Khi ứng dụng “Phản ánh hiện trường” được đưa vào sử dụng từ tháng 5/2022 đến nay, Trung tâm Giám sát và Điều hành thông minh huyện Lạc Dương (Trung tâm IOC Lạc Dương) đã tiếp nhận và phối hợp giải quyết hàng trăm thông tin phản ánh của người dân. Qua đó, các cấp chính quyền đã nhanh chóng xử lý kịp thời các vấn đề bức xúc của người dân theo đúng quy định pháp luật.
Một trong những phản ánh của người dân được gửi đến trung tâm IOC Lạc Dương
Đây là một trong những nội dung phản ánh của người dân xã Lát được gửi đến Trung tâm IOC Huyện Lạc Dương thông qua ứng dụng “Lạc Dương Smart” được người dùng cài đặt trên điện thoại di động thông minh. Phía dưới nội dung phản ánh là phần trả lời của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạc Dương và UBND xã Lát được Trung tâm IOC Lạc Dương đăng tải công khai trong Phân hệ “Phản ánh hiện trường” của ứng dụng.
Phần trả lời của Cơ quan chuyên môn được Trung tâm IOC đăng tải trong ứng dụng
Không chỉ tiếp nhận phản ánh của người dân mà thông qua các Camera tầm cao và Camerra giám sát an ninh, Trung tâm IOC Lạc Dương cũng đã ghi nhận và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý nhiều vấn đề “nóng” tại địa phương. Đơn cử như hình ảnh cháy rừng xảy ra vào lúc 13g47 phút ngày 7/11/2022 tại Thôn Klong Klanh xã vùng sâu Đạ Chais đã được tổ vận hành trung tâm IOC phát hiện và kiến nghị xử lý chữa cháy kịp thời thông qua cammera giám sát tầm cao.
Các thông tin phản ánh của người dân được Tổ vận hành trung tâm IOC Lạc Dương tiếp nhận, phân phối, xử lý hiệu quả
“Phản ánh hiện trường” là 1 trong 13 phân hệ của ứng dụng “Lạc Dương Smart” được UBND huyện Lạc Dương triển khai nhằm tiếp nhận các phản ánh của người dân. Tuy mới đi vào hoạt động được 01 năm, số người biết đến và đăng ký sử dụng ứng dụng còn chưa nhiều, khoảng gần 1.000 người nhưng bước đầu đã mang lại hiệu quả tích cực. Thông qua các thông tin, hình ảnh được người dân và trung tâm IOC phản ánh đã có nhiều vụ việc được cơ quan chức năng tiếp nhận, xử lý theo đúng quy định pháp luật. Những vụ việc như: xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai, xây dựng trái phép, trật tự an toàn giao thông hay xác minh để xử lý những vi phạm liên quan đến môi trường - mỹ quan đô thị đã trở nên thường xuyên hơn khi người dân phản ánh qua ứng dụng “Lạc Dương Smart”. Ông Phạm Năng Trung, Tổ phó tổ vận hành trung tâm IOC Lạc Dương cho biết: “từ ngày 19/5/2022 đến 15/7/2023, trung tâm, đã nhận được 170 lượt phản ánh với các nội dung thuộc lĩnh vực về: quản lý đô thị; rừng, đất đai, tài nguyên - môi trường; an toàn giao thông, an ninh trật tự; kinh tế; văn hóa, thông tin, du lịch và lĩnh vực khác. Tùy theo từng nội dung mà các phản ánh được chia theo mức độ “khẩn” và “bình thường”. Khi có phản ánh thực sự khẩn, Tổ vận hành trung tâm IOC sẽ gọi cho đường dây nóng xử lý trực tiếp trong vòng 24 giờ, với phản ánh bình thường sẽ được tiếp nhận, phân phối và xử lý từ 3 - 7 ngày. Thông tin cá nhân của người phản ánh được cơ quan chức năng giữ kín để bảo vệ quyền riêng tư, tránh gây phiền hà cho người dân”.
Khi có vấn đề cần phản ánh, người dân chỉ việc đăng nhập vào ứng dụng “Lạc Dương Smart” và vào mục “Phản ánh hiện trường” để nhập nội dung, hình ảnh, thông tin liên hệ của cá nhân. Ngay lập tức, toàn bộ thông tin, hình ảnh, nội dung, địa điểm được phản ánh sẽ được Trung tâm IOC Lạc Dương tiếp nhận, phân phối và chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xử lý, sau đó phản hồi với người dân trong khoảng thời gian quy định.
Là một trong những đơn vị nhận được nhiều phản ánh của người dân về các vấn đề bức xúc tại địa phương, thời gian qua, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạc Dương đã phối hợp xử lý hiệu quả nhiều vấn đề liên quan đến các lĩnh vực của đơn vị, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm của các cơ quan xử lý, từng bước đáp ứng được yêu cầu cao hơn cuộc sống của người dân. Ông Hoàng Văn Hãnh, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lạc Dương chia sẻ: “ khi nhận được thông tin từ Trung tâm IOC, cán bộ của Phòng phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý các phản ánh của người dân. Sau đó, lãnh đạo phòng xem lại nội dung, nếu vụ việc được giải quyết thỏa đáng sẽ phê duyệt kết quả, khi chưa đạt yêu cầu sẽ chỉ đạo xử lý lại cho phù hợp”.
Với những kết quả bước đầu, có thể xem ứng dụng “Phản ánh hiện trường” như một kênh giao tiếp nối dài của chính quyền với người dân; đồng thời là kênh tương tác đa chiều, kết quả xử lý được công khai, minh bạch và cho phép người dân đánh giá kết quả, tạo lòng tin trong nhân dân. Thực tế cho thấy, trước đây, người dân còn ngại đến cơ quan chức năng phản ánh nhưng qua ứng dụng “Lạc Dương Smart”, người dân đã mạnh dạn hơn khi phản ánh các vấn đề bức xúc, nổi cộm tại địa phương. Qua kênh thông tin này còn thể hiện tinh thần cầu thị của chính quyền Lạc Dương trong việc lắng nghe và giải quyết những phản ánh của người dân, góp phần giảm tỷ lệ đơn thư khiếu nại, tố cáo và nâng cao hiệu quả năng lực quản lý nhà nước. Từ đó góp phần thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số gắn với xây dựng đô thị thông minh ở Lạc Dương.
N.H