NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Huyện Lạc Dương và thách thức trong phát triển In trang
12/04/2019 12:00 SA

Lạc Dương nằm ở phía Bắc của tỉnh Lâm Đồng, tiếp giáp thành phố Đà Lạt và cách trung tâm thành phố chỉ 12 km. Trong những năm gần đây, huyện Lạc Dương được đánh giá là một trong những huyện có bước phát triển về kinh tế - xã hội khá nhanh và toàn diện, đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.

Toàn huyện có tổng diện tích tự nhiên 131.136 ha, trong đó đất lâm nghiệp là 116.292 ha, đất quy hoạch ngoài lâm nghiệp là 14.844 ha. Đất đai, khí hậu, nguồn nước thích hợp thuận lợi cho việc phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế theo hướng nông nghiệp cao như: trồng rau, hoa xuất khẩu, nuôi cá nước lạnh, chăn nuôi đại gia súc,... Khí hậu Lạc Dương quanh năm ôn hòa, cùng với cảnh quan rừng phong phú, có sự hiện diện của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Lang Biang (được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 9 của Việt Nam), là điều kiện thuận lợi để Lạc Dương phát triển du lịch,... Dân số toàn huyện trên 27.388 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số 19.602 người, chiếm 71,57%.

Ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển cảnh quan bền vững không mất rừng tại huyện Lạc Dương, giữa Chủ tịch UBND huyện Sử Thanh Hoài và Giám đốc toàn cầu IDH. Ảnh: Anh Tú
Ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác phát triển cảnh quan bền vững không mất rừng tại huyện Lạc Dương, giữa Chủ tịch UBND huyện Sử Thanh Hoài và Giám đốc toàn cầu IDH. Ảnh: Anh Tú

Với đa số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, đời sống của người dân Lạc Dương chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó, cây trồng chính là cà phê Arabica. Trong cơ cấu cây trồng ở huyện Lạc Dương, cây cà phê Arabica được xác định là cây trồng chính có lợi thế so sánh, hàng năm góp phần không nhỏ để tăng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp địa phương, đồng thời là nguồn thu nhập thường xuyên nâng cao đời sống và xóa đói giảm nghèo cho người dân. Hiện nay, bình quân mỗi hộ gia đình sản xuất cà phê với quy mô diện tích từ 0,5 – 2 ha. Xác định đây là cây trồng chủ lực, gắn với vấn đề giải quyết việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế lớn, huyện Lạc Dương đã tích cực vận động nhân dân giữ diện tích cà phê hiện có.

Bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất, UBND huyện đã chỉ đạo các cấp, các ngành hỗ trợ người dân về phân bón, tập trung chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn. Nhìn chung chất lượng cà phê tại Lạc Dương được đánh giá tốt hơn so với những vùng sản xuất cà phê lân cận. Bên cạnh phát triển cà phê, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy Lâm Đồng về phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời để khai thác những lợi thế so sánh về điều kiện khí hậu, đất đai, thông qua các chương trình, đề án, dự án của tỉnh, huyện Lạc Dương đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh việc chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, đưa những giống cây trồng có giá trị kinh tế cao như các loại rau, hoa, cây dược liệu,... vào sản xuất.

Cùng với tài nguyên về đất đai, khí hậu thì tài nguyên rừng của huyện lạc Dương được đánh giá là rất có tiềm năng về giá trị bảo tồn, đa dạng sinh học gắn với sự hình thành và hoạt động của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Toàn huyện hiện có hơn 116.000 ha rừng và đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp, chiếm 88,68% tổng diện tích tự nhiên, độ che phủ rừng đạt 85%. Hầu hết diện tích rừng của Lạc Dương nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà. Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của cả nước và duy nhất ở Tây Nguyên, bao gồm vùng rừng nguyên sinh rộng lớn, là một trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Nơi đây còn là nơi tạo ra sinh kế bền vững cho hầu hết hộ đồng bào dân tộc thiểu số bản địa, được hưởng lợi từ chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng của Chính phủ.

