Tuần qua (17-23/4), bên cạnh diễn biến từ cuộc bầu cử Quốc hội tại Cuba, trong đó Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã tái đắc cử nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2, thế giới liên tục phải chứng kiến các bất ổn xung quanh các vụ bạo lực tại Sudan; nhiều nước đối mặt với đình công quy mô lớn hay nguy cơ nhiệt độ toàn cầu tăng cao kỷ lục trong năm 2023…
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel tái đắc cử nhiệm kỳ 2
Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã đắc cử nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2. (Ảnh: PrensaLatina)
Ngày 19/4 (giờ địa phương), Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã đắc cử nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2, trong một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội.
Theo thông báo của Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo Hernandez, ông Diaz-Canel đã giành được 97,66% số phiếu bầu. Ông Diaz-Canel, 62 tuổi, bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên vào năm 2018.
Cử tri Cuba đã bầu ra 470 đại biểu của Quốc hội khóa X trong cuộc tổng tuyển cử được tổ chức cuối tháng 3 vừa qua.
Quốc hội khóa X cũng đã trực tiếp bầu Phó Chủ tịch nước, đồng thời phê chuẩn bổ nhiệm Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, Thư ký và các thành viên khác của Hội đồng Bộ trưởng theo đề nghị của Chủ tịch nước.
Trước đó, vào ngày 26/3, Cuba tiến hành bầu cử Quốc hội khóa X nhiệm kỳ 5 năm tới. Hơn 8 triệu cử tri đủ tiêu chuẩn tham gia bỏ phiếu để bầu ra 470 đại biểu Quốc hội. Cuba coi cuộc bầu cử này là dịp biểu dương khối đoàn kết toàn dân.
Leo thang bạo lực tại Sudan
Bức ảnh chụp ngày 15/4/2023 cho thấy khói bốc lên ở thủ đô Khartoum của Sudan. (Ảnh: Xinhua)
Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố ngày 21/4, giao tranh giữa Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) và lực lượng quân đội Sudan nổ ra từ ngày 15/4 đến nay tại thủ đô Khartoum và một số nơi khác, trong đó có vùng Darfur, đã khiến hơn 400 người thiệt mạng và hơn 3.500 người bị thương. Cao ủy LHQ về Người tị nạn (UNHCR) cho biết khoảng 10.000 - 20.000 người Sudan, hầu hết là phụ nữ và trẻ em, đã tìm cách sơ tán sang Cộng hòa Chad láng giềng nhằm tránh xung đột ở vùng Darfur trong những ngày qua.
Ngày 21/4, giao tranh trên đường phố đã tạm lắng ở một số khu vực của thủ đô Khartoum, sau những lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế về một thỏa thuận ngừng bắn vào thời điểm kết thúc tháng lễ Ramanda của người Hồi giáo. Quân đội Sudan thông báo đã nhất trí với thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 3 ngày, bắt đầu từ ngày 21/4, để tạo điều kiện cho người dân Sudan tổ chức lễ hội Eid al-Fitr của người Hồi giáo, kết thúc tháng ăn chay Ramadan.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã hoan nghênh thông báo của quân đội Sudan và thông báo trước đó của RSF về việc ngừng bắn, song lưu ý giao tranh vẫn tiếp diễn và "có sự ngờ vực nghiêm trọng giữa hai lực lượng". Ngoại trưởng Blinken hối thúc cả hai bên "tạm dừng giao tranh" và "tạo điều kiện cho việc đảm bảo tiếp cận nhân đạo đầy đủ và không bị cản trở".
Sudan đã lâm vào tình trạng bất ổn chính trị và kinh tế ngày càng sâu sắc kể từ sau cuộc đảo chính năm 2021. Căng thẳng giữa lực lượng quân đội và RSF đã leo thang trong nhiều tháng nay khiến các đảng phái chính trị ở nước này chưa thể ký kết một thỏa thuận được quốc tế ủng hộ nhằm nối lại quá trình chuyển tiếp chính phủ trong nước.
