NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Cil Múp Gluyết - bông hoa rực rỡ của núi rừng Lang Biang In trang
28/08/2024 08:29 SA

Thay vì theo đuổi cơ hội phát triển ở thành phố, Cil Múp Gluyết chọn quay trở về Lang Biang, nơi chị có thể sử dụng chuyên môn của mình để chăm sóc sức khỏe cho người dân ở buôn làng. Với chị, mỗi ca khám bệnh, mỗi lời khuyên về sức khỏe không chỉ đơn thuần là công việc mà còn là cách để chị bày tỏ tình cảm và lòng biết ơn đối với nơi đã nuôi dưỡng chị lớn khôn.

Chị Gluyết tận tình thăm khám sức khỏe cho bà con
Chị Gluyết tận tình thăm khám sức khỏe cho bà con

Sau ca trực, chị Cil Múp Gluyết (35 tuổi), nữ Điều dưỡng trưởng của Khoa Nội nhi - Truyền nhiễm, Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương, không vội về nhà để nghỉ ngơi. Thay vào đó, chị tranh thủ đến nhà bà Mebla Hồng (63 tuổi), tổ dân phố Đăng Gia (thị trấn Lạc Dương), để thăm khám sức khỏe.

Nhiều năm nay, bà Hồng thường xuyên mệt mỏi, đau nhức do viêm khớp, huyết áp cao và tim mạch. Mỗi lần đến, chị không chỉ kiểm tra sức khỏe mà còn tư vấn chế độ ăn uống hợp lý và nhắc nhở bà Hồng uống thuốc đúng giờ. “Gluyết rất tốt bụng, từ ngày có Gluyết thường xuyên sang thăm khám, tôi cảm thấy an tâm hơn hẳn”, bà Mebla Hồng nói.

Ở tổ dân phố Đăng Gia, hầu như ai cũng biết tấm lòng của chị Cil Múp Gluyết. Từ khi còn là cô sinh viên ngành Y, chị đã thường xuyên thăm hỏi và chăm sóc sức khỏe cho những người già neo đơn, người bệnh có hoàn cảnh khó khăn trong vùng. “Khi đi học ở thành phố, tôi nhận ra bà con ở quê còn nhiều thiệt thòi, vì vậy, tôi muốn góp phần chăm lo sức khỏe cho người dân được tốt hơn,” chị chia sẻ.

Nói về cơ duyên đến với nghề y, chị Cil Múp Gluyết cho biết, từ nhỏ chị luôn ấp ủ ước mơ trở thành cô giáo để truyền đạt tri thức cho trẻ em trong buôn làng. Nhưng biến cố năm lớp 12 đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời chị. Chị kể: “Ông nội tôi trong một lần đi chăn trâu đã bị tai biến mạch máu não, nhưng không được phát hiện và can thiệp kịp thời. Khi gia đình tìm thấy ông, ông đã nằm bất tỉnh giữa đồng. Cảnh tượng đó đã ám ảnh tôi sâu sắc, khiến tôi luôn tự hỏi: ‘Giá như mình biết cách sơ cứu, có lẽ đã cứu được ông.’ Hơn nữa, ở quê, nhiều người có bệnh nhưng không có điều kiện để đi bệnh viện, trạm y tế để khám. Họ thường xuyên tìm đến thầy cúng hay áp dụng những biện pháp dân gian thay vì đến cơ sở y tế. Chính vì những điều này, tôi quyết định từ bỏ ước mơ làm giáo viên để theo đuổi ngành Y, với mong muốn có thể nâng cao điều kiện chăm sóc sức khỏe cho bà con ở thôn buôn”.

Sau khi hoàn thành chương trình học tại Trường Trung cấp Y tế Lâm Đồng (nay là Trường Cao đẳng Y tế Lâm Đồng), chị Gluyết quyết định trở về quê hương thay vì chọn những cơ hội việc làm tốt hơn ở thành phố. Chị áp dụng kiến thức đã học để giúp bà con nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng, sức khỏe sinh sản, đồng thời chú trọng thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh tật.

Bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe cho bà con, chị còn tích cực tuyên truyền trong các buổi họp tổ, họp thôn về lợi ích của Bảo hiểm y tế, phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và vệ sinh an toàn thực phẩm. Chị cũng kiên trì giải thích và động viên bà con từ bỏ phong tục, tập quán lạc hậu, đồng thời, khuyến khích họ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị khi cần.

Mặc dù nhiều người dân trong vùng còn e ngại với Bảo hiểm y tế vì chưa hiểu đúng, hiểu đủ lợi ích của nó, chị Gluyết vẫn nỗ lực, tận tình giải thích và vận động mọi người tham gia. “Bảo hiểm y tế hỗ trợ người bệnh rất nhiều, không chỉ được hưởng các dịch vụ y tế chất lượng mà còn giúp giảm gánh nặng tài chính cho người bệnh”, chị nói.

Nhờ những nỗ lực không ngừng nghỉ của chị, nhận thức về chăm sóc sức khỏe trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Lạc Dương đã được nâng lên đáng kể. “Những việc làm của tôi chỉ là những điều giản dị và nhỏ bé, nhưng tôi tin rằng từng hành động nhỏ sẽ tạo ra thay đổi lớn” chị Gluyết chia sẻ.

Trong công việc, chị Gluyết luôn thể hiện sự tận tâm và trách nhiệm cao nhất. Chị không ngừng nâng cao kiến thức, năng lực chuyên môn và áp dụng những tiến bộ y học vào thực tiễn để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Đối với mỗi bệnh nhân, chị luôn coi như người thân của mình, luôn gần gũi, quan tâm và chia sẻ. Chị luôn tận tình, chu đáo trong công việc, có thái độ đúng mực trong giao tiếp và chăm sóc bệnh nhân. Điều này đã khiến bà con cảm thấy yên tâm mỗi khi gặp chị tại Trung tâm Y tế huyện.

Luôn tận tâm với nghề nghiệp và hết lòng với bà con, chị Cil Múp Gluyết đã góp phần tích cực vào việc cải thiện sức khỏe và đời sống của bà con trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và trở thành một trong những người con tiêu biểu của đồng bào dân tộc thiểu số ở Lạc Dương nói riêng và tỉnh nói chung.

(Theo NHẬT QUỲNH/baolamdong.vn)

Lượt xem: 163
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006503007
  •  Đang online: 191
  •  Trong tuần: 11.919
  •  Trong tháng: 182.920
  •  Trong năm: 182.920