NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Thế giới tuần qua: Lời cảnh báo thận trọng In trang
30/04/2023 02:44 CH

Tuần qua (24-30/4), việc WHO đưa ra thông tin về sự sụt giảm của số ca tử vong do dịch COVID-19 được coi là một dấu hiệu khích lệ, cho thấy những tiến bộ của con người trong kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, lời cảnh báo đi kèm của cơ quan này về sự hiện hữu và biến đổi không ngừng của virus đã phát đi một lời cảnh báo thận trọng mà mỗi chúng ta không thể xem nhẹ.

WHO: Số ca tử vong vì COVID-19 giảm nhưng cần tiếp tục cảnh giác

Khách du lịch đeo khẩu trang khi di chuyển tại sân bay Heathrow, Anh. Ảnh: Reuters
Khách du lịch đeo khẩu trang khi di chuyển tại sân bay Heathrow, Anh. Ảnh: Reuters

Ngày 26/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số ca tử vong vì dịch bệnh COVID-19 đã giảm 95% kể từ đầu năm 2023. Tuy nhiên, WHO cũng kêu gọi tiếp tục cảnh giác bởi virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 vẫn đang lây lan.

Theo đánh giá của WHO, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hiện hữu và các nước sẽ phải nghiên cứu cách quản lý các tác động không khẩn cấp của dịch bệnh, bao gồm cả tình trạng hậu COVID-19, hay còn gọi là COVID kéo dài.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 26/4, Tổng Giám đốc WHO - Tiến sỹ Tedros Adhanom Ghebreyesus nói: “Chúng tôi cảm thấy rất khích lệ trước sự sụt giảm liên tục về số ca tử vong do COVID-19 được báo cáo, với mức giảm 95% kể từ đầu năm nay". Tuy nhiên, ông Ghebreyesus cũng lưu ý thêm rằng, số các ca nhiễm COVID-19 lại đang có dấu hiệu gia tăng trở lại ở một số quốc gia và chỉ trong 4 tuần qua, đã có tới 14.000 người đã thiệt mạng vì dịch bệnh này.

"Cùng với đó là sự xuất hiện của biến thể XBB.1.16 mới cho thấy virus vẫn đang thay đổi, có khả năng gây ra những làn sóng dịch bệnh và tử vong mới” - người đứng đầu WHO cảnh báo.

Trong khi đó, bà Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật của WHO về COVID-19, cho biết các dòng phụ của biến thể XBB hiện đang chiếm ưu thế trên toàn thế giới. Đáng lưu tâm là biến thể XBB cũng có biểu hiện trốn tránh miễn dịch, nghĩa là mọi người có thể bị tái nhiễm mặc dù đã được tiêm vaccine hoặc bị nhiễm bệnh trước đó. Qua đó, đại diện này của WHO kêu gọi tăng cường giám sát thông qua xét nghiệm để bảo đảm rằng "chúng ta có thể theo dõi và nắm rõ sự thay đổi của virus", nhằm phục vụ cho việc bào chế vaccine và đưa ra các quyết sách ứng phó với virus.

SIPRI: Chi tiêu quân sự toàn cầu lên mức cao nhất mọi thời đại

Ảnh minh họa: AP Photo/Alex Brandon
Ảnh minh họa: AP Photo/Alex Brandon

Chi tiêu quân sự trên toàn cầu trong năm 2022 tăng lên mức cao nhất mọi thời đại, với tổng số 2,24 nghìn tỷ USD, trong bối cảnh cuộc xung đột ở Ukraine khiến châu Âu dùng nhiều ngân sách hơn cho quốc phòng.

Báo cáo thường niên về chi tiêu quân sự toàn cầu được Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố ngày 24/4 cho thấy, chi tiêu quân sự toàn cầu tăng năm thứ 8 liên tiếp. Riêng của châu Âu tăng 13%, cao nhất trong ít nhất 30 năm.

Các nước gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Ả rập Xê út là những nước dẫn đầu về chi tiêu quân sự khi lần lượt chiếm 39%, 13%, 3,9%, 3,6% và 3,3% chi tiêu quân sự của thế giới. Tình hình bất ổn ở Ukraine và căng thẳng ở Đông Á trở thành những yếu tố đưa mức chi tiêu quân sự toàn cầu lên mức cao kỷ lục. Đáng chú ý, chi tiêu quân sự của châu Âu vào năm 2022 đã tăng 13%, đạt 480 tỷ USD - đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất trong 30 năm gần đây. Con số thống kê này không tính tỷ lệ lạm phát mạnh và do vậy chi tiêu trên thực tế có thể còn cao hơn.

