NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Xây dựng hồ chứa nước Ta Hoét: Người dân được hưởng lợi trực tiếp In trang
23/02/2023 09:05 SA

(LĐ online) - Đó là mục tiêu của UBND tỉnh Lâm Đồng khi triển khai xây dựng hồ chứa nước Ta Hoét tại thôn K’Rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng. Đây là công trình công cộng, vì sự phát triển chung của cộng đồng, không phục vụ lợi ích bất cứ cá nhân, tổ chức hay doanh nghiệp nào mà người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp. Việc xây dựng thành công hồ Ta Hoét sẽ là động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đức Trọng.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đi thực địa kiểm tra khu vực quy hoạch Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét trước lễ khởi công
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp đi thực địa kiểm tra khu vực quy hoạch Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét trước lễ khởi công

Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét tại xã Hiệp An, huyện Đức Trọng vừa được khởi công xây dựng vào ngày 20/2. Đây là công trình trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2021 - 2025, phục vụ tưới tiêu cho 2.580 ha cây công nghiệp, rau màu, lúa; đồng thời, cấp nước sinh hoạt và tạo cảnh quan du lịch trong vùng.

SỰ CẦN THIẾT TRIỂN KHAI DỰ ÁN

Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét tại thôn K’Rèn, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư; được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV và được Thủ tướng Chính phủ phân bổ vốn từ ngân sách Trung ương để triển khai thực hiện tại Quyết định số 1145/QĐ-TTg ngày 29/7/2020. Dự án này thuộc nhóm B, quy định tại Điều 9, Luật Đầu tư công năm 2019. Vì vậy, quyết định chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh Lâm Đồng. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành các văn bản phê duyệt quyết định đầu tư xây dựng công trình là đúng thẩm quyền, trình tự và thủ tục. Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét được Trung ương bố trí nguồn kinh phí khá lớn, với tổng mức đầu tư là 982 tỷ đồng; trong đó, kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng khoảng 220 tỷ đồng, với diện tích thu hồi khoảng 163 ha; bao gồm: đất của người dân sử dụng là 96,7 ha, diện tích còn lại thuộc sông, suối, đường đi liên quan đến 171 hộ (có 108 hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số).

Dự án này được triển khai vì sự cấp thiết, khi sắp tới hồ chứa Tuyền Lâm tại TP Đà Lạt sẽ chỉ tập trung cung cấp nước cho TP Đà Lạt, dừng điều tiết nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho huyện Đức Trọng và tương lai việc khoan giếng khai thác mạch nước ngầm sẽ bị hạn chế, dần phải chấm dứt. Hệ quả dẫn đến là gần 500 ha đất của huyện Đức Trọng sẽ gặp khó khăn về nguồn nước tưới, tác động thẳng đến việc sản xuất và đời sống của người dân, trong đó, khu vực ảnh hưởng trực tiếp là xã Hiệp An (trong đó có thôn K’Rèn). Ngoài ra, khi không có hồ điều tiết nước, thực trạng đến mùa mưa, nước từ thượng nguồn đổ về rất nhanh gây ngập úng, thiệt hại không nhỏ cho người dân, nhất là tại các khu vực các thôn K’Rèn, K’Long của xã Hiệp An.

Động thổ công trình hồ chứa nước Ta Hoét
Động thổ công trình hồ chứa nước Ta Hoét

NGƯỜI DÂN LÀ ĐỐI TƯỢNG HƯỞNG LỢI TRỰC TIẾP

Hồ chứa nước Ta Hoét được xây dựng sẽ cắt lũ cục bộ từ thượng nguồn và các dòng hợp thủy khác, góp phần không nhỏ vào việc ổn định sản xuất của người dân tại khu vực trước đây bị ngập lụt cục bộ trên địa bàn xã Hiệp An. Mặt khác, hồ chứa nước Ta Hoét khi đưa vào sử dụng sẽ cấp nước tưới cho 2.580 ha đất canh tác thuộc các khu vực, trong đó, hầu hết các hộ dân tại thôn K’Rèn nói riêng và trên địa bàn xã Hiệp An nói chung đều được hưởng lợi trực tiếp. Đồng thời, cấp nước sinh hoạt cho khoảng 65 ngàn người dân, kết hợp nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ, tạo cảnh quan du lịch, góp phần cải thiện tiểu khí hậu trong vùng dự án và tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của xã Hiệp An và huyện Đức Trọng.

Trước khi dự án được triển khai, trong vòng hai năm qua, chính quyền địa phương đã phối hợp với chủ đầu tư và các cơ quan chức năng tiến hành tuyên truyền, vận động để bà con hiểu rõ tầm quan trọng và lợi ích của dự án. Đồng thời, thống kê diện tích đất, hoa màu và các tài sản trên đất của người dân, lên phương án thu hồi và đền bù theo quy định của pháp luật. Phần lớn các gia đình có đất thuộc dự án đã nhận thức được trách nhiệm vì cộng đồng, ủng hộ việc triển khai dự án, nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng cho cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng, vẫn còn một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số không chịu nhận tiền đền bù, không bàn giao mặt bằng. Đồng thời, có một số ý kiến, kiến nghị với huyện, tỉnh, như về giá đất bồi thường; việc làm cho người dân sau khi bị thu hồi đất, bố trí khu tái định canh cho bà con... Các ý kiến, kiến nghị này của bà con đã được UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng và UBND huyện Đức Trọng xem xét, giải quyết.

