Sau gần 20 năm - Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là “Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại”, một trong những di sản của thế giới đã không ngừng được chính quyền và Nhân dân Lâm Đồng quan tâm bảo tồn, trao truyền và phát huy giá trị nhằm mục đích góp phần phát triển du lịch ở các địa phương trên vùng đất Nam Tây Nguyên này.
Biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Quỳnh Uyển
Lâm Đồng hiện có khoảng 1,3 triệu dân với 47 dân tộc anh em đến từ nhiều vùng, miền trên cả nước hội tụ và cùng sinh sống, tạo ra sự đa dạng, phong phú về phong tục tập quán, sắc thái văn hóa trên dải đất Nam Tây Nguyên. Trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên chiếm 17,6% trong tổng số dân cư mà ở đó các tộc người chiếm tỷ lệ lớn, nổi trội đó là dân tộc K’Ho (12,2%), Mạ (2,6) và Churu (1,5%). Với ba sắc tộc tiêu biểu của người đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên này sống trải dài từ các buôn làng phía Bắc tỉnh đến những xóm buôn các huyện phía Nam tạo nên hệ giá trị mang đặc trưng văn hóa Tây Nguyên đặc sắc.
• SẢN PHẨM VĂN HÓA THU HÚT KHÁCH
Theo đánh giá của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đời sống văn hóa của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh không ngừng phát triển; các cộng đồng dân cư có ý thức hơn trong việc bảo tồn, khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình; công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các dân tộc trên vùng đất Nam Tây Nguyên đạt bước phát triển đáng ghi nhận. Chính vì thế, hiện nay trong rất nhiều buôn làng trong tỉnh vẫn còn lưu giữ những giá trị văn hóa làm nên căn tính của dân tộc mình, nhất là đối với “Không gian văn hóa cồng chiêng” ngày càng thêm đặc sắc. Và, với lợi thế riêng có của Lâm Đồng, cùng với những nỗ lực của tỉnh, của các sắc tộc thiểu số gốc Tây Nguyên đã đưa “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” trở thành một sản phẩm du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tìm đến thưởng thức mỗi khi đặt chân đến mảnh đất này.
• XỨNG DANH “LÀNG NGHỆ SỸ”
Nổi bật trên “bản đồ du lịch” Tây Nguyên nói chung, Lâm Đồng nói riêng với điểm đến thưởng thức văn hóa cồng chiêng phải kể đến huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Dưới chân núi Lang Biang hùng vĩ, tiếng chiêng, điệu múa của các chàng trai cô gái K’Ho bao năm nay đã làm đắm say hàng triệu lượt du khách, khiến thị trấn Lạc Dương - có nhiều đội nhóm biểu diễn cồng chiêng nhất tỉnh - được nhiều người đặt tên nơi đây là “Làng nghệ sỹ”. Trong không gian diễn xướng văn hóa cồng chiêng ấy, du khách được hòa mình vào phong cảnh thiên nhiên của núi rừng, nhịp nhàng theo điệu múa xoang cùng các sơn nữ trong tiếng chiêng ngân trầm hùng, rộn rã tựa bản giao hưởng linh thiêng của trời đất, rừng núi, suối, sông miền sơn cước, tái hiện sinh động đời sống lao động, sinh hoạt văn hóa cũng như những lễ hội của buôn làng.
Đó là màn chào mừng quý khách bằng giai điệu Bàr Jơn và Rò Dà của đồng bào K’Ho; là điệu múa Jôh Yàng Kuôi (Mừng lúa mới) - sau một mùa bội thu, những người con buôn làng sẽ tổ chức lễ hội để tạ ơn thần linh đã cho họ một mùa màng tươi tốt, lúa đầy bồn, ngô đầy sàn do các chàng trai cô gái buôn làng thể hiện. Đó còn là điệu múa hồn chiêng đêm đại ngàn cùng với tiếng đàn T’Rưng, Arap mơ ô và các cô gái mang bầu đi lấy nước. Hay các điệu múa “Nhịp sống cao nguyên”, “Giã gạo đêm trăng”, “Đi xúc cá”, “Đi hái rau rừng”... thể hiện sức sống của chàng trai, cô gái buôn làng trong lao động cũng như ngày hội hòa quyện trong vòng xoang khoan thai. Những bài hát dân ca, các ca khúc với những âm hưởng nồng nàn Tây Nguyên cũng được cất lên qua lời ca tiếng hát của các chàng trai, sơn nữ trong trang phục truyền thống của người K’Ho. Tiếng tù và, hình ảnh cây Nêu, thưởng thức các món ăn thịt nướng, cơm lam, hơi men rượu cần, hòa cùng nhịp xoang trong tiếng chiêng xoay quanh bếp lửa bập bùng thực sự tạo ra một bữa tiệc mang đậm bản sắc dân tộc mà “Không gian văn hóa cồng chiêng” tại đây mang lại cho du khách một trải nghiệm khó quên.
.