Cùng với những lợi thế mà huyện Lạc Dương đang có thì trong thực tế huyện vẫn còn có một số khó khăn đó là: Sản xuất nông nghiệp chưa thực sự bền vững, tình trạng được mùa mất giá luôn hiện hữu trong nền sản xuất; nhất là hiện nay huyện Lạc Dương chưa có cơ chế quản lý và khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp bền vững phù hợp, còn thu mua tự do, hệ thống truy xuất nguồn gốc chưa được áp dụng, việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản chưa chặt chẽ. Đặc biệt, trong những năm gần đây, cùng với những thách thức của sự biến đổi khí hậu toàn cầu, việc canh tác cà phê trên địa bàn huyện đã gặp một số khó khăn như sương muối, dịch hại bọ xít muỗi hay xảy ra, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây cà phê.

Những năm qua, mặc dù chính quyền địa phương đã đẩy mạnh các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, nhưng tình trạng phá rừng để sản xuất nông nghiệp vẫn còn xảy ra, nhất là tình trạnh xâm lấn đất lâm nghiệp để sản xuất cà phê vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ vi phạm năm 2018 giảm 25% so với cùng kỳ song còn xảy ra 58 vụ, làm thiệt hại hơn 2,8 ha diện tích và 419,74 m3 lâm sản, lấn chiếm và tái lấn chiếm 50,8 ha đất trái phép. Nỗ lực của huyện Lạc Dương sẽ tiếp tục giảm tối thiểu 20% số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp mỗi năm, nhằm bảo vệ cảnh quan rừng bền vững.

Sự tăng nhanh về diện tích cà phê, rau, hoa sẽ giúp người dân cải thiện thu nhập, đưa kinh tế - xã hội của huyện Lạc Dương từng bước phát triển. Tuy nhiên, song hành với đó là việc mất rừng và đất lâm nghiệp, phá vỡ cảnh quan và những tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Đây là một thách thức đặt ra đối với huyện Lạc Dương trong phát triển sản xuất bền vững mà không để mất rừng.

Xây dựng cảnh quan bền vững, đảm bảo không mất rừng phát triển kinh tế và an sinh xã hội là một sáng kiến và phù hợp với chủ trương chung của tỉnh trong chiến lược phát triển kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, theo 03 trụ cột: Bảo vệ rừng - Sản xuất bền vững - Đảm bảo an sinh xã hội. Vì vậy, huyện Lạc Dương hiện đang cùng Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững Việt Nam – IDH, các tổ chức quốc tế (JICA, UNDP, GIZ, SNV), các đơn vị và doanh nghiệp xây dựng và triển khai Đề án Phát triển cảnh quan bền vững không mất rừng trên địa bàn huyện Lạc Dương; huyện cũng kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ, các nhà tài trợ và các doanh nghiệp để chung tay với huyện tổ chức thực hiện các nội dung bảo vệ cảnh quan, chống chặt phá rừng gắn với nâng cao đời sống của người dân tại địa phương. Và, ngày 13/12/2018 UBND huyện Lạc Dương đã cùng các đối tác tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp đã cùng nhau ký kết biên bản ghi nhớ cùng nhau thực hiện nỗ lực chung Đề án cảnh quan bền vững không mất rừng tại huyện Lạc Dương giai đoạn 2019 - 2025, lễ ký được diễn ra trước sự chứng kiến của bà Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Hà Lan, cùng ông Giám đốc toàn cầu IDH.

Hy vọng với sự quyết tâm của nhân dân và chính quyền huyện, cùng với sự chung tay của các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp, huyện Lạc Dương sẽ xây dựng thành công Đề án Phát triển cảnh quan bền vững không mất rừng, vừa đảm bảo nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân vừa đảm bảo giữ vững diện tích và cảnh quan môi trường rừng.

Phạm Phương

Lượt xem: 2.940
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006517963
  •  Đang online: 173
  •  Trong tuần: 26.875
  •  Trong tháng: 197.876
  •  Trong năm: 197.876