NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo trong Văn kiện Đại hội XIII In trang
22/02/2022 09:12 SA

Tư tưởng về đoàn kết tôn giáo là nội dung quan trọng nhằm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân rộng lớn trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Xuất phát từ điều kiện thực tiễn Việt Nam và sự nhìn nhận giá trị nhân văn, tốt đẹp của tôn giáo. Hồ Chí Minh không chỉ đã nêu lên và quán triệt chỉ đạo xây dựng khối đoàn kết tôn giáo, mà chính Người là tấm gương, là ngọn cờ quy tụ khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có chức sắc và đồng bào các tôn giáo. Vận dụng sáng tạo tư tưởng của Người, Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã nêu nhiều vấn đề thể hiện nhận thức mới, đầy đủ hơn, phù hợp hơn của Đảng về vấn đề đoàn kết tôn giáo, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển đất nước hiện nay.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) gặp mặt, biểu dương các vị chức sắc tiêu biểu, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, khẳng định sự quan tâm, tôn trọng của Đảng, Nhà nước ta đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Ảnh: vnanet.vn
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) gặp mặt, biểu dương các vị chức sắc tiêu biểu, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo, khẳng định sự quan tâm, tôn trọng của Đảng, Nhà nước ta đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Ảnh: vnanet.vn

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐOÀN KẾT TÔN GIÁO

Đoàn kết tôn giáo là một nội dung quan trọng trong chiến lược đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với Người, đại đoàn kết dân tộc, trong đó có đoàn kết tôn giáo là vấn đề xuyên suốt, cốt yếu của cách mạng, không phải là một thủ đoạn chính trị nhất thời. Điều mà Người luôn hướng đến là sự đoàn kết lâu dài, tự giác, tự nguyện, chân thành, thực sự theo phương châm “Ai có tài, có đức, có sức, có lòng phụng sự Tổ quốc và phục vụ nhân dân thì ta đoàn kết với họ”(1). Như vậy, mục tiêu của đoàn kết là nhằm tập hợp mọi lực lượng yêu nước, phát huy tối đa sức mạnh các nguồn lực để giành lại độc lập cho dân tộc và tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đoàn kết là nhân tố quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng.

Việt Nam là một quốc gia đa tôn giáo, vì vậy vấn đề đoàn kết tôn giáo có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống xã hội và tác động mạnh mẽ đến tiến trình cách mạng. Giải quyết vấn đề này không chỉ là thực hiện đoàn kết giữa đồng bào có đạo và không có đạo, mà còn cần thực hiện đoàn kết trong nội bộ các tôn giáo, đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Trong thực hiện đoàn kết tôn giáo, Hồ Chí Minh chú trọng cả đoàn kết giữa những người cộng sản với đồng bào các tôn giáo. Theo Người, mặc dù thế giới quan của những người cộng sản và những người có tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, song đều có điểm chung về lợi ích của quốc gia, dân tộc, do đó phải sát cánh cùng nhau để đấu tranh cho mục tiêu chung của dân tộc. Hơn nữa, là người lãnh đạo cách mạng, những người cộng sản phải là hạt nhân để quy tụ, tập hợp, thu hút quần chúng, trong đó có quần chúng theo đạo tham gia cách mạng.

Về phương thức thực hiện đoàn kết tôn giáo, Hồ Chí Minh đã nêu lên một số vấn đề mang tính định hướng như sau:

Lấy lợi ích quốc gia, dân tộc và quyền lợi cơ bản của con người làm mẫu số chung trong việc giải quyết vấn đề dân tộc - tôn giáo: Trong điều kiện của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân chỉ được thực hiện khi đất nước độc lập, bởi: “Nước không độc lập thì tôn giáo không được tự do nên chúng ta phải làm cho nước độc lập đã”(2). Đồng thời, Người chỉ rõ chỉ trên cơ sở lợi ích chung vì độc lập dân tộc, vì quyền tự do, hạnh phúc của mỗi con người không phân biệt giai tầng, giới tính, dân tộc, tôn giáo, thì mới có thể giải quyết thỏa đáng mối quan hệ dân tộc - tôn giáo.

