Việc giữ gìn và phát huy truyền thống quân đội, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn cần thiết, nó như “ngọc càng mài càng sáng”.
Một trong những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân được Nghị quyết số 847-NQ/QUTW ngày 28-12-2021 của Quân ủy Trung ương về phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân trong tình hình mới, chỉ ra rất rõ đó là: “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác để tham ô, nhận hối lộ hoặc để người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác của mình trục lợi; cố ý làm trái các quy chế, quy định, dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...”.
Từ sự “vạch mặt chỉ tên” chủ nghĩa cá nhân đó, càng cho thấy, việc giữ gìn và phát huy truyền thống quân đội, phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ luôn cần thiết, nó như “ngọc càng mài càng sáng”.
1. Một đồng chí cán bộ lãnh đạo vốn trưởng thành từ người chiến sĩ cầm súng trên chiến trường rồi chuyển ngành, phát triển thành cán bộ cấp cao. Ông đã trải qua tất cả thăng trầm của sự nghiệp và cuộc sống cho đến lúc về hưu. Vậy nhưng mỗi khi nói điều gì đó về mình, ông luôn nhận rằng: “Tôi là người lính chiến”.
Đọc kỹ lý lịch của ông tôi biết, những năm tháng là người chiến sĩ cầm súng trên chiến trường của ông không dài, thậm chí rất ngắn so với quãng thời gian ông đã chuyển ngành cho đến lúc về hưu. Vì sao ông vẫn luôn hoài niệm, tự hào với những năm tháng trong quân ngũ? Điều gì làm nên giá trị đó?
Huấn luyện khẩu đội cối tại Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 1. Ảnh: MINH TRƯỜNG/qdnd.vn
Không khó lý giải, đó là phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, một nét đẹp độc đáo trong văn hóa Việt Nam và lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc ta. Khi còn sống, Trung tướng Phạm Hồng Cư, nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho rằng, Bộ đội Cụ Hồ là một danh hiệu vinh dự mà nhân dân trao tặng.
Phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là một giá trị văn hóa, là những giá trị cao quý nhất, đẹp đẽ nhất của Quân đội ta được hun đúc qua nhiều thế hệ, trở thành bản chất, truyền thống của quân đội. Bộ đội Cụ Hồ là sự kế thừa và phát huy truyền thống anh hùng bất khuất của dân tộc và đây là thành công của Đảng Cộng sản Việt Nam trong việc xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam về chính trị.
Trong khi đề cập rất sâu kỹ những giá trị tốt đẹp của phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, Nghị quyết 847 của Quân ủy Trung ương cũng chỉ rõ: “Còn một số cán bộ, đảng viên và quần chúng nhận thức chưa sâu sắc, trách nhiệm trong giữ gìn, phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ chưa cao; thiếu tự giác, gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện, giảm sút ý chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân, sống thực dụng, băn khoăn dao động trước diễn biến phức tạp của tình hình...; trong đó có cả cán bộ cao cấp, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm kỷ luật, pháp luật, quy định về những điều đảng viên không được làm, gây thiệt hại về tài sản của Nhà nước, quân đội, làm ảnh hưởng đến truyền thống, uy tín của quân đội, phẩm chất và hình ảnh cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ.
2. Nhận định của Quân ủy Trung ương thể hiện trong Nghị quyết 847 là thẳng thắn, khách quan. Thời gian qua, hàng loạt cán bộ, đảng viên, trong đó có cả những cán bộ giữ các cương vị quan trọng của Đảng, Nhà nước có vi phạm kỷ luật, pháp luật bị xử lý.
Trong quân đội, số cán bộ, chiến sĩ bị kỷ luật rất đáng suy nghĩ, trong đó có cả các đồng chí là cán bộ cấp cao. Qua nhiều vụ án, tìm hiểu về lai lịch chính trị của các cá nhân vướng vào vòng lao lý, mỗi chúng ta không khỏi xót xa, tiếc nuối.
Nhiều người trong số đó đã từng vào sinh ra tử trên chiến trường, cận kề giữa cái sống và cái chết. Có những người từng sẵn sàng nhường mạng sống cho đồng đội. Họ không bị gục ngã bởi bom đạn, không bị khuất phục bởi sức mạnh của kẻ thù, vậy mà giữa thời bình, họ đã gục ngã bởi “những viên đạn bọc đường”.
