NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Phát huy giá trị của văn hóa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay In trang
04/04/2023 07:43 SA

Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, soi đường cho mọi công việc nói chung, trong đó có công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Để Đảng càng văn minh, nhân văn, cần tiếp tục nhận thức sâu sắc giá trị đặc biệt của văn hóa, đạo đức trong đời sống xã hội, trong xây dựng hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân làng Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum)_Nguồn: baokontum.com.vn
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân làng Kon Rờ Bàng, xã Vinh Quang (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum)_Nguồn: baokontum.com.vn

1- Từ lâu văn hóa đã trở thành bộ phận không thể thiếu trong đời sống của mỗi quốc gia - dân tộc, mỗi con người. Nói đến văn hóa là nói đến hệ giá trị chân, thiện, mỹ có giá trị soi đường cho các hoạt động, các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng,... Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”(1). Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, theo đó văn hóa cũng là nền tảng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi”(2). Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của dân tộc”.

Sức mạnh điều tiết của văn hóa không chỉ dừng lại ở phạm vi đạo đức, ứng xử trong quan hệ cộng đồng, quan hệ con người với con người, hay trong bản thân mỗi con người, không chỉ dừng lại ở việc tạo nên sự hài hòa cụ thể, mà cao hơn, văn hóa còn phát huy tác dụng trong điều chỉnh các quan hệ lớn, tạo nên sự phát triển cân đối, hài hòa, đồng bộ giữa các lĩnh vực quan trọng của đời sống, của mỗi quốc gia - dân tộc.

Thực chất của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng mang hệ giá trị văn hóa điều tiết, tác động tích cực đến sự chính danh, trong sạch, vững mạnh của Đảng, vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta. Văn hóa thẩm thấu, chi phối công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Hệ giá trị của văn hóa là tổ hợp của yếu tố truyền thống, kết hợp với yếu tố hiện đại và sự kết tinh tinh hoa văn hóa thế giới. Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và cả dân tộc nên càng phải tạo lập hệ giá trị văn hóa trong Đảng để xây dựng, củng cố, nâng cao bản lĩnh, tầm trí tuệ, sức mạnh nội sinh, khả năng tự đề kháng, kiến tạo xây dựng mô hình tổ chức hợp lý, khoa học, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động mạnh mẽ, toàn diện và sâu sắc trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội hiện nay.

Hệ giá trị văn hóa trong Đảng thể hiện ở một số nội dung, như: 1- Bản lĩnh vững vàng của Đảng trước những khó khăn, thử thách; 2- Xác định đúng quyết sách chính trị để lãnh đạo đất nước phát triển bền vững; 3- Mục tiêu, lý tưởng của Đảng luôn hướng đến chăm lo cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Ngoài lợi ích của giai cấp, dân tộc, Đảng ta không có một lợi ích nào khác; 4- Đạo đức của Đảng, đạo đức của mỗi cán bộ, đảng viên luôn là “công bộc” tận tụy phục vụ nhân dân; 5- Các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Do đó, các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên phải nắm vững nội dung của hệ giá trị văn hóa trong Đảng để phấn đấu, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức cách mạng, nêu cao tính đảng, trách nhiệm trong xây dựng các tổ chức cơ sở đảng vững mạnh toàn diện, phát huy vai trò hạt nhân chính trị. Thực tiễn cho thấy, khi Đảng đạt tới tầm cao của văn hóa, của đạo đức, văn minh,... thì Đảng cầm quyền sẽ hiệu quả, trường tồn, phát huy tốt vai trò lãnh đạo đối với đất nước. Khẳng định sứ mệnh và sự cống hiến vĩ đại của Đảng đối với Tổ quốc và dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”(3). Đây được coi là mẫu số chung, giá trị phổ quát đặt ra cho các tổ chức đảng và mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt, nỗ lực phấn đấu để Đảng ta luôn biểu trưng cho đạo đức, văn hóa, lương tâm, danh dự của cả dân tộc. Đó là cơ sở để nhân dân tin yêu Đảng, ủy thác vai trò lãnh đạo chính trị cho Đảng đối với sự nghiệp cách mạng hiện nay.

2- Quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối của Đảng, trước yêu cầu của công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, Đảng ta ngày càng nhận thức đầy đủ vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa trong Đảng - yếu tố tạo nên sức mạnh nội sinh của Đảng. Đầu tư cho xây dựng văn hóa trong Đảng thực chất là đầu tư cho công tác xây dựng Đảng, nâng tầm văn hóa, đạo đức của Đảng. Đảng trong sạch, vững mạnh sẽ tác động tích cực đến các lĩnh vực của đời sống xã hội, giữ vững vai trò lãnh đạo đối với đất nước, dân tộc, phát triển đúng định hướng.

Công tác xây dựng cương lĩnh, đường lối, chủ trương, nghị quyết được Đảng ta quan tâm xây dựng, phát huy tính dân chủ, dựa trên những căn cứ khoa học để đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời, phản ánh nhu cầu cấp thiết từ cuộc sống, thuận lòng dân. Cấp ủy các cấp đã coi trọng khâu chỉ đạo tổ chức thực hiện nghị quyết, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức phối hợp hành động chặt chẽ nên chủ trương, nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích cho nhân dân.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng luôn được Đảng ta quan tâm chỉ đạo, thực hiện toàn diện trên các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, xác định rõ quan điểm, nguyên tắc, phương châm, giải pháp sát hợp với tình hình thực tiễn. Từ Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 26-6-1992, của Hội nghị Trung ương 3 khóa VII, “Về một số nhiệm vụ đổi mới và chỉnh đốn Đảng”; Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 2-2-1999, của Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, “Về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”; đến Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII đã ban hành các nghị quyết, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; trong đó, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII đã ban hành Kết luận số 21-KL/TW, ngày 25-10-2021, “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”” (Kết luận số 21-KL/TW). Đây là những dấu mốc rất quan trọng khẳng định Đảng ta luôn kiên định, kiên quyết, kiên trì và tập trung trí tuệ, tâm sức cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Nhờ đó công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng đạt được những kết quả tích cực, góp phần xây dựng, chỉnh đốn các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên luôn giữ vững phẩm chất, tư cách của người đảng viên, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. Nhiệm kỳ Đại hội XI, Đảng ta thẳng thắn nhìn nhận công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được khắc phục thì sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc(4)

Công tác xây dựng Đảng về đạo đức được Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm chỉ đạo, nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có chuyển biến tích cực. Điểm mới của Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đã nhận diện 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Trên cơ sở đó, các cấp ủy, tổ chức đảng đã cụ thể hóa thành các tiêu chí phù hợp với thực tiễn của từng đảng bộ để giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, “Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã đề cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống; gương mẫu đi đầu, tận tụy với công việc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”(5).

Các tổ chức đảng đã quan tâm xây dựng văn hóa, từ việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, xác định chức năng, nhiệm vụ, quy chế hoạt động, mối quan hệ công tác; xây dựng đoàn kết, thống nhất, phối hợp tổ chức thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả,... đến hành vi ứng xử có văn hóa với nhân dân trong thực thi công vụ của các tổ chức đảng, đội ngũ đảng viên.

Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, Đảng ta đã ban hành 14 nghị quyết và 1 quy định, trong đó có 4 nghị quyết về công tác xây dựng Đảng, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức đảng quán triệt, tổ chức thực hiện. Các quy định về công tác cán bộ ngày càng đồng bộ, chặt chẽ hơn, làm cơ sở để nâng cao chất lượng công tác cán bộ, kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền. Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ” đã bổ sung những nội dung mới, chỉ ra tệ chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ. Công tác kiểm tra, giám sát đã có những đổi mới về nội dung, phương pháp, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên; kiên quyết kiểm tra, kết luận, thi hành kỷ luật một số cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Thực tế, giai đoạn 2013 - 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131 nghìn đảng viên. Riêng trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đã thi hành kỷ luật hơn 87 nghìn cán bộ, đảng viên, trong đó có hơn 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (trong đó có 27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang(6).

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, kết quả đạt được, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng còn bộc lộ một số hạn chế sau:

Một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý nhận thức chưa đầy đủ tính chất, tầm quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng văn hóa trong các tổ chức đảng. Do đó, khâu chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở một số tổ chức đảng thiếu quyết liệt, biểu hiện chùng xuống, chất lượng, hiệu quả thấp. “Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức quán triệt và thực hiện một số nghị quyết còn chậm, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả”(7).