Trong mối quan hệ giữa dân tộc và tôn giáo, Hồ Chí Minh luôn đặt vấn đề dân tộc là ưu tiên hàng đầu, song không bao giờ xem nhẹ vấn đề tôn giáo. Từ quan điểm và cách thức của Người, giáo hội các tôn giáo đề ra tôn chỉ, mục đích hành đạo theo hướng gắn bó với dân tộc như: “sống phúc âm giữa lòng dân tộc” (Công giáo); “sống phúc âm phụng sự Thiên chúa, phụng sự Tổ quốc và dân tộc” (Tin lành); “đạo pháp - dân tộc và chủ nghĩa xã hội” (Phật giáo); “nước vinh, đạo sáng” (đạo Cao đài), “chấn hưng nền đạo gắn bó với dân tộc; phù hợp với chính sách và pháp luật của Nhà nước góp phần tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Phật giáo, Hoà Hảo).

Trân trọng các giá trị tốt đẹp trong các tôn giáo; chấp nhận sự khác biệt, phát huy những điểm tương đồng giữa các tôn giáo, giữa triết lý tôn giáo và lý tưởng cộng sản: Hồ Chí Minh không bao giờ có thái độ thiên kiến, bài xích, mà nhìn nhận tôn giáo trên bình diện văn hóa, đạo đức, với quan niệm tôn giáo mang những giá trị gắn chặt với con người, vì con người, vì thế mang giá trị nhân văn sâu sắc. Người tổng kết: “Chúa Giêsu dạy: Đạo đức là bác ái. Phật Thích Ca dạy: Đạo đức là từ bi. Khổng Tử dạy: Đạo đức là nhân nghĩa”(3) và nhận ra những tư tưởng, quan điểm đó có những nét tương đồng với lý tưởng xã hội chủ nghĩa mà Người đang hướng tới. Với cái nhìn rộng mở và nhân ái, Hồ Chí Minh nhận thấy những ước mơ về một xã hội bình đẳng, tự do, nhân ái của những người sáng lập ra tôn giáo là phù hợp với lí tưởng của những người cộng sản và cuộc kháng chiến của dân tộc trong đó có sự tham gia của đồng bào các tôn giáo là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp với tinh thần của Chúa và Phật là phải thương yêu, đùm bọc nhau để chống lại kẻ thù tàn bạo, hung ác.

Trong điều kiện Việt Nam, Hồ Chí Minh chủ trương không tiến hành cuộc đấu tranh trực diện với giáo lý của các tôn giáo, tránh việc kẻ địch sẽ lợi dụng để vu khống, để tuyên truyền luận điệu “cộng sản là vô thần”, “cộng sản nắm chính quyền sớm muộn gì cũng sẽ tiêu diệt tôn giáo”. Người chấp nhận và tôn trọng sự khác biệt; đề cao, phát huy những điểm tương đồng giữa giữa giáo lý tôn giáo và chủ nghĩa cộng sản; ghi nhận, động viên, khích lệ những đóng góp đồng bào các tôn giáo trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Người nêu rõ: “Mục đích Chính phủ ta theo đuổi là chiến đấu vì nền độc lập và đem lại hạnh phúc cho nhân dân. Song, để đạt tới hạnh phúc đó cho mọi người thì cần phải xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nếu Đức Chúa Giêsu sinh ra vào thời đại chúng ta và phải đặt mình trước những nỗi khổ đau của người đương thời, chắc ngài sẽ là một người xã hội chủ nghĩa đi theo con đường cứu khổ loài người”(4). Đó là sự phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, thể hiện tư duy rộng mở và tinh thần nhân văn cao cả của Hồ Chí Minh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu tôn giáo trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960 - Ảnh www.baochinhphu.vn
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với các đại biểu tôn giáo trong Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1960 - Ảnh www.baochinhphu.vn

Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và đối xử bình đẳng với các tôn giáo: Trong quan niệm của Hồ Chí Minh, nhân dân có quyền tự do lựa chọn, tin hoặc không tin, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; các tôn giáo bình đẳng với nhau không phân biệt lớn nhỏ, không vì đề cao niềm tin tôn giáo của mình mà nhạo báng, coi khinh tôn giáo của người khác.

