NÂNG CAO NĂNG LỰC LÃNH ĐẠO VÀ SỨC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐẢNG BỘ; PHÁT HUY SỨC MẠNH KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN; GIỮ VỮNG QUỐC PHÒNG - AN NINH; ĐẨY MẠNH ĐỔI MỚI, SÁNG TẠO; QUYẾT TÂM XÂY DỰNG LẠC DƯƠNG TRỞ THÀNH HUYỆN PHÁT TRIỂN KHÁ CỦA TỈNH!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THỊ VĂN MINH!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA!                                  ĐẢNG BỘ VÀ NHÂN DÂN HUYỆN LẠC DƯƠNG QUYẾT TÂM THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU ĐẢNG BỘ HUYỆN LẠC DƯƠNG LẦN THỨ XI, NHIỆM KỲ 2020 - 2025!                                 HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ CƠ HỘI ĐỂ MỖI CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN TỰ TU DƯỠNG, RÈN LUYỆN NÂNG CAO ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG!                                  TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI KIỂU MẪU, ĐÔ THI VĂN MINH!                                  QUYẾT TÂM TẬN DỤNG THỜI CƠ, VƯỢT QUA THÁCH THỨC, THỰC HIỆN THẮNG LỢI NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI TOÀN QUỐC LẦN THỨ XII CỦA ĐẢNG!
Người Đạ Sar đưa trâu về nhà In trang
16/02/2023 08:05 SA

(LĐ online) - Những bầy trâu lang thang trên đồi cỏ, cánh rừng ven núi, chui rúc giữa những khu vườn cà phê, con trâu đầu đàn hung dữ… là dấu ấn một thời của người K’Ho vùng Đạ Sar, huyện Lạc Dương với tập quán chăn thả trâu, bò tự do đã diễn ra từ nhiều đời. Hôm nay, những bầy trâu, bò đã quay trở về chuồng, mở ra một hướng chăn nuôi mới của người nông dân dưới chân núi Lang Biang.

Trâu lai có vóc dáng to và dễ cho ăn
Trâu lai có vóc dáng to và dễ cho ăn

BẦY TRÂU TỪ RỪNG VỀ NHÀ

Anh Liêng Jrang Ha Khe Ly, nông dân Thôn 1, xã Đạ Sar đang chăm sóc chuồng trâu 15 con của gia đình. Những con trâu mẹ, trâu đực, nghé con tròn quay, chậm rãi nhai những bó cỏ khô được chủ thả trong chuồng. Anh Ha Khe Ly cho biết, cũng giống như ông bà ngày xưa, anh thả bầy trâu gần 100 con trong núi. Anh thừa nhận, bản thân anh cũng không biết chính xác trong rừng, bầy trâu nhà mình đã có bao nhiêu con. Nhưng gần đây, thấy nhiều hộ xung quanh, bà con đã làm chuồng, mang trâu bò về chăn tại vườn nhà, anh cũng làm chuồng và mang 15 con về nuôi.

Thay vì đi lang thang trong rừng, bầy trâu của anh Ha Khe Ly được nuôi trong chuồng xây dựng bài bản, có máng thức ăn, nước uống, có khe thải phân, nước tiểu rất sạch sẽ. Và một vài trâu mẹ đã phối giống, đẻ ra nghé con. Có lẽ do chăn thả trong rừng, mang chút máu hoang dã, những con trâu đều to hơn trâu bình thường khá nhiều. Nghé con còn mang trên mình bộ lông rậm rạp, dấu ấn còn lại từ tổ tiên trâu rừng. Theo anh Ha Khe Ly, trên rừng trâu chỉ ăn cỏ, ít được chăm sóc nên dễ nuôi. Giờ về nhà, anh trồng thêm cỏ voi, lại mua cỏ khô nhập khẩu về cho ăn, cho thêm cả cám gạo, cám bắp nên trâu rất to, mập.

