NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Thế giới tuần qua: Những tín hiệu tích cực In trang
14/05/2023 02:03 CH

Thế giới trải qua nhiều sự kiện đáng chú ý, trong đó chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản sang Hàn Quốc mở ra một khởi đầu mới cho quan hệ hai nước; WHO tuyên bố đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu; EU khởi động đấu thầu mua chung khí đốt... đã mang lại những tín hiệu tích cực trong việc giải quyết nhiều vấn đề thách thức.

WHO tuyên bố đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu

Một bác sĩ đang phân tích triệu chứng của một ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trên màn hình máy tính tại một phòng khám sức khỏe ở Lisbon, Bồ Đào Nha. (Ảnh: WHO/Khaled Mostafa).
Một bác sĩ đang phân tích triệu chứng của một ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trên màn hình máy tính tại một phòng khám sức khỏe ở Lisbon, Bồ Đào Nha. (Ảnh: WHO/Khaled Mostafa).

Ngày 11/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus dẫn tuyên bố từ Ủy ban khẩn cấp của WHO khẳng định, bệnh đậu mùa khỉ không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế công cộng gây quan ngại quốc tế (PHEIC), sau gần một năm dịch bệnh này bùng phát ở nhiều nước và buộc WHO phải đặt cảnh báo cao nhất cho dịch bệnh đậu mùa khỉ vào tháng 7/2022.

Như vậy, đậu mùa khỉ là dịch bệnh thứ 2, sau COVID-19, được WHO tuyên bố không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu trong vòng 1 tuần qua. Tuy nhiên, cũng giống như COVID-19, người đứng đầu WHO vẫn tiếp tục khuyến cáo các quốc gia cần cảnh giác với bệnh đậu mùa khỉ bởi căn bệnh này sẽ không biến mất. Theo dữ liệu do WHO công bố, trong 3 tháng qua, số ca mắc mới bệnh đậu mùa khỉ được báo cáo đã giảm gần 90% so với 3 tháng trước đó.

Tuy nhiên, ông Tedros cảnh báo rằng, cũng tương tự như với COVID-19, việc tuyên bố chấm dứt tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu không có nghĩa là công việc đã kết thúc. Theo lập luận của người đứng đầu WHO thì virus tiếp tục ảnh hưởng đến các cộng đồng ở tất cả các khu vực, bao gồm cả ở châu Phi, nơi sự lây nhiễm vẫn chưa được hiểu rõ và đặt ra những thách thức nghiêm trọng về sức khỏe cộng đồng. Thực tế đó cần tới những phản ứng mạnh mẽ, chủ động và bền vững.

Theo WHO, kể từ khi bùng phát hồi năm ngoái, hơn 87.000 trường hợp và 140 trường hợp tử vong do dịch bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo từ 111 quốc gia. Vào tháng 7/2022, WHO tuyên bố dịch bệnh đậu mùa khỉ là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu, mức cảnh báo cao nhất mà cơ quan này ban hành với một loại dịch bệnh.

Quan hệ Nhật – Hàn trước một khởi đầu mới

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Sul-yeol (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ở thủ đô Seoul, ngày 7/5/2023. (Ảnh: Yonhap)
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Sul-yeol (phải) và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida chụp ảnh chung tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc ở thủ đô Seoul, ngày 7/5/2023. (Ảnh: Yonhap)

Ngày 7/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thực hiện chuyến công du kéo dài 2 ngày tới Hàn Quốc. Việc lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Nhật Bản tới Hàn Quốc sau 12 năm đã đánh dấu việc khôi phục toàn diện nỗ lực “ngoại giao con thoi” nhằm hàn gắn quan hệ giữa hai nước láng giềng Đông Á vốn bị kéo căng trong nhiều năm qua do những bất đồng lịch sử.

Tại Hội nghị thượng đỉnh diễn ra ở Seoul (Hàn Quốc), ngày 7/5, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Sul-yeol chia sẻ thống nhất chung rằng Tokyo và Seoul đang có những bước đi nhằm đưa mối quan hệ song phương quay trở lại đúng hướng. Việc hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Nhật Bản tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ 2 trong vòng chưa đầy 2 tháng (với cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên diễn ra trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol vào tháng 3/2023) được đánh giá là một cuộc gặp mang tính biểu tượng cao, thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của hai láng giềng nhằm khôi phục hoàn toàn quan hệ.

Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Hàn Quốc đã hoan nghênh việc hai láng giềng khởi động các nỗ lực "ngoại giao con thoi", phản ánh quá trình bình thường hóa quan hệ song phương hiện đang đi đúng hướng. Các nhà lãnh đạo khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác an ninh song phương cũng như trong khuôn khổ cơ chế ba bên giữa Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ nhằm đối phó với các chương trình phát triển tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên.