Nhà nghiên cứu cấp cao của Chương trình sản xuất vũ khí và chi tiêu quân sự của SIPRI - ông Nan Tian cho rằng: “Sự gia tăng liên tục trong chi tiêu quân sự toàn cầu trong những năm gần đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta đang sống trong một thế giới ngày càng bất an… Các quốc gia đang củng cố sức mạnh quân sự để đối phó với môi trường an ninh đang xấu đi, trong khi họ không thấy trước được những tín hiệu cải thiện trong tương lai gần”.

Các tác giả của báo cáo lưu ý rằng chi tiêu quân sự của các nước Trung và Tây Âu đã trở lại mức ghi nhận được ở thời Chiến tranh Lạnh. Ở Trung Âu, chi tiêu quân sự đã lên tới 345 tỷ USD vào năm 2022. Xét về mặt thực tế, mức chi tiêu này đã lần đầu tiên vượt qua mức chi năm 1989 và cao hơn 30% so với năm 2013.

Sudan: Lệnh ngừng bắn được kéo dài, tình hình nhân đạo vẫn khó khăn

Bất ổn tiếp diễn đã khiến nhiều người dân Sudan đang rơi vào cảnh khó khăn. (Ảnh: Reuters)
Bất ổn tiếp diễn đã khiến nhiều người dân Sudan đang rơi vào cảnh khó khăn. (Ảnh: Reuters)

Ngày 24/4, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết các phe phái đối địch ở Sudan đã đồng ý thực hiện lệnh ngừng bắn trên toàn quốc trong 72 giờ, bắt đầu từ nửa đêm ngày 24/4 (theo giờ địa phương). Nhà ngoại giao Mỹ cho biết đây là kết quả sau 48 giờ đàm phán căng thẳng giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ tranh (RSF). Ông Blinken kêu gọi các bên ở Sudan ngay lập tức tuân thủ và duy trì lệnh ngừng bắn này.

Cùng ngày, RSF xác nhận lực lượng này đã đồng ý với thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ làm trung gian để tạo điều kiện cho các hoạt động nhân đạo trong thời gian đình chiến.

Ngày 27/4, SAF và RSF đã ra thông báo riêng rẽ nhằm xác nhận tiếp tục gia hạn thỏa thuận ngừng bắn trong 72 giờ, có hiệu lực kể từ khi kết thúc thỏa thuận ngừng bắn hiện tại vào nửa đêm 28/4. Tuy nhiên, hai bên vẫn cáo buộc nhau về các cuộc tấn công được thực hiện vào các vị trí ở các khu vực khác nhau.

Ngày 27/4, tại thủ đô Khartoum của Sudan đã xảy ra các cuộc không kích, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn đạt được trước đó giữa quân đội Sudan và RSF. Trong khi đó, giao tranh bùng phát tại vùng Darfur trong bối cảnh xung đột giữa hai bên bước sang ngày thứ 13.

Căng thẳng âm ỉ kéo dài suốt nhiều tháng qua tại Sudan đã leo thang đỉnh điểm vào ngày 15/4 khi nổ ra các vụ đụng độ dữ dội giữa quân đội và RSF tại nhiều địa điểm trên toàn quốc, trong đó có cả Thủ đô Khartoum. Theo Bộ Y tế Sudan, ít nhất 512 người đã thiệt mạng và 4.193 người bị thương do giao tranh. Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn, ít nhất 8 dân thường đã thiệt mạng tại Khartoum riêng trong ngày 26/4. Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) ước tính có khoảng 50.000 trẻ suy dinh dưỡng cấp tính không có đủ thức ăn do chiến sự. Ngoài ra, giao tranh ác liệt khiến nhiều dân thường mắc kẹt trong nhà và phải chịu cảnh thiếu trầm trọng thực phẩm, nước uống và điện.

Trước bối cảnh trên, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới tiếp tục bày tỏ quan ngại và kêu gọi chấm dứt ngay lập tức các cuộc giao tranh ở Sudan.

Tổng thư ký Liên hợp quốc cảnh báo việc thực hiện SDGs không đạt tiến triển

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Reuters)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Reuters)

Ngày 26/4, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững(SDGs) không đạt tiến triển.

Ông Guterres nhấn mạnh đại dịch COVID-19, khủng hoảng khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường đang gây các tác động hủy diệt và ngày càng trầm trọng hơn do xung đột tại Ukraine.

Tổng Thư ký chỉ ra rằng số người sống trong cảnh nghèo khổ cùng cực ngày nay cao hơn so với cách đây 4 năm, và cứ theo xu hướng này, chỉ 30% quốc gia trên thế giới đạt được mục tiêu SDGs 1 (không còn đói nghèo) vào năm 2030.