• TRIỆU NGƯỜI TỚI THƯỞNG LÃM
Cill Khi Ôt - Phó Giám đốc Khu du lịch Lang Biang cho biết: Dịch vụ văn hóa cồng chiêng của công ty được tổ chức hàng đêm tại nhà hàng Thung Lũng Trăm Năm hội tụ đầy đủ văn hóa truyền thống của người K’Ho từ ẩm thực, trang phục, tiếng chiêng, điệu múa mang đậm bản sắc dân tộc mình sinh sống dưới chân núi Lang Biang. Một lợi điểm khác là không gian diễn xướng cồng chiêng được tổ chức ngoài trời nên mang lại cảm giác cho du khách được thưởng thức “nguyên mẫu” văn hóa cồng chiêng của dân tộc K’Ho. Do đó nhiều đoàn du khách đã lựa chọn dịch vụ văn hóa cồng chiêng của công ty cho kỳ nghỉ tại Đà Lạt, Lâm Đồng. Từ đầu năm đến nay, nhà hàng Thung Lũng Trăm Năm đã đón 3.000 du khách đến thưởng thức cồng chiêng cho thấy sức hút của dịch vụ này đối với du khách.
Theo ông Nguyễn Vũ Hoàng - Trưởng phòng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lạc Dương, hiện tại trên địa bàn Lạc Dương hầu hết các xã, thị trấn đều có đội nhóm cồng chiêng. Tổng số đội nhóm cồng chiêng của huyện đã lên tới con số 17, trong đó 12 nhóm đang hoạt động phục vụ khách du lịch. Và sắp tới đây sẽ mở thêm một đội nhóm nữa nằm trong khu du lịch để phục vụ khách tham quan. Theo số liệu thống kê của huyện, năm 2023, Lạc Dương đón hơn 2,5 triệu lượt du khách đến tham quan, trong đó phần đông du khách đến thưởng thức văn hóa cồng chiêng tại các đội nhóm, góp phần tạo ra doanh thu từ hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện đạt gần 326,6 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2024, Lạc Dương thu hút trên 1,6 triệu lượt du khách tới tham quan và thưởng thức nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng, tăng 35% so với cùng kỳ, doanh thu dịch vụ du lịch đạt 235,7 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ.
Với những số liệu nêu trên, có thể khẳng định rằng “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” có sức thu hút đông đảo du khách mà huyện Lạc Dương biết tận dụng, phát huy đưa vào khai thác phục vụ du lịch, biến các buôn làng K’Ho dưới chân núi Mẹ Lang Biang trở thành điểm dừng chân đối với hàng triệu du khách đến tìm hiểu, thưởng thức văn hóa đặc sắc của đồng bào K’Ho nơi đây.
• XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU DU LỊCH TỪ DI SẢN
Không riêng gì Lạc Dương mà ở hầu hết các huyện, thành phố của tỉnh, các giá trị văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc thiểu số đều được chú trọng bảo tồn, nhất là “Không gian văn hóa cồng chiêng” của đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên. Theo đó, Lâm Đồng đã thực hiện kiểm kê di sản văn hóa cồng chiêng tại địa bàn các huyện, thành phố; tổ chức tôn vinh các nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú; mở các lớp truyền dạy cồng chiêng cho 1.600 thanh thiếu niên là người dân tộc thiểu số; trang bị 18 bộ cồng chiêng và 75 bộ trang phục truyền thống cho các đội cồng chiêng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong đó có 16 đội cồng chiêng thường xuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn phục vụ nhu cầu tìm hiểu, giao lưu văn hóa của người dân và du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng.
Ông Trần Thanh Hoài - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho rằng: Lĩnh vực văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số trong những năm qua được tỉnh quan tâm bảo tồn, phục dựng và phát huy giá trị. Các lễ hội truyền thống, diễn xướng, trò chơi dân gian, phong tục, tập quán, nếp sống tốt đẹp của đồng bào đã và đang được tích cực nghiên cứu, sưu tầm, khôi phục, bảo vệ. Qua đó, các di sản văn hóa, đặc biệt trong đó là “Không gian văn hóa cồng chiêng” đã và đang được phát huy thông qua khai thác du lịch góp phần vào tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.
“Việc xác định và xây dựng thương hiệu du lịch từ di sản văn hóa đã thật sự tạo nên sự khác biệt, hấp dẫn đối với vùng đất Lâm Đồng trong khu vực Tây Nguyên”, ông Trần Thanh Hoài nhận định. Văn hóa không những biểu hiện bản sắc của dân tộc mà còn là “nguồn lực nội sinh” và là động lực để thực hiện thành công sự phát triển của mỗi địa phương, vùng, miền và đất nước. Và với “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” - kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại, một trong những di sản của thế giới cần được bảo tồn, phát huy, khai thác hiệu quả để tạo ra những giá trị vật chất, tinh thần góp phần phát triển vùng đất Nam Tây Nguyên giàu đẹp.
(Theo XUÂN TRUNG/baolamdong.vn)