Những năm qua, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện, khiến dư luận nhân dân phấn khởi, đồng lòng ủng hộ và nhiều tổ chức quốc tế ghi nhận.
Tranh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo
Thành công đó có sự đóng góp vô cùng quan trọng của đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là những người đứng đầu các cấp. Thế nhưng, với dã tâm thâm độc, các thế lực thù địch, phản động đã và đang cố tình xuyên tạc, "đổi trắng thay đen", phủ nhận hoàn toàn vai trò, vị trí và đóng góp của những cán bộ chủ chốt, người đứng đầu trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”.
Cố tình xuyên tạc, bôi nhọ cán bộ chủ chốt
Mới đây, trên một số trang mạng, các đối tượng phản động đăng bài viết có nội dung đả kích, xuyên tạc, rêu rao rằng: Những người đứng đầu các cơ quan nhà nước đang “nêu gương đạo đức giả" trước người dân (!); tham nhũng ở Việt Nam diễn ra tràn lan là do hỏng từ người đứng đầu (!); đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ "tắm từ vai xuống" (!) và thực chất là "cuộc chiến phe phái" (!)...
Cùng với đó, một số bài viết của những kẻ chống phá đã cố tình vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, Quân đội, người đứng đầu các cấp. Chúng tung tin nhảm rằng: Cán bộ A, cán bộ B đã nhúng chàm, cán bộ C đang bị giam lỏng...
Ở khía cạnh khác, có đối tượng phản động, bất mãn lại rêu rao: Ngoài hầu hết cán bộ đứng đầu tham nhũng thì số còn lại do “thế hèn sức mọn” nên cố tình né tránh, không dám đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực (!). Chúng còn đưa ra luận điệu vu cáo cuộc đấu tranh chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ là "bỏ sâu to, bắt sâu nhỏ” và "sâu to bắt sâu nhỏ”(?)... Rồi chúng dùng chiêu bài "phỏng vấn những người yêu nước” (thực chất là những người đang có tư tưởng bất mãn, phản động) để những người này bày tỏ ủng hộ những điều vu khống, xuyên tạc, quy chụp của chúng, bịa đặt rằng "người dân Việt Nam đã mất niềm tin vào những người đứng đầu" (!)...
Điều ai cũng nhận thấy là các thế lực thù địch, phản động, bất mãn đều tập trung vu khống, quy chụp, xuyên tạc, nói xấu đội ngũ cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu, bởi âm mưu, thủ đoạn chống phá của chúng vô cùng nham hiểm, tinh vi: Làm mất niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt. Chúng coi đó là biện pháp hiệu quả nhất, con đường ngắn nhất để làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Chúng triệt để lợi dụng việc nhiều người dân không có điều kiện tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao, khó kiểm chứng thông tin... để tăng cường thực hiện "mưu hèn kế bẩn" này.
Có phải “bỏ sâu to, bắt sâu nhỏ”?
Trước hết, phải khẳng định rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định: Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một trụ cột trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Đây là yêu cầu tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự tồn vong của Đảng và chế độ. Vì vậy, phải kiên quyết, kiên định, kiên trì, đấu tranh trực diện, không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm "trên dưới đồng lòng", "dọc ngang thông suốt". Trong cuốn sách "Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" vừa xuất bản, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một việc làm cần thiết, tất yếu, là một xu thế không thể đảo ngược”... Đồng chí Tổng Bí thư đã cương quyết chỉ đạo: Phải tiến hành thật kiên quyết, kiên trì, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không chịu bất kỳ một sức ép nào của bất cứ tổ chức, cá nhân nào. Ai ngại đấu tranh, không làm được thì đứng sang một bên...
