Mặc dù các ngân hàng liên tục đưa ra những cảnh báo và khuyến cáo tới khách hàng, song tình trạng lừa đảo trực tuyến vẫn gia tăng trong thời gian gần đây. Điều này không những đòi hỏi người tiêu dùng phải nâng cao cảnh giác, mà các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường phối hợp và có các giải pháp triệt để, hữu hiệu hơn nhằm ngăn chặn tận gốc tình trạng này.
Ngân hàng Agribank khuyến cáo khách hàng các hình thức lừa đảo qua mạng
Tìm hiểu qua thông tin khuyến cáo từ các ngân hàng, có thể thấy kịch bản lừa đảo ngày một bài bản, tinh vi. Nhiều hình thức lừa đảo đã bị các ngân hàng “vạch mặt, chỉ tên” như: gửi link đăng nhập website giả mạo, gửi và yêu cầu người nhận quét mã QR qua Zalo, Facebook, Viber hoặc gọi video call,...
.
Nhiều chiêu lừa đảo tinh vi
Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đưa ra cảnh báo về một thủ đoạn lừa đảo mới được áp dụng là đối tượng tội phạm mạo danh nhân viên ngân hàng, gọi điện từ số máy bàn có dãy số gần giống với số tổng đài của ngân hàng, mời chào khách hàng nâng hạn mức thẻ tín dụng hoặc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng hoặc một số dịch vụ tài chính khác. Sau đó những người này sẽ gửi và yêu cầu khách hàng quét mã QR.
Khi khách hàng quét mã QR mà kẻ gian gửi tới sẽ chuyển đến đường link website giả mạo. Tại website này, các đối tượng sẽ có những chỉ dẫn yêu cầu khách hàng nhập các thông tin như họ tên, căn cước công dân, chụp ảnh căn cước công dân hai mặt, số thẻ, mã bí mật CVV, ngày hết hạn thẻ. Khách hàng cũng được yêu cầu chia sẻ mã OTP gửi về số điện thoại, thông tin đăng nhập user và password tài khoản ngân hàng…
Ngay sau khi khách hàng cung cấp thông tin, kẻ gian sẽ chiếm được quyền sử dụng tài khoản internet banking hoặc thẻ tín dụng, thực hiện giao dịch chiếm đoạt tiền.
Một hình thức tinh vi khác để lừa đảo mà khách hàng cần cảnh giác cao khi giao dịch qua mạng đó là hình thức gửi “biên lai chuyển khoản thành công”. Theo chia sẻ của anh Tạ Định (Hà Nội), sau khi đăng rao bán chiếc iPhone trên Facebook của mình, anh được một người dùng liên lạc qua Zalo để mua hàng. Sau đó, người mua hẹn anh Định đến một địa điểm để nhận điện thoại. Tại đây, người mua đã thực hiện giao dịch chuyển khoản và cho anh Định xem biên lai giao dịch đã thành công.
Mặc dù chưa thấy tiền về tài khoản, nhưng do chủ quan nghĩ chuyển khoản khác ngân hàng nên tiền tới chậm cho nên anh Định đã giao điện thoại và quay về. Hôm sau khi kiểm tra lại tài khoản không thấy tiền về, anh Định mới tá hỏa biết mình bị lừa và phải tới công an trình báo.
Đáng chú ý, Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) cho biết, mới đây cơ quan này ghi nhận một số trường hợp mạo danh CIC nhằm thực hiện hành vi lừa đảo, “yêu cầu khách hàng vay chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để CIC nâng điểm tín dụng, hỗ trợ quá trình giải ngân vốn vay nhanh hơn”.
Theo đó, đối tượng lừa đảo sử dụng hiểu biết về lĩnh vực tài chính nói chung, hoạt động thông tin tín dụng nói riêng, sử dụng các thuật ngữ chuyên môn như “tín nhiệm”, “đóng băng”,… gửi đến khách hàng vay “văn bản xử lý” với đầy đủ con dấu, chữ ký giả mạo để thông báo đến khách hàng vay về hiện trạng “hồ sơ tín dụng của khách hàng vay có lỗi, bị khóa, không đủ điểm tín dụng để giải ngân khoản vay” và đề nghị khách hàng chuyển tiền vào tài khoản cá nhân của đối tượng lừa đảo.
.
Ngăn chặn các thủ đoạn lừa đảo
Theo nhiều chuyên gia, các chiêu trò lừa đảo đã trở nên bài bản và tinh vi hơn rất nhiều so với trước đây. Bản chất của lừa đảo trực tuyến sẽ liên tục thay đổi theo sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Do đó, ngăn chặn lừa đảo trên không gian mạng là một cuộc chiến kéo dài và liên tục.
