NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Mật ong PơKao món quà tinh túy của núi rừng xã vùng sâu Đưng K’Nớ In trang
23/01/2024 07:52 SA

Với mục đích cùng giúp nhau phát triển nghề khai thác mật ong rừng, lấy mật và bảo vệ sản phẩm đặc trưng của địa phương, một số hộ dân trên địa bàn xã Đưng K’Nớ đã thành lập Tổ hợp tác và xây dựng sản phẩm OCOP. Qua đó, phát huy được tiềm năng, lợi thế của địa phương, khơi dậy tính tự chủ, mạnh dạn làm kinh tế theo mô hình tổ hợp tác, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Anh Bon Niêng Ha Siêng - Tổ trưởng (bên phải) và anh Long Đinh Ha Ôn - Tổ phó (bên trái) giới thiệu các sản phẩm mật ong rừng của Tổ hợp tác mật ong PơKao tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần thứ 9 năm 2023
Anh Bon Niêng Ha Siêng - Tổ trưởng (bên phải) và anh Long Đinh Ha Ôn - Tổ phó (bên trái) giới thiệu các sản phẩm mật ong rừng của Tổ hợp tác mật ong PơKao tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần thứ 9 năm 2023

Xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương nổi tiếng với nhiều loại sản vật có trong tự nhiên như mật ong, măng tre, các loại nấm, lan rừng, cá suối… trong đó, mật ong là món quà vô giá được tự nhiên ban tặng. Với diện tích rừng tự nhiên lớn trên 17.500 ha, chiếm 90% tổng diện tích trên địa bàn xã, nằm trong Khu Dự trữ Sinh quyển thế giới Lang Biang với hệ thảm thực vật đa dạng, phong phú, không khí trong lành, cây cối quanh năm tươi tối, có nhiều loại hoa rừng là nguồn thức ăn dồi dào cho ong nên đàn ong ngày càng phát triển, chất lượng mật tốt, sản lượng mật cao. Hàng năm, cứ vào thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, người dân xã Đưng K’Nớ lại lên đường, rong ruổi khắp các cánh rừng già nguyên sinh trên địa bàn để đi săn mật ong rừng. Anh Rơ Ông Ha Soanh, hộ dân khai thác mật ong rừng tại xã Đưng K’Nớ cho biết: “Nghề khai thác mật ong rừng rất vất vả, ẩn chứa nhiều nguy hiểm, như phải trèo đèo, lội suối băng rừng sâu, có những tổ ong nằm trên cây cao, phải trèo lên để lấy mật, không cẩn thận là có thể té, ngã. Tuy nhiên từ nghề này, gia đình có thêm nguồn thu nhập đáng kể để trang trải trong cuộc sống”.

Anh Long Đinh Ha Ôn - Tổ phó Tổ hợp tác mật ong PơKao giới thiệu quy trình đóng gói và các sản phẩm mật ong rừng Pơ Kao
Anh Long Đinh Ha Ôn - Tổ phó Tổ hợp tác mật ong PơKao giới thiệu quy trình đóng gói và các sản phẩm mật ong rừng Pơ Kao

Nhận thấy việc khai thác mật, bán với quy mô nhỏ lẻ không mang lại hiệu quả kinh tế và không phát huy giá trị mật ong rừng của địa phương, năm 2021, một nhóm những hộ gia đình trẻ trên địa bàn xã đã liên kết thành lập Tổ hợp tác mật ong PơKao dưới sự đồng hành, hỗ trợ của tổ chức Caritas Đà Lạt; đến thời điểm hiện tại, Tổ hợp tác có 21 thành viên. Sau quá trình tham quan, học hỏi, tập huấn, đào tạo về quy trình khai thác, chế biến và bảo quản mật ong rừng, hiện nay các thành viên đều tuân thủ nghiêm ngặt quy trình từ việc khai thác đến chế biến, bảo quản mật. Anh Long Đinh Ha Ôn - Tổ phó Tổ hợp tác mật ong PơKao chia sẻ “Quy trình khai thác và đóng gói mật ong đều tuân thủ rất nghiêm ngặt, khi lấy mật ong, bà con mặc đồ bảo hộ trùm kín từ đầu tới chân, tuyệt đối không dùng lửa khói, không dùng nhang hoặc thuốc tạo mùi để làm ảnh hưởng đến đàn ong cũng như chất lượng mật”.