Cơ chế thị trường, sự tác động của ngoại lai... khiến một số người không còn giữ được những phẩm chất của anh Bộ đội Cụ Hồ ngày nào. Chủ nghĩa cá nhân đã lấn át, đã ăn sâu vào họ. Các Mác vĩ đại có một câu kinh điển: “Trong tính hiện thực của nó, bản chất con người là tổng hòa những quan hệ xã hội".
Bản chất con người không phải trừu tượng mà là hiện thực, không phải tự nhiên mà là lịch sử. Thông qua hoạt động thực tiễn, con người làm biến đổi tự nhiên, xã hội, đồng thời biến đổi chính bản thân mình. Mọi thay đổi của mỗi con người thường bắt đầu từ những hành vi, thói quen, nhưng nếu là thói quen xấu, lại tự mình không nhận ra, không được người khác góp ý, phê bình sẽ dần dần tạo thành tính cách.
Khi có chức vụ, có địa vị, có tiền bạc, con người ta dễ dẫn đến tư tưởng hưởng thụ, thỏa mãn, coi thường. Đôi khi, một số người có được chức vụ, tiền bạc một cách dễ dàng, ít phải đổ mồ hôi, công sức dẫn đến tư tưởng tự mãn, quan liêu, độc đoán, gia trưởng. Và chính họ đã sa vào chủ nghĩa cá nhân mà không nhận ra. Chủ nghĩa cá nhân vừa là nguyên nhân vừa là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Những cá nhân sai phạm sẽ bị pháp luật xử lý. Luật pháp là công bằng. Thượng tôn pháp luật là lẽ sinh tồn của quốc gia. Luật pháp Việt Nam không cho phép bất cứ cá nhân, tổ chức nào làm phương hại đến lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Không ai được phép đứng trên pháp luật, đứng ngoài Hiến pháp. Việc xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm chính là bảo vệ hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước, bảo vệ tài sản, các lợi ích hợp pháp của Nhà nước và nhân dân, để giữ vững ổn định và phát triển của toàn xã hội. Nhưng rồi, sau mỗi vụ việc đều để lại bao điều trăn trở, giá như... Trách người vi phạm là lẽ thường, nhưng tổ chức đã ở đâu khiến cho các cá nhân đó lún sâu vào vi phạm? Vì sao các nguyên tắc, quy định của tổ chức, của Đảng lại bị xem nhẹ, bị bỏ qua trong các vụ việc đó?
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng cảnh báo: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.
Điều đó cho thấy, quá trình tu dưỡng, rèn luyện của mỗi con người phải là quá trình thường xuyên, liên tục, nó như việc “rửa mặt” hằng ngày. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, nêu rõ: “Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”.
Trong điều kiện hiện nay, việc gìn giữ và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ là vô cùng cần thiết, nó vẫn còn nguyên tính thời sự, như Nghị quyết 847 đã đề cập. Phẩm chất, giá trị Bộ đội Cụ Hồ không phải là cái bất biến mà nó đòi hỏi cần luôn gìn giữ và phát huy cho phù hợp với từng giai đoạn lịch sử.
Điều này cũng bác bỏ quan điểm của một số người còn băn khoăn, chần chừ khi cho rằng, phẩm chất, văn hóa Bộ đội Cụ Hồ chỉ được thể hiện sâu sắc trong thời chiến, còn thời bình đã có phần phai nhạt. Cách suy nghĩ này là không thuyết phục. Cái đã trở thành văn hóa thì nó đã trở thành bản chất, thành cái thường xuyên ở trong mỗi con người.
Phẩm chất, văn hóa Bộ đội Cụ Hồ không đi ra ngoài quy luật đó. Tuy vậy, nó đòi hỏi mỗi cá nhân, mỗi con người nhận thức đúng về nó. Mỗi cán bộ, chiến sĩ, đảng viên hay quần chúng đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, đạo đức người quân nhân cách mạng.
Giáo dục, rèn luyện, gìn giữ và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ đi liền với chống chủ nghĩa cá nhân là việc làm vừa cấp bách, vừa thường xuyên, là trách nhiệm của mọi người để xứng đáng với truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng mà lớp lớp cha ông đã vun đắp.
NGUYỄN TUẤN
Nguồn: www.qdnd.vn