NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Thế giới tuần qua: Quan ngại về những bất đồng In trang
31/07/2023 07:50 SA

Trong khi cuộc xung đột ở Sudan chưa hạ nhiệt, tại Niger, một cuộc đảo chính quân sự đã diễn ra nhằm phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum. Bên cạnh đó, ông Hun Sen sẽ không giữ cương vị Thủ tướng Campuchia trong nhiệm kỳ mới; Hàn Quốc, Triều Tiên kỷ niệm 70 năm ký Hiệp định đình chiến; thiệt hại lớn về người và của do thiên tai, tai nạn;... là một số tin tức đáng chú ý trong tuần qua (24 - 30/7).

Quân đội Niger đảo chính, tuyên bố lên nắm chính quyền

Ngày 26/7, một nhóm binh sĩ xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia của Niger tuyên bố rằng, Tổng thống Mohamed Bazoum đã bị phế truất vài giờ sau khi bị giam giữ trong dinh Tổng thống.

Trong tuyên bố đưa ra, người phát ngôn của quân đội Niger - Đại tá Amadou Abdramane cho rằng, các lực lượng quốc phòng và an ninh đã quyết định “chấm dứt chế độ mà các bạn biết rằng đã khiến tình hình an ninh xấu đi và quản lý yếu kém”.

Người phát ngôn của quân đội Niger nói thêm rằng, biên giới của đất nước đã bị đóng cửa và lệnh giới nghiêm toàn quốc đã được ban bố. Quân đội Niger cũng cảnh báo nước ngoài không can thiệp vào tình hình nội bộ của nước này.

Quân đội Niger lên sóng truyền hình (ảnh trên) tuyên bố phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum (ảnh dưới) để lên nắm chính quyền. (Ảnh: Al Jazeera)
Quân đội Niger lên sóng truyền hình (ảnh trên) tuyên bố phế truất Tổng thống Mohamed Bazoum (ảnh dưới) để lên nắm chính quyền. (Ảnh: Al Jazeera)

Trước động thái này, cộng đồng quốc tế đã lên án vụ đảo chính tại Niger, đặc biệt sau khi ngày 28/7, Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ Tổng thống từ năm 2011, tuyên bố mình là nhà lãnh đạo mới của quốc gia châu Phi bất ổn này và cảnh báo rằng bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn.

Ngày 29/7, Liên minh châu Âu (EU) thông báo ngừng mọi hợp tác an ninh và hỗ trợ tài chính cho Niger và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức.

Cùng ngày, Liên minh châu Phi (AU) đã đề nghị các binh sĩ đảo chính ở Niger “trở lại doanh trại và khôi phục quyền hiến pháp” trong vòng 15 ngày. Thông cáo nhấn mạnh AU “kịch liệt lên án” việc lật đổ một chính phủ do dân bầu, đồng thời bày tỏ lo ngại sâu sắc về “sự gia tăng đáng báo động” của các cuộc đảo chính quân sự tại châu Phi.

Trong diễn biến liên quan cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng kêu gọi lập tức trả tự do cho Tổng thống Bazoum và khôi phục trật tự dân chủ ở Niger.

Xung đột chưa hạ nhiệt ở Sudan

Xung đột giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) đã kéo dài hơn 3 tháng, bất chấp mọi nỗ lực hòa giải của các cường quốc trong khu vực và quốc tế. Trước sức ép quốc tế và dưới sự trung gian của Mỹ và Saudi Arabia, quân đội Sudan và RSF đã tiến hành nhiều vòng đàm phán hòa bình tại Jeddah (Saudi Arabia) và đạt được một số lệnh ngừng bắn ngắn ngày. Tuy nhiên, tất cả các lệnh ngừng bắn đều nhanh chóng bị phá vỡ, trong khi cả hai bên đều đổ lỗi cho đối phương.

