NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Thế giới tuần qua: Bất ổn đan xen In trang
12/12/2022 09:00 SA

Tuần qua (5-11/12), bên cạnh các diễn biến liên quan đại dịch COVID-19, thế giới tiếp tục phải đối mặt với những bất ổn trong bối cảnh Liên hiệp quốc (LHQ) cảnh báo tình trạng leo thang xung đột ở Nam Sudan; Ủy ban châu Âu đề xuất gói trừng phạt thứ 9 nhằm vào Nga hay Tổng thống Peru bị phế truất...

WHO dự kiến thảo luận thỏa thuận toàn cầu về đại dịch

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 17/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Tứ Xuyên, Trung Quốc ngày 17/9/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Dự kiến, các cuộc thảo luận về dự thảo thỏa thuận toàn cầu nhằm đối phó tốt hơn với đại dịch trong tương lai sẽ bắt đầu vào tháng 2/2023. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra thông báo này ngày 7/12 sau 3 ngày nhóm họp tại Geneva, Thụy Sĩ.

Từ ngày 5/12, các đại diện của 194 nước thành viên WHO đã thảo luận một hiệp định về đại dịch nhằm đảm bảo rằng sẽ không tái diễn những thiếu sót trong công tác phản ứng khiến COVID-19 trở thành cuộc khủng hoảng toàn cầu như vừa qua. Trong một tuyên bố, WHO cho biết vào ngày thảo luận cuối, các nước thành viên nhất trí soạn thảo bản dự thảo đầu tiên của thỏa thuận có tính ràng buộc về pháp lý để bảo vệ thế giới khỏi các đại dịch trong tương lai. WHO có kế hoạch trao đổi về dự thảo sơ bộ này vào ngày 27/2/2023.

Thông báo trên được đưa ra vài ngày trước ngày đánh dấu tròn 3 năm COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, trước khi lây lan ra toàn cầu và trở thành đại dịch nghiêm trọng nhất trong một thế kỷ. Virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 đến nay đã cướp đi sinh mạng của 6,6 triệu người, gây thiệt hại kinh tế hàng nghìn tỷ USD và bộc lộ những bất bình đẳng trong lĩnh vực y tế và dược phẩm trên toàn thế giới.

Bà Precious Matsoso, một thành viên của Cơ quan đàm phán liên chính phủ của WHO dự kiến soạn thảo bản dự thảo, nhấn mạnh con người không bao giờ được quên tác động của đại dịch đối với cuộc sống con người, kinh tế và xã hội nói chung. Theo bà, cách tốt nhất để cộng đồng quốc tế tránh lặp lại quá khứ là hợp tác để xây dựng một thỏa thuận toàn cầu giúp bảo vệ các nước khỏi những mối đe dọa của đại dịch trong tương lai.

WHO đã khởi động tiến trình đàm phán về thỏa thuận có nội dung như trên từ cuối năm 2021. Theo kế hoạch, một văn bản có ràng buộc về pháp lý sẽ được thông qua vào mùa Xuân năm 2024.

Ủy ban châu Âu đề xuất gói trừng phạt thứ 9 nhằm vào Nga

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. (Ảnh: Reuters)
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. (Ảnh: Reuters)

Ngày 7/12, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất gói trừng phạt thứ 9 đối với Nga, theo đó đưa thêm gần 200 cá nhân và thực thể vào danh sách trừng phạt, đồng thời ngăn chặn Moskva tiếp cận các máy bay không người lái.

Trong tuyên bố cùng ngày, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen cho biết, 8 gói trừng phạt được đưa ra cho đến nay đã thể hiện rõ lập trường cứng rắn của EC. Tuy nhiên, ủy ban này vẫn muốn gia tăng sức ép lên Moscow thông qua gói trừng phạt thứ 9 được áp đặt kể từ sau thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022.

Gói trừng phạt thứ 9 của EC đề xuất bổ sung thêm gần 200 cá nhân và tổ chức Nga vào danh sách trừng phạt, trong đó có các lực lượng vũ trang Nga, các sĩ quan và các công ty công nghiệp quốc phòng... Gói trừng phạt cũng đề xuất áp đặt trừng phạt lên 3 ngân hàng Nga, gồm cả lệnh cấm giao dịch trừng phạt đối với Ngân hàng phát triển khu vực Nga.