Thực tiễn cho thấy, “một bộ phận cán bộ, đảng viên bản lĩnh chính trị không vững vàng, suy thoái về tư tưởng chính trị, còn hoài nghi, mơ hồ về mục tiêu, lý tưởng của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, một số ít hoang mang, dao động, mất lòng tin; cá biệt còn phủ nhận chủ nghĩa Mác  - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối đổi mới của Đảng”(8).

Một số tổ chức đảng chưa chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức nên chưa quan tâm đúng mức đến giáo dục, rèn luyện, quản lý cán bộ, đảng viên, nhất là giáo dục nâng cao nhận thức trách nhiệm, bổn phận, lòng tự trọng, ý thức, tinh thần phục vụ nhân dân, sự miễn dịch với tham nhũng, tiêu cực. Một số tổ chức đảng xem nhẹ công tác tự phê bình và phê bình, tiến hành một cách hình thức, chưa quyết liệt, hiệu quả thấp; chưa chú trọng xây dựng văn hóa phê bình. Một số cấp ủy có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ, bè phái, cục bộ địa phương trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị; một số cán bộ, đảng viên thiếu tiên phong, gương mẫu, nói không đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật của Nhà nước.

Mặc dù việc sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy có chuyển biến tích cực, nhưng “việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy ở một số nơi thiếu kiên quyết, đồng bộ và chưa đạt mục tiêu đề ra... Tinh giản biên chế mới tập trung giảm số lượng, chưa thật sự gắn với nâng cao chất lượng và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”(9).

Trong khâu đề bạt, bổ nhiệm cán bộ còn có tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội(10). Đây là phản văn hóa, cần nhận diện, khắc phục, đẩy lùi trong thời gian tới, góp phần làm lành mạnh, nâng cao chất lượng công tác cán bộ.

Những hạn chế trên có nguyên nhân, như một số tổ chức đảng, người đứng đầu cấp ủy chưa nhận thức đúng vai trò, tính cấp thiết của xây dựng văn hóa trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; một số cấp ủy năng lực tổ chức, kiến tạo, tổ chức thực hiện xây dựng văn hóa trong tổ chức đảng còn hạn chế, thiếu chủ động, thiếu những cách làm sáng tạo; một số cán bộ, đảng viên tinh thần trách nhiệm yếu, chưa thực sự tiên phong, gương mẫu, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, đi ngược lại những chuẩn mực đạo đức, văn hóa.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải (tỉnh Điện Biên) giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó quân dân_Ảnh: TTXVN
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải (tỉnh Điện Biên) giúp đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, góp phần xây dựng nông thôn mới, củng cố mối quan hệ đoàn kết, gắn bó quân dân_Ảnh: TTXVN

3- Để phát huy giá trị của văn hóa trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện nay cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên về xây dựng văn hóa trong Đảng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Tư tưởng không đúng đắn thì công tác ắt sai lầm”(11). Cần nhận thức rằng, xây dựng văn hóa trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng là góp phần xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh, nâng tầm lãnh đạo, vị thế cầm quyền của Đảng. Xây dựng và chỉnh đốn Đảng tác động biện chứng, làm tiền đề cho nhau; xây dựng Đảng là cơ sở, điều kiện của chỉnh đốn Đảng, ngược lại chỉnh đốn Đảng góp phần làm cho công tác xây dựng Đảng đạt chất lượng, hiệu quả hơn. Văn hóa thẩm thấu tác động đến năm mặt của công tác xây dựng Đảng, từ việc xác định đúng cương lĩnh, đường lối, chủ trương, nghị quyết; xây dựng đạo đức của Đảng - đạo đức cách mạng của mỗi cán bộ, đảng viên đến việc xây dựng hệ thống tổ chức, bộ máy đồng bộ, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đặc biệt, yếu tố văn hóa góp phần giúp cán bộ, đảng viên nhận diện được hệ giá trị chân - thiện - mỹ, thức tỉnh lương tâm, phân biệt được đúng, sai để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ và hoàn thiện nhân cách. Coi nhẹ yếu tố văn hóa sẽ làm cho công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng dễ lệch chuẩn, sai phạm ở một số tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên.

