Mô hình chợ 4.0 được triển khai thí điểm từ tháng 10/2022 tại chợ thị trấn Lạc Dương. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, nhà mạng Viettel đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các tiểu thương cài đặt ứng dụng Viettel Money, in mã QR, cách sử dụng,... Bước đầu triển khai rất thuận lợi, tuy nhiên, qua thời gian triển khai đã bộc lộ những khó khăn nhất định, nhiều tiểu thương và người dân chưa mặn mà.
Đa số người dân và tiểu thương vẫn giữ thói quen sử dụng tiền mặt khi thanh toán
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đa số người dân và tiểu thương chi trả tiền mặt như thói quen, chưa am hiểu và thành thạo khi sử dụng các ứng dụng không tiền mặt. Hơn nữa, thực tế không phải người dân nào cũng đăng ký các gói cước 3G, 4G, trong khi ở chợ chưa được đầu tư Wifi miễn phí. Mặt khác, đa số người dân đi chợ là lao động tự do, người dân tộc thiểu số và rất nhiều người chưa có tài khoản ngân hàng, không am hiểu công nghệ. Ngoài ra, do buôn bán ế ẩm nên nhiều tiểu thương không muốn phát sinh thanh toán qua App, trong khi đa phần tiểu thương đã có tài khoản ngân hàng nên không muốn mở tài khoản, đơn vị thanh toán khác. Chị Trần Thị Thịnh - Tiểu thương chợ thị trấn Lạc Dương cho biết: “Khách của tôi ở đây chủ yếu bà con đồng bào, lao động tự do, không có tài khoản ngân hàng, mỗi lần mua số tiền rất ít nên chủ yếu trả bằng tiền mặt”.
Hiện nay, mô hình chợ 4.0 đã được triển khai thực hiện rất hiệu quả tại nhiều địa phương. Khi tham gia “Chợ 4.0”, tiểu thương và người dân cần có Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân và số điện thoại chính chủ, sẽ được nhà mạng cung cấp dịch vụ hỗ trợ tạo tài khoản ví điện tử và hướng dẫn sử dụng giao dịch không dùng tiền mặt. Sau đó, tại các “Chợ 4.0”, người tiêu dùng có thể thanh toán tiền mua hàng bằng quét mã QR qua tài khoản Viettel Money, VNPT Money, tài khoản của các ngân hàng. Việc quét mã QR để thanh toán giúp cho người dân tránh được những rủi ro như tiền rách, tiền giả hay đổi tiền lẻ trả lại cho khách. Với những tiện ích này, một số tiểu thương tại chợ thị trấn Lạc Dương cũng muốn tham gia. Tuy nhiên, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân vẫn là vấn đề đáng quan tâm, nếu thực hiện được cần phải có thời gian.
Chị Nguyễn Thị Nga - Tiểu thương chợ thị trấn Lạc Dương bày tỏ: “Gần như khách của tôi khi đến mua hàng vẫn dùng tiền mặt. Cũng có vài người nói chuyển khoản nhưng thao tác không đúng hay sao mà họ vẫn phải trả bằng tiền mặt. Tôi thấy, phương thức thanh toán mới này cũng hay nhưng chủ yếu khách hàng áp dụng là cán bộ, công nhân viên, người trẻ tuổi. Tôi nghĩ, cần có thêm thời gian cũng như đơn vị triển khai cần tăng cường tuyên truyền để bà con quen với cách thanh toán mới này”.
Mô hình chợ 4.0 là xu hướng trong kỷ nguyên số, nâng cao tính chính xác, thuận tiện và nhanh chóng trong giao dịch mua bán, tăng tính minh bạch trong các khoản thanh toán, chi tiêu và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử. Để chợ 4.0 hiệu quả, thay đổi lối suy nghĩ cầm tiền mặt trong tay mới an toàn, điều cần làm là đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức về thanh toán không dùng tiền mặt - nhất là vấn đề an toàn thông tin, bảo mật của dịch vụ tài chính số để người dùng yên tâm, cởi mở hơn với các ứng dụng hỗ trợ thanh toán.
Đặc biệt, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của chính quyền, đoàn thể bằng việc khuyến khích cán bộ, công nhân viên là người tiên phong sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt; áp dụng quy định đối với các hộ kinh doanh, tiểu thương phải có điểm chấp nhận thanh toán 4.0, mã QR để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt. Tuyên truyền theo hướng “mưa dầm thấm lâu”, làm từng bước, nhiều nhà mạng cùng làm một lúc và triển khai từ dễ đến khó, không chỉ dừng lại ở chợ mà còn tỏa ra ở các cơ sở, hộ kinh doanh, địa điểm ăn uống hội tụ đủ điều kiện.
Phạm Phương