NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh In trang
16/05/2022 08:39 SA

Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn khoa học, hiện thực cách mạng. Người ta thường cho rằng Hồ Chí Minh là một nhà triết học hành động thì cũng có thể nói nhà nhân văn Hồ Chí Minh là một nhà nhân văn hành động - hành động nhằm giải phóng con người.

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi ở chiến khu Việt Bắc, năm 1950. (Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi)
Bác Hồ với các cháu thiếu nhi ở chiến khu Việt Bắc, năm 1950. (Ảnh: Nguyễn Hồng Nghi)

Yêu thương và quý trọng con người là một trong những đức tính đặc sắc nhất của đạo đức Hồ Chí Minh.

Trong cuốn sách “Học tập đạo đức Hồ Chí Minh” (*), đồng chí Võ Nguyên Giáp có bài viết nêu rõ: “Nghiên cứu cuộc đời và tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh,  chúng ta thấy rất rõ ở Người chủ nghĩa yêu nước, tinh thần nhân ái, truyền thống văn hóa phương Đông, phương Tây và sự phát triển chủ nghĩa nhân đạo hiện thực của chủ nghĩa Mác. Sự tổng hợp đó hình thành nên chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh - hiện thân cao nhất của chủ nghĩa nhân văn hiện thực của người Việt Nam trong thời đại cách mạng giải phóng dân tộc và xã hội chủ nghĩa”.

Đồng chí còn viết cụ thể: “Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh còn biểu hiện ở tấm lòng thương yêu con người, thương yêu nhân dân hết sức rộng lớn, sâu sắc. Người đã từng khái quát về triết lý cuộc sống: “Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề… là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ và bị áp bức”.

Cùng với ý ấy, Giáo sư Trần Văn Giàu viết: Như phần nhiều các nhà hiền triết cổ kim Đông Tây, thương người là một đức tính lớn của Cụ Hồ, nó quán triệt mọi lời nói, việc làm của Cụ từ ngày Cụ hoạt động cách mạng... Suốt sáu mươi năm, một lòng thương người, vì người, một lòng nhân ái.

Giáo sư đặt câu hỏi: “Vậy nếu thương người là nhân ái thì nhân ái của Cụ Hồ có gì khác với nhân ái Khổng, Mặc chăng hay chỉ là một?”. Và tự trả lời: “Có phần khác không nhỏ”. Thương người (của Cụ Hồ) là biết xót xa đến thân phận những người cùng khổ nhất trong số những người cùng khổ,... cũng là thương các dân tộc mang xiềng xích thực dân. Thương không phải là tỏ mối thông cảm từ trên và từ ngoài mà tìm cách làm cho người lao khổ và dân tộc bị áp bức tự mình cởi ách ngựa trâu, chứ không phải bằng cách mòn bánh xe, móng ngựa để du thuyết các vương hầu. Mỗi thời đại một khác. Đi vào cách mạng, Người đặt vấn đề tự do và vấn đề hạnh phúc đi đôi. Có người Mỹ nói Cụ Hồ vừa là Washington vừa là Lincoln. Đúng là như vậy. Mà Cụ Hồ còn đi xa hơn nữa trên hướng nhân ái thiết thực.

Vẫn theo lời đồng chí Võ Nguyên Giáp: Chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh là chủ nghĩa nhân văn khoa học, hiện thực cách mạng. Người ta thường cho rằng Hồ Chí Minh là một nhà triết học hành động thì cũng có thể nói nhà nhân văn Hồ Chí Minh là một nhà nhân văn hành động - hành động nhằm giải phóng con người.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng - người học trò xuất sắc cũng là người cộng sự gần gũi của Bác Hồ - đã viết rất ân tình: Những tư tưởng lớn của Hồ Chủ tịch là những tình cảm lớn. Bác Hồ là “muôn vàn tình thương yêu” đối với đồng chí, đồng bào. Trong tình thương yêu đó, có chỗ cho mọi người, không quên, không sót một ai. Thương yêu và quan tâm chăm sóc mọi tầng lớp đồng bào, trai gái, già trẻ, đồng bào các dân tộc, các tôn giáo, kiều bào ở nước ngoài. Bác Hồ đặc biệt ân cần chăm lo các chiến sĩ trong lực lượng vũ trang nhân dân, là những người chiến đấu quên mình trên tiền tuyến; các cháu thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, là lớp người thừa kế sự nghiệp cách mạng; chị em phụ nữ anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang trong sản xuất và chiến đấu; đồng bào các dân tộc ít người, đã và sẽ tiếp tục có cống hiến cao quý vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Trong lòng Bác, đồng bào miền Nam, thành đồng Tổ quốc, chiếm một vị trí đặc biệt,...

Đã có biết bao câu chuyện sống động về tư tưởng nhân văn, lòng thương yêu con người và đức hy sinh cao cả của Bác, kể sao cho xiết.

Cả cuộc đời làm cách mạng, Bác “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được độc lập, dân tộc ta được tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Bác “ăn không ngon ngủ không yên khi đồng bào còn chịu khổ”.

