NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Thế giới tuần qua: Bất ổn đan xen In trang
07/08/2023 08:14 SA

Tuần qua (31/7 - 6/8), thế giới liên tục chứng kiến Hàn Quốc đang phải đối mặt trước nguy cơ tái bùng phát đại dịch COVID-19; lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ hay lượng khí thải carbon do cháy rừng tại Canada tăng cao kỷ lục...

Hàn Quốc cảnh giác trước sự gia tăng các ca mắc mới COVID-19

Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 1/8/2023. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc ngày 1/8/2023. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Số ca mắc mới COVID-19 tại Hàn Quốc đã tăng trong tuần thứ 5 liên tiếp, làm dấy lên nhiều lo ngại về nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại trong bối cảnh các biện pháp hạn chế phòng dịch đã được dỡ bỏ gần hết.

Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết nước này trung bình mỗi ngày ghi nhận 45.529 ca mắc mới trong tuần từ 25-31/7, tăng 17% so với 38.802 ca trong tuần trước. Theo các chuyên gia, sự bùng phát trở lại gần đây của dịch COVID-19 một phần là do biến thể Omicron XBB 1.5, được biết đến có tốc độ lây lan nhanh hơn, đang là biến thể gây bệnh chính tại Hàn Quốc.

Bên cạnh đó, việc người dân gia tăng hoạt động đi lại và tương tác xã hội trong dịp nghỉ Hè cũng góp phần làm gia tăng số ca mắc mới. Trong khi đó, do nắng nóng gay gắt, người dân có xu hướng lưu lại lâu hơn trong các môi trường trong nhà có điều hòa không khí - vốn có điều kiện thông gió kém và điều này có khả năng đẩy nhanh tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2.

Một số chuyên gia cảnh báo số ca mắc mới có thể tăng vọt lên ít nhất là khoảng 60.000 ca/ngày và có thể tăng đáng kể vào mùa Thu, thời điểm bùng phát cúm mùa.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ ảnh hưởng đến thế giới

Nông dân Ấn Độ tại Srinagar, vùng lãnh thổ Liên bang Jammu và Kashmir thu hoạch gạo. (Nguồn: ANI)
Nông dân Ấn Độ tại Srinagar, vùng lãnh thổ Liên bang Jammu và Kashmir thu hoạch gạo. (Nguồn: ANI)

Lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường (non-basmati white rice) của Ấn Độ có thể ảnh hưởng đến thị trường gạo toàn cầu và hàng triệu người trên thế giới, trong đó người tiêu dùng ở châu Á và châu Phi chịu tác động lớn nhất.

Ngày 20/7 vừa qua, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo, ngoại trừ gạo basmati được sản xuất tập trung cho xuất khẩu, nhằm bình ổn giá gạo và ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực trong nước do khí hậu khắc nghiệt.

Trong báo cáo phân tích công bố mới đây, Ngân hàng Barclays của Anh cho biết, Malaysia dường như là nước dễ bị tổn thương nhất do phụ thuộc nhiều vào gạo của Ấn Độ. Ngoài ra, Singapore cũng có khả năng bị ảnh hưởng do gạo Ấn Độ chiếm khoảng 30% lượng gạo nhập khẩu. Các nhà phân tích của Barclays cho biết, Singapore đang đề nghị Ấn Độ miễn trừ nước này khỏi lệnh cấm xuất khẩu gạo.

Giá gạo hiện đang dao động ở mức cao nhất trong một thập niên qua do hiện tượng thời tiết El Nino gây mưa lớn hoặc khô hạn ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại Ấn Độ cũng như các nhà sản xuất gạo lớn khác của châu Á. Tuy nhiên, châu Á không phải là khu vực duy nhất bị ảnh hưởng bởi lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ, các thị trường dễ bị ảnh hưởng còn có khu vực sa mạc Sahara châu Phi và khu vực Trung Đông-Bắc Phi (MENA), đặc biệt là ở Djibouti, Liberia, Qatar, Gambia và Kuwait.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường của Ấn Độ đã gây tâm lý lo lắng đối với những người tiêu dùng vốn đã quen sử dụng mặt hàng này trong chế độ ăn uống hằng ngày. Nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận tình trạng các cửa hàng buộc phải điều chỉnh giá sản phẩm và giới hạn lượng gạo cung cấp, trong bối cảnh người dân - chủ yếu là cộng đồng gốc Nam Á - đổ xô đi mua gạo để tích trữ.

Lượng khí thải carbon do cháy rừng tại Canada tăng cao kỷ lục

Cháy rừng tại Canada. (Ảnh: Reuters)
Cháy rừng tại Canada. (Ảnh: Reuters)

Theo Cơ quan Giám sát Khí quyển Copernicus của Liên minh châu Âu (EU), các vụ cháy rừng ở Canada trong năm nay đã phát thải 290 triệu tấn carbon, gấp đôi mức kỷ lục đã được ghi nhận trước đây. Đáng quan ngại hơn nữa khi lượng khí thải này tiếp tục tăng trong bối cảnh hàng trăm vụ cháy vẫn đang hoành hành trên khắp nước này.

Ngày 3/8, Copernicus cho biết, lượng khí thải ước tính do cháy rừng ở Canada chiếm hơn 25% tổng lượng khí thải toàn cầu kể từ đầu năm 2023 đến nay, cao hơn nhiều so với mức kỷ lục 138 triệu tấn được ghi nhận tại quốc gia Bắc Mỹ này cùng kỳ năm 2014. Copernicus bắt đầu tiến hành giám sát, đo lượng khí thải qua ảnh mây vệ tinh kể từ năm 2003. 

