NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Phát huy nghề dệt thổ cẩm ở xã vùng sâu tỉnh Lâm Đồng In trang
24/10/2024 07:32 SA

Không chỉ góp phần gìn giữ nghề truyền thống, dệt thổ cẩm hiện đang giúp nhiều chị em ở xã vùng sâu Đưng Knớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng có thêm thu nhập những lúc nông nhàn; đồng thời mở ra triển vọng hình thành làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới.

“Đây đây, sản phẩm mình tự dệt đây…”

Chỉ vào chiếc váy thổ cẩm đang mặc, chị K’Hều, ở thôn 1, xã Đưng Knớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng phấn khởi khoe, đây là bộ thổ cẩm chị tự tay dệt suốt 2 tuần lễ. Chị K’Hều kể, nhiều chị em trong thôn rủ nhau học dệt vải, khi chia sẻ những sản phẩm lên mạng xã hội thì được một số người quan tâm đặt hàng.

“Mình đăng facebook thì có người Lạch ở Gia Lai đăng ký dệt một hai tấm gì đó. Mình biết có thể bán được thì mình tự dệt để kiếm thêm trang trải cho bản thân. Đó là điều khiến mình thích hơn, muốn dệt bằng được. Sắp tới mình sẽ đi học tiếp”.

Chị K'Hều phấn khởi khoe bộ váy thổ cẩm tự dệt
Chị K'Hều phấn khởi khoe bộ váy thổ cẩm tự dệt

Còn chị Bon Niêng K’Huyên, ở cùng thôn chia sẻ, nhờ biết dệt mà chị có thêm thu nhập những lúc nông nhàn: “Mình học và biết dệt 1 năm nay rồi. Cứ lúc rảnh thì dệt rồi bán ra ngoài Lạc Dương có mấy người thu mua, giá khoảng 550-600 nghìn một tấm, tháng làm cũng được 4 tấm. Bây giờ đang rất hứng thú với việc học dệt, muốn mở lại lớp đào tạo việc dệt thổ cẩm để không mất truyền thống”.

Chị em người K'Ho ở Đưng Knớ đang trở lại gắn bó với khung dệt
Chị em người K'Ho ở Đưng Knớ đang trở lại gắn bó với khung dệt

Khi đơn đặt hàng ngày nhiều hơn, các chị tập hợp lại thành nhóm dệt để sản phẩm của mình có nhiều đầu mối tiêu thụ hơn. Chị Bon Niêng K’Gut, ở thôn 1, xã Đưng Knớ cho biết, nhờ kết nối với Caritas Đà Lạt, nhóm dệt của chị đã có thêm nhiều đơn hàng thổ cẩm làm váy cưới, trang trí nội thất, thời trang cách tân… Chị còn tự mở lớp truyền dạy tại nhà để có thêm nhân lực tham gia dệt thổ cẩm hàng hóa.

Chị Bon Niêng K’Gut nói: “Mình muốn phát huy, lan tỏa đến các thanh niên khác, góp phần xây dựng bản sắc văn hóa của mình. Đã mở lớp từ năm ngoái rồi, mở lớp 15 học viên thì 5 học viên là bây giờ họ tự dệt và tự bán. Bên Caritas đồng hành thì hình thành một nhóm cùng mình làm. Có người nhuộm, có người kéo sợi, có người làm cái này cái kia để đa dạng hóa sản phẩm, phù hợp với thị trường nhưng mà không bị mai một văn hóa truyền thống của mình”.

Nhiều chị đã tập hợp lại thành nhóm để mở rộng sản xuất và tăng cường đầu mối tiêu thụ
Nhiều chị đã tập hợp lại thành nhóm để mở rộng sản xuất và tăng cường đầu mối tiêu thụ

Ở vùng sâu vùng xa của huyện Lạc Dương với hơn 90% dân số là người dân tộc thiểu số, thời gian qua, xã Đưng Knớ nhận được nhiều sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, xây dựng cơ sở hạ tầng, điện đường, trường, trạm. Xã đã được công nhận xã nông thôn mới năm 2021. Từ tháng 7 năm nay, huyện Lạc Dương công bố Đề án xây dựng Làng văn hóa du lịch cộng đồng xã Đưng Knớ đã mở ra triển vọng bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch của địa phương.

Bà Phi Srônh K’Ham, Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đưng Knớ cho biết, từ định hướng của huyện, hội phụ nữ đã vận động, tập hợp chị em tiếp tục phát triển nghề dệt thổ cẩm, dần hình thành làng nghề làm du lịch.

Bà Phi Srônh K’Ham nói: “Phát huy bản sắc dân tộc để lưu truyền, giữ lại cho các thế hệ sau nên các chị ở đây cũng được học, được truyền lại nghề dệt, sản phẩm làm ra thì phát triển rất là tốt, tăng thêm thu nhập cho các chị em. Hiện tại có chính sách hỗ trợ, Hội phụ nữ đang tập hợp được 20 chị đang có nhu cầu vay vốn làm thổ cẩm, mỗi hộ vay tối đa là 50 triệu đồng ”.

Trang phục thổ cẩm dần trở lại trong đời sống hàng ngày
Trang phục thổ cẩm dần trở lại trong đời sống hàng ngày

Với những định hướng cụ thể của chính quyền địa phương về bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, nhiều phụ nữ người K’Ho ở xã vùng sâu Đưng Knớ đang dần trở lại với khung cửi, dệt nên những sản phẩm đầy màu sắc, tạo ra những sản phẩm thời trang hiện đại từ chất liệu thổ cẩm của dân tộc. Dệt thổ cẩm không chỉ giúp người dân có thêm thu nhập, mà đang mở ra triển vọng hình thành làng văn hóa du lịch cộng đồng trên vùng nông thôn mới.

H Xíu/VOV-Tây Nguyên

Nguồn: https://vov.vn/van-hoa/di-san/phat-huy-nghe-det-tho-cam-o-xa-vung-sau-tinh-lam-dong-post1130254.vov

 

Lượt xem: 197
Liên quan
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006519567
  •  Đang online: 300
  •  Trong tuần: 28.479
  •  Trong tháng: 199.480
  •  Trong năm: 199.480