Việc tổ chức cho trẻ ăn bán trú tại trường là một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, cần thiết và hữu ích trong các trường mầm non nói chung, đặc biệt là trường mầm non vùng sâu còn nhiều khó khăn như xã Đưng K’Nớ. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các mạnh thường quân, đặc biệt là sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, giáo viên nhà trường, trường Mầm non Đưng K’Nớ đã tổ chức tốt bán trú cho trẻ; góp phần quan trọng vào việc huy động, duy trì sĩ số trẻ ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục trẻ về mọi mặt.
Từ ngày tổ chức bán trú tỷ lệ trẻ đến lớp được duy trì
Đưng K’Nớ là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Lạc Dương, địa bàn rộng, giao thông đi lại cách trở, khó khăn với trên 94% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số; đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, người dân đa số chỉ sản xuất nông nên chưa quan tâm nhiều đến việc học hành của con em. Để nâng cao chất lượng giáo dục trẻ, Ban Giám hiệu trường Mầm non Đưng K’Nớ đã tiến hành họp phụ huynh học sinh và Hội đồng giáo dục của nhà trường, tham mưu với UBND xã đi đến thống nhất tổ chức bán trú cho trẻ. Xác định được tầm quan trọng trong việc tổ chức ăn bán trú cho trẻ trong chiến lược phát triển giáo dục của nhà trường, tập thể Ban Giám hiệu nhà trường đã đánh giá những thuận lợi và khó khăn để tìm ra giải pháp tối ưu nhất trong việc tổ chức ăn bán trú cho trẻ tại các điểm trường.
Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh, vận động các bậc phụ huynh cho con em ăn bán trú tại trường; đồng thời trực tiếp chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các nhóm, lớp xây dựng góc tuyên truyền với nhiều nội dung phong phú thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh, trong đó không thể thiếu nội dung tuyên truyền việc tổ chức ăn bán trú, những lời khuyên dinh dưỡng hợp lí, lời khuyên phòng ngộ độc và ích lợi của việc ăn uống khoa học đối với sức khỏe trẻ… để các bậc phụ huynh thấy được lợi ích của việc cho con ăn bán trú tại trường, nhờ đó mà 100% phụ huynh đồng tình ủng hộ. Lúc đầu việc tổ chức bán trú nhà trường cũng gặp không ít khó khăn do đội ngũ cán bộ giáo viên ít, có tới 03 điểm trường cách nhau hàng chục cây số, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Vượt qua tất cả những khó khăn, với lòng yêu nghề, mến trẻ, sự quyết tâm của cán bộ, giáo viên trong nhà trường và sự hỗ trợ từ các tổ chức, sự đồng thuận của phụ huynh nên bắt đầu từ năm học 2014 - 2015, nhà trường đã mạnh dạn tổ chức bán trú tại cả 3 điểm trường; trong đó, tại điểm trường chính có 01 cô nuôi nấu ăn cho 72 trẻ, tại điểm trường Lán Tranh với 30 trẻ và điểm trường Đưng Trang với 10 trẻ thì các cô vừa dạy vừa nấu ăn cho trẻ.
Trong quá trình tổ chức ăn bán trú, Ban Giám hiệu nhà trường luôn trăn trở làm sao mỗi ngày trẻ đến trường đều được ăn no, được ăn ngon, đủ chất dinh dưỡng để trẻ phát triển cân đối, toàn diện; chính vì vậy nhà trường luôn chú trọng đến việc lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn và xây dựng thực đơn phù hợp, thực hiện tốt việc kiểm tra quá trình chế biến để kịp thời phát hiện những thực phẩm không đảm bảo chất lượng và số lượng, nhất là chỉ đạo việc chia khẩu phần ăn cho trẻ đảm bảo theo từng độ tuổi. Đến điểm trường Trưng Trang, mới thấy hết tình yêu thương của những giáo viên dành cho trẻ nhỏ nơi đây, đồng thời cảm nhận sự biết ơn của bà con đồng bào, phụ huynh dành cho các giáo viên của trường; chính tình yêu thương ấy là cốt lõi để “giữ chân” học sinh.
Nhờ làm tốt công tác xã hội hóa, nhà trường được rất nhiều tổ chức hỗ trợ thực phẩm để nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ
Để nâng cao chất lượng bữa ăn cho trẻ, trường Mầm non Đưng K’Nớ đã làm tốt công tác xã hội hóa bởi với tiền hỗ trợ ăn trưa mỗi trẻ 120.000 đồng một tháng theo quy định của Nhà nước là chưa thể đáp ứng, trường đã kêu gọi các nhà hảo tâm cũng như vận động giáo viên trong nhà trường đóng góp lương thực và thực phẩm nhằm đảm bảo từng bữa ăn cho trẻ. Trong suốt 2 năm học vừa qua, nhà trường thường xuyên nhận được sự giúp đỡ của các mạnh thường quân; đặc biệt là Chi hội doanh nghiệp Lạc Dương và Nhóm thiện nguyện Ước Mơ Hồng đã đỡ đầu, hỗ trợ gạo, thức ăn và nhu yếu phẩm cho các cháu đang theo học tại các trường, định kỳ hàng tháng trao gạo, rau, sữa, nhu yếu phẩm, khăn mặt, khay ăn cơm, bánh kẹo, mì tôm...
Nhờ tổ chức thực hiện tốt việc ăn bán trú, trong những năm qua, trường Mầm non Đưng K’Nớ đã giảm dần tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng xuống dưới 10%, giúp trẻ có sức khỏe, phát triển về thể chất, góp phần thực hiện tốt công tác chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ theo mục tiêu của giáo dục mầm non. Đến nay, chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ được nâng lên, trẻ có nề nếp, thói quen trong ăn ngủ, kỹ năng tự phục vụ, có hành vi văn minh trong ăn uống, trẻ khỏe mạnh, nhanh nhẹn và tự tin trong các hoạt động. Trường Mầm non Đưng K’Nớ trở thành điểm sáng trong tổ chức bán trú của ngành giáo dục huyện Lạc Dương.
Phạm Phương