Trong cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc hồi tháng 3/2023, Thủ tướng Kishida cũng khẳng định quan điểm của Chính phủ Nhật Bản kế thừa toàn bộ nhận thức lịch sử của các chính phủ trước đây, bao gồm tuyên bố chung năm 1998 được cựu Tổng thống Kim Dae-jung và cựu Thủ tướng Nhật Bản Keizo Obuchi thông qua.

Về phía Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cũng tỏ rõ thiện chí khi cho rằng, các bất đồng lịch sử chưa được giải quyết không có nghĩa là không thể có bước tiến để gắn kết quan hệ giữa hai bên. Nhận định này của nhà lãnh đạo Hàn Quốc dường như cho thấy ông rất trân trọng thông điệp từ phía Thủ tướng Kishida nhằm đưa hai nước xích lại gần nhau hơn.

Nga duyệt binh trọng thể kỷ niệm 78 năm Ngày Chiến thắng

Các binh sĩ Nga diễu hành về phía Quảng trường Đỏ để tham dự cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Moscow, đánh dấu kỷ niệm 78 năm kết thúc Thế chiến II. (Ảnh: Alexander Zemlianichenko/AP)
Các binh sĩ Nga diễu hành về phía Quảng trường Đỏ để tham dự cuộc duyệt binh Ngày Chiến thắng ở Moscow, đánh dấu kỷ niệm 78 năm kết thúc Thế chiến II. (Ảnh: Alexander Zemlianichenko/AP)

Đúng 10h ngày 9/5 (giờ Moscow, tức 14h giờ Hà Nội), cuộc duyệt binh kỷ niệm 78 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại 1941-1945 đã long trọng diễn ra trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva. Với nhiều người dân Nga và những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, Lễ duyệt binh ngày 9/5 luôn là sự kiện được mong đợi.

Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng năm nay (9/5/2023) đánh dấu tròn 78 năm kể từ khi Đức Quốc xã đầu hàng Liên Xô trong Thế chiến II. Ngày Chiến thắng là một trong những ngày lễ quan trọng nhất ở Nga, khi mọi người tưởng nhớ những hy sinh to lớn của Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941 - 1945), với khoảng 27 triệu người đã ngã xuống.

Lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng của Nga năm nay có sự tham gia của hơn 10.000 binh sĩ, gồm hàng trăm binh sỹ tham gia chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine và 125 khí tài quân sự. Từ khán đài trung tâm trên Quảng trường Đỏ, Tổng thống Nga Vladimir Putin, các cựu chiến binh và quan khách theo dõi cuộc duyệt binh do Tổng tư lệnh Lực lượng Lục quân, Tướng Oleg Salyukov chỉ huy. Lễ duyệt binh năm nay có sự tham của nguyên thủ các nước: Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, Tổng thống Kyrgyzstan Sadyr Japarov, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon, Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdymuhamedov.

Mở đầu Lễ duyệt binh, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu trong 10 phút với những nội dung đáng chú ý. Ông chúc mừng các chỉ huy của "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga vì đã góp phần mang lại chiến thắng cho đất nước. Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh trước toàn thể người dân Nga rằng thế giới đang ở một bước ngoặt quan trọng và họ đang tham gia vào một cuộc đấu tranh yêu nước vì tương lai của đất nước, vào thời điểm nước Nga kỷ niệm ngày chiến thắng Đức Quốc xã trong Thế chiến thứ II. Tổng thống Nga khẳng định, Ngày Chiến thắng là một lễ kỷ niệm để tôn vinh "ông cha chúng ta", những người đã chiến đấu vì Tổ quốc, cứu thế giới khỏi chủ nghĩa phát xít.

Không chỉ ở thủ đô Moskva, các lễ duyệt binh quy mô nhỏ hơn đã diễn ra ở nhiều phố khác của Nga với sự tham gia của tổng cộng hơn 55.000 người và khoảng 1.200 đơn vị vũ khí.

EU khởi động đấu thầu mua chung khí đốt

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic. (Ảnh: Euractiv.com)
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic. (Ảnh: Euractiv.com)

Ngày 10/5, Liên minh châu Âu (EU) lần đầu tiên khởi động cuộc đấu thầu quốc tế để mua chung khí đốt, nhằm đảm bảo dự trữ năng lượng trước mùa Đông 2023-2024.

Theo đó, 77 công ty châu Âu đã gửi yêu cầu về tổng khối lượng khoảng 11,6 tỷ m3 khí đốt, trong đó gồm 2,8 tỷ m3 khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và 9,6 tỷ m3 giao hàng qua đường ống thông qua gói thầu đầu tiên.

Các nhà cung cấp khí đốt quốc tế, ngoại trừ Nga đã yêu cầu gửi hồ sơ dự thầu trước ngày 15/5 sắp tới. Những mức giá thầu tốt nhất sau đó sẽ được chuyển cho các công ty khách hàng để thảo luận chi tiết trước khi các bên liên quan tiến hành ký kết.