Tương tự với anh Liêng Jrang Ha Khe Ly, ông Đơng Gur Ha Lang cũng có chuồng trâu với 8 trâu cái đang tuổi sinh sản, trâu đực và cả nghé tơ. Ông Đơng Gur Ha Lang cho biết, vốn có máu trâu rừng, những con trâu của bà con đều rất to, tới 500 - 600 kg/con. Trâu mẹ mang thai 9 tháng mới sinh và nghé con phải 3 năm mới trưởng thành, chậm hơn trâu bình thường. Bù lại, những con trâu to lớn, lượng thịt nhiều, rất được thương lái ưa thích. Hiện tại, sau 3 năm nuôi, một con trâu được bán với giá 40 triệu đồng, một món tiền không nhỏ. Vì vậy, ông Đơng Gur Ha Lang đã xây dựng một khu chuồng trại lớn, chuẩn bị đưa một nửa số trâu của gia đình còn đang thả trên rừng về. Ông Đơng Gur Ha Lang chia sẻ: “Nuôi trâu trên rừng không phải cho ăn nhưng cũng mất công, phải thường xuyên lên rừng kiếm trâu, cho ăn muối. Nếu không, trâu lạ chủ, thành trâu rừng hoang luôn. Đến lúc mình bán cũng khó, phải đi tìm, rồi vây bắt cũng mệt. Giờ nuôi trong chuồng, muốn bắt lúc nào cũng được”.

THAY ĐỔI TẬP QUÁN CHĂN NUÔI

Bà Liêng Jrang K’Sáu - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đạ Sar cho biết, nông dân Đạ Sar đã dần thay đổi tập quán chăn nuôi truyền thống. Thay vì chăn thả tự do, để trâu, bò đi lang thang trong rừng, tự kiếm ăn, giờ bà con đã làm chuồng, đưa trâu về nhà. Toàn xã hiện có 25 - 30 hộ đã làm chuồng, dần dần chuyển trâu, bò về nuôi cố định. “Chăn nuôi thả tự do như ngày xưa thì không phải kiếm thức ăn cho trâu nhưng bầy trâu thường đi lang thang, phá đồng ruộng của các hộ. Thêm nữa, vẫn phải thường xuyên lên rừng thăm trâu để trâu không quên chủ, tỉ lệ mất trâu cũng có xảy ra. Vì vậy, bà con dần mang trâu về nuôi cố định và chính quyền xã rất ủng hộ sự thay đổi này”, bà đánh giá.

Theo bà K’Sáu, truyền thống chăn nuôi trâu, bò bán hoang dã được truyền từ lâu đời. Trong xã có hàng ngàn con trâu vẫn lang thang mỗi ngày trong núi. Để bà con yên tâm mang trâu về, xã hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cỏ, ủ các loại cỏ khô lên men để trâu có thức ăn. Bà cho biết, do trâu của bà con thuộc dạng trâu lai, có vóc dáng rất to nên thương lái rất thích, giá rất cao. Chỉ cần phối giống, trâu mẹ đẻ trâu con, nuôi 6 - 7 tháng là có giá 15 triệu đồng/nghé non. Vì vậy, bà con đã tích cực làm chuồng, mang trâu về nuôi cố định. Đây là bước thay đổi theo hướng tích cực của người nông dân và chính quyền xã hết sức ủng hộ.

Bà K’Sáu cũng nhận xét, với giá trâu ổn định như hiện tại, bà con đã và đang tiếp tục mở rộng chuồng nuôi, mang hết trâu từ trên rừng về nhà, chăn nuôi theo hướng tập trung. Nhiều nông hộ đã xây dựng chuồng nuôi rất quy mô, có thể nuôi hàng trăm con trâu như gia đình ông Ha Lang. Thu nhập từ bán trâu, bán phân mang lại cho người nông dân một khoản thu ổn định. Những bầy trâu lang thang trở về chuồng đang trở thành xu thế mới của người chăn nuôi Đạ Sar.

DIỆP QUỲNH

Lượt xem: 723
Liên kết website

Thống kê truy cập
  • 006425786
  •  Đang online: 89
  •  Trong tuần: 89
  •  Trong tháng: 105.699
  •  Trong năm: 105.699