Xung đột giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) nổ ra từ giữa tháng 4/2023 đã khiến hơn 3.000 người thiệt mạng và ít nhất 6.000 người bị thương. (Ảnh: Sudan Tribune)
Xung đột giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) nổ ra từ giữa tháng 4/2023 đã khiến hơn 3.000 người thiệt mạng và ít nhất 6.000 người bị thương. (Ảnh: Sudan Tribune)

Vào ngày 25/7, sau cuộc họp diễn ra trong hai ngày, Liên minh Lực lượng Tự do và Thay đổi (FFC) ở Sudan đã kêu gọi chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột kéo dài nhiều tháng qua tại quốc gia Bắc Phi này.

FFC kêu gọi khởi động một tiến trình chính trị nhằm dẫn đến việc chấm dứt ngay lập tức cuộc xung đột, ứng phó hiệu quả để giải quyết vấn đề nhân đạo do xung đột gây ra và bảo vệ dân thường theo luật nhân quyền quốc tế.

Theo đề nghị của liên minh này, tiến trình chính trị bao gồm sự tham gia sâu rộng của các lực lượng dân sự Sudan ủng hộ việc chấm dứt xung đột. Liên minh cũng yêu cầu tiến trình chính trị cần khôi phục quy tắc dân chủ dân sự trong quá trình chuyển tiếp.

Liên minh FFC kêu gọi chấm dứt ngay lập tức tất cả các loại vi phạm và tiến hành một cuộc điều tra độc lập để xác định những người vi phạm và buộc họ phải chịu trách nhiệm.

Trong một diễn biến có liên quan đến tình hình ở Sudan, Cơ quan về người tị nạn của Liên hợp quốc (UNHCR) cũng kêu gọi chấm dứt chiến sự ở quốc gia này, trong bối cảnh số lượng người di tản để tìm kiếm sự an toàn đang gia tăng nhanh chóng. Theo thống kê của UNHCR, hơn 740.000 người tị nạn đã chạy trốn khỏi Sudan và đến sống trong điều kiện khắc nghiệt ở các nước láng giềng như:  Chad, Cộng hòa Trung Phi, Ai Cập, Ethiopia và Nam Sudan.

Trong khi đó, sự leo thang của cuộc xung đột ở các khu vực Khartoum, Darfur và Kordofan cũng gây ra cuộc di tản lớn ở phạm vi trong nước, dẫn đến thương vong và cái chết của hàng nghìn dân thường.

Xung đột giữa quân đội Sudan và nhóm bán quân sự Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) nổ ra từ giữa tháng 4 vừa qua đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại nước này. Bộ Y tế Sudan cho biết xung đột đến nay đã khiến hơn 3.000 người thiệt mạng và ít nhất 6.000 người bị thương

Ông Hun Sen sẽ không giữ cương vị Thủ tướng Campuchia trong nhiệm kỳ mới

Ngày 26/7, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã có bài phát biểu trực tiếp trên Đài truyền hình quốc gia, các kênh hình địa phương và các nền tảng truyền thông khác ở Campuchia. Trong bài phát biểu đặc biệt gửi tới người dân, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố cuộc bầu cử nghị sĩ Quốc hội khóa VII năm 2023 đã phá kỷ lục về số lượng cử tri tham gia bỏ phiếu (85,58%) so với các cuộc bầu cử ở nước này trong hai thập niên qua. Ông đồng thời cảm ơn người dân đã tin tưởng và bỏ phiếu ủng hộ đảng Nhân dân Campuchia (CPP) tiếp tục lãnh đạo đất nước.

Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố không giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ tiếp theo. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố không giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ tiếp theo. (Ảnh: baochinhphu.vn)

Khẳng định sự cần thiết của việc tổ chức một nội các mới với thế hệ lãnh đạo trẻ kế tục hoạt động lãnh đạo chính phủ hoàng gia, ông Hun Sen tuyên bố sẽ không nắm giữ cương vị Thủ tướng trong nhiệm kỳ mới.