Bác nêu tấm gương kính già, yêu trẻ. Kính già đến mức gửi thư chúc một phụ lão cứu quốc ở tuổi thượng thọ đã không tổ chức lễ mừng mà đem số tiền 500 đồng tiết kiệm được quyên vào Quỹ Kháng chiến, Hồ Chủ tịch tự xưng mình là cháu: “Cháu xin thay mặt Chính phủ cảm ơn cụ và trân trọng chúc cụ sống lâu và hoàn toàn mạnh khỏe”. Yêu trẻ đến mức Tết Trung thu nào cũng có lời thơ chúc. “Trung thu trăng sáng như gương/ Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”. Và các cháu thì hát vang: “Không ai yêu Bác Hồ Chí Minh bằng chúng em nhi đồng”.

Với đồng bào các dân tộc, Bác từng nói: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê-đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”.

Với đồng bào các tôn giáo, bao giờ Bác cũng nêu lên cái tinh hoa của giáo lý. Với đồng bào theo đạo Thiên chúa, Bác viết: “Kinh thánh có câu: Ý dân là ý Chúa. Con đường yêu nước mà đồng bào đang đi là hoàn toàn đúng.” Với đồng bào theo đạo Phật, Bác viết: “Đồng bào Phật giáo cả nước, từ Bắc đến Nam đều cố gắng thực hiện lời Phật dạy là: Lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha” (Đem lại lợi ích và vui sướng cho mọi người. Quên mình vì người khác).

Với những người lầm đường, lạc lối, Người cũng mở lượng khoan dung: “Trừ bọn Việt gian bán nước, trừ bọn phát xít thực dân, là những ác quỷ mà ta phải kiên quyết đánh đổ, đối với tất cả những người khác thì ta phải yêu quý, kính trọng, giúp đỡ. Phải thực hành chữ BÁC ÁI”.

Nhà thơ Tố Hữu nói tự đáy lòng mình:

Người là Cha, là Bác, là Anh

Quả tim lớn lọc trăm dòng máu nhỏ

Bác sống như trời đất của ta

Yêu từng ngọn lúa mỗi nhành hoa

Tự do cho mỗi đời nô lệ

Sữa để em thơ, lụa tặng già.

Và:

Bác ơi, tim Bác mênh mông thế

Ôm cả non sông mọi kiếp người!

Tư tưởng nhân văn hiện thực, tình yêu thương bao la và cuộc sống bình dị của Bác có sức cảm hóa lớn. Hồ Chí Minh trở thành biểu tượng cao đẹp của một nhân cách Con Người tầm cỡ thế giới.

Nhà báo Jean Roux trong báo Chiến đấu (Pháp) viết: “Từ ba mươi năm nay, trong số các nhân vật mà tôi gặp được, chắc chắn Cụ Hồ là đáng khâm phục nhất. Cụ là người hoàn toàn đáng được mọi người ca ngợi, bởi vì Cụ đã kết hợp đến mức nhuần nhuyễn phi thường chủ nghĩa anh hùng với đầu óc sáng suốt, lòng yêu nước tuyệt vời, tinh thần cách mạng trong sáng, thái độ cứng rắn trước cuộc sống với lòng nhân đạo đối với con người”.

Nhà báo Montaron trên báo Bằng chứng Thiên chúa giáo, cũng viết: “Cụ Hồ Chí Minh là một trong những chiến sĩ lần đầu tiên của thế giới thứ ba, của các dân tộc nghèo đói nhằm thèm khát một cuộc sống cho ra người… Cụ đã đem hết sức mình để mang lại cơm ăn nước uống cho những ai đói khát. Cụ đã bênh vực cho những người yếu hèn và mang lại nhân phẩm cho những người nghèo khổ”.

Burchett, nhà báo Australia nổi tiếng, nhận xét: Nói tới một người mà cả cuộc đời mình để lại ân tình sâu nặng cho nhân dân thì không có một ai khác ngoài Chủ tịch Hồ Chí Minh… Người ta không thể trở thành một Hồ Chí Minh nhưng ở Cụ Hồ, mỗi người có thể học một điều gì làm cho mình tốt hơn.

Và thật cảm động, Thủ tướng Jawaharlal Nehru trong cuộc tiếp đón Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Ấn Độ (năm 1958) đã nói một cách chân tình: “Chúng ta đã được tiếp xúc với một người. Người đó là một phần của lịch sử châu Á. Ngoài phần gặp gỡ một con người vĩ đại, chúng ta đã gặp một mảng lịch sử của lịch sử. Do đó, có lẽ chúng ta không chỉ được tăng thêm về suy nghĩ mà còn được tăng thêm cả về tầm vóc”.

Sẽ không thừa nếu nhắc lại: Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức UNESCO đã vinh danh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới./.

(*) Sách do nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 2007. Những đoạn trích dẫn trong bài viết đều lấy từ cuốn sách này.

Nguồn: tuyengiao.vn

Lượt xem: 536
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006187399
  •  Đang online: 288
  •  Trong tuần: 288
  •  Trong tháng: 213.273
  •  Trong năm: 2.791.312