Căng thẳng âm ỉ kéo dài suốt nhiều tháng qua tại Sudan đã leo thang đỉnh điểm vào ngày 15/4 khi nổ ra các vụ đụng độ dữ dội giữa quân đội và RSF tại nhiều địa điểm trên toàn quốc, trong đó có cả Thủ đô Khartoum.
Nhiều nước đối mặt với đình công quy mô lớn
Hành khách chờ tàu hỏa tại nhà ga ở thủ đô London, Anh, trong thời gian diễn ra cuộc đình công của các nhân viên đường sắt ngày 16/3/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Làn sóng đình công đang diễn ra tại nhiều nước ở châu Âu và châu Mỹ khi người lao động yêu cầu tăng lương để ứng phó với "bão giá" do lạm phát tăng cao.
Tại Anh, Nghiệp đoàn Unite ngày 19/4 thông báo khoảng 1.400 nhân viên an ninh tại sân bay Heathrow ở London (Anh) sẽ tiến hành đình công thêm 8 ngày vào tháng tới trong bối cảnh các cuộc đàm phán về tăng lương chưa đi đến hồi kết. Dự kiến, các cuộc đình công sẽ được tiến hành trong 3 đợt, từ ngày 4-6/5, 9-10/5 và 25-27/5. Trước đó, lực lượng an ninh sân bay Heathrow đã đình công tổng cộng 10 ngày và vừa kết thúc đầu tháng này.
Cùng ngày 19/4, Công đoàn Cơ quan dịch vụ công và thương mại (PSA) của Anh thông báo sẽ có thêm 1.000 người tham gia cuộc đình công dự kiến diễn ra từ ngày 2-6/5 của gần 2.000 nhân viên tại các bộ phận cung cấp hộ chiếu. Cuộc đình công này được dự đoán sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ dịch vụ cấp hộ chiếu trên toàn Vương quốc Anh.
Tại Tây Ban Nha, đội ngũ phi công của hãng hàng không Air Europa cũng lên kế hoạch đình công 4 ngày vào đầu tháng 5 tới do những tranh cãi về tiền lương giữa công ty chủ quản và SEPLA - công đoàn phi công lớn nhất của Tây Ban Nha.
Tại Đức, nghiệp đoàn Verdi, đại diện cho khoảng 2,5 triệu người lao động, cũng đã kêu gọi các nhân viên kiểm soát an ninh đình công tại 4 sân bay trong 2 ngày 20 và 21/4. Theo Hiệp hội hàng không ADV, ước tính gần 100.000 người sẽ bị ảnh hưởng do các cuộc đình công tại các sân bay Dusseldorf, Hamburg và Cologne Bonn, với khoảng 700 chuyến bay khởi hành bị hủy. Verdi cũng kêu gọi các nhân viên an ninh tại sân bay Stuttgart đình công vào ngày 21/4.
Trong khi đó, tại Canada, hơn 155.000 công chức các ngành đã đình công sau khi các yêu cầu của họ về tăng lương không được chính phủ liên bang đáp ứng. Theo hãng tin Reuters, dù đình công, công đoàn Liên minh dịch vụ công Canada (PSAC) cho biết các cuộc đàm phán về điều chỉnh hợp đồng lao động vẫn tiếp tục diễn ra và Thủ tướng Justin Trudeau đã nhấn mạnh sự cấp thiết phải giải quyết vấn đề này.
Nguy cơ nhiệt độ toàn cầu tăng cao kỷ lục trong năm 2023
Nhiệt kế hiển thị 114 độ F (45.5 độ C) tại Baker, bang California, Mỹ ngày 30/8/2022. (Ảnh AFP/TTXVN)
Năm 2016 là năm thế giới ghi nhận mức nhiệt cao nhất từ trước tới nay, trùng với thời điểm El Nino hoạt động mạnh, cho dù biến đổi khí hậu đã làm tăng nhiệt độ ngay cả trong những năm hiện tượng này không xuất hiện. 8 năm qua cũng là những năm thế giới hứng chịu nắng nóng kỷ lục, cho thấy xu hướng Trái Đất ấm lên trong dài hạn do khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Bà Friederike Otto, giảng viên cao cấp tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London (Anh) cho biết, nhiệt độ tăng cao, do El Nino gây ra, có thể làm trầm trọng thêm các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu mà các quốc gia đang phải hứng chịu, trong đó có các đợt nắng nóng nghiêm trọng, hạn hán và cháy rừng. Bà dự đoán nếu El Nino phát triển và con người vẫn tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch, rất có thể năm 2023 sẽ còn nóng hơn năm 2016.
