Trong âm vọng tháng Bảy của những cơn dông oi bức cuối chân trời với những chùm sấm rền và chớp nhì nhằng gạch chéo, tôi lại nghĩ về những người đã ngã xuống. Họ - những liệt sĩ có tên và chưa có tên. Họ - những chàng trai, cô gái tuổi 18, 20 và mãi mãi nằm lại tuổi 20, 18 trẻ mãi như những ngôi sao rạng ngời, gắn trên mộ chí. Họ hy sinh theo đội hình đánh giặc giờ về nằm cùng nhau trong nghĩa trang cũng theo đội hình hàng dọc giống nhau. Tôi bỗng nhớ đến những câu thơ thổn thức từ đáy lòng mình của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý trong bài “Khát vọng Trường Sơn”: "Mười nghìn tấm bia, còn mười nghìn nữa/ Mười nghìn đồng đội nằm rải Trường Sơn/ Mười nghìn hài cốt chưa về khói hương”.
Cựu thanh niên xung phong dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Đà Lạt. Ảnh: Việt Quỳnh
Những ngày tháng Bảy, nhìn lên vòm trời trong xanh đến ráo hoảnh, tôi bất chợt nhận ra những đám mây bềnh bồng kỳ lạ. Đó là những đụn mây xếp thành bông cúc trắng bỗng chốc tan ra thành hình người chiến sĩ đang ôm súng xung phong và hắt lên phản quang những sắc cầu vồng, nhịp cầu như đường bay đạn pháo. Tôi lại nghĩ về các anh - những người đã nằm trong lòng đất hòa vào máu thịt đất đai Tổ quốc nhưng hồn vía các anh vẫn ngời sáng. Cầu vồng bắc sang hy vọng là sắc độ thẩm thấu giữa con người hòa mình với thiên nhiên. Đó là một tượng đài thật đẹp và bi tráng, hào hùng mà kiêu hãnh.
Tháng Bảy là tháng của tri ân và đồng vọng. Tri ân những người đã ngã xuống vì Tổ quốc và đồng vọng với những người còn sống hôm nay phải làm gì để xứng đáng với sự hy sinh của các anh hùng liệt sĩ. Nhà thơ Nguyễn Thái Sơn đã có một tứ thơ khá xúc động trong bài thơ “Thăm mộ chiều cuối năm” với một ứng xử nhân văn cao cả. Bài thơ tứ tuyệt chỉ bốn câu ngắn ngọn xúc động mà tỏa bao vòng sóng âm thanh đồng vọng như một khúc ca bất diệt: “Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội/ Nhang cầm một thẻ biết làm sao”. Bỗng xuất hiện một động thái ân tình biết bao: “Thắp hương đành cắm nơi đầu gió” để cho hương trầm chia đều đến từng ngôi mộ: “Hương khói đừng quên nấm mộ nào”.
Tháng Bảy là tháng của tri ân và đồng vọng. Ảnh: Thành Nam
Tôi muốn gọi sự đồng vọng ân tình là hợp âm trầm tháng Bảy. Trầm và sâu lắng, trầm và lay thức, trầm và vang vọng. Đi từ Bắc vào Nam, ta gặp bao nghĩa trang liệt sĩ. Đó là Nghĩa trang Điện Biên Phủ có 4 ngôi mộ có tên và 640 phần mộ chưa tên. Nghĩa trang mặt trận Vị Xuyên với hàng ngàn bia mộ bên sườn núi đá vôi nham nhở còn khét lẹt mùi thuốc súng chưa tan. Qua ngã ba Đồng Lộc là 10 ngôi mộ của 10 nữ thanh niên xung phong như 10 phím đàn rung đến cõi lòng sâu thẳm. Hang tám cô ở Quảng Bình bị bom Mỹ đánh sập chặn lối cửa hang như một hộp đàn giữ lại, nén lại bao âm thanh nghẹn thắt để từ đó âm vang một cung trầm day dứt không nguôi. Và có một “Huyền thoại Truông Bồn” những thanh niên xung phong hy sinh khi mà chỉ còn vài giờ nữa sẽ đến mốc thời gian không giờ ngày 11/11/1968 giặc Mỹ thực hiện “ném bom hạn chế” trên miền Bắc. Có một điều chung, phần lớn họ là nữ, hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ với những tập thể mang tên những con số cụ thể: hang 8 cô, 10 cô gái Đồng Lộc và 13 thanh niên xung phong ở ngã ba Truông Bồn. Đó là điểm nút thắt ác liệt, là tọa độ lửa và cũng là tọa độ của thử thách niềm tin.
Tháng Bảy linh thiêng, tháng Bảy tri ân, tháng Bảy nghĩa tình vọng lên da diết “Bài ca không quên” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn: “Có một bài ca không bao giờ quên. Là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên”. Một đất nước mang hình dải lụa lại mang hình ngọn lửa mà con đường số một như một sợi dây đàn bầu rung lên bao âm vực sâu thẳm, bao nốt trầm xao xuyến. Một đất nước mà bà mẹ Việt Nam, bà mẹ anh hùng: “Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ. Các anh không về mình mẹ lặng im” (Đất nước - Phạm Minh Tuấn). Các con không về, mẹ Thứ ở Quảng Nam xếp một vòng tròn bát cơm, nước mắt mẹ chảy vào trong, một nỗi lặng im biết bao đồng vọng, biết bao yêu thương, biết bao chịu đựng. Tôi bồi hồi đứng trước tượng đài của mẹ, những nếp đá gấp quăn hằn lên vết rạn chân chim khóe mắt, mái tóc mẹ tạc vào rạng đỏ cuối chiều, mẹ đã trở thành bất tử hóa thân vào non sông, đất nước.
Những ngày tháng Bảy nghĩa tình, ta bắt gặp nhiều đoàn cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa để đi tìm đồng đội, viếng mộ đồng đội. Các anh có người để lại một phần máu thịt, mang trong mình những cơn sốt rét rừng, những di chứng chất độc da cam. Tháng Bảy ân tình khi cả nước chung tay, góp sức xây những ngôi nhà tình nghĩa, mái nhà giản đơn mà ấm áp biết bao, che cho mái tóc của mẹ già bớt gầy, bớt bạc. Ở Nghĩa trang Trường Sơn có bóng cây bồ đề, lá bồ đề mang hình trái tim vọng lại tiếng chuông đồng vọng bao ân nghĩa. Tiếng chuông mang lại sự bình yên, tiếng chuông vọng về bao lay thức. Tiếng chuông Nghĩa trang Trường Sơn hòa với tiếng chuông từ những ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa tạo nên bản hợp âm của một cung trầm tháng Bảy: tri ân và đồng vọng...
(Theo NGUYỄN NGỌC PHÚ/baolamdong.vn)