việc, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, dân chủ, cởi mở trong cơ quan, đơn vị…
Đấu tranh phòng, chống biểu hiện “né tránh, sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm, tranh công, đổ tội” trong nội bộ đảng không chỉ thể hiện trong nghị quyết, trong văn bản, không chỉ bằng lời hứa mà là trong những việc làm rất cụ thể, thiết thực, hàng ngày thuộc mọi lĩnh vực, mọi công việc, của mọi người.
Nói cho cùng, “mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như rửa mặt hằng ngày. Được như thế Đảng ta sẽ không có bệnh, Đảng ta sẽ khỏe mạnh vô cùng”. Đó chính là bổn phận mỗi người đối với tổ chức, với Đảng, với cấp trên và chính là trách nhiệm trước Nhân dân, trước tập thể và với chính bản thân mình. Đó là biểu hiện trong sáng nhất của đạo đức làm người, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, hết lòng, hết sức phấn đấu vì sự nghiệp cách mạng của dân, của nước. Đó cũng là đạo đức, tư cách người cán bộ, đảng viên thực thụ, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Cũng như sông có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được Nhân dân”. Và, “Muốn gột rửa sạch những vết tích xấu xa của xã hội cũ, muốn rèn luyện đạo đức cách mạng, thì chúng ta phải ra sức học tập, tu dưỡng, tự cải tạo để tiến bộ mãi. Nếu không cố gắng để tiến bộ, thì tức là thoái bộ, là lạc hậu”.
Tài liệu tham khảo:
1. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 9, tập 11.
2. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, 11/8/2021. Báo Dân trí.
3. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phiên họp đầu tiên của Tiểu ban nhân sự chuẩn bị cho Đại hội XIV ngày 13/3/2024, Cổng Thông tin Chính phủ, 13/3/2024.
4. Khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan tới Đại án Việt Á. Cổng thông tin Chính Phủ, 02/5/2023
5. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011
Nguồn: baolamdong.vn