Thực tế đã chứng minh, trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả mang tính đột phá với rất nhiều vụ án, vụ việc được phát hiện, xử lý nghiêm khắc từ Trung ương đến cơ sở. Nhận rõ thực tế đằng sau nhiều vụ tham nhũng, tiêu cực, nhất là những vụ đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thường có bóng dáng của một số cán bộ đứng đầu đơn vị, địa phương, ngành, thậm chí cả cán bộ Trung ương, Đảng, Nhà nước ta đã kiên quyết chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thanh tra, điều tra làm rõ và xử lý nghiêm khắc, triệt để; kiên quyết không để sót lọt người vi phạm và những cán bộ làm ngơ, dung túng, tiếp tay, bao che.
Chỉ riêng năm 2022 đã thi hành kỷ luật 539 đảng viên do tham nhũng, cố ý làm trái. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (tăng 15 trường hợp so với năm trước); cho thôi giữ chức Ủy viên Trung ương Đảng (khóa XIII) đối với 5 đồng chí; cho thôi giữ chức vụ đối với 2 phó thủ tướng Chính phủ, 3 thứ trưởng và tương đương; các địa phương đã cho từ chức, miễn nhiệm 3 chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh theo chủ trương sắp xếp, bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật, uy tín giảm sút. Qua công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, đã chuyển 557 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng gấp hơn hai lần so với năm 2021). Trong năm 2022, trên cả nước đã khởi tố mới 493 vụ/1.123 bị can về tội tham nhũng (tăng 163 vụ/328 bị can so với năm 2021).
Trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã kiên quyết xử lý và chỉ đạo xử lý nghiêm những người đứng đầu, cán bộ cấp cao có vi phạm. Theo thống kê của cơ quan chức năng, giai đoạn 2012-2022, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kỷ luật hơn 190 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 ủy viên Bộ Chính trị, 36 ủy viên và nguyên ủy viên Trung ương Đảng, hơn 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang)... Đặc biệt, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay, Đảng, Nhà nước đã xử lý và chỉ đạo xử lý kỷ luật, xử lý hình sự, cho thôi chức vụ, nghỉ công tác... nhiều cán bộ cấp cao, trong đó có không ít người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, đơn vị... và báo chí đã đăng thông tin này rất công khai. Như vậy, không thể nói là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam là "bỏ sâu to, bắt sâu nhỏ" như các đối tượng thù địch, phản động rêu rao, xuyên tạc.
Mặt khác, tuy Việt Nam đã xử lý không ít cán bộ cấp cao, người đứng đầu các cấp có hành vi tham nhũng, tiêu cực hoặc để xảy ra tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của mình, thế nhưng đó chỉ là những "con sâu làm rầu nồi canh", hoàn toàn không phải như thông tin mà các thế lực chống phá rêu rao, quy chụp rằng "hầu hết cán bộ đứng đầu tham nhũng". Thực tế cho thấy, những cán bộ có vi phạm, tham nhũng, tiêu cực chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong đội ngũ cán bộ nói chung, những người đứng đầu các cấp nói riêng. Tuyệt đại đa số cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì, chủ chốt, người đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị đã nỗ lực phấn đấu phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là điển hình tiêu biểu nhất. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành mới đây, tuyệt đại đa số ý kiến người dân (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của những người đứng đầu trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Cũng cần nói thêm là, tham nhũng là hiện tượng xã hội tiêu cực, xấu xa mà thời nào, chế độ nào, quốc gia nào cũng có; đó là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực. Lịch sử nhân loại cho thấy, tình trạng tham nhũng trong bộ phận quan chức, những người đứng đầu đã trở thành vấn nạn nhức nhối, xảy ra ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có cả những nước vốn được coi là kiểm soát quyền lực tốt. Việc các đối tượng thù địch, phản động, bất mãn cho rằng chế độ chủ nghĩa xã hội là nguyên nhân sinh ra tham nhũng ở Việt Nam và hầu hết cán bộ đứng đầu đều tham nhũng, tiêu cực là hoàn toàn không đúng sự thật, thể hiện góc nhìn chẳng những rất phiến diện mà còn là cố tình xuyên tạc, thổi phồng nhằm thực hiện mưu đồ thâm độc chống phá Đảng, Nhà nước, chế độ ta.
