NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Đặc sắc văn hóa ẩm thực của đồng bào K’Ho dưới chân núi Lang Biang In trang
12/12/2024 05:15 CH

Đến trải nghiệm văn hóa dân tộc K’Ho dưới chân núi Lang Biang (huyện Lạc Dương), cùng hòa mình vào không gian văn hóa cồng chiêng, xem làm rượu cần, dệt thổ cẩm…; du khách còn được thưởng thức những món ăn đặc sắc của đồng bào nơi đây.

Những món ăn đặc trưng của đồng bào K’Ho dưới chân núi Lang Biang tận dụng tối đa nguyên liệu từ tự nhiên
Những món ăn đặc trưng của đồng bào K’Ho dưới chân núi Lang Biang tận dụng tối đa nguyên liệu từ tự nhiên

Huyện Lạc Dương có trên 66% dân số là đồng bào DTTS, trong đó dân tộc K’Ho gốc Tây Nguyên chiếm phần lớn. Người K’Ho sống trong những buôn làng bao quanh bởi núi rừng, vì thế, họ đã tự tay tìm kiếm những nguyên liệu có sẵn trên rừng hay trong vườn nhà để chế biến món ăn. Mùa nào thức nấy, các nguyên liệu dùng để làm nên các món luôn tươi ngon và đậm đà dư vị như: Măng rừng, cá suối, thịt trâu, thịt heo gác bếp, rau rừng hái ven suối, bắp, gạo ruộng... Sau khi đã có nguyên liệu, họ tự tay chế biến món ăn theo những công thức truyền thống kết hợp các loại rau gia vị trên rừng, ớt mọc dại… để tạo nên hương vị đặc trưng của các món ăn.

Những món ăn đặc trưng của đồng bào K’Ho dưới chân núi Lang Biang giờ đây không chỉ là bữa cơm trong gia đình mà trở thành văn hóa ẩm thực để du khách đến thưởng thức và trải nghiệm. Nhờ sự kết hợp tinh tế và hài hòa các loại gia vị có sẵn trên rừng, cùng nguồn nguyên liệu sạch, độc đáo và chủ yếu có sẵn trong tự nhiên nên các món ăn trong văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc K’Ho nơi đây có dư vị riêng, đậm đà và để lại ấn tượng sâu đậm đối với thực khách. Vài năm trở lại đây, huyện Lạc Dương tổ chức thường niên Hội thi Ẩm thực và rượu cần Lang Biang, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc tại chỗ.

Là bếp trưởng của đội thi xã Đạ Chais tham gia Hội thi Ẩm thực và rượu cần Lang Biang do UBND huyện Lạc Dương tổ chức hưởng ứng Festival Hoa Đà Lạt lần thứ X - năm 2024, chị Sơ Kết Tha Ri vừa thoăn thoắt chế biến các món ăn đặc trưng của địa phương mình vừa giới thiệu với chúng tôi: “Đội mình có món cá đuôi đỏ kho tiêu, đây là loại cá được đánh bắt từ suối, mùa này hiếm vì nước to, bà con phải canh nước rút đi giăng lưới. Cùng với đó là gỏi rau dớn hái trên rừng, hầu hết tận dụng tối đa nguyên liệu từ tự nhiên. Bởi từ xưa, nguồn thực phẩm của bà con trong buôn làng đều từ tự nhiên nên đội mình muốn giữ đặc trưng văn hoá ẩm thực được truyền lại từ bao thế hệ”.

Còn với anh Rơ Ông Miel - bếp trưởng đội thi xã Lát, đây là năm đầu tiên anh tham gia hội thi. Tuy là nam giới nhưng anh Miel rất thuần thục chuẩn bị các món ăn, anh cho hay: “Xã Lát mang đến hội thi món xôi nấu từ nếp nương vừa gặt cùng hạt dẻ rừng 7 năm mới có trái 1 lần nên món xôi này có mùi thơm bùi, dẻo ngọt. Cùng với đó là món cà đắng da trâu, cà đắng được hái ở những cây mọc dại ven đồi cùng da trâu gác bếp, là món ăn truyền thống của bà con từ xưa”. Khi được hỏi “Sao nam giới lại biết nấu ăn?”, anh Miel tủm tỉm: “Ở nhà tôi cũng thường xuyên nấu ăn cùng vợ, bây giờ việc bếp núc không chỉ là của phụ nữ mà nam giới cũng cần chia sẻ”. Vợ anh đứng bên phụ giúp chồng, mỉm cười hạnh phúc. Niềm hạnh phúc này có lẽ là của nhiều người phụ nữ K’Ho khi suy nghĩ của người đàn ông trong buôn làng đã thay đổi...

