NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Rơ Ông K’Gem - sơn ca của buôn làng B’Nớ C In trang
12/08/2024 06:29 CH

Sinh ra lớn lên ở buôn làng B’Nớ C, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, hát múa như một bản năng trời phú cho Rơ Ông K’Gem. Chị nổi lên như một hạt nhân quý trong phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng giữa bao nhiêu giọng hát hay ở nơi được mệnh danh là “làng ca sĩ”.

Tiết mục Nhắn gửi yêu thương - dân ca K'Ho mang về cho Rơ Ông K'Gem huy chương Vàng tại Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc Việt Nam
Tiết mục Nhắn gửi yêu thương - dân ca K'Ho mang về cho Rơ Ông K'Gem huy chương Vàng tại Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc Việt Nam

Mới 42 tuổi đời thì chị có đến 25 năm bền bỉ đứng trên sân khấu nghiệp dư, góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình không mệt mỏi.

Người Lạch, người Cil (2 nhánh dân tộc K’Ho) sống dưới chân núi Lang Biang từ lâu đời, dường như ai sinh ra đều có năng khiếu âm nhạc. Các già làng vùng đất này truyền rằng, con trai, con gái của buôn làng muốn có giọng hát hay thì phải tìm bắt đủ bảy con ve sầu mang về cho thầy cúng đọc thần chú và làm động tác vuốt vuốt vào thanh quản như để điều chỉnh cổ họng (gọi là “sâm” cổ) rồi nướng lên ăn. Người K’Ho nghĩ ai được ăn ve sầu như thế thì giọng hát sẽ bền bỉ, khỏe khoắn, có sức cuốn hút và lay cảm như tiếng ve sầu ra rả suốt mùa hè không khản tiếng. Không biết Rơ Ông K’Gem có được ăn ve sầu nướng không, mà dù không qua bất cứ trường lớp đào tạo nào, giọng hát ấy đã hơn 20 năm bền bỉ cống hiến cho phong trào văn hóa - văn nghệ quần chúng của địa phương.

Nhiều năm làm cộng tác viên cho Đội thông tin lưu động Lạc Dương, là gương mặt quen thuộc của nhiều chương trình văn nghệ của huyện, Rơ Ông K’Gem như một người trẻ tuổi tiếp thu đầy đủ bản sắc văn hóa truyền thống, nhuần nhuyễn những bài dân ca, dân vũ, dân nhạc của dân tộc mình. Ngoài giờ đi hát lại trở về bận rộn với nương rẫy, cà phê, nhưng khi chị đứng trên sân khấu cất tiếng hát thì quên hết mọi nỗi nhọc nhằn, vất vả đời thường. Giọng hát cất lên cao vút, rồi thả xuống, bổng trầm, những giai điệu đẹp phiêu bồng, bước chân nhún nhảy theo nhịp điệu cồng chiêng. Người xem, người nghe như thấy hết niềm say mê và tình yêu của một người trẻ tuổi dành cho âm nhạc dân tộc, dành cho khúc yalyao, điệu tầm pớt, dành cho những làn điệu dân ca cổ xưa của người K’Ho. Để rồi cứ khi phố huyện lên đèn, với đôi chân trần chị lại cùng đội nhóm cồng chiêng múa hát bên bập bùng ánh lửa, cùng tiếng chiêng hòa điệu, đem vẻ đẹp của văn hóa K’Ho, của Di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đến với đông đảo bạn bè trong nước và quốc tế, níu chân du khách.

Chúng tôi từng xem Rơ Ông K’Gem biểu diễn nhiều lần, khi giọng hát cất lên là hát như chính từ hơi thở, ở những quãng cao, thanh âm cao vút, không cần "lên gân" cũng đủ để rung lên muôn điệu. Giọng hát của K’Gem dần vang xa, vượt ra khỏi đội nhóm cồng chiêng, vươn ra khỏi buôn làng, phố huyện; chị là một trong những cái tên đầu tiên được ghi vào danh sách đại diện cho các dân tộc tỉnh Lâm Đồng mỗi khi có hội thi, liên hoan, hội diễn văn nghệ quần chúng khu vực và toàn quốc. Hơn 20 năm qua, chị mang vẻ đẹp văn hóa của người K’Ho qua các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc khoe sắc cùng cộng đồng các dân tộc anh em Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và trên cả nước. Ở hội diễn nào K’Gem cũng nổi bật và mang về giải thưởng. Ngoài hát dân ca K’Ho, K’Gem hát được nhiều dòng nhạc từ nhạc cách mạng, nhạc trữ tình đến nhạc trẻ; K’Gem còn hát cả cải lương và đoạt giải Liên hoan Cải lương quân khu 7. Cuộc thi đó làm K’Gem nhớ mãi bởi phải “so” giọng với những giọng ca được nuôi dưỡng lớn lên trong không gian đờn ca tài tử, từ cái nôi cải lương, nên đoạt giải Ba cũng là niềm vui lớn của chị. 

Tại Hội thi Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc diễn ra tại Quảng Ngãi gần đây, K’Gem hát bằng tiếng K’Ho bài yalyao “Nhắn gửi yêu thương”, là tiếng lòng nhớ thương, chung thủy của một cô gái dành cho người mình yêu thương. Giọng hát lúc êm đềm, trong trẻo, thiết tha; khi cao vút, khỏe khoắn, quyết liệt. Lời ca ngân nga truyền cảm khiến người nghe dù không hiểu tiếng K’Ho nhưng vẫn thấy rất hay và đẹp. Cái hay, cái đẹp thể hiện ở lấy hơi, nhả chữ và truyền vào từng lời ca xúc cảm: “Đàn chim bay về đâu/ Vỗ cánh nghiêng mặt trời/ Tình anh như ngọn núi/ Mãi mãi một màu xanh/ Tình em như con suối/ Mát lành lời thủy chung”. Tiết mục xuất sắc được chọn công diễn vào lễ bế mạc Hội thi và đoạt huy chương Vàng xứng đáng đầy tự hào.

Cũng tại Hội thi, K’Gem góp mặt vào tốp ca nam nữ tiết mục Lời chiêng (Nghệ sĩ Ưu tú Krajan Dick phát triển dân ca K’Ho), giọng hát của K’Gem đã hòa nhịp điệu cùng 3 giọng nam trẻ, khỏe mà không “chìm nghỉm”, không kém cạnh. Tiết mục gây ấn tượng mang về huy chương Bạc.

Với K’Gem, hát là tự thân, là niềm đam mê, là niềm vui. Dù không mang lại nhiều vật chất, nhưng công việc mang lại cho chị niềm vui cùng giá trị tinh thần lớn. Đó cũng là động lực để chị vượt lên cuộc sống còn không ít khó khăn - chị tâm sự. Hiện tại, Rơ Ông K’Gem làm việc ổn định tại sân khấu Khu du lịch Thung lũng Tình yêu, công việc hàng ngày là cùng dàn nhạc cụ dân tộc, cồng chiêng biểu diễn phục vụ du khách. Dù lương không cao, thu nhập không nhiều, nhưng “Là người con Tây Nguyên, tôi mong muốn được mang lời ca, tiếng hát đến với bạn bè trong và ngoài nước, để mọi người biết đến văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên và của người K’Ho, để gìn giữ phát huy vẻ đẹp văn hóa của dân tộc mình”.

(Theo QUỲNH UYỂN/baolamdong.vn)

Lượt xem: 241
Liên quan
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006532491
  •  Đang online: 342
  •  Trong tuần: 41.403
  •  Trong tháng: 212.404
  •  Trong năm: 212.404