Các chuyên gia khuyến cáo khách hàng hết sức cảnh giác với các yêu cầu quét mã QR hoặc truy cập đường link lạ; không cung cấp mã xác thực OTP/Smart OTP cho bất kỳ ai kể cả nhân viên ngân hàng; cẩn trọng khi chia sẻ các thông tin mang tính cá nhân như: Mã định danh cá nhân, căn cước công dân, bằng lái xe, hộ chiếu, thẻ,... cho các bên cung cấp dịch vụ. Đặc biệt, tuyệt đối không cung cấp thông tin số thẻ, ba số bảo mật ở mặt sau của thẻ tín dụng hoặc bất kỳ thông tin bảo mật cá nhân nào khác qua Zalo hoặc số điện thoại không định danh.
Ngoài ra, cũng theo tìm hiểu, dù mức độ tinh vi của các chiêu lừa đảo ngày càng tăng nhưng điểm chung của các vụ lừa đảo là các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng “rác” để nhận tiền từ nạn nhân. “Không có đối tượng lừa đảo nào sử dụng số điện thoại hoặc số tài khoản chính chủ để thực hiện hành vi phạm tội”, Thượng tá, Tiến sĩ Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu về tội phạm công nghệ cao khẳng định.
Vì vậy, những năm gần đây, ngành ngân hàng đã và đang triển khai nhiều giải pháp để “vô hiệu hóa” những tài khoản “rác”. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tích cực phối hợp Bộ Công an triển khai kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với mục tiêu sớm hoàn thành việc đối chiếu để làm sạch hơn 51 triệu tài khoản, trước mắt ưu tiên làm sạch dữ liệu đối với khoảng 25 triệu khách hàng đang có dư nợ tại CIC.
Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Trần Công Quỳnh Lân, với việc sử dụng tài nguyên dữ liệu quốc gia, ngành ngân hàng có thể “dọn dẹp” những tài khoản “rác”, qua đó có thể ngăn ngừa tội phạm núp bóng dưới tài khoản được mua lại. Ngoài ra, việc ra đời căn cước công dân gắn chip cũng sẽ hạn chế được việc mở tài khoản trực tuyến bằng giấy tờ giả. Hiện hệ thống ngân hàng có thể đọc được thông tin từ chip một cách rất chính xác, do đó sẽ không có vấn đề về việc dữ liệu không chính xác nữa.
Vụ trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Phạm Anh Tuấn cho rằng, cần quyết liệt hơn trong việc giải quyết sim không chính chủ để tạo điều kiện cho ngành ngân hàng giải quyết triệt để nạn cho thuê, mua bán tài khoản. Một vấn đề khác là một sim điện thoại đang được đăng ký nhiều tài khoản ngân hàng, do vậy cũng phải xác minh rõ ràng.
Cuối cùng, như với trường hợp của CIC đã nêu ở trên, lãnh đạo CIC khẳng định, đây là hình thức lừa đảo, mạo danh CIC để chiếm đoạt tiền của khách hàng. Hành động trên là trái pháp luật và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng; hình ảnh, uy tín của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng như đến hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng.
“CIC chỉ thực hiện cung cấp báo cáo thông tin tín dụng đến trực tiếp từng khách hàng vay theo quy định của pháp luật, qua Cổng Thông tin kết nối khách hàng vay tại: https://cic.gov.vn và “CIC Credit Connect” - ứng dụng trên điện thoại thông minh, theo hình thức miễn phí 1 năm/lần. Khách hàng trả tiền khai thác báo cáo từ lần thứ 2 với mức phí 22.000 đồng/báo cáo (đã bao gồm VAT).
CIC không chủ động thông báo và yêu cầu khách hàng phải trả phí cho các khoản cấp tín dụng của tổ chức tín dụng”, vị lãnh đạo CIC nêu rõ. Đồng thời, CIC khuyến cáo khách hàng không gửi mã số OTP cho bất kỳ ai; không làm theo/chuyển tiền cho bất kỳ cá nhân/tổ chức nào để được xóa nợ/ẩn nợ/nâng điểm tín nhiệm; thường xuyên tự kiểm tra, khai thác báo cáo tín dụng cá nhân trên Cổng Thông tin kết nối khách hàng vay và ứng dụng trên điện thoại thông minh “CIC Credit Connect” để bảo đảm thông tin tín dụng chính xác về bản thân, chủ động theo dõi mức độ tín nhiệm và tình trạng tín dụng của bản thân.
(Theo nhandan.com.vn)