Không những thế, EC còn đề xuất áp dụng các biện pháp kiểm soát và hạn chế xuất khẩu mới đối với các loại hóa chất chủ đạo, chất độc thần kinh, thiết bị điện tử và linh kiện công nghệ thông tin mà Nga có thể sử dụng.

Bà Von der Leyen cho biết EC sẽ chặn quyền tiếp cận của Nga đối với máy bay không người lái, cấm xuất khẩu trực tiếp động cơ máy bay không người lái sang Nga, cũng như xuất khẩu mặt hàng này sang nước thứ ba, chẳng hạn như Iran - vốn đang bị cho là có thể cung cấp máy bay không người lái cho Nga.

Ngoài ra, EC cũng sẽ cấm phát sóng 4 kênh truyền thông của Nga và gỡ bỏ các kênh này khỏi tất cả các nền tảng phát sóng. Trong tuyên bố cùng ngày, bà Von der Leyen không nêu tên bốn cơ quan truyền thông Nga bị cấm phát sóng. Tuy nhiên trước đó, EC đã đình chỉ giấy phép phát sóng của một số kênh thuộc sở hữu Nhà nước Nga, gồm Sputnik, Russia Today và RTR-Planeta.

Bên cạnh đó, EC đồng thời cũng đang đề xuất áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế tiếp theo đối với lĩnh vực khai khoáng và năng lượng của Nga, trong đó có lệnh cấm đầu tư khai khoáng mới ở Nga. Thông báo trên được bà Von der Leyen đưa ra sau khi Liên minh châu Âu (EU), nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) và Australia đồng ý áp mức trần giá chưa từng có đối với dầu thô của Nga ở mức 60 USD/thùng.

Tổng thống Peru bị phế truất

Tổng thống Pedro Castillo bị phế truất sau nỗ lực nắm giữ quyền lực bất thành. (Ảnh: AP)
Tổng thống Pedro Castillo bị phế truất sau nỗ lực nắm giữ quyền lực bất thành. (Ảnh: AP)

Ngày 7/12, Quốc hội Peru đã thông qua quyết định phế truất Tổng thống Pedro Castillo với 101 phiếu thuận, 6 phiếu chống và 10 phiếu trắng. Động thái được tiến hành vài giờ sau khi ông Castillo ra sắc lệnh giải tán Quốc hội trong nỗ lực nắm giữ quyền lực bất thành.

Cảnh sát Quốc gia Peru ngay sau đó đã thi hành lệnh bắt giữ Tổng thống Castillo và cựu Thủ tướng Anibal Torres. Hai chính trị gia này đã được đưa về trụ sở cơ quan an ninh ở thủ đô Lima với sự chứng kiến của Tổng Công tố Patricia Benavides.

Sau khi ông Castillo bị phế truất, Quốc hội Peru đã yêu cầu Phó Tổng thống Dina Boluarte, tuyên thệ nhậm chức Tổng thống lâm thời, đánh dấu lần đầu tiên quốc gia Nam Mỹ này có nữ Tổng thống. Theo đó, bà Dina Boluarte, 60 tuổi sẽ nắm quyền đến năm 2026. Ngay sau khi nhậm chức, bà Boluarte đã kêu gọi các đảng phái chính trị đoàn kết nhằm vượt qua khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất trong suốt hơn 2 thập kỷ qua tại Peru.

Trước đó cùng ngày, ông Castillo đã bất ngờ tuyên bố giải tán Quốc hội Peru, thành lập Chính phủ khẩn cấp và kêu gọi tổ chức cuộc bầu cử lập pháp mới. Tuy nhiên, hành động của nhà lãnh đạo này đã bị Tòa án Hiến pháp, Tòa án Tối cao, Cơ quan bảo vệ nhân dân và nhiều nghị sĩ Peru kịch liệt phản đối, coi đây là một vụ “đảo chính”.

Hàng loạt Bộ trưởng cũng đã từ chức sau khi ông Castillo ra sắc lệnh giải tán Quốc hội vì cho rằng quyết định giải tán Quốc hội là hành động vi hiến.

Chính trường Peru thường xuyên đối mặt với tình trạng căng thẳng. Kể từ năm 2016, Peru đã trải qua 5 đời Tổng thống. Tổng thống Castillo nắm quyền lãnh đất nước từ tháng 7/2021 cũng đang phải đối mặt với 2 yêu cầu luận tội tại Quốc hội và đang bị điều tra trong 6 vụ án tham nhũng.