Người đứng đầu đang đi đầu
Khác hẳn những luận điệu mà một số đối tượng thù địch, chống phá rêu rao, trong phòng, chống “giặc nội xâm”, tuyệt đại đa số cán bộ đứng đầu các cấp trong hệ thống chính trị ở Việt Nam đã và đang gương mẫu đi đầu. Họ không chỉ là tấm gương sáng để cán bộ, đảng viên, cấp dưới noi theo, mà còn thường xuyên giáo dục, quán triệt, nhắc nhở, yêu cầu cấp dưới thực hiện đúng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đồng thời chỉ đạo ban hành các quy định, quy chế, duy trì cơ quan, đơn vị thực hiện chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những trường hợp tham nhũng, tiêu cực.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thái Học, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương: Người đứng đầu có vị trí, vai trò rất quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ ở địa phương, cơ quan, đơn vị, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng.
Cổ nhân cũng đã đúc rút: "Thượng bất chính, hạ tắc loạn". Thử hỏi, nếu cán bộ đứng đầu nào cũng tham nhũng, tiêu cực (như các thế lực phản động rêu rao) thì các tổ chức, đơn vị, địa phương ở Việt Nam có giữ được sự ổn định, vững mạnh để phục vụ nhân dân, phát triển đất nước hay không? Đất nước Việt Nam có bảo đảm sự ổn định về chính trị, an ninh trật tự để trở thành điểm đến, điểm thu hút đầu tư từ nước ngoài hay không?
Ở nước ta hiện nay, người lãnh đạo đi đầu trong việc tuyên chiến với tham nhũng, tiêu cực và thường xuyên gióng lên tiếng trống xung trận chống "giặc nội xâm" là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Quyết tâm, sự gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định từ những ngày đầu của nhiệm kỳ Đại hội XI: “Đấu tranh phòng, chống tiêu cực, tham nhũng là cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, cần sự quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó, mỗi cán bộ, đảng viên và đặc biệt là cán bộ chủ trì phải gương mẫu đi đầu”.
Thực tế, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đều nhận rõ và vô cùng kính phục sự gương mẫu đi đầu, tinh thần kiên quyết, kiên trì và những chỉ đạo sáng suốt, hiệu quả trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trên cương vị người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn có quyết tâm chính trị rất cao và đã chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá, gắn liền giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Sự mẫu mực và ý chí "tuyên chiến" với tham nhũng, tiêu cực của người đứng đầu Đảng, của Trung ương đã lan tỏa trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta với tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt”; đẩy lùi hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”. Kết quả là nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực đã bị phát hiện, xử lý nghiêm khắc nhưng cũng rất nhân văn.
Trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, người đứng đầu không đơn độc đi đầu, mà Trung ương Đảng, cấp ủy đảng các cấp gắn trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền hạn của những “ngọn cờ đầu” với những tổ chức, cơ quan chuyên trách phòng, chống tham nhũng. Không chỉ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hoạt động ngày càng hiệu quả, mà ban chỉ đạo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng đã được thành lập, bao gồm các cán bộ lãnh đạo chủ chốt, chỉ đạo chống “giặc nội xâm” đạt những kết quả đáng ghi nhận. Như vậy, những người đứng đầu thực sự là “tổng chỉ huy” của công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở các cấp, được giao trách nhiệm nặng nề và có nghĩa vụ phải trở thành tấm gương để cán bộ, đảng viên, nhân dân noi theo. Điều đó khẳng định vị trí, vai trò tiên phong của những người đứng đầu trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm” chứ không phải luận điệu vu khống “người đứng đầu nêu gương đạo đức giả và càng tham nhũng" (!) như các phần tử thù địch trơ trẽn rêu rao.
Nguồn: bantuyengiao.vn