NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Thế giới tuần qua: Ngăn chặn xung đột leo thang In trang
08/05/2023 08:47 SA

Thúc đẩy đàm phán hòa bình chính là chìa khóa cho các cuộc xung đột đang diễn ra ở Sudan, Ukraine. Trong khi đó, WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu; Afghanistan đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong lịch sử hiện đại; Khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32);… là một số sự kiện tiêu biểu của thế giới tuần qua (1-7/5).

Các bên giao tranh bắt đầu đàm phán tại Saudi Arabia

Ngày 6/5, Mỹ và Saudi Arabia ra thông cáo chung cho biết các bên trong giao tranh tại Sudan đã bắt đầu đàm phán nhằm đảm bảo một thỏa thuận ngừng bắn sau 3 tuần giao tranh ác liệt làm hàng trăm người thiệt mạng và đẩy quốc gia châu Phi này đến bên bờ sụp đổ.

Hai nhà lãnh đạo đại diện Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) và Các Lực lượng Vũ trang Sudan (Ảnh: The Citizen)
Hai nhà lãnh đạo đại diện Các lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) và Các Lực lượng Vũ trang Sudan (Ảnh: The Citizen)

Thông cáo chung cho biết cuộc đàm phán đầu tiên giữa quân đội Sudan và RSF kể từ khi bùng phát giao tranh ngày 15/4 đã diễn ra tại thành phố duyên hải Jeddah của Saudi Arabia bên bờ Biển Đỏ. Cuộc đàm phán là một phần trong sáng kiến ngoại giao mà vương quốc Saudi Arabia và Mỹ đề xuất nhằm chấm dứt giao tranh tại thủ đô Khartoum của Sudan cũng như nhiều khu vực đô thị khác, vốn đã đẩy hàng trăm nghìn người vào cảnh mất nhà cửa.

Thông cáo chung kêu gọi hai bên giao tranh “tích cực cam kết đàm phán hướng đến một thỏa thuận ngừng bắn và chấm dứt xung đột”, tuy nhiên không đề xuất một thời gian biểu cho các cuộc đàm phán. Được biết, các cuộc đàm phán bàn về việc mở các hành lang nhân đạo tại Khartoum và thành phố Omdurman lân cận, trung tâm chiến sự. Hai bên cũng thảo luận việc bảo vệ cơ sở hạ tầng dân sinh, như các trung tâm y tế vốn đã quá tải và trong tình trạng thiếu nhân sự cũng như trang thiết bị y tế.

Theo Bộ Y tế Sudan, tính đến ngày 1/5, ít nhất 550 người đã thiệt mạng và hơn 4.900 người bị thương. Theo Nghiệp đoàn bác sĩ Sudan, có 473 dân thường trong số người thiệt mạng và hơn 2.450 dân thường trong số người bị thương. Giao tranh đã nhấn chìm Sudan trong hỗn loạn và khiến các nước phải sơ tán nhà ngoại giao và công dân nước mình. Hàng trăm nghìn người Sudan đã phải đi sơ tán trong nước và ra nước ngoài. Liên hợp quốc ước tính số người phải sơ tán sang các nước láng giềng sẽ lên tới 860.000 người và các cơ quan nhân đạo sẽ cần 445 triệu USD để hỗ trợ những người này.

Trung Quốc thúc đẩy đàm phán hòa bình nhằm giải quyết cuộc xung đột Ukraine

Trung Quốc sẽ kiên trì thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng Ukraine, đồng thời sẵn sàng duy trì liên lạc và phối hợp với Nga để có những đóng góp thiết thực nhằm hướng tới giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng này.

Đó là tuyên bố do Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đưa ra trong khuôn khổ cuộc gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov diễn ra ngày 4/5 bên lề Hội nghị Ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Goa, Ấn Độ.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương. (Ảnh: VCG)
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương. (Ảnh: VCG)

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc đề cập tới việc tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình nhằm hóa giải cuộc xung đột Nga - Ukraine. Đầu tháng 4/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần đầu tiên hội đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy kể từ sau thời điểm Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022.