LHQ cảnh báo tình trạng leo thang xung đột ở Nam Sudan

Binh sĩ được triển khai tại khu vực Alole (Nam Sudan). (Ảnh: AFP/TTXVN)
Binh sĩ được triển khai tại khu vực Alole (Nam Sudan). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) ngày 7/12 cho biết kể từ tháng 8 đến nay đã có ít nhất 20.000 người, trong đó phần lớn là phụ nữ và trẻ em, phải di dời do bạo lực ở khu vực Đông Bắc Nam Sudan.

Trong tuyên bố, UNHCR đã cảnh báo tình trạng leo thang xung đột vũ trang tại bang Thượng sông Nile ở Nam Sudan. Cuộc xung đột này bắt đầu vào ngày 15/8 tại làng Tonga, cách thủ đô Juba của Nam Sudan khoảng 500 km về phía Bắc, sau đó lan sang các ngôi làng khác và các khu vực lân cận, khiến ít nhất 3.000 người phải di tản sang nước láng giềng Sudan.

Đại diện UNHCR tại Nam Sudan Arafat Jamal nhấn mạnh dân thường là mục tiêu trong cuộc xung đột này, do đó, cần đảm bảo việc bảo vệ dân thường.

Theo UNHCR, một số người dân sơ tán do bạo lực ở Nam Sudan đã thông báo về các vụ giết người, bắt cóc, tống tiền và cướp bóc. Nhiều người đã phải di tản đến Malakal - một trại tị nạn được thành lập cách đây 10 năm ở bang Thượng sông Nile với sức chứa 12.000 người. Tuy nhiên, hiện có tới 37.000 người đang sinh sống tại trại tị nạn này.

Trước đó, trong một hội nghị của đảng cầm quyền diễn ra hôm 6/12, Tổng thống Nam Sudan Salva Kiir thừa nhận việc chưa thể ngăn chặn xung đột bùng phát ở bang Thượng sông Nile.

OPEC+ quyết định giữ nguyên sản lượng dầu

OPEC+ quyết định giữ nguyên sản lượng dầu sau khi G7 đồng thuận áp trần giá đối với sản phẩm dầu của Nga. (Ảnh: Reuters)
OPEC+ quyết định giữ nguyên sản lượng dầu sau khi G7 đồng thuận áp trần giá đối với sản phẩm dầu của Nga. (Ảnh: Reuters)

Ngày 4/12, tại cuộc họp ở Vienna, Áo, Bộ trưởng các nước thành viên Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đối tác (OPEC+) đã quyết định giữ nguyên sản lượng dầu trong bối cảnh Nhóm Các nước công nghiệp và phát triển hàng đầu thế giới (G7) đồng thuận áp trần giá đối với sản phẩm dầu của Nga.

Theo đó, mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày được OPEC+ đưa ra vào tháng 10 vẫn tiếp tục có hiệu lực đến năm 2023. Các quan chức OPEC+ khẳng định các quyết định của tổ chức đều dựa trên dữ liệu thị trường dầu mỏ và nhằm đảm bảo sự ổn định của thị trường này.

Tại cuộc họp chính sách hồi tháng 10 tại thủ đô Vienna (Áo), các Bộ trưởng Năng lượng thuộc OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng khai thác dầu ở mức 2 triệu thùng/ngày, bắt đầu từ tháng 11 vừa qua cho tới hết năm 2023.  OPEC+ khi đó lập luận rằng nguyên nhân cắt giảm sản lượng là vì triển vọng kinh tế toàn cầu suy yếu. Giá dầu đã giảm kể từ tháng 10/2022 khi kinh tế Trung Quốc và toàn cầu tăng trưởng chậm lại và lãi suất tăng cao.

Ngày 3/12 vừa qua, chính phủ các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã hoàn thành việc phê chuẩn bằng văn bản đối với mức giá trần 60 USD/thùng do G7 đề xuất đối với dầu xuất khẩu bằng đường biển của Nga. Quyết định sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 5/12.

Phản ứng trước quyết định trên, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nói rằng việc phương Tây áp giá trần lên dầu mỏ của Nga là một hành vi can thiệp thô bạo, đi ngược lại các nguyên tắc tự do thương mại và sẽ gây bất ổn thị trường năng lượng toàn cầu.

(Theo quangngai.dcs.vn)

Lượt xem: 309
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006198999
  •  Đang online: 167
  •  Trong tuần: 9.325
  •  Trong tháng: 224.873
  •  Trong năm: 2.802.912