Từ sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Đảng ta đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực đem lại hiệu ứng tích cực trong toàn Đảng, toàn dân rất phấn khởi, đồng tình, niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa ngày càng tăng cao và vững chắc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì Phiên họp thứ 21 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. (Ảnh: TTXVN)
Song, các thế lực thù địch lại tung ra nhiều luận điệu, quan điểm sai trái cho rằng: Cán bộ, đảng viên là nhóm người đặc quyền, đặc lợi, hình thành lợi ích nhóm, quan liêu, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống,… Song, bản chất của các luận điệu, quan điểm sai trái, thù địch trên là muốn làm xấu hình ảnh của người cán bộ, đảng viên, qua đó hạ uy tín của Đảng. Quan trọng hơn, các thế lực thù địch, phản động muốn đánh vào “niềm tin”, sự đồng tình, đồng thuận của người dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa. Thật ra, chúng ta nhìn một cách toàn diện, xuyên suốt và hiểu rõ bản chất của Đảng là từ khi thành lập Đảng và trong suốt hơn 92 năm qua, Đảng ta luôn quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt quan tâm đến việc bồi dưỡng, rèn luyện tư cách người cán bộ, đảng viên. Từ năm 1927 trong cuốn sách “Đường Cách mạng”, Bác Hồ đã nhấn mạnh “Giữ chủ nghĩa cho vững”, “ít lòng tham muốn về vật chất”. Khi lãnh đạo Nhân dân giành được chính quyền, Đảng trở thành Đảng cầm quyền, Bác Hồ đã nêu ra cụ thể “12 điều xây dựng Đảng cách mạng, chân chính” trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947). Tiếp theo đó, trong các tác phẩm như: “Đảng ta, cần, kiệm, liêm, chính”, “Dân vận”, “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”.v.v… Bác Hồ đều căn dặn Đảng phải là “công bộc” cho nhân dân, Đảng cầm quyền hết sức tránh bệnh chuyên quyền, quan liêu, tham nhũng, đặc quyền, đặc lợi, xa dân…
Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, trong hơn 92 năm qua, Đảng ta xem nhiệm vụ xây dựng Đảng là then chốt, trong đó công tác cán bộ lại là “then chốt của then chốt”. Công tác bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên là yếu tố sống còn. Và quan điểm xuyên suốt của Đảng ta là: “trong tư tưởng cũng như trong hành động phải triệt để chống tham nhũng, tiêu cực”, “phải làm trong sạch Đảng, trước hết phải loại ngay những phần tử thoái hóa, biến chất”. Đảng đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định với những điều cấm đảng viên không được làm, nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp để bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ, đảng viên cũng như chỉnh đốn Đảng. Đảng ta nhận thức rất rõ về điều này, Đảng đã ban hành những quy định yêu cầu cán bộ, đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành, thực hiện như Quy định số 37-QĐ/TW, ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương quy định về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101-QĐ/TW, ngày 07/06/2012 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp; Quy định số 55-QĐ/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định số 08-QĐ/TW, ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định số 69-QĐ/TW, ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị quy định về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm… những quy định này là cơ sở vững chắc để tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đưc, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Và trên thực tế, đại đa số cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chủ chốt các cấp đều giữ vững phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; thực hiện nêu gương theo các quy định của Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ở đây, chúng ta cần phân biệt giữa bản chất và hiện tượng, giữa thiểu số và đa số để có cái nhìn đầy đủ, toàn diện hơn về công tác chống tham nhũng, tiêu cực thời gian qua do Đảng lãnh đạo với những kết quả rất tích cực và nhận được sự đồng thuận cao trong xã hội. Vì thế, mọi sự phủ nhận, xuyên tạc, bôi nhọ, hạ thấp uy tín về vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước nói chung và trong công tác chống tham nhũng, tiêu cực nói riêng đều là hành động sai trái phải bị lên án và thậm chí là trừng trị theo pháp luật.
Lê Trúc Vinh
Nguồn: soctrang.dcs.vn