(LĐ online) - Thay đổi tư duy chăn nuôi, thay đổi tập tục nhiều đời của ông bà, một nông dân đã và đang làm giàu từ con trâu của người K’Ho. Chăn nuôi quy mô lớn, với chuồng trại đầu tư bài bản, đây là hướng đi mới của một nông dân K’Ho dưới chân núi Lang Biang.
Ông Ha Lang thăm bầy trâu
Ghé vào thăm hệ thống chuồng nuôi trâu, bò đang được xây dựng của gia đình ông Đơng Gur Ha Lang, Thôn 1, xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, khách thăm đều trầm trồ với mức đầu tư và quy mô lớn của chuồng nuôi. Chuồng rộng, có thể nuôi được cả trăm con trâu, bò, với nhà xây kiên cố, sàn đúc bê tông và hệ thống máng ăn, nước uống được quy hoạch tốt. Ông Ha Lang cho biết, đây là chuồng nuôi do gia đình xây dựng với mục tiêu nuôi bò cao sản và mang trâu trên rừng về nhà.
Nhắc lại chuyện ông bà, ông Ha Lang kể lại, từ rất xưa, người K’Ho Đạ Sar đã thả trâu nuôi tự do trong rừng, dưới chân núi Lang Biang. Để tránh trâu quên chủ, trở thành trâu rừng đi hoang, hàng tuần, chủ trâu phải lên rừng, mang muối cho trâu liếm, trâu không quên chủ, không quá sợ người. Như nhà ông Ha Lang có bầy trâu gần cả trăm con, ông là một trong những người K’Ho đầu tiên ở Đạ Sar thay đổi cung cách nuôi trâu thả hoang: ông bắt trâu về, nuôi trong chuồng cố định.
Đưa khách ra thăm chuồng trâu với 8 con trâu cái và đực, ông Ha Lang khoe, trâu của người K’Ho là một trong những giống trâu to nhất của dòng trâu nuôi, trọng lượng trâu cái 400 - 500 kg, trâu đực có con lên tới trên 600 kg. Có lẽ do thả nuôi trong rừng nhiều đời, có lai giống trâu rừng, những con trâu của bà con có bộ lông rất rậm, nhất là nghé con, toàn thân phủ một lớp lông dày, dài. Ông Ha Lang cho biết, mang trâu về nuôi cố định, bà con tốn cỏ, tốn thêm cám, thêm công chăm, dọn dẹp mỗi ngày. Như nhà ông tốn 15 triệu/tháng cho tiền mua thêm rơm, cám tổng hợp cho trâu ăn. Bù lại, trâu thải ra lượng phân chuồng, vừa có phân bỏ cho vườn cà phê của gia đình, vừa dư để bán. Như năm trước, ông bán được tới 500 bao phân với giá 30 ngàn đồng/bao. Theo tính toán của ông Ha Lang, lượng phân do chuồng trâu cung cấp đã bù gần đủ chi phí tiền cám, tiền cỏ cho trâu.
Là giống có trọng lượng lớn, lượng thịt nhiều, trâu của ông Ha Lang được khách rất ưa chuộng. Trâu mẹ mang thai 9 tháng, sau khi đẻ, nuôi nghé con 6 tháng là có thể xuất chuồng với giá từ 12 - 15 triệu đồng/con. Nếu nuôi được 3 năm, trâu trưởng thành có giá tới 40 triệu. Nuôi bầy trâu 1 năm, chỉ cần bán 2 - 3 con nghé là dư giả sinh hoạt phí trong gia đình. Vì vậy, tính tới lợi ích lâu dài, ông Ha Lang quyết định đầu tư gần 300 triệu xây chuồng trâu quy mô lớn, mang thêm trâu từ trên rừng về và nuôi thêm bò 3B siêu thịt. Theo ông Ha Lang, ông đã tìm hiểu khá kỹ về giống bò 3B và đánh giá khả năng phát triển của giống bò này rất tốt. Bò 3B có trọng lượng lớn, dễ nuôi, ít bệnh tật, có thể nuôi nhốt và kỹ thuật chăm tương tự với bầy trâu của người K’Ho. Ông đã đặt cọc tiền để chuẩn bị đón lứa bò 3B đầu tiên về khi chuồng nuôi hoàn thành giai đoạn xây dựng.
Băn khoăn của ông Ha Lang vẫn là cần có thêm lượng chất xanh cho trâu, bò. Ngoài lượng cỏ khô nhập, cám tổng hợp, trâu, bò vẫn cần thêm chất xanh từ cỏ tươi, thân bắp các loại. Vì vậy, ông đã bỏ bớt diện tích cà phê của gia đình để trồng cỏ voi, trồng bắp. Hiện, gia đình đang có 3 sào đất chuyên trồng cỏ voi nhưng nếu nâng số lượng trâu, bò theo đúng dự tính, lượng cỏ sẽ thiếu hụt. Với 3 ha cà phê, ông đang dự tính cải tạo, trồng thêm 4 sào cỏ để có thể cung cấp chất xanh cho 50 - 60 con vừa trâu, vừa bò 3B.
Bà Liêng Hót K’Sáu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Sar đánh giá, gia đình ông Đơng Gur Ha Lang là hộ nông dân sản xuất giỏi của địa phương. Ông làm cà phê cho năng suất cao, lại là một trong những nông hộ đi đầu trong việc đưa trâu nuôi lang thang về chuồng cố định, là một tấm gương sản xuất, chăn nuôi hiệu quả cho bà con trong xã học hỏi.
DIỆP QUỲNH