EU hiện đang nỗ lực tìm mua khí đốt với mức giá tốt nhất có thể để bảo đảm dự trữ loại tài nguyên quan trọng này trước mùa đông sắp tới. Bên cạnh đó, các quốc gia thành viên EU hướng đến mục tiêu chấm dứt sự phụ thuộc năng lượng vào Nga, trong bối cảnh Moskva đã quyết định cắt giảm nguồn cung khí đốt qua đường ống cho châu Âu.

 

Cuộc đấu thầu đầu tiên do EU kêu gọi bao gồm nhiều đợt giao hàng, dự kiến từ tháng 6/2023 đến tháng 5/2024. Các cuộc gọi đấu thầu mới sẽ diễn ra 2 tháng/lần cho đến cuối năm 2023.

EU đặt mục tiêu dự trữ 90% khí đốt vào tháng 11 để ứng phó với thời tiết khắc nghiệt của mùa đông. Để làm được điều này, các quốc gia thành viên khối này cần mua chung ít nhất 15% khối lượng khí đốt.

Cơ chế mua chung khí đốt này là một phần trong các biện pháp được EU thông qua vào năm 2022 để đối phó với cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột Nga-Ukraine.

Sudan: Bất ổn tiếp diễn, khủng hoảng nhân đạo leo thang

Bức ảnh chụp vào ngày 15/4/2023 cho thấy khói bốc lên ở Khartoum, thủ đô của Sudan. (Ảnh: Mohamed Khidir/Tân Hoa xã)
Bức ảnh chụp vào ngày 15/4/2023 cho thấy khói bốc lên ở Khartoum, thủ đô của Sudan. (Ảnh: Mohamed Khidir/Tân Hoa xã)

Bất chấp việc các bên đối địch quân sự ở Sudan đã đạt được một số thỏa thuận ngừng bắn, các cuộc giao tranh gây nhiều thương vong vẫn tiếp tục diễn ra ở thủ đô Khartoum và các khu vực khác. Cuộc tranh giành quyền lực giữa hai phe trong chính quyền quân sự Sudan khiến cộng đồng quốc tế lo ngại khi ngày càng đẩy quốc gia Bắc Phi dấn sâu vào vòng xoáy bất ổn của một cuộc nội chiến.

Theo số liệu thống kê, giao tranh kéo dài giữa quân đội chính phủ và Lực lượng hỗ trợ giao tranh (RSF) bùng phát từ hôm 15/4, khiến hơn 500 người thiệt mạng, hàng nghìn người bị thương. Khoảng 50.000 - 70.000 người đã chạy trốn khỏi đất nước trong khi 5 triệu người di tản trong nước. Giao tranh vẫn tiếp tục dù hai phe đã thống nhất về lệnh ngừng bắn đã khiến cho nhiều người không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc bị mắc kẹt ở lại và sinh sống tạm bợ qua ngày trong tình trạng thiếu thốn các dịch vụ cơ bản.

Nhiều cư dân ở các thành phố Khartoum, Omdurman và Bahri đang phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng do thiếu hụt bánh mì, nước và điện. Trong khi đó, nhiều bệnh viện cũng phải ngừng hoạt động do thiếu thuốc. Theo Hiệp hội Bác sĩ Sudan, nhân viên y tế không thể tiếp cận bệnh viện và các cơ sở y tế đã bị phá hủy hoặc tịch thu để biến thành doanh trại quân đội. Ngoài ra, người dân Khartoum cũng khó tiếp cận được các dịch vụ Internet và bị cản trở liên lạc thông qua các mạng viễn thông chính.

Trong khi đó, việc thiếu hành lang nhân đạo ở Sudan cũng đã khiến các hoạt động hỗ trợ của các tổ chức quốc tế bị gián đoạn. Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cho biết sáu trong số các xe tải của họ hướng tới Darfur đã bị cướp bóc vào ngày 3/5 bất chấp những đảm bảo về an toàn và an ninh đã được đưa ra trước đó.

Trước bối cảnh trên, ngày 5/5, Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA) đã cảnh báo về kịch bản 19 triệu người sẽ bị thiếu lương thực trầm trọng ở Sudan trong vòng 3 đến 6 tháng tới nếu xung đột tiếp diễn. Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) mới đây cũng cho biết cơ quan này và các đối tác sẽ cần 445 triệu USD để hỗ trợ dòng người tị nạn từ Sudan, đồng thời đề nghị các nước láng giềng mở cửa biên giới tiếp nhận người dân Sudan chạy trốn bạo lực.

Nguồn: dangcongsan.vn

Lượt xem: 313
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 005909589
  •  Đang online: 120
  •  Trong tuần: 54.288
  •  Trong tháng: 225.720
  •  Trong năm: 2.513.502