NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Đưa Cà phê Lang Biang ra thế giới In trang
27/01/2023 07:50 SA

“Đó là một hành trình tuyệt vời suốt hơn 20 năm làm cà phê của mình. Nó khiến mình nhận ra cà phê mình làm ngon thế nào và mình đang đứng ở đâu”, anh nông dân Cil Sommy Pat nói về trải nghiệm của mình khi là một trong những đại diện của cà phê Việt Nam có mặt tại SCAJ - Lễ hội Cà phê Đặc sản thế giới năm 2022 tại Nhật Bản.

Hình ảnh một cặp vợ chồng trong trang phục thổ cẩm truyền thống lạ mắt gây chú ý với hơn 40.000 khách hàng tại triển lãm cà phê đặc sản lớn nhất châu Á và có uy tín trên thế giới. Và họ đã phải trầm trồ khi biết hai người đến từ đất nước Việt Nam.

Kiyotaka Yamaoka và Cil Sommy Pat
Kiyotaka Yamaoka và Cil Sommy Pat

HẠT CÀ PHÊ CỦA TÌNH BẠN

“Along time story” - Kiyotaka Yamaoka đã dùng câu nói này để nói về quãng thời gian hơn 3 năm, kể từ lần đầu tiên anh gặp và mua cà phê của một người nông dân K’Ho dưới chân núi LangBiang (thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương).

Trong ấn tượng của Kiyotaka Yamaoka, đó là người đàn ông hiền lành, ít nói, với màu da và nụ cười rất đặc trưng. Khi đồng ý “bắt tay” với Cil Pat, anh Kiyotaka không ngờ rằng chặng đường có thể đi xa, và đạt được những thành công đầu tiên chỉ sau hơn 3 năm, chưa kể một quãng thời gian dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Mối duyên hạnh ngộ của Kiyotaka Yamaoka và Cil Sommy Pat ngỡ như không tưởng bởi sự khác biệt về sắc tộc, màu da, văn hóa, ngôn ngữ, quan điểm sống… Nhưng có một sợi dây kết nối không ngờ, đó chính là tình yêu đối với cà phê và cả ước mong làm ra được hạt cà phê ngon nhất.

Kiyotaka Yamaoka vốn là một nhiếp ảnh gia người Nhật. Vì yêu mến đất nước Việt Nam, từ năm 2010, anh đã dành nhiều thời gian rong ruổi để cảm nhận vẻ đẹp trên khắp dải đất hình chữ S. Cũng là người có nhiều kinh nghiệm trong rang xay và kinh doanh cà phê ở Nhật Bản, đến năm 2016, anh bắt đầu cuộc sống và mở một quán cà phê ở TP Hồ Chí Minh. Khi đã lập gia đình với một cô gái Việt Nam, Kiyotaka muốn trở thành một phần của nơi đây và anh nghĩ đến việc trở thành cầu nối để đưa hạt cà phê Việt Nam thơm ngon đến thế giới, mà đầu tiên là quê hương Nhật Bản của mình.

“Tôi không dám khẳng định mình đã đi hết những vùng đất trồng cà phê ở Việt Nam nhưng những nơi nổi tiếng như Sơn La, Khe Sanh (Quảng Trị), các tỉnh Tây Nguyên, Cầu Đất (Đà Lạt)… thì tôi đã đi hết. Nhưng đến đây, dường như có một sự thu hút đặc biệt. Cà phê ở đây rất ngon nhưng lại không nổi tiếng. Tôi muốn nhiều người biết đến nơi này”, anh Kiyotaka Yamaoka nói.

Đó cũng là câu trả lời cho việc chuyển cả gia đình lên sinh sống ở thị trấn Lạc Dương, và trở thành hàng xóm với Cil Sommy Pat. Anh Pat giống như hàng trăm nông dân khác ở xứ này, lớn lên từ những ngày tháng hạt cà phê chứa đầy một bụng, như một loại trái cây của trẻ em miền núi. Theo truyền thống ông bà để lại, anh canh tác cà phê trên những triền đồi xanh tốt, chăm chỉ thu hái từng trái ngọt theo tự nhiên. Cứ như thế từ khi còn là thanh niên, đến khi lập gia đình, trở thành cha của những đứa trẻ.

Nhưng rồi khi trong làng bắt đầu có những người làm sơ chế cà phê như K’Ho Coffee, anh tập tành làm thử. Kể từ đó, cuộc sống của anh và gia đình cũng đã có nhiều chuyển biến, công việc tuy có vất vả hơn nhưng đổi lại bằng thu nhập cao hơn. Những hạt cà phê nhân xanh lần lượt theo đối tác có mặt ở Nhật và cả Úc, Mỹ… nhưng phải đến khi làm việc với Kiyotaka Yamaoka trong dự án Lang Biang Coffee Project, anh mới ý thức được việc mình cần phải chăm chút, đầu tư hơn và quyết tâm hơn để cải thiện cuộc sống của mình và buôn làng.