Mùa cháy rừng năm nay là mùa cháy rừng trầm trọng nhất tại Canada với khoảng 131.000 km2 rừng bị thiêu rụi khắp miền Đông và miền Tây nước này. Khói từ các đám cháy rừng tại Canada đã bao phủ một số thành phố lớn trong và ngoài nước, như Toronto của Canada và New York của Mỹ. Trước tình trạng đó, các cơ quan y tế công cộng đã phát cảnh báo về chất lượng không khí, đồng thời khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe. Khói do cháy rừng liên quan đến tỷ lệ đau tim, đột quy cao hơn, cũng như liên quan việc gia tăng số bệnh nhân phải cấp cứu vì gặp vấn đề về hô hấp.

Nhà khoa học cấp cao Mark Parrington tại Copernicus cho biết lượng khí thải do cháy rừng tại các khu vực phương Bắc thường đạt đỉnh vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8. Hiện cơ quan này vẫn đang tiếp tục theo dõi tình hình, do nhiều khả năng tổng lượng khí thải sẽ tiếp tục tăng trong những tuần tới.  

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen

Tàu chở ngũ cốc di chuyển dọc Eo biển Bosphorus, ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 2/11/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Tàu chở ngũ cốc di chuyển dọc Eo biển Bosphorus, ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 2/11/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục nỗ lực để thay đổi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen. Tuyên bố này được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhấn mạnh trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin ngày 2/8.

Tuyên bố từ Phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ: “Tổng thống Erdogan lưu ý rằng Ankara sẽ nỗ lực hết mình và sử dụng giải pháp ngoại giao để tiếp tục duy trì Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen”. Ông Erdogan nhấn mạnh việc đình chỉ lâu dài Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen không mang lại lợi ích cho bất kỳ bên nào, đặc biệt các quốc gia thu nhập thấp cần ngũ cốc sẽ là những đối tượng bị thiệt hại lớn nhất.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: “Giá các loại ngũ cốc đã giảm 23% trong thời gian thực thi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, nay lại tăng trở lại 15% trong hai tuần qua”. Ông gọi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen là “cầu nối hòa bình” và nhấn mạnh rằng các biện pháp cần được thực hiện để ngăn chặn sự leo thang căng thẳng. Cũng trong cuộc điện đàm, ông Erdogan cho biết ông sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ để đàm phán về vấn đề này. Các bên đã nhất trí về lịch trình chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của ông Putin.

Về phần mình, Tổng thống Putin nhấn mạnh Nga sẵn sàng quay trở lại thỏa thuận ngũ cốc ngay khi phương Tây thực hiện đầy đủ mọi nghĩa vụ đã ký kết với Nga trong đó. Theo Điện Kremlin, trong cuộc điện đàm, ông Putin cũng cho biết Nga đang cân nhắc các phương án khả thi về việc vận chuyển ngũ cốc, trong đó có cả trên cơ sở miễn phí. Tổng thống Putin đề nghị người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ giúp Nga xuất khẩu ngũ cốc sang các nước châu Phi đang thiếu lương thực.

Nga đã rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen hôm 17/7, nhưng nhiều lần cho biết sẵn sàng nối lại thỏa thuận nếu các quyền lợi của Moskva được thực hiện. Đây là thỏa thuận được LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ làm trung gian đàm phán vào tháng 7/2022, cho phép Ukraine tiếp tục xuất khẩu ngô, lúa mì và các loại nông sản từ các cảng ở Biển Đen. Đổi lại, phương Tây loại bỏ rào cản đối với xuất khẩu lương thực và phân bón của Nga.

Mỹ và Ukraine tiến hành đàm phán về đảm bảo an ninh

Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 3/8, Mỹ và Ukraine bắt đầu đàm phán về đảm bảo an ninh cho quốc gia Đông Âu này, động thái tiếp theo cam kết mà Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) đưa ra bên lề hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Vilnius (Litva) tháng trước.

Trên ứng dụng nhắn tin Telegram, ông Andriy Yermak - Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine đã đưa ra thông báo trên và cho biết, cam kết đạt được tại Vilnius là "cơ sở để triển khai các thỏa thuận song phương tương ứng". Theo ông Yermak, Mỹ là đối tác chiến lược lớn nhất của Ukraine và trở thành quốc gia đầu tiên mà quốc gia Đông Âu này bắt đầu tiến trình đàm phán về đảm bảo an ninh, từ đó tạo ra mô hình thành công với các đối tác khác.

Ông Yermak cũng nhắc lại quan điểm của Ukraine rằng việc đạt được thỏa thuận bảo đảm an ninh với từng quốc gia sẽ giúp Ukraine thuận lợi hơn trong tiến trình trở thành thành viên của cộng đồng châu Âu - Đại Tây Dương, trong đó có NATO và Liên minh châu Âu (EU). Ông Yermak không cho biết địa điểm và thành phần tham gia cuộc đàm phán với Mỹ.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở Vilnius tháng trước, các nhà lãnh đạo NATO đã cam kết hỗ trợ Ukraine nhưng chưa kết nạp nước này vào liên minh cho đến khi xung đột kết thúc. Tuy nhiên, G7 đã nhất trí cho phép các nước thành viên đàm phán các thỏa thuận riêng với Ukraine.

Nguồn: dangcongsan.vn

Lượt xem: 219
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006195029
  •  Đang online: 322
  •  Trong tuần: 5.355
  •  Trong tháng: 220.903
  •  Trong năm: 2.798.942