Trong những năm qua, cùng với thực hiện lồng ghép đầu tư sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, huyện Lạc Dương đã huy động mọi nguồn lực tập trung cho công tác giảm nghèo bền vững.
Huyện Lạc Dương quan tâm hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo
• HỖ TRỢ THOÁT NGHÈO
Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, huyện Lạc Dương đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tránh tái nghèo… Hàng năm, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều tiến hành điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo, phân tích nguyên nhân dẫn đến hoàn cảnh khó khăn của các nhóm đối tượng, từ đó đề ra những giải pháp và chính sách hỗ trợ sát thực, phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác giảm nghèo, với hình thức và nội dung ngày càng phong phú, nhằm nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và phát huy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân.
UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn thực hiện việc lồng ghép đầu tư sử dụng hiệu quả các nguồn vốn như: Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, Chương trình vay vốn ưu đãi… nhằm nâng cao hiệu quả Chương trình Giảm nghèo bền vững trên địa bàn.
Ngoài nguồn ngân sách nhà nước, địa phương đã huy động mọi nguồn lực đầu tư, kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tập trung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo về các chỉ tiêu thiếu hụt như nhà ở, thông tin… Cùng với đó, thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo như hỗ trợ Bảo hiểm y tế; hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo; hỗ trợ giáo dục; ưu đãi cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ phát triển sản xuất…
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2019 - 2024 trên địa bàn huyện hơn 34 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương trên 16 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 2,4 tỷ đồng, ngân sách huyện trên 2,2 tỷ đồng, nguồn xã hội hóa trên 9,6 tỷ đồng, người dân đóng góp trên 3,4 tỷ đồng. Địa phương đã thực hiện hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã đặc biệt khó khăn; đồng thời hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ nhà ở, truyền thông và giảm nghèo về thông tin… Trong 5 năm qua, đã có trên 2.500 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn với tổng kinh phí cho vay hơn 184 tỷ đồng. Nhờ chính sách tín dụng ưu đãi, các hộ có vốn để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo. Bên cạnh đó, từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của tỉnh, huyện và nguồn huy động các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân, huyện Lạc Dương đã xây mới 131 căn nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí gần 8,4 tỷ đồng.
• CHĂM LO CHO NGƯỜI NGHÈO
Để đạt hiệu quả cao trong công tác giảm nghèo bền vững, huyện Lạc Dương đã chú trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Các tổ chức, đoàn thể nâng cao vai trò trong xây dựng nông thôn mới, gắn với thực hiện công tác giảm nghèo. 5 năm qua, địa phương đã đào tạo nghề cho trên 1.000 lao động; đồng thời tạo việc làm cho khoảng 4.100 lao động, trong đó có gần 1.000 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Đặc biệt, năm 2023, UBND huyện đã phát động phong trào các cơ quan, đơn vị hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện. Theo đó, mỗi phòng, ban, cơ quan cấp huyện hỗ trợ tối thiểu 1 hộ nghèo hoặc hộ cận nghèo. Việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo với nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với từng hoàn cảnh, điều kiện cụ thể như: xây dựng các mô hình sinh kế, hỗ trợ vốn, kiến thức sản xuất cho các hộ có sức lao động; nhận hỗ trợ, đỡ đầu cho các gia đình không có sức lao động, già cả neo đơn... Đến nay đã vận động được trên 6 tỷ đồng để hỗ trợ 46 căn nhà; hỗ trợ sinh kế với tổng số tiền trên 2,7 tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tại các xã trên địa bàn huyện.
Với sự đầu tư của Nhà nước và hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, các ngành, đoàn thể cũng như việc phát triển sản xuất tự vươn lên thoát nghèo của người dân đã thu được kết quả là tỷ lệ hộ nghèo của huyện hàng năm giảm rõ rệt. Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, cuối năm 2021, số hộ nghèo toàn huyện là 633 hộ, chiếm tỷ lệ 8,6%, trong đó hộ DTTS 628 hộ, chiếm tỷ lệ 12,6%; hộ cận nghèo là 556 hộ, chiếm tỷ lệ 7,5%, trong đó hộ DTTS 546 hộ, chiếm tỷ lệ 11%. Đến cuối năm 2023, hộ nghèo toàn huyện còn 202 hộ, chiếm tỷ lệ 2,6%, giảm 427 hộ và giảm 6% so với năm 2021. Bình quân mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 3% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm từ 4 - 4,5%.
Năm 2024, dự kiến toàn huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đa chiều 6%, hộ DTTS 8,9%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm 3,7% và tiến tới cơ bản thoát nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 3,5%, hộ cận nghèo DTTS giảm 5,2%; cuối năm 2024, tỷ lệ nghèo đa chiều còn khoảng 1,1%, DTTS 1,7%.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương Cil Poh, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, cơ bản đã chuyển đổi được nếp nghĩ, cách làm trong một bộ phận đồng bào DTTS. Người dân đã dần chuyển đổi được tập quán canh tác truyền thống manh mún, nhỏ lẻ, thủ công sang áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, mạnh dạn sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Từ đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, cải thiện đời sống vật chất lẫn tinh thần… Đặc biệt, thông qua chương trình dạy nghề đã giúp người dân, nhất là đồng bào DTTS có tay nghề khá trong lĩnh vực sản xuất, nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý thức vươn lên. Đại bộ phận người dân đã nhận thức đúng đắn về chương trình giảm nghèo bền vững. Qua đó tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, huy động sự tham gia của toàn xã hội trong công tác giảm nghèo.
(Theo TUẤN HƯƠNG/baolamdong.vn)