Dưới sự chỉ đạo của Người, quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân đã được khẳng định trong chủ trương, đường lối của Đảng và thể chế hóa trong văn bản pháp luật của Nhà nước. Hiến pháp đầu tiên nước ta năm 1946, Chương II, mục B đã ghi rõ: “Mọi công dân Việt Nam có quyền tự do tín ngưỡng”. Tôn trọng các tổ chức và hoạt động tôn giáo, Người nhấn mạnh: “Chính quyền không can thiệp vào nội bộ tôn giáo; riêng về Công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa giáo hội Việt Nam với Tòa thánh La Mã là vấn đề nội bộ của Công giáo”(5). Bên cạnh đó, Người gắn việc thực hiện quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân: “không tách rời bổn phận kính Chúa của người Công giáo với bổn phận yêu nước của người công dân”(6). “Hoạt động tôn giáo không được cản trở sản xuất của nhân dân, không được trái với chính sách và pháp luật của Nhà nước”(7). Người yêu cầu các nhà tu hành, các chức sắc tôn giáo khi truyền bá tôn giáo “có nhiệm vụ giáo dục cho các tín đồ lòng yêu nước, nghĩa vụ của công dân, ý thức tôn trọng chính quyền nhân dân và pháp luật của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”(8).

Đấu tranh chống âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực phản động: Tôn trọng tự do tín ngưỡng của nhân dân, nhưng Hồ Chí Minh luôn đặt ra vấn đề phải phân biệt được nhu cầu tín ngưỡng chân chính của quần chúng với âm mưu lợi dụng tôn giáo của các thế lực thù địch. Đối với bọn đầu sỏ, ngoan cố và những kẻ lợi dụng và giả danh tôn giáo để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chống phá cách mạng, Hồ Chí Minh nêu rõ: phải quyết liệt “trừng trị theo pháp luật” và “Chính phủ sẽ nghiêm trị những kẻ lừa bịp, cưỡng bức đồng bào phải lìa bỏ quê hương, sa vào một đời sống tối tăm cực khổ về phần xác cũng như phần hồn”(9).

Đối với đồng bào các tôn giáo, Hồ Chí Minh chỉ ra rằng, tự do tín ngưỡng là một vấn đề nhạy cảm, dễ bị lực lượng phản cách mạng lợi dụng nhằm xuyên tạc, phá hoại tình đoàn kết gắn bó giữa đồng bào lương - giáo, giữa đồng bào theo các tôn giáo khác nhau. Bởi vậy, đồng bào các tôn giáo cần nâng cao cảnh giác “chớ mắc mưu những kẻ tuyên truyền lừa bịp”.

Đối với cán bộ Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể quần chúng, Hồ Chí Minh yêu cầu cần gương mẫu chấp hành chính sách tôn giáo; ra sức giải thích cho đồng bào các tôn giáo hiểu chính sách của Đảng, Nhà nước; đồng thời kiên quyết sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong việc thực hiện chính sách tôn giáo. Người phê phán những hiện tượng như “Đối với nông dân Công giáo, có đội đã đưa chủ nghĩa Mác - Lênin ra giải thích. Nhiều cán bộ, hễ nói đến cha cố, không phân biệt tốt xấu, cứ gọi là thằng, làm cho nông dân Công giáo khó chịu”(10). Đó là nguyên nhân khiến đồng bào có đạo hiểu sai về chính sách của Đảng, tạo cớ cho kẻ thù kích động, xuyên tạc, phá hoại.