Cùng với những món ăn đặc trưng thì rượu cần không thể thiếu trong văn hóa ẩm thực của dân tộc K’Ho. Rượu cần được làm từ bắp hay gạo ruộng, điểm đặc biệt là người K’Ho dùng lá rừng ủ lên men chứ không dùng men mua ngoài thị trường, cũng không nấu hay chưng cất nên rượu khi mới nhấp có vị đăng đắng nhưng uống vào sẽ ngọt từ đầu lưỡi và mùi thơm nồng. Đây là loại rượu cần đặc trưng của người K’Ho ở Lạc Dương được lưu truyền từ đời này qua đời khác và rượu cần Lang Biang đã được xây dựng nhãn hiệu là sản phẩm truyền thống đặc trưng của đồng bào dân tộc K’Ho nơi đây.

Chính từ nét đặc trưng về văn hóa cũng như tiềm năng về phát triển du lịch cộng đồng, thời gian qua, huyện Lạc Dương đã xây dựng tuyến du lịch văn hóa cộng đồng đặc sắc. Đến nay, du lịch văn hóa cộng đồng nơi đây đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách có dịp đến với vùng đất Lạc Dương, Đà Lạt - Lâm Đồng. Chị Đào Thị Phương Loan - du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Đà Lạt, được biết đến hội thi ẩm thực của bà con đồng bào DTTS ở Lạc Dương nên tôi đến để tìm hiểu và thấy thật thú vị bởi những món ăn bà con nấu tại đây, nhất là khi nghe giới thiệu nhiều món với nguyên liệu hoàn toàn từ tự nhiên nên tôi rất thích nguồn thực phẩm sạch này. Tôi hy vọng những món ăn này sẽ được phổ biến ở các nhà hàng, quán ăn để du khách được thưởng thức hương vị đặc trưng của núi rừng Lang Biang”.

“Thông qua Hội thi Ẩm thực và rượu cần Lang Biang, huyện Lạc Dương muốn giới thiệu, quảng bá những món ăn đặc trưng với nguyên liệu từ rừng núi của đồng bào dân tộc nơi đây. Đó cũng là nét văn hóa cần được bảo tồn. Một số món ăn đã có mặt tại nhà hàng trong các khu du lịch trên địa bàn, các điểm giao lưu cồng chiêng để du khách các miền được thưởng thức và cảm nhận đầy đủ hương vị của núi rừng Lang Biang như thịt trâu, thịt heo gác bếp, thịt nướng, rượu cần, cà đắng da trâu… Bên cạnh nhiều cảnh quan thiên nhiên, chúng tôi muốn giới thiệu văn hóa ẩm thực của người dân bản địa để quảng bá về tiềm năng du lịch của địa phương, đồng thời quảng bá hình ảnh vùng đất, con người và các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn huyện. Trong các năm tới, địa phương sẽ tiếp tục tổ chức hội thi, liên hoan ẩm thực và rượu cần Lang Biang kết hợp với các lễ hội khác nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc”, ông Cil Póh - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết.

Nét đặc trưng của văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Lạc Dương đã góp phần không nhỏ trong việc thu hút du khách đến với địa phương. Trong năm 2024, đã có hơn 2,5 triệu lượt khách đến Lạc Dương với doanh thu đạt 330 tỷ đồng. Đây cũng là một hình thức thiết thực để địa phương vừa đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, vừa góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS nói chung và người K’Ho nói riêng.

(Theo TUẤN HƯƠNG/baolamdong.vn)

Lượt xem: 16
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006185616
  •  Đang online: 273
  •  Trong tuần: 273
  •  Trong tháng: 211.490
  •  Trong năm: 2.789.529