Mật ong hoa rừng Đưng K’Nớ được các “chú” ong thợ chăm chỉ “thu thập” mật hoa từ hơn 100 loài hoa rừng khác nhau, trong đó có nhiều loài hoa quý cho giá trị dinh dưỡng cao. Chính vì vậy mà mật ong PơKao có giá trị và đặc trưng riêng mà không phải địa phương nào cũng có được. Các sản phẩm mật sau khi khai thác được từ trong rừng sẽ được tổ hợp tác sơ chế và bảo quản, đóng gói đúng quy trình từ công đoạn lọc thô để loại bỏ tạp chất đến công đoạn hạ thủy phần mật ong rồi đưa vào các bình chứa, trước khi đóng nhãn, mác để ra thành phẩm. Tại đây đều có sổ nhật ký ghi chép, theo dõi hằng ngày số lượng, loại mật ong khai thác được của từng hộ đồng thời gắn tem nhãn để thuận tiện cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Do được thu hoạch bằng phương pháp thủ công nên mật ong rừng PơKao hoàn toàn nguyên chất, giữ nguyên vị ngọt và hương thơm tự nhiên rất riêng của núi, rừng. Trong đó, sản phẩm mật ong treo có màu vàng nhạt, ngọt mát; mật ong đất màu nâu sánh đậm.

Tổ hợp tác mật ong PơKao đầu tư bài bản cho khâu nhãn mác, đóng gói sản phẩm
Tổ hợp tác mật ong PơKao đầu tư bài bản cho khâu nhãn mác, đóng gói sản phẩm

Với những nỗ lực trong việc liên kết, xây dựng thương hiệu, kết nối thị trường cho sản phẩm mật ong rừng của địa phương, mới đây nhất, sản phẩm mật ong PơKao của Tổ hợp tác đã lọt vào vòng chung kết tại Cuộc thi Dự án khởi nghiệp xanh lần thứ 9 năm 2023. Cuối tháng 12/2023, sản phẩm mật ong treo và mật ong đất của Tổ hợp tác mật ong PơKao xã Đưng K’Nớ đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Đáng ghi nhận hơn là sản phẩm mật ong của Tổ hợp tác được người tiêu dùng rất ưa chuộng, sản phẩm khai thác được đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó. Bình quân mỗi năm, người dân khai thác được khoảng 1.000 lít, riêng Tổ hợp tác mật ong PơKao thu mua của các hộ dân khoảng 300 đến 500 lít mỗi năm, với giá bán ra thị trường hiện nay là 900.000đ/1 lít.

Ông Thân Văn Hữu - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đưng K’Nớ cho biết: “Để sản phẩm mật ong rừng của xã Đưng K’Nớ vươn xa ra thị trường đồng thời tiếp tục mở rộng quy mô khai thác và nâng cao giá trị sản phẩm mật, hiện nay, UBND xã phối hợp với cơ quan chuyên môn của huyện đã và đang triển khai cho một số hộ dân thực hiện thí điểm mô hình nuôi ong mật bằng nguồn hoa tự nhiên trong rừng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Dự kiến mô hình sẽ được nghiệm thu đánh giá trong năm 2024 này để có hướng nhân rộng cho các hộ dân cùng thực hiện. Mô hình được triển khai đạt kết quả sẽ là hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho bà con xã vùng sâu Đưng K’Nớ nhằm đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân”.

Nguyễn Hiền - Anh Tuấn

Lượt xem: 315
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006401196
  •  Đang online: 90
  •  Trong tuần: 39.110
  •  Trong tháng: 81.109
  •  Trong năm: 81.109