(LĐ online) - Trong Cuộc thi Khoa học và Kỹ thuật cấp tỉnh học sinh trung học lần thứ 15, năm học 2022 - 2023 xuất hiện một đề tài khá lạ, được đánh giá cao bởi ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhiều người trong cộng đồng. Đó là đề tài “Giải pháp bảo tồn và phát huy nét đẹp của dây cườm (nhoong) trong văn hóa đồng bào dân tộc Cil xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng” của 2 bạn trẻ người K’Ho Cil, học sinh Trường THPT Đạ Sar.
Hai học sinh nghiên cứu về sợi nhoong cùng với cô giáo hướng dẫn
• SỢI NHOONG TRONG ĐỜI SỐNG NGƯỜI CIL
Krajăn Thủy Tiên, cô học trò lớp 11A1 vốn là cư dân Thôn 1, xã Đạ Sar. Sinh ra trong một gia đình người K’Ho Cil, cô bé hiểu nhiều phong tục truyền thống của dân tộc mình. Thủy Tiên cho biết, với người K’Ho Cil tại Đạ Sar, nhoong là trang sức quan trọng, được con cháu tặng ông bà, cha mẹ trong dịp mừng thọ. Nhoong là tín vật định tình của các đôi trai gái. Trong lễ thách cưới, nhà trai sẽ đưa ra các yêu cầu về lễ vật, trong đó, không thể thiếu nhoong. Người Cil còn dùng nhoong như một món quà lưu niệm tặng cho khách khi đến tham dự các dịp trọng đại của gia đình như đám cưới, lễ đặt tên, tân gia,… Cùng với đó, một số gia đình trao truyền nhoong cho con cái như một kỷ vật của gia đình.
Tuy nhiên, đồng bào Cil không làm được nhoong mà đa phần mua lại của người Chăm (Phan Rang, Ninh Thuận). Có một số loại nhoong phổ biến như: nhoong pop màn dưl, nhoong Đạ hàng rơting kròt, nhoong Đạ hàng rơting kròt bộ… Có sợi nhoong cổ làm bằng đá mã não tự nhiên có giá lên tới 20 triệu đồng.
Đây là nét đẹp truyền thống của người Cil. Nhưng hiện tại, nhoong là lễ vật quan trọng trong thách cưới, được mua từ nơi khác về nên giá thành tương đối cao và trở thành gánh nặng cho các gia đình có con gái khi lấy chồng. Trong gia đình Thủy Tiên, mẹ của em đã phải tích góp tiền nhiều năm để mua nhoong cho con gái cưới chồng. Nhiều đám cưới, riêng chi phí cho nhoong lên tới 60 - 100 triệu đồng, là chi phí rất nặng, nhiều gia đình phải bán đất để cưới chồng cho con.
Nhận ra gánh nặng của sợi nhoong trong đám cưới, Thủy Tiên đã cùng Liêng Jrang Na sirê, nam sinh lớp 12A1 nghiên cứu về sợi nhoong với khát vọng đi sâu nghiên cứu sự ảnh hưởng của nhoong đến đời sống của người Cil hiện đại để đưa ra giải pháp bảo tồn và phát huy nét đẹp của nhoong trong văn hóa đồng bào dân tộc Cil xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng. Hai bạn học sinh đã tìm hiểu qua sách vở, khảo sát các “chuyên gia” am hiểu về nhoong là các già làng, chính quyền địa phương, các cặp vợ chồng mới cưới… Dưới sự hướng dẫn của cô giáo Nguyễn Huyền Trang, hai người bạn đã có hàng trăm cuộc phỏng vấn, với các câu hỏi mở để thu thập thông tin về nhoong và đã có kết luận sơ lược, nhoong là nét đẹp truyền thống nhưng đang gây áp lực rất lớn cho người phụ nữ Cil khi lập gia đình. Và đề xuất của hai bạn trẻ là thay đổi tư duy của người Cil, đặc biệt là thế hệ trẻ, chỉ nên xem nhoong là một nét đẹp văn hóa có giá trị tinh thần, không nên định giá quá cao gây ra những gánh nặng không đáng có.
• THAY ĐỔI CUỘC SỐNG TỪ GIÁO DỤC
Thầy Phan Văn Thế - Hiệu trưởng Trường THPT Đạ Sar cho biết, từ nhiều năm nay, tại các cuộc thi dành cho học sinh, nhà trường luôn đồng hành, hỗ trợ các em tham gia với những thành tích tốt nhất. Thầy Thế chia sẻ, so với các trường có điều kiện tốt hơn ở trung tâm, các em học sinh của Đạ Sar chủ yếu là người K’Ho Cil nên điều kiện còn khó khăn. Nhưng các em cũng có điểm mạnh của mình, đó là hiểu về đời sống của người dân bản địa, chính là ông bà, cha mẹ, bạn bè của mình.
Vì vậy, từ 4 năm trở lại đây, các đề tài dự thi của Trường THPT Đạ Sar luôn đi sâu, tìm tòi những đề tài phát sinh từ chính cuộc sống của các em. Đó là nghiên cứu về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nghiên cứu về cồng chiêng và năm 2023 là nghiên cứu về nhoong trong đời sống người Cil Đạ Sar. Và thật may mắn, cả 4 năm, học sinh nhà trường đều đoạt giải. Thầy Phan Văn Thế chia sẻ: “Việc dự thi, đoạt giải là điều rất vui với nhà trường cũng như các em. Nhưng quan trọng hơn, đó là chúng tôi xác định cùng các em thay đổi dần quan niệm lạc hậu, xóa bỏ dần những hủ tục, giúp đời sống của các em ngày càng tiến bộ. Giáo dục đúng sẽ giúp thay đổi đời sống một cách bền vững”.
Một tin mừng với những học trò Trường THPT Đạ Sar, Cuộc thi Khởi nghiệp do tỉnh Lâm Đồng tổ chức, nhà trường cũng đoạt giải Khuyến khích với ý tưởng làm thiệp handmade từ nguyên vật liệu địa phương. Cũng như hầu hết các ý tưởng dự thi của học sinh Đạ Sar, nhà trường luôn hướng dẫn các em nghiên cứu, tư duy từ chính cuộc sống của mình, của gia đình, của bà con xung quanh để tìm ra những ý tưởng tốt. Và từ chính ý tưởng của các em, nhà trường sẽ cử các thầy, cô giáo có kinh nghiệm hỗ trợ học sinh, biến ý tưởng thành những công trình khoa học.
Những cô bé, cậu bé người Cil nơi đất Đạ Sar, bằng chính nghiên cứu, tìm hiểu của mình, đang cố gắng thay đổi cuộc sống của bản thân, của gia đình, cùng cộng đồng bớt dần những hủ tục đè nặng lên mái nhà người Cil.
DIỆP QUỲNH