Một huyện có diện tích rừng lớn và tiềm năng khoáng sản đa dạng, Lạc Dương đang đối mặt với những thách thức không nhỏ trong việc bảo vệ và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực không ngừng, Lạc Dương đã đạt được những thành tựu đáng kể trong công tác bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản
Bắt và giải tỏa một vụ khai thác thiếc lậu ở Lạc Dương năm 2022
• NHỮNG KẾT QUẢ NỔI BẬT
Trong những năm qua, Lạc Dương đã ghi nhận nhiều thành tựu đáng khích lệ trong việc bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản. Tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ở mức cao với tỷ lệ che phủ đạt 85,04%, trở thành địa phương có diện tích rừng và độ bao phủ rừng lớn nhất trong tỉnh và cả nước. Công tác quản lý, bảo vệ rừng đã đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó chương trình giao khoán quản lý, bảo vệ rừng tạo thu nhập ổn định cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra, việc tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về khai thác khoáng sản và phá rừng đã góp phần hạn chế đáng kể tình trạng khai thác rừng và tài nguyên khoáng sản trái phép. Các vụ vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời, đảm bảo tính răn đe và sự nghiêm minh của pháp luật.
Các vụ phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản, khoáng sản trái pháp luật được phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, hiệu quả. Các diện tích rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái pháp luật đã được giải tỏa, trồng lại rừng kịp thời; tình trạng di dân tự do cơ bản đã được ngăn chặn, từng bước xử lý hài hòa, không để xảy ra điểm nóng, mất an toàn, an ninh trật tự tại địa phương.
Đối với công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, UBND huyện Lạc Dương đã chỉ đạo các ngành chức năng của huyện và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động khoáng sản, tài nguyên nước, sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện. Đồng thời, ban hành văn bản tạm đình chỉ hoạt động khai thác đối với các đơn vị được cấp phép hoạt động khai thác khoáng sản mà chưa lắp đặt trạm cân theo quy định. Tổ chức kiểm tra, truy quét, giải tỏa các tụ điểm khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn huyện. Thời gian qua, huyện đã tổ chức các đợt đợt truy quét, giải toả các điểm khai thác khoáng sản trái phép tại Núi Khôn, Núi Cao vốn là những điểm nóng về khai thác kháng sản trái phép.
Nhờ vậy, tình hình khai thác khoáng sản trên địa bàn dần đi vào nền nếp, đảm bảo đầy đủ hồ sơ thủ tục theo quy định về đất đai, môi trường, khoáng sản,… góp phần thu ngân sách, giải quyết việc làm; cung cấp, đáp ứng nguồn nguyên vật liệu xây dựng dân dụng và các công trình xây dựng khác tại địa phương.
• NHỮNG TỒN TẠI VÀ HẠN CHẾ
Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác quản lý, bảo vệ rừng và tài nguyên khoáng sản tại Lạc Dương vẫn còn một số tồn tại. Trong đó, tình trạng phá rừng để lấy đất sản xuất, khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra, đặc biệt là ở những khu vực khó kiểm soát. Việc thực hiện các quy định pháp luật về khai thác khoáng sản tại một số đơn vị còn chưa nghiêm túc. Một số đơn vị chưa đầy đủ hồ sơ, chưa lắp đặt trang thiết bị theo quy định.
Nguyên nhân chủ yếu của những tồn tại này được cho là do công tác tuyên truyền, vận động mặc dù thực hiện thường xuyên nhưng hiệu quả chưa cao; vai trò, trách nhiệm của một số cơ quan, đơn vị, địa phương có thời điểm chưa được phát huy hiệu quả; một số diện tích đã giải tỏa chưa được trồng rừng kịp thời, còn để bị tái lấn chiếm phải giải tỏa nhiều lần…
Để khắc phục những hạn chế này, UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm. UBND huyện cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo việc tăng cường công tác quản lý, xử lý về hoạt động khoáng sản và san gạt cải tạo mặt bằng trái phép; đề nghị các đơn vị chấp hành các quy định trong hoạt động khoáng sản.
Để siết chặt quản lý và bảo vệ tài nguyên, UBND huyện Lạc Dương cũng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt. Theo đó, các đoàn kiểm tra liên ngành, gồm Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện, cùng với chính quyền các xã, thị trấn đã được thành lập để tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như san lấp mặt bằng, khai thác khoáng sản trái phép và sử dụng đất sai mục đích. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền từ huyện đến cơ sở và các ngành chức năng của tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra.
Đặc biệt, để nâng cao ý thức của cộng đồng, UBND huyện đã giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng Công an huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng về pháp luật khoáng sản. Các hoạt động tuyên truyền này sẽ được triển khai tới tận cơ sở, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các xã, thị trấn để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.
(Theo NGUYỄN NGHĨA/baolamdong.vn)