NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Núi Lang Biang và huyền thoại In trang
29/02/2024 07:58 SA

Khi đến Đà Lạt - Nam Tây Nguyên, du khách đều có ấn tượng trước dãy núi Lang Biang hùng vĩ với hai ngọn nhô cao như bầu ngực căng tròn, tràn đầy nhựa sống của người thiếu nữ đang độ xuân thì.

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Có không ít chuyện kể, truyền thuyết về ngọn núi Lang Biang và đã được các nhà dân tộc học, nhà nghiên cứu lịch sử sưu tầm, ghi chép với nhiều dị bản, lý giải sự tích khác nhau. Trong đó có câu chuyện tình đẹp nhưng đầy éo le, trắc trở của đôi trai gái khác bộ tộc được các tác giả Hạnh Xuân Thảo và Trương Bình tổng hợp từ các truyện cổ của người K’Ho Cil, Lat, Srê, Cơdòn, Nộp, người Mạ trong vùng về sự tích Lang Biang là được kể và truyền tụng nhiều hơn cả. Chuyện rằng: “Ngày xưa, xưa lắm, Lâm Đồng còn hoang vu, đất đai phì nhiêu, cỏ cây tươi tốt; quanh năm khí hậu dễ chịu như mùa thu. Thuở ấy, cầm thú, hoa cỏ còn cảm thông với con người, nghe và nói được tiếng người. Các bộ tộc ít dân còn sống riêng rẽ thỉnh thoảng cũng có tranh chấp vùng đất, vùng đồi hoặc phong tục. Vùng cao nguyên bây giờ có hai bộ tộc mạnh là Lat (Lạch) và Sre (Srê). Tộc Lat có một tù trưởng trẻ khỏe mạnh tên là Lang. Chàng thông minh, thương người và có tài chinh phục thú rừng, ngay cả loài dữ như voi, hổ. Năm Lang mười bốn, mười lăm tuổi đã có một sức mạnh lạ thường. Một hôm trong buôn có hai con voi đi lạc từ vùng La Ngư hạ lên. Chúng rất hung dữ. Hơn hai mươi người Lat vây đánh mà không hơn được. Khi Lang đi rẫy về, thấy vậy vội vàng lao đến trợ sức cho dân làng. Chàng hét lên trấn áp thú dữ và ra hiệu cho mọi người nghỉ tay, một mình chống cự với hai con voi. Lúc đầu chúng còn hung hăng, coi thường đối phương chỉ là một chàng trai trẻ. Nhưng sau một hồi giao đấu, chúng đã thực sự yếu thế và chàng đã bắt hai con voi phải quỳ xuống hàng phục. Thay vì đánh đập, Lang dùng lời ngọt ngào khuyên nhủ, cảm hóa . Hai con voi cảm động chảy nước mắt, hứa hối cải, sẽ làm nhiều việc tốt để chuộc lại những lỗi lầm gây mất mát cho các buôn làng. Lang đồng ý và hai voi từ biệt trở về làng cũ. Từ đó Lang nổi tiếng là một dũng sĩ nhân ái, được cầm thú và dân trong bộ tộc kính thương. Năm tháng hiền hòa trôi qua, Lang đã 20 tuổi mà vẫn chưa có vợ vì chưa có một thiếu nữ nào trong các buôn gần đủ tư cách bắt Lang làm chồng. Hơn nữa, Lang đang hướng về một người bạn ở một bộ tộc khác, đó là nàng Biang xinh đẹp con của tù trưởng Jiềng người Sre (Jiềng sau tên gọi này đổi thành: Djrềng, Djiring tức là Di Linh ngày nay).