Trong cuộc điện đàm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định Bắc Kinh sẽ không “tiếp thêm lửa” cho cuộc xung đột Ukraine, đồng thời cho rằng đã đến thời điểm chín muồi để “giải quyết cuộc khủng hoảng về mặt chính trị”. Ông Tập Cận Bình kêu gọi Ukraine theo đuổi “giải pháp chính trị” thông qua đối thoại để mang lại hòa bình cho châu Âu.

Về phía Tổng thống Ukraine Zelenskiy mô tả cuộc điện đàm kéo dài 1 giờ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình là một cuộc đối thoại “dài và có ý nghĩa", mở ra cơ hội thúc đẩy mối quan hệ giữa Ukraine và Trung Quốc. Ông Zelenskiy cho rằng cuộc điện đàm “đặc biệt chú ý đến các cách thức hợp tác khả thi để thiết lập một nền hòa bình công bằng và bền vững cho Ukraine”.

Trong bối cảnh trên, các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang có vị thế hòa giải tốt trong cuộc xung đột Nga - Ukraine vì với vai trò là đồng minh quan trọng hàng đầu của Nga, Trung Quốc đang duy trì nhiều đòn bẩy ngoại giao trong quan hệ với Moscow. Không những thế, Trung Quốc còn có vị thế nhất định trong quan hệ với Ukraine và đã mở rộng thương mại với Ukraine sau thời điểm Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.

Tháng 3/2023, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chuyến thăm Nga và hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó hai bên nhấn mạnh việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine thông qua đối thoại.

WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu

Ngày 5/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch COVID-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế gây lo ngại trên toàn cầu (PHEIC) - là mức cảnh báo cao nhất của tổ chức này.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: WHO)
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. (Ảnh: WHO)

Tuyên bố trên được Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, đưa ra tại một cuộc họp báo trực tuyến tại Geneva, Thụy Sĩ. Tuy nhiên, ông nêu rõ quyết định này không có nghĩa COVID-19 không còn là mối đe dọa đối với y tế toàn cầu và vẫn cần hết sức thận trọng.

Quan chức WHO ước tính trên phạm vi toàn cầu, số người tử vong do COVID-19 có thể lên tới "ít nhất 20 triệu người", cao gần gấp 3 lần số liệu thống kê chính thức khoảng 6,9 triệu người tử vong. Đến ngày 3/5, số liệu chính thức cho thấy có hơn 765 triệu người mắc căn bệnh này.

Lần đầu tiên WHO đưa ra mức cảnh báo cao nhất về COVID-19 vào ngày 30/1/2020. Mức cảnh báo này được hội đồng chuyên gia y tế toàn cầu của WHO duy trì tại các cuộc họp tổ chức 3 tháng một lần kể từ đó đến nay. Vào tháng 3/2020, WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch khi virus SARS-CoV-2 gây bệnh lây lan mạnh trên toàn thế giới.

Theo dữ liệu của WHO, tỷ lệ tử vong do COVID-19 đã giảm từ mức kỷ lục hơn 100.000 người/tuần trong tháng 1/2021 xuống còn hơn 3.500 người/tuần trong tuần từ ngày 14 - 21/4 vừa qua.

Afghanistan đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong lịch sử hiện đại

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 2/5 cảnh báo Afghanistan đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất trong lịch sử hiện đại; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế tài trợ thêm cho kế hoạch ứng phó nhân đạo của Liên hợp quốc.

Phát biểu của Tổng Thư ký Liên hợp quốc được đưa ra tại cuộc họp báo sau cuộc họp kín về vấn đề Afghanistan được tổ chức trong 2 ngày tại thủ đô Doha (Qatar) với sự tham gia của đặc phái viên từ hơn 20 quốc gia và tổ chức quốc tế.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Xinhua)
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Xinhua)

Theo ông Antonio Guterres, hiện 97% dân số Afghanistan đang sống trong cảnh nghèo đói, trong khi có khoảng 2/3 dân số cần hỗ trợ nhân đạo để duy trì cuộc sống trong năm nay. Người đứng đầu Liên hợp quốc cảnh báo rằng, Kế hoạch Ứng phó Nhân đạo của Liên hợp quốc mới chỉ nhận được 294 triệu USD trong số 4,6 tỷ USD cần tài trợ, tức là thiếu tới 94%.

Tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký Liên hợp quốc cũng chỉ trích các chính sách tiêu cực của Taliban đối với phụ nữ và trẻ em gái. Theo ông, việc chính quyền cấm phụ nữ làm việc cho Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước là không thể chấp nhận được. Trả lời câu hỏi của một phóng viên, ông Antonio Guterres cho biết ông sẽ đến gặp đại diện của Taliban vào một thời điểm thích hợp, nhưng không phải bây giờ.

Chính quyền Taliban không được mời tham dự cuộc họp này. Đại diện Taliban bày tỏ phản đối về việc bị loại ra khỏi các cuộc đàm phán tại Doha, đồng thời bác bỏ những tuyên bố chỉ trích các biện pháp hạn chế của chính quyền đối với phụ nữ Afghanistan.

Phụ nữ Afghanistan ngày càng bị hạn chế tham gia các hoạt động công cộng kể từ khi Taliban trở lại nắm quyền từ tháng 8/2021. Dù cam kết áp dụng các quy định Hồi giáo mềm dẻo hơn so với giai đoạn cầm quyền đầu tiên 1996 - 2001, nhưng Taliban đã từng bước đưa ra các biện pháp hạn chế đời sống xã hội, nhất là đối với phụ nữ.

Khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32)

Tối 5/5, tại sân vận động quốc gia Morodok Techo ở thủ đô Phnom Penh, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Techo Hun Sen, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 (SEA Games 32) đã chính thức bắt đầu với lễ khai mạc hoành tráng, ấn tượng. Ngọn đuốc SEA Games 32 đã chính thức được thắp trên đài lửa của sân Morodok Techo, hứa hẹn SEA Games 32 không chỉ là những ngày tranh tài sôi nổi, quyết liệt của một kỳ đại hội thể thao, mà còn là những ngày hội của tình đoàn kết giữa các dân tộc, quốc gia trong khối ASEAN.

Lễ khai mạc SEA Games 32 diễn ra tối 5/5 tại sân vận động quốc gia Morodok Techo ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia (Ảnh: VnExpress)
Lễ khai mạc SEA Games 32 diễn ra tối 5/5 tại sân vận động quốc gia Morodok Techo ở thủ đô Phnom Penh, Campuchia (Ảnh: VnExpress)

Với khẩu hiệu “Thể thao - Sống trong hòa bình”, SEA Games 32 thu hút gần 13.000 vận động viên từ 11 quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, tranh tài ở 37 môn thể thao với 583 nội dung.

Tính đến hết ngày 6/5, chủ nhà Campuchia vẫn đang dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương SEA Games 32. Campuchia đã giành tổng cộng 40 huy chương tại SEA Games 32, trong đó có 18 vàng, 11 bạc và 11 đồng. Đứng thứ 2 là đoàn thể thao Indonesia với 8 vàng, 7 bạc và 11 đồng. Với 7 vàng, 10 bạc và 15 đồng, đoàn thể thao Thái Lan tạm đứng thứ 3. Philippines đứng thứ tư với 7 vàng, 4 bạc và 18 đồng. Đoàn thể thao Việt Nam đứng thứ 5 với 6 vàng, 11 bạc và 16 đồng.

Campuchia trở thành nước chủ nhà đầu tiên trong lịch sử SEA Games làm điều đặc biệt đó là: miễn phí tiền vé, đài thọ toàn bộ chi phí lưu trú, ăn uống và di chuyển nội địa cho các đoàn thể thao dự sự kiện cũng như không lấy tiền bản quyền truyền hình.

Nguồn: dangcongsan.vn

Lượt xem: 330
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006526647
  •  Đang online: 249
  •  Trong tuần: 35.559
  •  Trong tháng: 206.560
  •  Trong năm: 206.560