Đề cương văn hóa Việt Nam do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng soạn thảo, được công bố năm 1943 là một văn kiện lịch sử vô giá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với cách mạng, kháng chiến, chỉ ra con đường vận động, phát triển của nền văn hóa mới Việt Nam.
Bản Đề cương về Văn hóa Việt Nam đăng toàn văn trên Tạp chí Tiên Phong số 1 (Ảnh: baotanglichsu.vn)
Về bối cảnh:
Thời kỳ bấy giờ, tình hình kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa - xã hội ở Việt Nam rất phức tạp, mâu thuẫn giai cấp và dân tộc ngày càng sâu sắc thêm. Nhân dân ta nói chung, trí thức, văn nghệ sĩ, học sinh, sinh viên yêu nước nói riêng đã đứng lên đấu tranh chống lại phát xít Nhật và thực dân Pháp, đòi lại quyền tự do, độc lập cho dân tộc. Tuy nhiên, Nhật và Pháp đã cấu kết với bè lũ tay sai, dùng các thủ đoạn dã man, tàn ác, kể cả thủ đoạn “trói buộc vǎn hoá và giết chết vǎn hoá Việt Nam” để thực hiện mưu đồ xâm lược của chúng. Trong bối cảnh ấy, Đảng ta và Bác Hồ kính yêu đã quyết định triệu tập Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng từ ngày 25 đến 28/2/1943 để bàn biện pháp đối phó với tình hình, quyết tâm đẩy mạnh phong trào đấu tranh cách mạng trong cả nước, tiến tới chặn đứng và đập tan âm mưu, thủ đoạn xâm lược của phát xít Nhật và thực dân Pháp. Đảng ta nhận định, trong lúc này, Đảng cần phải có các tổ chức và đội ngũ cán bộ chuyên môn hoạt động về văn hoá, văn nghệ để gây dựng và thúc đẩy phong trào văn hoá tiến bộ, văn hoá cứu quốc nhằm chống lại văn hóa phong kiến bảo thủ, lạc hậu... Vì vậy, tại Hội nghị Thường vụ Trung ương, Đảng ta khẳng định rõ đối với vấn đề vǎn hoá và được ghi trong Đề cương văn hóa Việt Nam công bố năm 1943, Đề cương ra đời đáp ứng yêu cầu đó của lịch sử.
Kết cấu của Đề cương:
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 gồm 05 phần: Phần (I): “Cách đặt vấn đề”; phần (II): “Lịch sử và tính chất văn hóa Việt Nam”; phần (III): “Nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp”; phần (IV): “Vấn đề cách mạng văn hóa Việt Nam” và phần (V): “Nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít Đông Dương và nhất là của những nhà văn hóa Mácxít Việt Nam”.
Nội dung cơ bản của Đề cương:
Đề cương thể hiện các quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, phương châm, nguyên tắc của nền văn hóa dân tộc, như sau:
Thứ nhất, xác định rõ nội dung, phạm vi, vị trí, vai trò của văn hóa trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Đề cương nêu rõ: văn hóa bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; mặt trận văn hóa là một trong ba mặt trận (kinh tế, chính trị, văn hóa) ở đó người cộng sản phải hoạt động, không phải chỉ làm cách mạng chính trị mà còn phải làm cách mạng văn hóa nữa. Đồng thời, có lãnh đạo được phong trào văn hóa Đảng mới ảnh hưởng được dư luận, việc tuyên truyền của Đảng mới có hiệu quả.
Thứ hai, cách mạng văn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng lãnh đạo. Trên cơ sở chỉ rõ tính chất văn hóa Việt Nam trong quá khứ và hiện tại (1943), chỉ rõ những nguy cơ của văn hóa Việt Nam dưới ách thống trị của Nhật - Pháp; những thủ đoạn của Nhật - Pháp trói buộc và giết chết văn hóa Việt Nam; dự kiến về tiền đồ văn hóa Việt Nam. Đề cương khẳng định cách mạng nhất định thắng lợi, văn hóa Việt Nam sẽ cởi được xiềng xích, đuổi kịp văn hóa mới, tiến bộ trên thế giới. Muốn vậy, phải làm cách mạng về văn hóa, “cách mạng vǎn hóa muốn hoàn thành phải do Đảng Cộng sản Đông Dương lãnh đạo”.
Thứ ba, để thực hiện cuộc cách mạng văn hóa ở nước ta phải nắm vững “ba nguyên tắc vận động”, đó là: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa. Ba nguyên tắc đã trở thành phương châm, mục tiêu hành động, là quan điểm xuyên suốt trong quá trình cách mạng và xây dựng nền văn hóa mới.
Dân tộc hóa là chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa, làm cho văn hóa trực tiếp phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc, làm cho trí thức có lòng tự hào, dũng cảm đứng lên nhận trách nhiệm của mình trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển nền văn hóa mới Việt Nam.
Văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và phát huy giá trị
Khoa học hóa là tạo điều kiện cho nền văn hóa dân chủ mới nhanh chóng thoát khỏi sự kìm hãm ấy, nhằm phát triển về mọi mặt trên cơ sở khoa học, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm kim chỉ nam hướng dẫn mọi suy nghĩ, hành động; chống lại tất cả những cái cũ kĩ, lạc hậu, dị đoan.
Đại chúng hóa là văn hóa của Nhân dân, phục vụ Nhân dân, làm cho mọi người biết đọc, biết viết, biết thưởng thức và tham gia sáng tạo nghệ thuật và dần dần chiếm lĩnh các giá trị tinh thần mà dân tộc và loài người tạo ra; chống mọi chủ trương hành động làm cho vǎn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng.
Đảng ta cũng khẳng định: “Muốn cho ba nguyên tắc trên đây thắng, phải kịch liệt chống những xu hướng vǎn hóa bảo thủ, chiết trung, lập dị, bi quan, thần bí, duy tâm...”. Có thể thấy, ba nguyên tắc trên là sự trả lời đúng đắn và kịp thời cho các nhu cầu cấp thiết nổi lên trong một thời điểm trọng đại của lịch sử. Dân tộc, khoa học, đại chúng đã khẩu hiệu, trở thành tính chất, đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam - một nền văn hóa thấm đẫm tinh thần dân tộc, giàu bản sắc do Nhân dân sáng tạo với khát vọng không ngừng vươn đến Chân - Thiện - Mỹ, hướng đến tiến bộ, văn minh.
Thứ tư, để đặt nền móng và định hướng xây dựng một nền văn hóa cách mạng mới, cần kết hợp chặt chẽ, nhuần nhuyễn hai nhiệm vụ “xây” và “chống”. Đề cương nhấn mạnh nhiệm vụ cần kíp của những nhà văn hóa Mácxít là phải chống lại văn hóa phátxít, phong kiến, thoái bộ, nô dịch, ngu dân, phỉnh dân; phát huy văn hóa dân chủ, cải cách chữ quốc ngữ…
Trải qua 80 năm kể từ khi ra đời, Đề cương văn hóa năm 1943 vẫn còn nguyên giá trị lý luận và tính thời đại sâu sắc, tiếp tục soi đường cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trên con đường hội nhập và phát triển. Để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam chúng ta cần phải thực hiện tốt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về văn hóa, đặc biệt là quan điểm Đại hội lần thứ XIII của Đảng về xây dựng và phát huy hệ giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021 nhằm góp phần vun đắp nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc, tạo sức mạnh, nguồn lực nội sinh để xây dựng nước Việt Nam phồn vinh và hạnh phúc.
(Theo Mộc Miên/tuyenquang.dcs.vn)