Đến nay, giá bồi thường, hỗ trợ bình quân cho các hộ dân tại khu vực này đã tăng lên khoảng 40% so với giá cũ, với mức dao động khoảng từ 290 - 471 triệu đồng/sào tùy từng khu vực theo quy định, trong đó giá trị bồi thường các thửa đất có vị trí thuận lợi sẽ cao hơn so với các vị trí không thuận lợi nhằm đảm bảo sự công bằng giữa các chủ sử dụng đất. Ngoài ra, theo quy định, các tài sản nằm ngoài ranh giới thu hồi (đường điện, ống tải nước…) để thực hiện dự án sẽ không được bồi thường; tuy nhiên, chính quyền địa phương đã xem xét, giải quyết bồi thường hỗ trợ đối với nội dung này cho các hộ dân thôn K’Rèn nói riêng và người dân có đất bị thu hồi trong dự án nói chung.

Song song với đó, chính quyền địa phương đã liên hệ, làm việc với các doanh nghiệp, đơn vị có liên quan trên địa bàn huyện Đức Trọng để rà soát nhu cầu sử dụng lao động, đào tạo nghề theo nguyện vọng của người dân có đất bị thu hồi tại dự án; tổ chức phiên giao dịch việc làm, định hướng cho các hộ có nhu cầu về ngành nghề đào tạo, thị trường lao động của huyện nhằm đảm bảo sau khi các hộ dân được đào tạo nghề sẽ có việc làm ổn định. Đến nay, theo nhu cầu của người dân thì đã có 21 lao động đã được tuyển dụng làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn với mức lương ổn định. Hiện, việc đào tạo nghề cho các trường hợp khác và công khai thông tin tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp vẫn tiếp tục được thực hiện, niêm yết công khai tại hội trường thôn K’Rèn để người dân có nhu cầu đăng ký.

Cùng đó, để tạo sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số có đất bị thu hồi thuộc Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét, với mong muốn người dân có đời sống tốt hơn hiện nay, UBND huyện Đức Trọng đang xây dựng khu tái định canh cho bà con, với diện tích là khoảng 50 ha tại xã Hiệp An để cấp cho những gia đình có đủ điều kiện theo quy định. Khu vực này sẽ được đầu tư đường, điện để người dân thuận tiện canh tác, sản xuất.

Tại cuộc họp với các sở, ngành và UBND huyện Đức Trọng ngay sau lễ khởi công, đồng chí Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và cơ quan, đơn vị liên quan tập trung thực hiện một số nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét. Trong đó, có một số nội dung quan trọng như: Tiến hành thành lập tổ công tác chỉ đạo và giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến Dự án Hồ chứa nước Ta Hoét.

Đồng thời, giao UBND huyện Đức Trọng báo cáo Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và tranh thủ các chức sắc, tôn giáo, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc để tiếp tục vận động, thuyết phục, tuyên truyền rõ, về mục tiêu, nhiệm vụ, ý nghĩa của việc người dân được hưởng lợi từ dự án; căn cứ pháp lý, trình tự hồ sơ, thủ tục thực hiện kiểm kê đất đai và tài sản trên đất (nếu có), phân tích rõ về đơn giá bồi thường, giải phóng mặt bằng đảm bảo tốt nhất cho người dân để toàn bộ người dân hiểu rõ, chia sẻ, đồng thuận phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương triển khai hồ sơ, thủ tục giải phóng mặt bằng phục vụ tái định canh gắn với việc xây dựng hạ tầng (điện, nước, giao thông) đảm bảo nhanh, gọn, để người dân sớm được nhận đất tái định canh và có điều kiện canh tác ngay và dự kiến hoàn thành trong quý II/2023.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành liên quan để công trình sớm được triển khai, hoàn thành và đưa vào khai thác, sử dụng hiệu quả.

Có thể thấy, việc nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án xây dựng Hồ thủy lợi Ta Hoét nhằm mục đích phát triển kinh tế, xã hội đã đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật. Người được hưởng lợi trực tiếp khi dự án này đi vào hoạt động chính là bà con Nhân dân trong vùng. Đồng thời khẳng định, đây là công trình công cộng và không có việc xây hồ phục vụ lợi ích của doanh nghiệp; trình tự thủ tục pháp lý để triển khai thực hiện hồ chứa nước Ta Hoét đảm bảo theo đúng các quy định hiện hành.

NHẬT MINH

 

Lượt xem: 1.483
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 004084361
  •  Đang online: 127
  •  Trong tuần: 27.211
  •  Trong tháng: 171.686
  •  Trong năm: 688.274