Hai là, coi trọng giáo dục, rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng cho mỗi cán bộ, đảng viên.

Công tác giáo dục, rèn luyện, đào tạo, bồi dưỡng, thực chất là tác động văn hóa để mỗi cán bộ, đảng viên nêu cao tính đảng, nhận thức được trách nhiệm, bổn phận của bản thân để phấn đấu, rèn luyện. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết và yêu cầu, “mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi”(12). Giáo dục, rèn luyện phải thông qua giao nhiệm vụ, kết quả thực hiện nhiệm vụ để từng đảng viên đối chiếu với tiêu chuẩn, nhiệm vụ được giao để phấn đấu, rèn luyện; đồng thời, các tổ chức đảng phải thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Mục đích của tự phê bình và phê bình là giúp nhau phát huy ưu điểm, khắc phục những nhận thức, hành vi chưa đúng, “một mặt là để sửa chữa cho nhau. Một mặt là để khuyến khích nhau, bắt chước nhau”(13). Từ chiều sâu bản chất của văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý, phải hướng vào phê bình việc chứ không phải phê bình người. Người còn căn dặn: “Những người bị phê bình thì phải vui lòng nhận xét để sửa đổi, không nên vì bị phê bình mà nản chí, hoặc oán ghét”(14). Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên hằng ngày phải đối chiếu, “tự soi, tự sửa” để hoàn thiện nhân cách, tiến bộ trưởng thành. Tự soi, tự sửa chính là bản lĩnh văn hóa của người cộng sản, dám nhận diện “thứ giặc trong lòng” để đấu tranh loại bỏ. Đây là cuộc chiến cam go, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải kiên trì, dũng cảm mới có thể chiến thắng, vượt qua.

Giáo dục, tác động từ góc độ văn hóa để mỗi cán bộ, đảng viên thấu cảm, lan tỏa tình yêu thương đồng chí. Tinh thần nhân đạo, nhân văn là bản chất của Đảng ta; là mạch nguồn xuyên suốt của chủ nghĩa Mác  - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là cơ sở lô-gíc nội tại để Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát: “Hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác - Lênin được”(15). Do đó, mọi sự kèn cựa, đố kỵ, ganh tỵ ở một số cán bộ, đảng viên sẽ được nhường chỗ cho tình thương và lòng nhân ái. Tiếp tục tổ chức cho cán bộ, đảng viên học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh từ những điều nhỏ nhất, bình dị nhất. Đây cũng là kênh để cán bộ, đảng viên luôn có ý thức phấn đấu, rèn luyện, không chủ quan, tự mãn, bằng lòng với kiến thức, kết quả phấn đấu của mình.

Song hành với coi trọng giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, cần gắn với đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, “thứ giặc trong lòng không mang gươm, mang súng”, dễ dàng làm tha hóa nhân cách, đưa người ta đi xuống dốc. Từ thực tiễn lãnh đạo, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”(16).

Ba là, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, có khát vọng cống hiến.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, “công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”(17). Hiệu quả văn hóa thẩm thấu đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cao hay thấp tùy thuộc vào chất lượng đội ngũ cán bộ, cấp ủy. Trước bối cảnh mới, đội ngũ cán bộ phải tích cực học tập nâng cao phẩm chất, bản lĩnh, trình độ kiến thức các mặt, xây dựng tầm nhìn biện chứng để đủ sức giải quyết những vấn đề đặt ra từ thực tiễn; đủ sức kiến tạo tổ chức thực tiễn có hiệu quả.

Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ phải thâu thái được yếu tố văn hóa, bởi đó là hệ điều tiết để nâng cao nhận thức, hành vi, năng lực tổ chức hành động luôn vì lợi ích của Đảng, của tập thể và nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, trong sạch về nhân cách, nói không với tiêu cực, tham nhũng, luôn lắng nghe, học hỏi, gần gũi với nhân dân. Bởi, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, không có đạo đức thì dù tài giỏi đến mấy cũng không thể lãnh đạo được nhân dân. Cán bộ giữ chức vụ càng cao càng phải gương mẫu. Gương mẫu là tiêu chí, thước đo văn hóa của người cán bộ. Thực tế cho thấy, khi cán bộ đã “nhúng chàm”, mất uy tín thì chất lượng lãnh đạo, quản lý hạn chế, thậm chí bất lực. Bởi vậy, cần “coi trọng giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao ý thức trách nhiệm, lòng tự trọng và danh dự của cán bộ để hình thành văn hóa không chạy chức, chạy quyền”(18). Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên cần coi trọng xây dựng văn hóa tiết kiệm theo tinh thần Kết luận số 21-KL/TW. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải luôn phấn đấu, rèn luyện, bởi “cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra”(19). Trong tình hình hiện nay, đội ngũ cán bộ cần thực hiện tốt “6 dám” theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám nói, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách,... Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 3-11-2021, của Bộ Chính trị, “Về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ” đã đề cập đến văn hóa từ chức, do đó, đã đến lúc cán bộ có sai phạm, khuyết điểm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao phải có bản lĩnh xin từ chức - đó là dũng khí, lòng tự trọng của cán bộ. Đây là vấn đề bình thường trong công tác cán bộ. Qua đó, kịp thời bổ sung những cán bộ có phẩm chất, tài năng đảm nhận các công việc của tổ chức phân công, không để khoảng trống quyền lực trong lãnh đạo, quản lý. Để xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên”, nâng cao tính chuyên nghiệp, đủ khả năng làm việc trong điều kiện hội nhập quốc tế, từng cán bộ phải nỗ lực, phấn đấu; đổi mới mạnh mẽ các khâu của công tác cán bộ, nhất là đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ hợp lý.

Bốn là, nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng gắn với tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, kiểm soát quyền lực.

Đây là giải pháp nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng. Các tổ chức đảng cần nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng (cấp ủy, ban thường vụ, sinh hoạt đảng bộ, sinh hoạt chi bộ) nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị và giáo dục, quản lý cán bộ, đảng viên. Không để một đảng viên nào đứng ngoài sự quản lý của tổ chức đảng. Sinh hoạt đảng phải đi vào thực chất, bài bản, bảo đảm nguyên tắc, phong phú về nội dung, hình thức sinh hoạt. Đội ngũ cấp ủy viên cơ sở, nhất là bí thư cấp ủy phải nâng cao tính đảng, tính chuyên nghiệp trong điều hành sinh hoạt đảng, thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ trong tranh luận, thảo luận, gắn với kỷ luật, kỷ cương. Có phát huy dân chủ mới giúp cho cấp ủy có thêm thông tin, tri thức, kinh nghiệm để đưa ra các quyết định chính xác, hợp lòng dân. Cần tạo ra không gian văn hóa trong tổ chức đảng để đảng viên hiến kế, chia sẻ, đoàn kết, có trách nhiệm xây dựng tổ chức đảng.

Kiểm tra, giám sát là những chức năng lãnh đạo của Đảng. Đảng ta khẳng định, không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo. Từ thực tiễn lãnh đạo, quản lý Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc kết, “kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”(20). Công tác kiểm tra, giám sát là công cụ hữu hiệu để xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên; qua đó, giúp cho cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, cán bộ, đảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục, phòng tránh các khuyết điểm, sai phạm. Ngoài việc tăng cường kiểm tra, giám sát đối với cấp ủy thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, ủy ban kiểm tra các cấp cần chủ động tăng cường kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, nhằm kịp thời giáo dục, ngăn chặn các khuyết điểm, sai phạm của tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên, không để các dấu hiệu vi phạm từ chưa nghiêm trọng đến nghiêm trọng, từ một người liên quan đến nhiều người. Ủy ban kiểm tra cần hướng vào kiểm tra những điểm nóng, người đứng đầu, những lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm để xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát nhằm giáo dục, cảnh báo cho các tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên. Kiên quyết xử lý kỷ luật những tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên cố tình vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, như tham nhũng, tiêu cực, thao túng quyền lực... Xây dựng văn hóa kiểm tra công tâm, khách quan, minh bạch, giáo dục, răn đe, đúng người, đúng việc, không gây oan sai, thể hiện thấu tình đạt lý, tính nhân văn sâu sắc. Đồng thời, coi trọng việc giám sát, kiểm soát quyền lực đối với cán bộ nắm giữ các chức vụ chủ chốt, các lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm. Quyền lực phải được “nhốt trong lồng” thể chế, cơ chế. Đây là biện pháp mạnh cần được tăng cường, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan để giảm thiểu, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới. “Khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng”(21).

