(LĐ online) - Lâm Đồng đang triển khai việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 theo Nghị quyết số 117/NQ-CP của Chính phủ. Việc này thu hút sự quan tâm của người dân và đòi hỏi sự tập trung cao độ từ các cấp, các ngành.
Một phần huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt nhìn từ đỉnh Lang Biang
• QUY TRÌNH THỰC HIỆN ĐƯỢC TIẾN HÀNH THẬN TRỌNG, KHOA HỌC
Dự kiến việc sắp xếp đơn vị hành chính tới đây sẽ giảm 3 huyện còn 9 huyện, thành phố. Theo đó, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, dân số của 3 huyện Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên thành 1 huyện; nhập Lạc Dương vào TP Đà Lạt; điều chỉnh 5 xã của huyện Bảo Lâm (gồm xã Lộc An, Lộc Tân, Lộc Nam, Lộc Thành và Tân Lạc) để mở rộng không gian đô thị TP Bảo Lộc.
Việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã cũng liên quan đến việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời, nâng cao thu nhập của cán bộ, công chức. UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận cao nhất của người dân. Mục tiêu của việc sắp xếp là bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu quả quản lý và không gây xáo trộn lớn trong đời sống xã hội.
Mới đây, tại buổi họp báo cung cấp thông tin về vấn đề này, Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng cho biết, đang bám sát các lộ trình và thời gian quy định để tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Các sở, ban, ngành và địa phương cũng được giao trách nhiệm tiến hành xây dựng hồ sơ Đề án Sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã và lấy ý kiến cử tri trên địa bàn để trình cấp có thẩm quyền theo quy định. Dự kiến việc này sẽ hoàn thành vào cuối quý II hoặc đầu quý III/2024, sau đó, đề án sẽ được trình Bộ Nội vụ thẩm định và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, phê duyệt vào cuối quý III hoặc đầu quý IV/2024.
Qua đó cho thấy, việc sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang được thực hiện theo quy trình pháp lý và nỗ lực tạo sự đồng thuận của cử tri, đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả
Sở Nội vụ cũng đang bám sát lộ trình, tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch sắp xếp. Các sở, ban, ngành và địa phương xây dựng đề án và lấy ý kiến cử tri và dự kiến việc lấy ý kiến sẽ hoàn thành vào cuối quý II hoặc đầu quý III/2024.
• QUAN TÂM QUẢN LÝ ĐÔ THỊ VÀ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG
Để có thể thực hiện việc quản lý đô thị và quản lý đầu tư xây dựng theo các quy hoạch đã có ngay sau khi có quyết định sáp nhập, và để tránh lãng phí nguồn lực, thời gian thực hiện, ngay từ đầu năm 2024, trên địa bàn các thành phố và các huyện liên quan cũng đã rà soát và định hướng các đồ án quy hoạch đang triển khai.
Cụ thể, đối với TP Bảo Lộc, Quy hoạch chung xây dựng TP Bảo Lộc và vùng phụ cận mới được phê duyệt tại Quyết định số 1194/QĐ-UBND ngày 16/6/2023. Trong quá trình lập quy hoạch đã tính đến phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch bao gồm cả 5 xã thuộc huyện Bảo Lâm là vùng phụ cận, không thể tách rời TP Bảo Lộc. Đối với quy hoạch vùng huyện Bảo Lâm đang hoàn thiện, cũng nên tính đến yếu tố này để không phải điều chỉnh quy hoạch vùng huyện sau khi tách 5 xã ra khỏi huyện Bảo Lâm.
Đối với TP Đà Lạt, Quy hoạch chung xây dựng TP Đà Lạt và vùng phụ cận đang được lập điều chỉnh tổng thể, trong đó một phần huyện Lạc Dương được xem là thuộc vùng phụ cận của thành phố và đã được nghiên cứu, đề xuất ý tưởng từ Quy hoạch chung 704. Trong nội dung và quá trình lập quy hoạch điều chỉnh thành phố cũng cần phải tính đến yếu tố này để có thể có ngay một đồ án quy hoạch chung áp dụng cho toàn thành phố mới (bao gồm cả huyện Lạc Dương) ngay sau khi sáp nhập đơn vị hành chính (năm 2024 hoặc 2025) mà không phải điều chỉnh quy hoạch chung Đà Lạt.
Đối với quy hoạch vùng huyện Lạc Dương cũng cần nêu rõ xu hướng này, sau khi sáp nhập cả huyện vào thành phố thì áp dụng theo quy hoạch chung TP Đà Lạt và vùng phụ cận cho toàn bộ huyện Lạc Dương.
Mặc dù còn nhiều việc phải làm, nhưng có thể nói rằng, việc sắp xếp ĐVHC tại Lâm Đồng đang được triển khai thực hiện theo quy trình pháp lý, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công bằng và hiệu quả với mục tiêu là góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân.
NGUYỄN NGHĨA