Biang xinh đẹp lại dịu dàng, khiêm tốn. Những ngày nàng vào rừng hái hoa, trái thì thiên nhiên, cây cỏ hình như thắm thiết và vui tươi hơn. Chim rừng xôn xao ca hót; những con thú hiền lành quây quần, săn đón nàng. Còn các loài dữ, độc hại thường lẩn tránh. Nhưng có hai con rắn hổ tinh do hổ thẹn mà đem lòng thù oán Biang. Chúng rắp tâm tìm kế hại nàng. Một hôm, do hai con cáo bày mẹo, bảy chó sói giúp sức, hai con rắn tinh quyết hại Biang. Đoàn dân Sre theo Biang đi hái quả đến suối Datanla nơi mà các Ủr Yàng (tiên nữ) hay xuống tắm. Ở đây phong cảnh tốt tươi, có suối nước trong xanh.Vào tiết mưa ngâu, những chiều mù sương người ta thường thấy loáng thoáng các Ủr Yàng bay lên trời. Hai rắn hổ tinh chặn đánh đoàn người Sre hái quả ở đây. Vì bị bất ngờ nên đoàn người rất yếu thế trước sự tấn công của hai rắn, hai cáo và bầy sói. Khi đoàn người sắp bị hại thì dũng sĩ Lang xuất hiện. Lang nhảy vào vòng chiến, bảy chó sói và hai rắn tinh quây quanh Lang. Cuộc giao tranh vô cùng ác liệt: gió cuồng nổi lên dữ dội, cây rừng gãy đổ ào ào. Mặt trời chệch về hướng Tây, ánh sáng rọi nổi hai cánh tay rắn chắc của Lang và hai thân lờn nhờn đen nhuốc của loài rắn tinh. Lợi dụng khi rắn tinh lè lưỡi hỏi nhau, dũng sĩ Lang rút dao mỏng như lá lan rừng phớt nhanh hai lưỡi rắn. Chúng rú lên một tiếng kinh khủng, hai vòi máu đỏ phun lênh láng trên đất, trên lá, trên những gốc cây đổ ngổn ngang trong một vùng rộng hơn cả trăm cái nong lúa hợp lại. Bảy chó sói kinh hoàng ùa lại vây quanh hai thủ lĩnh của chúng. Vờ sợ hãi, Lang trèo nhanh lên cây. Khi đã chọn thế đúng vững chắc trên một cành cây như một xà lớn của nhà dài, chàng lấy cung và 9 mũi tên nhằm bầy chó và cáo bắn xuống. Bầy chó sói và hai rắn tinh đều bị trúng tên, chúng la hoảng, tru rú lên rồi bỏ chạy tán loạn. Khoảng rừng cây bị phá tạo những hố sâu đầy máu tanh nồng nặc, bọn ác thú đã thua, chỉ có 2 con cáo chạy thoát. Lang đi tìm gọi đoàn người và Biang lại. Biang e lệ cảm ơn Lang và mời dũng sĩ theo nàng về nước Sre để tù trưởng đền công. Lúc này, hai bên có dịp tâm sự bày tỏ nỗi lòng, nhưng rừng đã sẫm màu, đoàn Kon cau Sre phải về buôn Jrềng gấp. Lang đưa họ đi, sương mù xuống trắng xóa, rồi trăng hạ tuần sáng vằng vặc, đoàn người mới về đến buôn Kon cau Sre.