Năm là, dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nhân dân là cơ sở chính trị của Đảng, Nhà nước ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ dẫn: “Dựa vào ý kiến của dân chúng mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”(22). Do đó, cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay cần sự đóng góp tích cực, trách nhiệm của nhân dân. Đây là vấn đề mang tính quy luật, sống còn của Đảng. Bởi “Họ chẳng những trông thấy những người tốt, việc tốt, mà họ cũng trông thấy những người xấu, việc xấu trong Đảng”(23). Yếu tố văn hóa chính là sự tin tưởng vào sức mạnh của nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; tôn trọng, cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, khắc phục, sửa chữa những góp ý đúng đắn của nhân dân. Bởi, tầm trí tuệ, tai mắt của nhân dân rất tinh tường, nhìn nhận, đánh giá cán bộ, đảng viên khá chính xác; ai có trách nhiệm, làm việc có hiệu quả, ai làm tắc trách, quan liêu, nhũng nhiễu dân đều được nhân dân đánh giá. Vì vậy, xác lập cơ chế để thu thập, tiếp nhận ý kiến đóng góp của nhân dân là hết sức cần thiết để xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cần kết hợp các kênh góp ý, như nhân dân trực tiếp góp ý, phản ánh, thông qua hội nghị góp ý phê bình cho cán bộ, đảng viên thông qua hòm thư góp ý hoặc thông qua tổ chức đại diện, như Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng... Đây là cơ sở để tổ chức đảng có thêm thông tin, góp phần nâng cao chất lượng lãnh đạo, xây dựng tổ chức đảng, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên hiệu quả, nhất là trong điều kiện mặt trái của nền kinh tế thị trường tác động hiện nay.

Cần khẳng định, sự hiện diện của văn hóa trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng là yêu cầu khách quan, nội tại, mang tính quy luật, do đó đặt ra cho toàn Đảng, cấp ủy các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn nêu cao tính đảng, lương tâm, danh dự, trách nhiệm của người cộng sản để phấn đấu, rèn luyện. Xuất phát từ quan điểm chỉ đạo “Sự lãnh đạo của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta”, đồng chí Tổng Bí thư nhấn mạnh phải “đặc biệt chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, coi đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa sống còn đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa”(24); để Đảng ta mãi mãi trường tồn, giữ vững vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với đất nước, dân tộc./.

PGS, TS NGUYỄN THẾ TƯ

Học viện Chính trị khu vực III

----------------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 3, tr. 458

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 1, tr. XXV

|(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 12, tr. 403

4) Xem: Nguyễn Quang Dương: “Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới”, Tạp chí Cộng sản điện tử, ngày 12-1-2022,   https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/media-story/-/asset_publisher/V8hhp4dK31Gf/content/tiep-tuc-day-manh-xay-dung-chinh-don-dang-va-he-thong-chinh-tri-trong-sach-vung-manh-dap-ung-yeu-cau-nhiem-vu-trong-thoi-ky-moi

(5) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 174 – 175

(6) Xem: Hạnh Nguyên: “Phòng, chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, đi vào chiều sâu và toàn diện”, Báo Nhân Dân điện tử, ngày 29-6-2022, https://nhandan.vn/phong-chong-tham-nhung-ngay-cang-quyet-liet-di-vao-chieu-sau-va-toan-dien-post703074.html

(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 90

(8), (9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 168, 184

(10) Xem: Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr. 114

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 672

(13), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 279, 272

(15), (16) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 668, 672

(17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 313

(18) Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19-5-2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”

(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 9, tr. 145

(20) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5 tr. 327

(21) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 146

(22), (23) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.5, tr. 338, 302

(24) Nguyễn Phú Trọng: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 29

Nguồn: www.tapchicongsan.org.vn

Lượt xem: 576
Liên quan
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005895829
  •  Đang online: 152
  •  Trong tuần: 40.528
  •  Trong tháng: 211.960
  •  Trong năm: 2.499.742