Tôn trọng các chức sắc tôn giáo và quan tâm đến giáo dân, hướng họ vào các hoạt động lợi ích chung của toàn dân tộc: Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò, uy tín của hàng ngũ giáo sĩ, nhà tu hành - những người có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với các tín đồ tôn giáo. Bởi vậy, Người cho rằng tôn trọng, vận động, thuyết phục hàng ngũ chức sắc tôn giáo là biện pháp quan trọng để thực hiện chính sách đoàn kết lương giáo, hòa hợp dân tộc. Bằng thái độ trân trọng, tin tưởng, chân thành, cầu thị, Hồ Chí Minh đã quy tụ được nhiều chức sắc có uy tín lớn trong các tôn giáo như linh mục Phạm Bá Trực, ông Cao Triều Phát - lãnh tụ Cao Đài vùng Hậu Giang, v.v. tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, xây dựng khối đoàn kết tôn giáo.

Bên cạnh đề cao vai trò của vị giáo chủ, giáo sĩ, Hồ Chí Minh dành sự quan tâm sâu sắc đến đời sống của đồng bào tín đồ tôn giáo, nhất là tín đồ thuộc các dân tộc thiểu số. Người đã gửi nhiều thư, điện đến đồng bào Công giáo, đồng bào các dân tộc, biểu dương công trạng và tinh thần hăng hái tham gia kháng chiến của đồng bào, thăm hỏi nhân dịp các ngày lễ lớn của các tôn giáo. Đặc biệt, đối với đồng bào lầm đường lạc lối, đã từng quay lưng với cách mạng và dân tộc, Người bày tỏ thương xót với những cực khổ của bà con ở nơi đất khách, quê người, đồng thời chủ trương “Không được báo thù báo oán. Đối với những kẻ đi lầm đường lạc lối, đồng bào ta cần phải dùng chính sách khoan hồng. Lấy lời khôn lẽ phải mà bày cho họ”(11), bởi “Trừ một bọn rất ít đại Việt gian, đồng bào ta ai cũng có lòng yêu nước. Tuy có một số đồng bào lầm lạc, qua một thời gian, những người ấy dần dần giác ngộ và quay trở về với Tổ quốc”(12).

Với chủ trương và những biện pháp đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải quyết sáng tạo, phù hợp vấn đề tôn giáo, đoàn kết chặt chẽ lương - giáo, đồng bào các tôn giáo khác nhau, cùng góp sức cuộc đấu tranh giải phóng và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đó là nền tảng lý luận, định hướng cho Đảng trong việc giải quyết vấn đề tôn giáo ở Việt Nam trong giai đoạn cách mạng trước đây và hiện nay.

SỰ VẬN DỤNG CỦA ĐẢNG TẠI ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC LẦN THỨ XIII

Với chủ trương “tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo” của Đảng và Nhà nước Việt Nam, thời gian qua, về cơ bản, tình hình tôn giáo ổn định, các tổ chức tôn giáo và đại bộ phận chức sắc hoạt động đúng quy định pháp luật, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tuy nhiên, do mặt trái của toàn cầu hóa và cơ chế thị trường, âm mưu “chính trị hóa tôn giáo” của các thế lực thù địch đã làm cho đời sống tôn giáo chịu tác động tiêu cực, tiềm ẩn nhiều “nguy cơ”. Trong đó, nổi lên các vấn đề như: lợi dụng tôn giáo để hoạt động chống Đảng và Nhà nước; vi phạm pháp luật, gây chia rẽ đoàn kết dân tộc, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thành lập các hội, nhóm mang danh tôn giáo, đạo lạ; tổ chức hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo mê tín, trục lợi, làm lệch chuẩn văn hóa, đạo đức xã hội...

Ảnh: Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam năm 2019
Ảnh: Đại lễ Phật đản Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam năm 2019

Mốc đánh dấu bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức của Đảng về tôn giáo là trong Nghị quyết 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX, Đảng ta nêu lên vấn đề “đạo đức tôn giáo” với cách nhìn “có nhiều điều phù hợp với công cuộc xây dựng xã hội mới”. Đến Nghị quyết số 25-NQ/TW năm 2003, lần đầu tiên Trung ương Đảng ra nghị quyết riêng về công tác tôn giáo. Nghị quyết khẳng định: Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân, đang và sẽ tồn tại cùng dân tộc trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đảng, Nhà nước thực hiện nhất quán chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, với nội dung cốt lõi là của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng. Trong Chỉ thị số 18-CT/TW (2018) của Bộ Chính trị khóa XII đã đề cập đến thuật ngữ “nguồn lực” khi nhận định về những đóng góp của các tôn giáo.