Số người đói cũng gia tăng và đã trở lại mức của năm 2005, trong khi bình đẳng giới trở lại mức cách đây 300 năm, bất công cũng ở mức cao kỷ lục và đang tiếp tục gia tăng.

Ngoài ra, con người tiếp tục tàn phá thiên nhiên khiến lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tiếp tục tăng, nồng độ khí CO2 ở mức cao nhất trong vòng 2 triệu năm qua. Nguy cơ tuyệt chủng tăng 3% kể từ năm 2015 và hiện nay, cứ 5 loài thì có hơn 1 loài bị đe dọa tuyệt chủng.

Trước tình trạng này, báo cáo trên đưa ra 5 khuyến nghị: Các quốc gia thành viên Liên hợp quốc cần cam kết hành động để đạt các SDGs cấp quốc gia và quốc tế từ giờ đến năm 2030; chính phủ các nước cần thiết lập các tiêu chuẩn quốc gia tham vọng hơn nhằm giảm đói nghèo và bất bình đẳng vào năm 2027 và 2030. Các khuyến nghị tiếp theo bao gồm các quốc gia cần cam kết chấm dứt tàn phá thiên nhiên, tăng cường thể chế và trách nhiệm giải trình của các chính phủ, và đẩy mạnh các nỗ lực đa phương hỗ trợ hệ thống phát triển và hành động của Liên hợp quốc tại Hội nghị thượng đỉnh Vì tương lai 2024.

Hạ viện Mỹ thông qua đề xuất tăng giới hạn nợ quốc gia

Toàn cảnh một phiên họp Hạ viện Mỹ ở Washington, DC. (Ảnh: THX/TTXVN)
Toàn cảnh một phiên họp Hạ viện Mỹ ở Washington, DC. (Ảnh: THX/TTXVN)

Hôm 26/4, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật nâng trần nợ và cắt giảm hàng nghìn tỷ USD chi tiêu của Chính phủ Mỹ.

Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua "Đạo luật Giới hạn, Tiết kiệm, Tăng trưởng năm 2023" với tỷ lệ 217 phiếu ủng hộ, 215 phiếu phản đối. Bốn thành viên đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống đối với dự luật. Dự luật này thể hiện quan điểm của đảng Cộng hòa về cách tránh khủng hoảng nợ trong tương lai.

Biện pháp này sẽ nâng trần nợ thêm 1,5 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 3/2024, và cắt giảm chi tiêu ở mức 4,5 nghìn tỷ USD.

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ hôm 25/4 cho hay dự luật sẽ giảm thâm hụt ngân sách liên bang 4.800 tỷ USD trong thập kỷ tới nếu được ký thành luật.

Dự luật trên sẽ trải qua cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện, trước khi chuyển đến Tổng thống Biden để thông qua. Tuy nhiên, Nhà Trắng cho hay Tổng thống J.Biden sẽ phủ quyết nếu dự luật chuyển đến ông.

Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất trong việc nâng trần nợ với điều kiện cắt giảm chi tiêu của chính phủ sẽ làm chậm tăng trưởng và làm mất việc làm. Trong khi đó, Tổng thống Biden cho rằng, việc nâng giới hạn nợ là "không thể thương lượng". Ông Biden nhấn mạnh để xảy ra vỡ nợ sẽ là một hành động vô trách nhiệm.

Ngày 25/4, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo việc Quốc hội bế tắc trong nâng trần nợ của chính phủ sẽ gây ra một "thảm họa kinh tế" và khiến lãi suất tăng cao trong nhiều năm tới. Theo bà Yellen, việc vỡ nợ sẽ đe dọa đến những tiến bộ về kinh tế mà Mỹ đã đạt được từ sau đại dịch COVID-19, dẫn đến mất việc làm, đẩy chi phí các khoản thanh toán hộ gia đình như vay thế chấp, vay mua ôtô và thẻ tín dụng tăng cao.

Trong khi đó, các thị trường tài chính đang ngày càng lo ngại về tình trạng bế tắc trong vấn đề nâng trần nợ của chính phủ, khiến chi phí bảo hiểm nợ của Mỹ tăng lên mức cao nhất trong một thập niên, trong khi các nhà phân tích tài chính cảnh báo nguy cơ vỡ nợ ngày càng gia tăng.

Nguồn: dangcongsan.vn

Lượt xem: 298
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005911272
  •  Đang online: 118
  •  Trong tuần: 55.971
  •  Trong tháng: 227.403
  •  Trong năm: 2.515.185