Sau 45 năm thành lập, huyện Lạc Dương đã có nhiều thay đổi rất đáng phấn khởi trong đời sống nhân dân và trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Cơ sở hạ tầng kiến trúc cũng đã được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trong đời sống và sản xuất phát triển. Đặc biệt, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự đóng góp của Nhân dân, hạ tầng giao thông của huyện đã có nhiều khởi sắc, đem lại diện mạo mới cho các khu vực nông thôn, thị trấn, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế - xã hội tạo địa phương.
Trong những năm đầu thành lập, cả huyện chỉ có hơn 02 km đường thảm nhựa, còn lại là đường rải đá cấp phối và đường đất. Việc đi lại của người dân địa phương đều dựa trên những đường mòn ở bờ ruộng hoặc băng qua núi đồi nương rẫy. Từ trung tâm huyện đi vào các xã vùng sâu như Đạ Sar, Đạ Nhim, Đạ Chais, Đưng K’Nớ cũng chỉ là những con đường đất, vào mùa mưa thường lầy lội, tuy chỉ vài chục cây số nhưng cũng phải mất cả ngày mới đi được đến nơi. Chính vì vậy, đời sống của người dân hầu như chỉ là tự cung tự cấp, các sản phẩm nông sản làm ra rất khó tiêu thụ.
Nhiều tuyến đường được đầu tư từ sự đồng thuận của nhân dân
Xác định phát triển hệ thống giao thông nông thôn là nhiệm vụ trọng tâm, có vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh tại địa phương, huyện Lạc Dương đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, đặc biệt là huy động nguồn lực trong dân xây dựng, tu sửa các tuyến đường giao thông nông thôn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Từ năm 2011 đến năm 2013, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện có bước đột phá; huyện đã tập trung các nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông nội thị thị trấn Lạc Dương với 5 tuyến đường dài trên 4,8 km, tổng kinh phí thực hiện trên 100 tỷ đồng. Ngoài đầu tư xây dựng các tuyến đường chính, Nhà nước cũng đã quan tâm đầu tư cho huyện Lạc Dương xây dựng một số tuyến đường liên xã, liên thôn, đáp ứng yêu cầu cấp thiết cho việc đi lại, phát triển sản xuất của bà con vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hầu hết đường giao thông ở khu dân cư đã được nhựa hóa và bê tông hóa
Từ năm 2010 đến nay, phong trào xây dựng nông thôn mới được phát động trên địa bàn huyện Lạc Dương đã nhận được sự đồng tình hưởng ứng của người dân trong toàn huyện. Nhiều bà con đã tích cực hiến đất, tham gia đóng góp ngày công lao động với trị giá hàng tỷ đồng. Nhờ có tinh thần đóng góp của người dân mà nhiều tuyến đường và các công trình trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng trên địa bàn huyện đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp hơn. Đến nay, ngoài tuyến quốc lộ 27C nối Đà Lạt với Nha Trang, đường Trường Sơn Đông nối Đà Lạt với các tỉnh Tây Nguyên; 100% đường xã và đường trung tâm xã đến đường huyện đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa và 100% đường trục thôn, đường liên thôn được cứng hóa, đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm; có hơn 90% đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 89% đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận tiện. Đặc biệt 5/5 xã đạt chuẩn tiêu chí giao thông trong chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương…
Hệ thống đường ở trung tâm huyện được đầu tư khang trang
Để hệ thống giao thông ngày càng được hoàn thiện và đồng bộ, trong năm nay và cả những năm tới, huyện Lạc Dương tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong việc xây dựng nông thôn mới, động viên Nhân dân tích cực tham gia; rà soát lập quy hoạch chung các xã giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến 2030 để làm cơ sở đầu tư xây dựng phát triển hệ thống giao thông nông thôn; huy động tối đa mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn từ nhiều thành phần kinh tế, dưới nhiều hình thức khác nhau, ưu tiên bố trí kế hoạch hoặc vốn để đầu tư phát triển giao thông nông thôn; tăng cường công tác bảo trì sau đầu tư; phát huy vai trò giám sát cộng đồng đối với các công trình thực hiện theo cơ chế “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”…
PHẠM PHƯƠNG