Hiện nay, Nhà nước đã công nhận và cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo cho 43 tổ chức, thuộc 16 tôn giáo với hơn 27 triệu tín đồ, chiếm khoảng 28% dân số cả nước, trên 55.000 chức sắc, gần 150.000 chức việc, gần 30.000 cơ sở thờ tự(13). 16 tôn giáo gồm: Phật giáo, Công giáo, Tin lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha’I, Tịnh độ Cư sỹ Phật hội, Cơ đốc Phục lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu nghĩa, Minh Sư đạo, Minh lý đạo - Tam Tông Miếu, Bà-la-môn giáo, Mặc môn, Phật giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn, Bửu Sơn Kỳ Hương(14). Quan điểm của Đảng về “các nguồn lực của các tôn giáo” xác định là những nguồn lực của các tôn giáo, tổ chức tôn giáo được Nhà nước công nhận nêu trên. Các nguồn lực của các tôn giáo rất đa dạng: nguồn lực con người có tôn giáo; nguồn lực từ cơ sở vật chất, khả năng vận động, huy động tài chính; những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tôn giáo.... Các nguồn lực tôn giáo đã tham gia vào quá trình phát triển xã hội, trong đó ưu thế, đóng góp tiêu biểu ở các lĩnh vực giáo dục, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo.

Nhận thức vai trò quan trọng của vấn đề tôn giáo tại Việt Nam, trên cơ sở tình hình thực tiễn và vận dụng, phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về tôn giáo nói chung và đoàn kết tôn giáo, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đưa ra những nhận định, quan điểm, chủ trương mới về tôn giáo.

Vấn đề đoàn kết tôn giáo nằm trong tổng thể các nội dung của công tác tôn giáo, công tác xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc mà Đảng nêu ra. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm để đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới là: “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ “sống tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo và hoạt động theo quy định pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước. Kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết dân tộc”(15).

Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về đoàn kết tôn giáo trong điều kiện mới của đất nước, Đảng đã tiếp tục nêu cao điểm tương đồng giữa cách mạng với tôn giáo, giữa lý tưởng xã hội chủ nghĩa với lý tưởng tôn giáo, coi đó là một trong những cơ sở quan trọng để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng khẳng định trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, tồn tại nhiều thành phần kinh tế, nhiều bộ phận, tầng lớp dân cư có nhu cầu, nguyện vọng, đặc điểm đời sống, tâm lý, theo những tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Mặt khác, trong bối cảnh tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng, có nhiều tôn giáo truyền bá vào nước ta, các hoạt động tôn giáo cũng có mối liên hệ quốc tế rộng mở hơn. Vì vậy, để thực hiện đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng phải chú trọng tìm điểm tương đồng, tôn trọng những khác biệt không trái với lợi ích dân tộc, chủ trương giải quyết những mâu thuẫn về lợi ích thỏa đáng, phù hợp thì mới có được sự đồng lòng, tin tưởng và phát huy cao nhất sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân. Ở thời kỳ Hồ Chí Minh lãnh đạo đất nước, cơ sở để thực hiện đoàn kết tôn giáo là mục tiêu đánh đổ đánh đổ đế quốc, thực dân để giành độc lập dân tộc và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội - chế độ xã hội công bằng, tốt đẹp cho tất cả mọi người. Kế thừa quan điểm đó, ngày nay Đảng định hình rõ nét hơn ở mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Nhằm tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng ghi rõ: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự phát triển đất nước”(16).