CÀ PHÊ VÀ THỔ CẨM K’HO GIỮA TOKYO

Cà phê Việt Nam rất nhiều, rất ngon, nhưng trên thế giới chưa khẳng định được tên tuổi và chưa định vị được trên thị trường. Tại sao người ta biết đến hình ảnh các buôn làng ở Brazil, Colombia rất nổi tiếng nhưng dường như ở Việt Nam chưa có được điều này? Đó là những thắc mắc trong đầu Kiyotaka Yamaoka từ khi anh bắt đầu tìm hiểu về cà phê Việt Nam.

Chính vì vậy, sau nhiều ấp ủ, Kiyotaka Yamaoka đã cùng vợ chồng anh Cil Pat tham dự Triển lãm SCAJ World Speciality Coffee Conference and Exhibition 2022. Tại đây, bên cạnh các doanh nghiệp Nhật Bản, các gian hàng đến từ các nước trồng, sản xuất cà phê nổi tiếng ở Trung và Nam Mỹ, Đông Nam Á, châu Phi đã tạo nên màu sắc đa dạng, thu hút đông đảo lượng khách tham quan đến từ nhiều thành phần như các công ty kinh doanh, công ty rang xay cà phê, công ty phân phối bán lẻ, các nhà hàng, khách sạn, các công ty liên quan đến chế biến thực phẩm, cá nhân yêu thích cà phê...

“Đây cũng là nơi các thương hiệu cà phê nổi tiếng trên thế giới giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm, là nơi khách tham quan được trải nghiệm và thưởng thức nhiều loại hương vị cà phê đặc sắc khác nhau. Chúng tôi may mắn là 1 trong 2 đơn vị của Việt Nam có gian hàng tại triển lãm. Khách hàng bị thu hút và tò mò bởi một màu da, một bộ trang phục của một dân tộc. Họ bất ngờ khi biết chúng tôi là đại diện một dân tộc thiểu số đến từ một vùng đất của Việt Nam”, Kiyotaka Yamaoka nói.

Có lẽ với một người nông dân như Cil Sommy Pat đó là chuyến đi mà cả đời này khó quên. Việc xuất hiện ở Nhật Bản trong triển lãm - là hiện thực mà cả trong mơ anh chưa từng nghĩ đến. Chính tay anh đưa từng hạt cà phê mình trồng đến những chuyên gia, tập đoàn nổi tiếng thế giới trong bộ trang phục truyền thống của dân tộc K’Ho dưới chân núi LangBiang. “Tự hào lắm chứ. Cũng hồi hộp, lo lắng không kém vì mình không biết tiếng Anh. Nhưng khi khách hàng từ khắp các nơi đến thưởng thức cà phê tại quầy, dù không thể giao tiếp trực tiếp với họ thì nhìn cái cách họ ngửi và trầm ngâm sau khi nhấp một ngụm cà phê và ra dấu like (yêu thích), thậm chí uống 2, 3 ly thì mình biết cà phê của mình rất ngon. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ vui rồi”, anh Cil Pat kể lại.

Triển lãm SCAJ là ấp ủ của Kiyotaka Yamaoka từ khi bắt đầu LangBiang Coffee Project. Để thực hiện được nó, họ đã cùng nhau trải nghiệm, thử nghiệm và thay đổi nhiều cách sơ chế khác nhau để làm ra những hạt cà phê đặc sản - Specialty coffee. Và giấc mơ đó đã được đặt những viên gạch đầu tiên. “Một đơn vị đặt hàng 3 tấn cho năm nay và 10 tấn cho năm sau. Đó là một tín hiệu tốt. Vấn đề còn lại của mình là làm sao để đạt sản lượng và chất lượng tốt nhất”, anh Kiyotaka Yamaoka cho biết thêm.

Sâu trong thâm tâm của Kiyotaka Yamaoka và Cil Sommy Pat, ngoài sự vui mừng khi cà phê mình làm ra được một thị trường lớn như Nhật Bản chấp nhận, thì việc giúp người nông dân dưới chân núi Lang Biang hiểu được giá trị của cà phê với cuộc sống của chính họ cũng quan trọng không kém.

Giờ đây, khi ngày càng nhiều người K’Ho ở Lạc Dương tạo dựng cho mình thương hiệu cà phê như trước đó có K’ho Coffee, sau này là Zanya Coffee, Yu M’nang Coffee… thì chắc chắn, cà phê ở vùng Lang Biang nói riêng và thương hiệu Lạc Dương chắc chắn còn vang xa. Nhưng với những gì mà hai anh Kiyotaka Yamaoka và Cil Sommy Pat đã làm được, đây sẽ là một trong những con đường ngắn hơn để thế giới biết đến cái tên Lang Biang - một địa phương ở Lâm Đồng, xuất hiện trên bản đồ cà phê đặc sản thế giới trong tương lai không xa.

HỒNG THẮM

Nguồn: baolamdong.vn 

Lượt xem: 606
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006427098
  •  Đang online: 216
  •  Trong tuần: 216
  •  Trong tháng: 107.011
  •  Trong năm: 107.011