Ông Hun Sen cho rằng, việc thôi giữ chức Thủ tướng của ông là một quyết định quan trọng để đảm bảo cho sự ổn định và phát triển của đất nước. Theo Thủ tướng Hun Sen, người đảm nhiệm chức vụ Thủ tướng trong nhiệm kỳ tới là Đại tướng Hun Manet, 45 tuổi, người đã được Ban Thường vụ Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) lựa chọn.

Thủ tướng Hun Sen cho biết, có 4 yếu tố chính để ông Hun Manet trở thành Thủ tướng, gồm sự nhất trí trong nội bộ CPP, trúng cử nghị sĩ Quốc hội, được Quốc vương sắc phong và được Quốc hội thông qua. Đến thời điểm này, ông Hun Manet đã được đảng CPP đề cử và đã trúng cử nghị sĩ Quốc hội dù chưa có hiệu lực do chưa công bố kết quả chính thức, trong khi Quốc vương Campuchia cũng đã đồng thuận với phương án nhân sự này.

Sau khi Ủy ban Bầu cử Quốc gia Campuchia (NEC) công bố kết quả bầu cử chính thức dự kiến vào ngày 5/8, việc bổ nhiệm sẽ tiến hành vào ngày 7/8. Theo đó, dự kiến vào ngày 7/8, Đại tướng Hun Manet sẽ được Quốc vương Sihamoni ký sắc lệnh bổ nhiệm chức vụ Thủ tướng nhiệm kỳ 2023-2028. Trong trường hợp NEC công bố vào ngày 9/8, phần việc này sẽ diễn ra vào ngày 10/8.

Thủ tướng Hun Sen cho biết, sau khi rời ghế Thủ tướng ông vẫn tiếp tục đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn tối cao Quốc vương và sẽ là Chủ tịch Thượng viện Campuchia vào đầu năm 2024.

Hàn Quốc, Triều Tiên kỷ niệm 70 năm ký Hiệp định đình chiến

Nhân kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Hàn Quốc và Triều Tiên đã có các hoạt động để kỷ niệm sự kiện này.

Tại Hàn Quốc, lễ kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 đã diễn ra tối 27/7 tại Trung tâm điện ảnh Busan. Lễ kỷ niệm năm nay có sự tham gia của gần 3.000 người, trong đó có các cựu binh, thân nhân của họ cùng các phái đoàn chính phủ từ 22 quốc gia.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tham dự và có bài phát biểu tại buổi lễ. Trước buổi lễ, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đã tới thăm Nghĩa trang tưởng niệm Liên hợp quốc tại Busan. Tháp tùng ông có Đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee và quan chức cấp cao từ các nước từng tham gia Chiến tranh Triều Tiên như New Zealand, Luxembour, Australia và Pháp. Tổng thống Yoon Suk Yeol và phu nhân còn đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các lực lượng Liên hợp quốc.

Theo Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, đây là lần đầu tiên một vị tổng thống đương nhiệm của nước này đến tri ân đài tưởng niệm được xây năm 1978 này nhằm tưởng nhớ các binh sĩ Liên hợp quốc thiệt mạng trong chiến tranh.

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt hoa tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sỹ ở Bình Nhưỡng, ngày 25/7/2023. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đặt hoa tưởng niệm tại Nghĩa trang Liệt sỹ ở Bình Nhưỡng, ngày 25/7/2023. (Ảnh: YONHAP/TTXVN)

Tại Triều Tiên, một cuộc duyệt binh lớn đã diễn ra ở thủ đô Bình Nhưỡng vào tối 27/7 đánh dấu kỷ niệm 70 năm ngày ký Hiệp định đình chiến trong Chiến tranh Triều Tiên.

Hãng tin Yonhap dẫn nguồn từ Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, tại cuộc duyệt binh, Triều Tiên đã trưng bày các tên lửa đạn đạo liên lục địa và máy bay không người lái mới nhất để phô diễn sức mạnh quân sự.

