Đảng ta là một tổ chức chặt chẽ, được xây dựng và trưởng thành từ đội ngũ đảng viên. Đảng yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt chức trách, công việc được giao; kiên quyết đấu tranh phòng, chống các biểu hiện tiêu cực, suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kết hợp hài hòa giữa xây và chống; luôn phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trở thành tấm gương điển hình lan tỏa trong đời sống xã hội.
Nhờ đó, trong quá trình lãnh đạo, Đảng đã huy động được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, kiên quyết, kiên trì hiện thực hóa Nghị quyết của Đảng về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn một bộ phận cán bộ, đảng viên sa vào chủ nghĩa cá nhân, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm, thiếu gương mẫu, nói chưa đi đôi với làm, vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Các biểu hiện tiêu cực ấy đã làm ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ; là nguyên cớ để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và đội ngũ đảng viên.
Lãnh đạo Học viện Quốc phòng trực tiếp đưa học viên Lớp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh khóa 93 đi thực tế tại vùng biên giới tỉnh Lạng Sơn, tìm hiểu về kết hợp củng cố quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: XUÂN KIÊN
Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm chỉnh của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Vì vậy, để khắc phục những hạn chế, khiếm khuyết, đồng thời làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch, mỗi cán bộ, đảng viên phải mẫu mực, đi đầu giữ gìn sự trong sạch của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Cụ thể:
Một là, bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn vững vàng, có tính đảng và tính chiến đấu cao, kiên định lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với chế độ xã hội chủ nghĩa. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, đường lối của Đảng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Phải có bước đột phá trong tư duy và hành động về những khó khăn, thách thức khi đất nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới với các nguy cơ vẫn còn hiện hữu, có mặt còn gay gắt hơn, xuất hiện yếu tố mới, đa dạng và hết sức phức tạp. Sự đột phá đó phải được thể hiện bằng những quyết sách tối ưu trong xử trí các tình huống có ý nghĩa chiến lược đúng quan điểm của Đảng và phù hợp với thực tiễn.
Có tác phong sâu sát, trình độ khái quát toàn diện, làm chủ được lĩnh vực mình phụ trách, bảo đảm đạt kết quả cuối cùng theo mục tiêu đã định, “hợp ý Đảng, lòng dân”. Nhận diện và tranh thủ thời cơ, biến thách thức thành cơ hội, biến các cơ hội thành động lực, nguồn lực, nguồn cảm hứng, góp phần quan trọng khơi dậy sức mạnh tổng lực của toàn dân thực hiện thắng lợi khát vọng phát triển đất nước.
Hai là, động cơ cách mạng trong sáng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng; một lòng một dạ phục vụ Đảng, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Thường xuyên học tập, nâng cao trình độ hiểu biết về lý luận chính trị, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; có trình độ văn hóa, chuyên môn, đủ năng lực và sức khỏe để làm việc có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm. Thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc; chống các hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy thi đua và các biểu hiện tiêu cực khác. Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, "lợi ích nhóm".
Nâng cao năng lực tổ chức thực tiễn, nắm vững các nguyên tắc, quy chế, quy trình, chế độ và phương pháp công tác thuộc các lĩnh vực liên quan đến chức trách, nhiệm vụ được giao. Đây là điều “dĩ bất biến”, là yếu tố chủ đạo làm cơ sở để người cán bộ phát huy tính chủ động, sáng tạo trong quá trình lãnh đạo, chỉ huy cơ quan, đơn vị, giải quyết các mối quan hệ công tác và xử trí các tình huống. Có “dĩ bất biến” đúng mới “ứng vạn biến” tốt. Không vì sức ép của quyền lực, sự cám dỗ của tiền bạc hoặc các mối quan hệ thân quen mà xa rời nguyên tắc, vi phạm quy chế, cắt xén quy trình công tác.
Thường xuyên nêu cao ý thức phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm; làm việc với thái độ khách quan, giải quyết những lợi ích chính đáng của nhân dân; chủ động đối thoại với nhân dân và cấp dưới. Kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, quan liêu, cửa quyền, hách dịch và các hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà nhân dân. Chân thành giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp trong công tác và cuộc sống. Bảo vệ uy tín, danh dự chính đáng của đồng chí, đồng nghiệp; không tranh công, đổ lỗi, né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, khuyết điểm cho người khác. Không cơ hội và chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cơ hội.
Ba là, lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chống tham nhũng, xây dựng hình tượng cán bộ, đảng viên trong sạch, liêm khiết. Đây là việc vô cùng quan trọng, bởi lẽ, tham nhũng là nguyên nhân làm cho đội ngũ cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; nguy hại hơn là tham nhũng làm suy giảm nghiêm trọng niềm tin của nhân dân vào cán bộ, đảng viên, vào sự lãnh đạo của Đảng, vào bản chất tốt đẹp của chế độ; có thể làm mục ruỗng Đảng và hệ thống chính trị, làm cho cán bộ, đảng viên ngày càng xa dân, các nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình bị buông lỏng...
Để xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, lãnh đạo đất nước ngày càng phát triển, trước hết, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu cao trách nhiệm, tích cực và chủ động phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Mỗi cán bộ, đảng viên cần phải thấm nhuần những chỉ dẫn và sự luận giải sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh”, từ đó nêu cao ý thức trách nhiệm tu dưỡng, rèn luyện bản thân và tích cực góp phần xây dựng Đảng đáp ứng tốt với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thượng tướng, PGS, TS TRẦN VIỆT KHOA
Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Quốc phòng
Nguồn: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/xay-dung-dang-trong-sach-vung-manh-tu-moi-can-bo-dang-vien-770304