Báo cáo trên cũng đánh giá hiện tượng thời tiết cực đoan mà thế giới đã trải qua vào năm 2022 - năm có mức nhiệt cao thứ 5 được ghi nhận. Theo đó, châu Âu đã trải qua mùa Hè nóng kỷ lục vào năm 2022, trong khi mưa xối xả do biến đổi khí hậu đã gây lũ lụt thảm khốc ở Pakistan và diện tích băng biển Nam Cực trong tháng 2 vừa qua giảm xuống mức thấp kỷ lục.
Cơ quan theo dõi Biến đổi khí hậu Copernicus của EU cho biết nhiệt độ trung bình toàn cầu của thế giới hiện cao hơn 1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Mặc dù hầu hết các nước phát thải lớn trên thế giới cam kết sẽ đưa mức phát thải ròng về 0, nhưng lượng khí thải CO2 toàn cầu trong năm ngoái vẫn tiếp tục tăng.
Hội nghị Ngoại trưởng G7 ra tuyên bố chung
Các ngoại trưởng G7 nhóm họp tại thị trấn nghỉ dưỡng Karuizawa, tỉnh Nagano, miền Trung Nhật Bản. (Ảnh: AP)
Ngày 18/4, Hội nghị Ngoại trưởng G7 đã bế mạc sau 3 ngày làm việc tại thị trấn nghỉ dưỡng Karuizawa, tỉnh Nagano, miền Trung Nhật Bản. Theo đó, hội nghị đã ra tuyên bố chung, nhấn mạnh đến cuộc xung đột Nga - Ukraine và phản đối hành vi đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực.
Liên quan đến xung đột Nga - Ukraine, tuyên bố chung cho biết, các Ngoại trưởng đã thống nhất được nội dung quan trọng là tiếp tục viện trợ cho Ukraine và thực hiện một cách nghiêm khắc các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, đồng thời phê phán mạnh mẽ việc Nga đặt vũ khí hạt nhân ở Belarus, yêu cầu các nước thứ 3 ngừng cung cấp vũ khí vào Nga, yêu cầu Trung Quốc ngừng hoạt động hỗ trợ Nga.
Liên quan đến các vấn đề toàn cầu khác, tuyên bố nhấn mạnh sự đóng góp tất yếu của các nước G7, những vấn đề này cần được thực hiện thông qua đối thoại nhằm xây dựng mối quan hệ mang tính xây dựng và ổn định, thúc đẩy cho hoạt động khôi phục nền kinh tế thế giới, giao lưu nhân dân.
Tại buổi họp báo sau Hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayoshi Yoshimasa bày tỏ vui mừng trước việc Hội nghị đã thảo luận thẳng thắn và hiệu quả những vấn đề quan trọng, đưa ra được tuyên bố chung, tạo được tinh thần hợp tác giữa Ngoại trưởng các nước thành viên.
Hội nghị Ngoại trưởng G7, có sự tham dự của người đứng đầu ngành ngoại giao các nước bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Canada, Italy và một quan chức Liên minh châu Âu (EU), nhằm chuẩn bị chương trình nghị sự cho Hội nghị thượng đỉnh G7 do Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chủ trì, dự kiến diễn ra ở thành phố Hiroshima từ ngày 19 - 21/5 tới. Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 49 của G7 là sự kiện ngoại giao quan trọng nhất của Nhật Bản trong năm nay.
Nguồn: dangcongsan.vn