Hiệp định đình chiến đã được ký kết ngày 27/7/1953 giữa Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC), quân đội Triều Tiên và các lực lượng vũ trang Trung Quốc, chấm dứt trên danh nghĩa cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953. Theo hiệp định đình chiến này, vĩ tuyến 38 được ấn định là giới tuyến phân chia hai miền Nam-Bắc Triều Tiên với một khu phi quân sự được thiết lập.

Thiệt hại lớn về người và của do thiên tai, tai nạn

Vụ nổ kho pháo hoa ở Thái Lan xảy ra vào khoảng 15h00 chiều 29/7 tại kho chứa pháo hóa Weerawat Panit ở chợ Muno, của tỉnh Narathiwat, giáp biên giới Malaysia. Theo số liệu cập nhật, số thương vong trong vụ nổ kho pháo hoa tại tỉnh Narathiwas, miền Nam Thái Lan đã lên tới 10 người thiệt mạng và khoảng 120 người bị thương, khoảng 500-800 người sống gần đó đã phải di chuyển đến nơi trú ẩn tạm thời.

Vụ hỏa hoạn xảy ra cuối ngày 25/7 trên tàu chở hàng Fremantle Highway, được đăng ký ở Panama, khi tàu đang di chuyển ngoài khơi bờ biển Hà Lan. Vụ việc khiến một người thiệt mạng và một số người khác bị thương. Thông tin ban đầu cho biết vào thời điểm xảy ra hỏa hoạn, trên tàu có hơn 2.800 ô tô, trong đó có gần 500 xe điện cùng thủy thủ đoàn 23 thành viên. Nguyên nhân gây hỏa hoạn được cho là liên quan đến một ô tô điện tàu vận chuyển.

Các lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm người mất tích. (Ảnh: The Manila Times)
Các lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm người mất tích. (Ảnh: The Manila Times)

Ngày 27/7, một vụ tai nạn lật tàu xảy ra khoảng vài giờ sau khi cơn bão Doksuri quét qua miền Bắc Philippines. Có khoảng 40 người được cứu sống, tuy nhiên đã có ít nhất 26 người thiệt mạng và một số người vẫn còn mất tích. Nguyên nhân được cho là tàu đã chở quá tải, bởi theo quy định, con tàu này không được chở quá 42 người.

Chiều 29/7, bão Doksuri kèm theo mưa lớn đang hoành hành dữ dội tại các khu vực miền Bắc Trung Quốc. Trước đó, bão Doksuri đã đổ bộ tỉnh Phúc Kiến, Đông Nam Trung Quốc, vào sáng 28/7 với sức gió lên tới 175 km/h. Theo Cơ quan khí tượng Trung Quốc, sức ảnh hưởng của cơn bão đã lan tới phía Bắc. Doksuri từng đạt cấp siêu bão khi quét qua Thái Bình Dương hồi đầu tuần, trước khi giảm cường độ lúc tới gần Philippines. Cơn bão khiến 13 người Philippines thiệt mạng, gây sạt lở đất và lũ lụt

Trong khi đó, giới chức Hy Lạp ban bố tình trạng khẩn cấp tại khu vực miền nam của đảo Rhodes, trong bối cảnh lực lượng cứu hỏa vẫn đang nỗ lực dập lửa do cháy rừng trong nhiều ngày liên tiếp. Hàng chục nghìn người dân địa phương và khách du lịch phải sơ tán tới các trường học và nơi trú ẩn tạm thời. Hy Lạp đang trải qua đợt nắng nóng tồi tệ nhất trong nhiều thập niên qua với nền nhiệt tăng lên tới 45 độ C.

Nguồn: dangcongsan.vn

Lượt xem: 337
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006524867
  •  Đang online: 394
  •  Trong tuần: 33.776
  •  Trong tháng: 204.777
  •  Trong năm: 204.775