Bên cạnh đề cao các giá trị đạo đức, văn hóa của tôn giáo, đặc biệt nhấn mạnh vai trò của tôn giáo “vào giữ gìn và nâng cao đạo đức truyền thống xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở các khu dân cư, góp phần ngăn chặn các tệ nạn xã hội”(17),. Đảng nêu ra các giải pháp giải quyết vấn đề tôn giáo và phát huy sức mạnh của tôn giáo để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong điều kiện xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; gắn chặt chẽ với yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, hoàn thiện hệ thống pháp luật. So với Đại hội XII, Đại hội XIII không chỉ chủ trương “kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” mà còn phải làm tốt công tác “Vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(18); mặt khác, “Xử lý hài hòa các vấn đề dân tộc, tôn giáo, bức xúc xã hội, không để xảy ra các “điểm nóng”(19). Đây chính là sự vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh các thế lực thù địch đẩy mạnh lợi dụng tôn giáo xâm phạm an ninh quốc gia, phá vỡ khối đại đoàn kết dân tộc, gây mất trật tự xã hội như hiện nay.

Đảng nhất quán chủ trương tôn trọng, quan tâm, thể chế hóa trong luật pháp và đảm bảo trên thực tế đối với quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho mọi người. Đối tượng bảo đảm ở đây được mở rộng, bao gồm các tổ chức, nhân dân trong nước và các tổ chức, cá nhân người nước ngoài có tôn giáo khi họ sinh sống, học tập, làm việc ở Việt Nam cũng như người Việt ở nước ngoài khi về quê hương.

Văn kiện Đại hội nêu lên một giải pháp quan trọng của công tác vận động tôn giáo là nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác tôn giáo. Các cơ quan chức năng có nhiệm vụ giúp đỡ, giải quyết các nhu cầu hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, tâm linh của quần chúng; chủ động lắng nghe, giải quyết kịp thời nguyện vọng chính đáng của đồng bào theo đạo; bảo đảm cho các tổ chức tôn giáo hoạt động theo quy định của pháp luật và hiến chương, điều lệ được Nhà nước công nhận. Đồng thời, phê phán, đấu tranh, xử lý các biểu hiện tiêu cực liên quan đến tôn giáo trong đó chú trọng “phòng ngừa, và xử lý nghiêm minh những đối tượng lợi dụng tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa; chia rẽ, phá hoại đoàn kết tôn giáo và khối đại đoàn kết toàn dân tộc”(20).

Có thể khẳng định, trên cơ sở quán triệt, vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nhận thức đầy đủ hơn, sáng rõ hơn về tình hình tôn giáo trong thực tiễn Việt Nam, tại Đại hội XIII, Đảng đã có những chủ trương, giải pháp phù hợp, giải quyết thấu đáo những vấn đề liên quan đến tôn giáo - những vấn đề luôn nhạy cảm, phức tạp trong tiến trình cách mạng Việt Nam; qua đó góp phần quan trọng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy nguồn lực tôn giáo, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.

Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo

--------------

(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.9, tr. 244.

(2) Báo Cứu quốc, ngày 14/1/1946.

(3) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 7, tr.95, 332.

(4) (9) Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia - Viện Nghiên cứu Tôn giáo: Hồ Chí Minh về vấn đề tôn giáo, tín ngưỡng (xuất bản lần thứ hai, có bổ sung), Nxb. Khoa học xã hội, H, 1998, tr.79, 297.

(5) (8) Sắc lệnh về vấn đề tôn giáo, số 234 ngày 14/6/1955.

(6) Báo Nhân dân ngày 27/9/1955.

(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr. 454.

(11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 471.

(12) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 5, tr. 516.

(13) Ban Tôn giáo Chính phủ: Công tác tôn giáo 2021, Nxb. Tôn giáo, H, 2021, tr.44-66

(14) Bộ Nội vụ: Danh mục các tổ chức tôn giáo, tổ chức được cấp chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo tính đến tháng 12/2020 (Kèm theo Công văn số 6955/BNV-TGCP ngày 28/12/2020 của Bộ Nội vụ)

(15) (16) (17) (20) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t. I, tr. 171, 171, 272, 171.

(18) (19) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr.141, 141.

Lượt xem: 1.631
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006187432
  •  Đang online: 321
  •  Trong tuần: 321
  •  Trong tháng: 213.306
  •  Trong năm: 2.791.345