Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Lạc Dương trải qua gần 20 năm xây dựng và phát triển, đồng hành cùng với người nghèo và đối tượng chính sách (ĐTCS) khác, được cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội đánh giá cao. Hoạt động tín dụng chính sách (TDCS) ở huyện Lạc Dương đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện Lạc Dương.
Giao dịch tín dụng tại NHCSXH huyện Lạc Dương
Trong 20 năm triển khai Nghị định số 78 ngày 4/ 10/2002 của Chính phủ về chính sách tín dụng đối với người nghèo và ĐTCS khác, Ban đại diện (BĐD) Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH huyện Lạc Dương đã tổ chức bộ máy điều hành tác nghiệp là viên chức lao động NHCSXH huyện cùng với phương thức quản lý TDCS đặc thù có sự tham gia của 4 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác là Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Đoàn Thanh niên.
NHCSXH huyện đã triển khai cho vay 14 chương trình TDCS với tổng doanh số cho vay từ khi thành lập đến nay là 748,3 tỷ đồng, với 29.741 lượt khách hàng được vay vốn. Phương thức cho vay qua các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thể hiện tính ưu việt riêng có của NHCSXH, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị - xã hội để chuyển tải nguồn vốn TDCS của Nhà nước đến người nghèo và các ĐTCS khác, giúp họ sử dụng vốn vay hiệu quả, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội...
Đến ngày 30/6/2022, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH huyện Lạc Dương đạt 244,7 tỷ đồng, tăng 58,76 lần so với thời gian đầu thành lập; tổng dư nợ đạt 256,1 tỷ đồng, với 3.831 khách hàng còn dư nợ, tăng gấp 62,69 lần so với khi thành lập, với tăng trưởng bình quân hằng năm 12,60%. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác của huyện đang phối hợp với NHCSXH tham gia quản lý 255,7 tỷ đồng, chiếm 99,87% trên tổng dư nợ của phòng giao dịch; trong đó Hội Liên hiệp Phụ nữ quản lý 117,6 tỷ đồng, chiếm 45,92%; Hội Nông dân quản lý 73,7 tỷ đồng, chiếm 28,79%; Hội Cựu chiến binh quản lý 32,2 tỷ đồng, chiếm 12,61%; Đoàn Thanh niên quản lý 32,1 tỷ đồng, chiếm 12,55%.
Thông qua các Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở tổ dân phố, mô hình tổ chức, phương thức quản lý và cách thức hoạt động nghiệp vụ của hoạt động TDCS đã phát huy hiệu quả, tạo được lòng tin của Nhân dân đối với các chính sách của Đảng, Nhà nước và hoạt động của NHCSXH; chính quyền cơ sở cũng có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với người dân, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kịp thời giải quyết những vướng mắc, khó khăn của Nhân dân, góp phần củng cố hệ thống chính trị cơ sở, giữ vững ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội tại địa phương...
Trong công tác quản lý Tổ TK&VV, trưởng thôn tham gia giám sát, chứng chiến các buổi họp Tổ và ký biên bản các cuộc họp thành lập, thay đổi thành viên Ban Quản lý Tổ TK&VV,... đảm bảo công khai, dân chủ, đúng đối tượng, giám sát hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích; đồng thời, tham gia Tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi, phát hiện và thông báo cho chính quyền địa phương và NHCSXH về những hộ vay chuyển đi, chuyển đến và những hộ bỏ đi khỏi nơi cư trú...
NHCSXH huyện hiện đang quản lý 97 Tổ TK&VV tại tất cả các thôn, tổ dân phố trong huyện, bình quân mỗi Tổ có 40 hộ vay, với dư nợ 2.636 triệu đồng/tổ. Thông qua quản lý hoạt động của Tổ TK&VV và áp dụng phương thức giải ngân trực tiếp đến từng người vay vốn, NHCSXH đã chuyển tải vốn TDCS của Nhà nước đến tận tay người thụ hưởng một cách nhanh chóng, thông suốt, bảo đảm công khai, dân chủ theo phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, tạo ra hiệu quả kinh tế, chính trị, xã hội to lớn.
Từ khi thành lập đến nay, nguồn vốn TDCS ở Lạc Dương đã tạo điều kiện cho 29.741 lượt hộ nghèo và các ĐTCS khác được vay vốn, với số tiền 748,3 tỷ đồng; nguồn vốn đã góp phần giúp cho trên 2.800 hộ thoát nghèo; giải quyết việc làm cho trên 2.050 lao động; giúp cho gần 12.207 HSSV trang trải chi phí học tập; hơn 5.320 hộ được xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh; xây dựng 107 căn nhà ở cho hộ nghèo.
Vốn tín dụng được ưu tiên đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị xã hội trên địa bàn. Được tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi đã giúp cho người nghèo và các ĐTCS đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, định hướng đầu tư, biết tính toán lợi ích kinh tế mà đồng vốn mang lại, tiết kiệm trong tiêu dùng, sử dụng vốn có hiệu quả bằng các loại hình sản xuất đa dạng: trồng, chăm sóc hơn 11.500 ha cà phê và 250 ha hoa và rau các loại, trồng 16 ha chuối laba, trồng 14,5 ha atisô...
Ông Cil Poh - Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng BĐD HĐQT NHCSXH huyện Lạc Dương, cho biết: Lạc Dương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, nên nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Trung ương, địa phương đến các doanh nghiệp, cá nhân. Nhưng đặc biệt, nguồn vốn TDCS của NHCSXH như một điểm sáng trong công tác giảm nghèo, giúp địa phương giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo. Hoạt động TDCS trong 20 năm qua ở huyện Lạc Dương đã được cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đánh giá cao trong việc góp phần xóa bỏ tệ nạn cho vay nặng lãi, bán non sản phẩm nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống cho người dân nghèo và hỗ trợ địa phương trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
LÊ HOA
Nguồn: baolamdong.vn