Từ đó dũng sĩ Lang và nàng Biang xinh đẹp, dịu hiền thương yêu nhau tha thiết cho dù khác bộ tộc và ở xa nhau. Vào những đêm trăng sáng, họ thường hẹn hò nhau trên đồi núi La Ngư thượng. Tin Biang thương yêu dũng sĩ Lang lan truyền rất nhanh trên cao nguyên. Cây rừng như xanh hơn, chỉ mấy lần trăng tròn, các bộ tộc La Ngư thượng đều hay tin con tù trưởng Jrềng sẽ bắt chồng tù trưởng Lat. Đám cưới sẽ được cử hành. Cây cỏ, hoa lá, thú rừng đều chờ mong ngày vui ấy. Các chú nai, sóc rộn rịp hái hoa, bẻ cành làm xe cưới; gấu, voọc vào rừng sâu kiếm mật làm quà tặng; voi, hổ thì đi chở gỗ quý về làm cầu qua các suối mà đám cưới sẽ đi qua. Thật là những ngày núi rừng tưng bừng vui vẻ. Náo nức nhất là hai con voi ở La Ngư hạ. Đã bao lần trăng tròn hai chú vẫn chưa có dịp đến gặp dũng sĩ Lang để báo những việc thiện mà hai chú đã làm. Hai voi đã làm trăm công việc tốt như: chở cây làm cầu cho người Sre, Kơdòn, Mạ vượt con suối qua Đạ Đờng, qua Blao, qua M’rí... Chở lá tranh cho người Nộp làm nhà dài; việc thì nhiều nhưng không biết chữ nên nhờ lão Voọc, thầy giáo trong bản ghi công giùm, nhưng lão thầy giáo này nghênh ngang say rượu suốt ngày, nên lão dù có chữ cũng chẳng ghi chép gì. Cách mấy con trăng, hai chú voi có đi tải gỗ nơi giáp ranh La Ngư thượng, gặp hai lão cáo già; voi hỏi tin tức dũng sĩ Lang thì cáo đưa tin tù trưởng Lang đã bị xà vương giết chết tại Datanla. Hai voi khóc sướt mướt, vội vàng đi lễ tang. Nhưng đến nửa đường voi lại biết tin thực là dũng sĩ Lang đã giết xà tinh cứu được Biang xinh đẹp và hai người đang thương nhau. Còn hai lão cáo già là “tham mưu”của rắn tinh. Nghe vậy, hai voi biết bị cáo lừa; hai chú quay về, ngày đêm mong đợi đám cưới. Hai chú làm việc nhiều hơn, chuẩn bị vượt ranh giới La Ngư thượng dự tiệc vui Lang và Biang xinh đẹp cưới nhau. Nhưng đám cưới Lang và Biang không thành. Khi Biang hỏi cha, ông K’Jrềng tù trưởng Sre, về việc nàng bắt Lang về làm chồng, Ông K’Jrềng cương quyết không chấp nhận và nói rằng trước đây người Lat và người Sre có thù oán, nên con gái Sre không được bắt chồng người Lat. Giàng đã ghi trong luật tục, không có quyền thay đổi luật tục. Biang khóc nức nở và quyết định không bắt chồng nữa và sẽ trọn đời chung thủy với Lang. Ngày hôm sau, Biang vượt qua không biết bao nhiêu đám rừng để đến báo cho Lang biết đám cưới của họ không thành. Hai người rất buồn rầu và đi đến quyết định đấu tranh chống lại kẻ độc ác và các tục lệ vô lý của các bộ tộc đã làm cho con người đau khổ. Sau đó Lang và Biang ngồi yên lặng trên một đỉnh núi, mặc cho đêm xuống, trăng lên, sương tan, nắng xế. Đôi tình nhân quyết định ở bên nhau cho đến chết. Từ lúc trăng còn lưỡi liềm đến lúc trăng tròn như cái sớ, thì hai người mất. Sương mù phủ trắng cả một vùng và cao nguyên mang một bộ áo ảm đạm. Rồi mưa sụt sùi, khóc một mối tình ngàn năm. Muôn loài vùng La Ngư thượng cử tang. Đám tang kéo dài từ đồi này sang thung lũng khác, gồm các Kon cau Lat, Mạ, Sre, Nộp, Kơdòn... Và cả thú trong rừng, dưới suối, như hổ, voi, gấu, voọc, nai, rùa, ốc, sên... Trên trời đàn chim kết cánh bay. Tù trưởng K’Jrềng của bộ tộc Sre cũng có mặt. Ông hối hận về sự tối tăm bảo thủ của mình. Theo ước nguyện của Biang khi chết, ông họp các tù trưởng Kon cau, thống nhất lại, xóa bỏ những hiềm khích về trước. Các bộ tộc La Ngư thượng quyết định lấy hai ngọn núi cao nhất trong vùng để mai táng đôi tình nhân và đặt tên là Lang Biang. Mỗi năm các bộ tộc họp và đắp mộ cho hai người và thề không chia rẽ. Do đó ngọn Lang Biang mỗi năm mỗi cao, biểu trưng cho sự thống nhất, hòa hợp của các tộc người. Hai con voi ở La Ngư hạ đi dự đám cưới của Lang và Biang đến ngang Lèng Khàng (Liên Khương) thì hay tin Lang và Biang đã chết, đám cưới hóa thành đám tang. Hai voi đau đớn, cố gắng vượt một đoạn đường đến gần núi Ba Thao (Prenn) thì kiệt sức, khụy xuống chết hóa thành hai ngọn Núi Voi. Ngày nay, trên đường 20 Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh qua hết đèo Prenn đến Định An về phía tay phải, du khách sẽ thấy hai ngọn núi giống hình voi quỳ, voi hướng về Đà Lạt, về núi Lang Biang. Đó là hai chú voi đi dự đám cưới của đôi tình nhân đi vào huyền sử của các dân tộc Nam Tây Nguyên - Lang Biang".

Có thể nói cùng với các địa danh, núi Lang Biang đã đi vào truyền thuyết, thi ca kể về cuộc đấu tranh sinh tồn từ buổi hồng hoang lịch sử của đồng bào dân tộc nơi đây. Về sự tích Lang Biang trong các truyện cổ của các dân tộc bản địa ở Lâm Đồng đúng như nhận xét của nhà nghiên cứu Nguyễn Diệp, tuy có một số dị biệt nhưng đều có ý nghĩa rằng Lang Biang là biểu tượng cho quê hương, con người Lâm Đồng ; “là biểu tượng của lòng chung thủy, là tinh thần đấu tranh vì hạnh phúc vĩnh cửu của con người, phản kháng lại những luật tục lạc hậu của xã hội, là niềm mong ước sống chung thống nhất các dân tộc".

(Theo ĐOÀN BÍCH NGỌ/baolamdong.vn)

Lượt xem: 346
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006232625
  •  Đang online: 245
  •  Trong tuần: 42.951
  •  Trong tháng: 258.499
  •  Trong năm: 2.836.538