(LĐ online) - Thay vì những vườn ly được bao bọc kín bởi nhà kính, nhiều nông hộ đã chọn duy trì cách trồng ly trong nhà lưới. Cây hoa hưởng khí trời, tắm sương lạnh, cho ra những cánh bông đậm đà, màu sắc sặc sỡ, thân to cứng cáp. Và, việc trồng ly trong nhà lưới cũng đảm bảo về mặt môi trường, giảm dần sự phụ thuộc của người nông dân vào hệ thống nhà kính.
Anh Kiệt trong vườn ly chuẩn bị cho vụ Tết 2024
Anh Nguyễn Xuân Kiệt, Thôn 2 xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương đã gắn bó với việc trồng rau, hoa trong nhà kính từ hàng chục năm nay. Nhưng hiện tại, thay vì canh tác rau, hoa trong nhà kính, anh Kiệt đã chọn trồng hoa ly trong hệ thống dàn lưới. Với diện tích gần 1,5 ha, mỗi năm, anh cung cấp cho thị trường hàng vạn cành ly các loại. Anh Nguyễn Xuân Kiệt chia sẻ, bản chất cây ly rất hợp với khí hậu lạnh, nhiều sương. Trồng hoa ly trong nhà kính, người nông dân dễ canh nhiệt độ, ẩm độ, lượng nước tưới cũng như dễ bỏ phân, khống chế sâu bệnh. Tuy nhiên, khi trồng dưới hệ thống lưới không cần nhà kính, bông ly có những đặc điểm riêng. Đó là cây cứng, màu bông đẹp, cắm bình bông lâu tàn, thị trường ưa chuộng. Anh Kiệt cho biết: “Thật ra loại hoa nào cũng rất cần nhiều ánh sáng, hoa ly cũng không ngoại lệ. Chỉ khi còn bé, cây ly cần ánh sáng dịu để tăng độ cao nên nhà vườn chỉ cần che lưới, đảm bảo ánh sáng thích hợp. Tới giai đoạn ra bông, cây ly rất cần ánh sáng, lúc đó kéo màng lưới ra, cây nhận được đủ ánh sáng quang hợp sẽ xanh cành xanh lá, ra bông và nuôi bông rất khỏe”. Anh Kiệt cũng nhận xét, ly là loại khá khó tính, khi trồng trong nhà kính sẽ dễ chăm hơn cho người nông dân.
Tuy nhiên, khi trồng dưới lưới đen, cũng có rất nhiều lợi ích mang lại cho người nông dân. Anh cung cấp, đầu tiên làm hệ thống lưới che, chi phí giảm rất nhiều so với làm nhà kính. Nếu một sào nhà kính có giá xấp xỉ từ 200 tới 250 triệu đồng/sào thì làm nhà lưới chi phí chỉ chiếm một phần ba, thậm chí tiết kiệm chỉ còn 1/4. Đầu tư thấp đã là một lợi thế rất lớn với người nông dân. Thứ hai, hoa ly trồng nhà kính có chất lượng rất tốt, đặc biệt khi chuyển cành bông xuống xứ nóng. Cây quen với nắng gió, nhiệt độ chênh lệch ngày - đêm nên cứng cây, nụ nở hết, không bị non bông khó nở, người yêu hoa rất thích. Vì vậy, dù trước đó đã canh tác trong nhà kính nhưng anh Kiệt vẫn chuyển sang trồng hoa ly trong màng lưới.
Trồng hoa ly dưới màng lưới cũng đòi hỏi những điều kiện đặc biệt từ phía người nông dân. Anh Nguyễn Xuân Kiệt cho biết, ban đầu, khi làm vườn ly, anh đã quy hoạch hệ thống tưới tiêu, thoát nước hợp lý. Bởi trồng dưới màng lưới, nước mưa vẫn đổ xuống vườn tương tự ngoài trời nên nếu quy hoạch hệ thống mương, máng trong vườn không tốt, cây ly bị ngập úng, hư hỏng bộ rễ, chậm lớn, thậm chí dễ chết cây. Thứ hai, trồng ly ngoài trời, nông dân nên chọn trồng trên giá thể. Các luống được lên bằng tấm gỗ, cho giá thể đã qua xử lý vào để canh tác. Giá thể giúp người nông dân bón phân, tưới nhỏ giọt, sử dụng chất dinh dưỡng hiệu quả hơn. Anh Kiệt chia sẻ: “Nếu trồng ly trên đất, sau một vụ thu hoạch, nhà nông phải cào đất, cày ải bón thêm phân, khoảng thời gian đó kéo dài tới hơn một tháng, thậm chí hai tháng. Nhưng khi trồng trên giá thể, quá trình xử lý đất sau thu hoạch rất đơn giản. Việc phối trộn dinh dưỡng cho giá thể cũng dễ dàng. Trồng ngoài trời, giá thể còn có hiệu quả là thoát nước rất nhanh, rất tốt, bộ rễ của ly được an toàn, nhất là trong những đợt mưa cao nguyên kéo dài”.
Anh Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt đánh giá, anh Nguyễn Xuân Kiệt là một nông dân rất xuất sắc, một thành viên nhiệt tình của Hiệp hội. Thay vì trồng hoa ly trong nhà kính, anh Kiệt đã chọn hướng trồng hoa ly trong nhà lưới, điều kiện tương tự ngoài trời, không gây ảnh hưởng nhiều đến môi trường sinh thái. Sản phẩm hoa ly của anh Kiệt được cung ứng rộng rãi trên thị trường với những chủng loại chính như ù vàng, ù đỏ, ly kép... Thay vì trồng trong nhà kính, cách ly cây trồng khỏi môi trường, những nông dân như anh Kiệt đã chọn cách canh tác hòa hợp hơn với tự nhiên, cung cấp cho thị trường những cành hoa chất lượng cao, vừa mang lại thu nhập cho người nông dân, vừa góp phần xây dựng thương hiệu cho hoa Đà Lạt.
DIỆP QUỲNH